Khái niệm, đặc điểm quản lý người lao động nước ngoài. Mục tiêu của quản lý người lao động nước ngoài. Mô hình quản lý lao động nước ngoài.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm, đặc điểm quản lý người lao động nước ngoài:
1.1. Khái niệm quản lý người lao động nước ngoài:
Hiện nay, nhu cầu về lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam ngày càng tăng trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, với chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ của Đảng và nhà nước ta. Di chuyển lao động nước ngoài là xu thế tất yếu đối với mỗi quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế. Trong quá trình hội nhập, việc tiếp nhận lao động nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam sẽ mang lại nhiều cơ hội và thách thức cho Việt Nam.
Hiểu một cách chung nhất thì quản lý là sự tác động của chủ thể quản lý lên đối tượng quản lý nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Khi nhà nước xuất hiện thì phần lớn các công việc quản lý đối với xã hội do nhà nước đảm nhiệm. Từ đó xuất hiện một hình thức quản lý xã hội mới, đó là hoạt động quản lý nhà nước. Quản lý nhà nước là hình thức quản lý xã hội sâu rộng nhất, quan trọng nhất, có hiệu lực và ảnh hưởng quyết định nhất đối với xã hội.
Hoạt động của quản lý nhà nước tiếp cận với nghĩa rộng nhất bao gồm: hoạt động lập pháp của cơ quan lập pháp, hoạt động hành chính (chấp hành và điều hành) của hệ thống hành pháp và hoạt động tư pháp của hệ thống tư pháp. Quản lý nhà nước được tiếp cận theo hai khía cạnh là theo nghĩa rộng và theo nghĩa hẹp. Quản lý nhà nước được đề cập trong luận văn này là khái niệm quản lý nhà nước theo nghĩa hẹp. Theo đó, quản lý nhà nước bao gồm toàn bộ các hoạt động từ ban hành các văn bản luật, các văn bản mang tính luật đến việc chỉ đạo trực tiếp hoạt động của đối tượng bị quản lý và thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với đối tượng quản lý của nhà nước.
Trong hoạt động quản lý, với mục đích nhằm bảo đảm quản lý nhà nước, những người lao động không có quốc tịch tại nước sở tại được hiểu là lao động nước ngoài. Trong khi tiến hành quản lý, đối với từng loại đối tượng bị quản lý người quản lý cần phân loại để sử dụng các phương thức quản lý khác nhau. Vì vậy pháp luật dựa trên căn bản từng đối tượng bị quản lý để thiết lập các quy chế pháp lý khác nhau cho từng đối tượng này. Nếu hiểu quản lý là một quá trình tác động của chủ thể quản lý tới đối tượng bị quản lý nhằm các mục đích quản lý, thì có thể định nghĩa như sau: Quản lý lao động nước ngoài là một quá trình tác động của chủ thể quản lý vào quan hệ lao động giữa một bên là người sử dụng lao động và một bên là người lao động không phải là công dân nước sở tại (nơi tiến hành hoạt động quản lý) làm việc tại nước sở tại có hoặc không hưởng lương trong một khoảng thời gian nhất định.
1.2. Đặc điểm của quản lý người lao động nước ngoài:
Lao động nước ngoài là một đối tượng đặc biệt, do đó, quản lý lao động nước ngoài có những đặc điểm riêng, bao gồm:
Đặc điểm thứ nhất, quản lý lao động nước ngoài là một quá trình gắn bó chặt chẽ với việc bảo vệ quyền con người và có tính quốc tế sâu sắc. Có quan điểm cho rằng, về cơ bản, quyền con người trong lao động là những quyền con người liên quan đến điều kiện lao động và điều kiện sử dụng lao động, bao gồm việc làm, tiền lương, an toàn lao động, hoạt động công đoàn, an sinh xã hội nói chung và bảo hiểm nói riêng. Mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động nếu được hiểu là bao gồm các nội dung liên quan tới điều kiện lao động và điều kiện sử dụng lao động, thì quá trình tác động của chủ thể quản lý lên các điều kiện lao động và sử dụng lao động liên quan tới vấn đề người lao động mà những người này không phải là công dân của nước sở tại được hiểu là quản lý lao động nước ngoài làm việc tại nước sở tại.
