Khái niệm, đặc điểm của hình phạt trong pháp luật hình sự. Có bao nhiêu loại hình phạt? Hình phạt có những đặc trưng gì?
Mục lục bài viết
1. Khái niệm về hình phạt:
Pháp luật hình sự Việt Nam dựa trên nền tảng của chủ nghĩa Macxit, tiếp thu những thành tựu của khoa học luật hình sự thế giới, những tư tưởng tiến bộ, nhân đạo về hình phạt. Luật hình sự Việt Nam xác định hình phạt “là một công cụ hữu hiệu để bảo vệ lợi ích của xã hội và của Nhà nước”. Khoa học pháp lý hình sự Việt Nam tồn tại những định nghĩa khác nhau về hình phạt, mỗi tác giả có thể diễn đạt khác nhau, nhấn mạnh các khía cạnh khác nhau của hình phạt.
Theo đó, định nghĩa hình phạt trên cơ sở khái quát các đặc trưng của hình phạt và xác định mục đích hình phạt gồm có: “trừng trị, giáo dục, cải tạo người phạm tội”. Cách định nghĩa này dựa trên nền tảng “là sự kết hợp của hai học thuyết trừng trị và học thuyết vị lợi nhưng chưa nhấn mạnh sự ưu tiên của học thuyết vị lợi; Mặc khác, định nghĩa hình phạt trên cơ sở xác định đặc trưng của hình phạt và xác định mục đích giáo dục, cải tạo người phạm tội”.
Cách định nghĩa nêu trên quan niệm trừng trị “là nội dung cùng với các biện pháp khác để đạt được mục đích cải tạo, giáo dục phòng ngừa riêng và chung, không nên lẫn lộn giữa mục đích và biện pháp để đạt được mục đích đó”. Định nghĩa này xác định hình phạt có mục đích cải tạo, giáo dục người phạm tội, phòng ngừa tội phạm nghĩa là dựa trên nền tảng học thuyết vị lợi uy tồn tại hai quan điểm khác nhau trong khoa học nhưng quan điểm chi phối trong pháp luật hình sự Việt Nam là quan điểm thứ nhất.
Theo PGS.TS. Trịnh Quốc Toản cho rằng:
Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc của Nhà nước, được luật quy định, do Tòa án áp dụng đối với người bị kết án và được thể hiện ở việc tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của họ nhằm giáo dục, cải tạo họ và phòng ngừa tội phạm, bảo đảm cho luật hình sự thực hiện được nhiệm vụ bảo vệ và đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Còn GS.TS Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng:
Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất được quy định trong luật hình sự, do Tòa án áp dụng cho chính người đã thực hiện tội phạm, nhằm trừng trị và giáo dục họ, góp phần vào việc đấu tranh phòng và chống tội phạm, bảo vệ chế độ và trật tự xã hội cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Còn theo GS.TSKH Lê Văn Cảm cho rằng:
Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quyết định trong bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của Tòa án để tước bỏ hay hạn chế quyền, tự do của người bị kết án theo các quy định của pháp luật hình sự.
Đối với
Tuy nhiên, quan niệm hiện đại về học thuyết hình phạt đã phát triển các nội dung của học thuyết vị lợi thành các học thuyết độc lập nhằm xác định cụ thể mục đích ưu tiên trong chính sách hình phạt. Pháp luật hình sự các nước đang có xu hướng chuyển trọng tâm vào mục đích cải tạo, giáo dục người phạm tội. Khoa học pháp lý hình sự Việt Nam tuy kết hợp các học thuyết hình phạt nhưng chưa nhấn mạnh sự ưu tiên trong từng mục đích cụ thể.
Để phù hợp lý luận và quy định của pháp luật hình sự về hình phạt, quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong yêu cầu cải cách tư pháp, cần xác định mục đích giáo dục, cải tạo người phạm tội là mục đích ưu tiên của hình phạt, là điểm tựa chính trong chính sách hình phạt nhằm phát huy tối đa hiệu quả trong công cuộc đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Định nghĩa khoa học về hình phạt cần làm rõ các đặc trưng và mục đích của hình phạt, trong đó nhấn mạnh mục đích ưu tiên nhằm đảm bảo nhất quán chính sách hình sự. Bên cạnh đó, cần phân biệt mục đích của hình phạt đối với người phạm tội và pháp nhân thương mại phạm tội.
Vì vậy, luận văn đưa ra định nghĩa khoa học về hình phạt như sau: “Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nhà nước nghiêm khắc nhất được quy định trong luật hình sự, do Tòa án áp dụng cho chính chủ thể của tội phạm theo thủ tục tố tụng hình sự nhằm răn đe, ngăn ngừa, phòng ngừa người phạm tội tiếp tục thực hiện tội phạm và nhằm mục đích cao nhất là cải tạo, giáo dục họ tuân thủ pháp luật, qua đó ngăn ngừa, giáo dục ý thức pháp luật cho những người khác trong xã hội, góp phần đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.”
2. Đặc điểm của hình phạt:
Tuy tồn tại các học thuyết hình phạt khác nhau nhưng phần lớn các nhà khoa học lại dễ dàng thống nhất được các đặc trưng cơ bản của hình phạt.
“Khoa học pháp lý hình sự phương Tây thừa nhận và ủng hộ rộng rãi năm đặc trưng của hình phạt do H.L.A. Hart đưa ra bởi nó chứa đựng những hạt nhân hợp lý về hình phạt”. Khoa học pháp lý hình sự Việt Nam trên cơ sở tiếp thu các giá trị tiến bộ của Luật hình sự thế giới đã xác định hình phạt bao gồm 4 đặc trưng:
Thứ nhất, hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước.
Tính chất nghiêm khắc nhất của hình phạt được thể hiện ở nội dung tước hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội và hậu quả của án tích. Mức độ nghiêm khắc của từng loại hình phạt phụ thuộc vào tính chất và mức độ các quyền và lợi ích bị tước hoặc hạn chế. Tính chất nghiêm khắc của hình phạt phải cao hơn hẳn các biện pháp trách nhiệm pháp lý khác như trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính và trách nhiệm kỷ luật. Hình phạt tuy nghiêm khắc nhưng không được mở ra đến vô hạn, không bao hàm việc gây đau đớn về thể xác hoặc hạ thấp danh dự, nhân phẩm, không tước các quyền nhân thân của người phạm tội. Các quyền, lợi ích của người phạm tội bị hình phạt tước hoặc hạn chế gồm: Quyền sống trong trường hợp đặc biệt; quyền tự do thân thể, quyền tự do đi lại và cư trú; Quyền bầu cử, ứng cử, quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước, quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân; Quyền tự do hành nghề hoặc làm công việc nhất định mà pháp luật không cấm; Quyền sở hữu đối với tài sản.
Thứ hai, hình phạt là biện pháp cưỡng chế được quy định trong luật hình sự và do Tòa án quyết định áp dụng bằng bản án kết tội có hiệu lực pháp