Vì vậy quản lý lao động nước ngoài có mối liên quan tới mối quan hệ quốc tế và việc bảo vệ quyền con người. Ở Việt Nam hiện nay vấn đề lao động di trú có tầm quan trọng lớn trong chính sách kinh tế và chính sách ngoại giao. Thực hiện các cam kết quốc tế về lao động, hoạt động quản lý nhà nước đối với người lao động nước ngoài ở Việt Nam hướng đến bảo vệ quyền của những người lao động nước ngoài. Đây là đặc điểm quan trọng không chỉ liên quan đến thiết kế chính sách, thiết lập cơ chế quản lý, xây dựng pháp luật về quản lý nhà nước đối với người lao động nước ngoài mà còn liên quan đến các hoạt động tác nghiệp quản lý cụ thể.
Đặc điểm thứ hai, quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là một quá trình liên quan tới nhiều ngành, tất cả các địa phương và nhiều quan hệ lao động. Để bảo đảm người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có nhiều vấn đề quản lý nhà nước phải đặt ra như: nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, cấp phép lao động, điều kiện lao động và sử dụng lao động, việc làm, giáo dục, y tế, công đoàn, bảo hiểm xã hội, an ninh, trật tự … Người lao động nước ngoài có thể làm việc, cư trú, đi lại, nghỉ ngơi ở tất cả các địa phương trong cả nước và họ có thể tham gia vào nhiều quan hệ lao động khác nhau kể cả lao động giản đơn hay lao động đòi hỏi trình độ cao. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước đối với người lao động nước ngoài bao gồm nhiều cơ quan khác nhau trong bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương. Mỗi cơ quan sẽ được giao thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn riêng phù hợp với từng đặc thù trong hoạt động quản lý nhà nước đối với người lao động nước ngoài.
2. Mục tiêu của quản lý người lao động nước ngoài:
Việc không thể phủ nhận được sự xuất hiện của lao động nước ngoài tại nước sở tại đã dẫn đến sự cần thiết xác định các mục tiêu của việc quản lý lao động nước ngoài sau khi có sự xem xét tới các đặc điểm của quản lý lao động nước ngoài.
Một là, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài một cách hợp lý. Việc phát triển kinh tế dẫn tới việc sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân ngày càng phát triển, từ đó đòi hỏi thêm nhiều lao động, đặc biệt là ở các ngành nghề, lĩnh vực mà lực lượng lao động trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Việc đưa các lao động từ nước ngoài là cần thiết để đáp ứng được nhu cầu này. Ở Việt Nam, việc mở cửa thị trường lao động đã tạo điều kiện cho nhiều lao động Việt Nam sang nước ngoài làm việc, đồng thời cũng dẫn tới việc số lượng lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc ngày một tăng. Khi đến Việt Nam làm việc, những lao động nước ngoài này không chỉ có quan hệ lao động với người sử dụng lao động, mà còn phát sinh nhiều quan hệ khác có liên quan tới lợi ích của toàn xã hội, dù mục tiêu chính của lao động nước ngoài là làm việc tại một nơi cụ thể cho người sử dụng lao động. Do đó việc điều chỉnh pháp luật đối với quan hệ lao động với người nước ngoài là cần thiết nhằm quản lý và sử dụng một cách hiệu quả nguồn lao động này, cũng như gắn kết việc sử dụng lao động nước ngoài với lợi ích chung cho việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Hai là, quản lý lao động nước ngoài với mục đích là gắn việc sử dụng lao động nước ngoài của từng người sử dụng lao động với lợi ích chung của toàn xã hội. Có rất nhiều mối quan hệ khác phát sinh khi người lao động nước ngoài làm việc tại nước sở tại. Đó không chỉ là mối quan hệ hợp đồng giữa người lao động nước ngoài với người sử dụng lao động mà từ đó có những mối quan hệ của họ và gia đình họ sinh sống tại nước sở tại liên quan tới lợi ích của toàn xã hội. Tuy nhiên mục tiêu chủ yếu của họ là việc làm tại một nơi cụ thể của một người sử dụng lao động cụ thể. Do đó việc gắn kết giữa việc sử dụng lao động nước ngoài của từng người sử dụng lao động với lợi ích chung của toàn xã hội là một mục tiêu phải được đặt ra cho hoạt động quản lý lao động nước ngoài. Mục tiêu này góp phần thiết kế các chính sách và ban hành các quy tắc pháp luật phù hợp, đồng thời bảo đảm cho sự thi hành các chính sách và pháp luật liên quan bởi hơn ai hết người sử dụng lao động gần gũi nhất với người lao động nước ngoài.
3. Mô hình quản lý lao động nước ngoài:
Mô hình quản lý đối với lao động nước ngoài bao gồm các thành tố chủ yếu sau: Mô hình tổ chức quản lý, phân loại đối tượng quản lý và nội dung chủ yếu của hoạt động quản lý, cụ thể:
Thứ nhất, về mô hình tổ chức quản lý:
Mô hình tổ chức quản lý được xuất phát từ hai vấn đề chủ yếu của lao động nước ngoài để đưa ra mô hình tổ chức quản lý ở các nước, đó là vấn đề nhập cư của người lao động nước ngoài và vấn đề điều kiện lao động và sử dụng lao động đối với người lao động nước ngoài. Vì vậy, thuật ngữ “lao động nhập cư” rất thích hợp với quản lý lao động nhìn từ góc độ của Nhà nước. Bảo đảm chủ quyền quốc gia và an ninh chính trị cũng như bảo đảm quyền của người nhập cư mà trong đó có cả bảo vệ quyền con người có mối liên quan trực tiếp đến vấn đề nhập cư. Do đó, nhà chức trách về nhập cư hay xuất nhập cảnh quốc gia có thẩm quyền về vấn đề này. Các nhà chức trách hoạt động quản lý theo các nguyên tắc pháp luật về quản lý lao động nước ngoài để đảm bảo các điều kiện về lao động và sử dụng lao động. Hoạt động quản lý của nhà chức trách lao động phải nhằm tới các mục tiêu như: Đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài một cách hợp lý; gắn việc sử dụng lao động nước ngoài của từng người sử dụng lao động với lợi ích chung của toàn xã hội; các vấn đề liên quan tới an ninh nội địa, về văn hóa, về cư trú, về y tế, về giáo dục… Vì vậy, quá trình quản lý lao động nước ngoài thì các nhà chức trách có thẩm quyền ở trung ương và địa phương đều phải có trách nhiệm tham gia.
Thứ hai, về phân loại đối tượng quản lý:
Để lựa chọn phương thức quản lý thích hợp thì việc phân loại đối tượng bị quản lý có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Dựa trên các căn cứ có nhiều cách thức phân loại khác nhau như: dựa vào tính chất hợp pháp hay bất hợp pháp của việc nhập cư; dựa vào yêu cầu cần hay không cần xin giấy phép lao động; dựa vào trình độ chuyên môn hoặc tay nghề của lao động nước ngoài…
Để bảo đảm thực hiện mục tiêu đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài được hợp lý thì việc phân loại đối tượng quản lý có liên quan tới chính sách việc làm của quốc gia. Với mong muốn thu hút lao động có trình cao từ các nước phát triển, những nước đang phát triển do nhu cầu về vốn đầu tư lớn và công nghệ cao từ nước ngoài đã có những chính sách hấp dẫn thu hút người lao động. Còn ở các nước phát triển, nhiều công việc giản đơn như lau rửa, vệ sinh… người bản xứ không muốn làm, nên thường có chính sách thông thoáng với người lao động giản đơn.
Thứ ba, nội dung chủ yếu của hoạt động quản lý:
Những nội dung quản lý đặc thù có liên hệ trực tiếp tới quan hệ lao động nhập cư thường được nhắc tới khi bàn luận về nội dung của hoạt động quản lý lao động nước ngoài. Quản lý người nước ngoài lao động tại Việt Nam bao gồm các phương diện: Ban hành quy định về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; quy định về cơ sở tuyển dụng, sử dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, trong đó đặc biệt là xác định tư cách của người sử dụng, của nhà tuyển dụng người nước ngoài; các thủ tục pháp lý, hồ sơ đảm bảo cho người nước ngoài khi làm việc tại Việt Nam; các thủ tục về cấp giấy phép, gia hạn giấy phép, cấp lại giấy phép lao động và việc sử dụng giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; quy định việc thanh tra, xử lý vi phạm liên quan tới người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Như vậy, nội dung chủ yếu của hoạt động quản lý nhà nước đối với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bao gồm: thiết lập hệ thống tổ chức; ban hành chính sách các quy tắc pháp luật và các tiêu chuẩn liên quan tới quản lý lao động nước ngoài; kiểm tra và xác nhận việc cho phép hay không cho phép lao động tại nước sở tại; bảo đảm các chính sách, quy tắc pháp luật và các tiêu chuẩn liên quan được thực hiện liên quan tới quản lý lao động nước ngoài; giải quyết các mâu thuẫn và tranh chấp theo thẩm quyền; hỗ trợ người sử dụng lao động nước ngoài trong các trường hợp; trục xuất đối với những lao động nước ngoài theo pháp luật.
Thứ tư, về cơ chế liên hệ giữa các bộ phận trong tổ chức quản lý:
Trong hệ thống quản lý lao động nước ngoài, pháp luật của nước sở tại quy định về cơ chế
quan hệ giữa các bộ phận. Pháp luật của nước sở tại sẽ ấn định một số đặc thù. Mối liên hệ giữa nhà chức trách nhập cư với nhà chức trách lao động và với nhà chức trách địa phương là mối quan hệ tay ba trong quản lý lao động nước ngoài vì vậy cần chú ý nhất do trong hoạt động quản lý thì ba nhà chức trách này đều trực tiếp quản lý lao động nước ngoài. Do đó, mối liên hệ tay ba giữa ba nhà chức trách pháp luật không thể không quy định về mối liên hệ này.
Thứ năm, các phương thức quản lý:
Tùy thuộc vào đối tượng quản lý mà các phương thức quản lý khác nhau được sử dụng. Trường hợp đối với sinh viên làm thêm kiếm tiền ở một số nước phát triển, ở mỗi quốc gia người ta đều quy định số giờ mà mỗi sinh viên được lao động, làm thêm trong một tuần. Vì thế, đối tượng sinh viên này được quản lý theo các qui định tổng quát cho phép mà không cần thiết phải cấp phép lao động. Phương thức quản lý đối với sinh viên là kiểm tra đột xuất và nhận thông tin từ các phản ánh. Có thể thấy rằng việc cấp phép trong trường hợp này là không cần thiết vì sẽ bất hợp lý gây tốn kém và sẽ gia tăng biên chế nhân viên nhà nước bởi cấp phép là một phương thức quản lý riêng biệt đòi hỏi phải có xem xét đến tiêu chuẩn riêng biệt của người được cấp phép. Tuy nhiên đối với những trường hợp người lao động là người chuyển lao động trong một ngành nghề thì việc cấp phép là phương thức quản lý quan trọng. Những người lao động này cạnh tranh việc làm thường xuyên với lao động bản xứ và hơn nữa những việc làm này làm phát sinh nhiều quan hệ xã hội khác như bảo hiểm xã hội, quan hệ công đoàn…
Hiện nay có hai phương thức chủ yếu quản lý lao động thường xuyên. Đó là cho phép lao động theo mô hình Đức và hệ thống huấn luyện lao động nước ngoài (foreign workers trainee system) theo mô hình Nhật Bản. Mô hình sau này có mục đích kết hợp giữa huấn luyện kỹ thuật cho lao động nước ngoài với lao động ở trình độ kỹ thuật thấp mà còn được gọi là huấn luyện và lao động (training-and-employment).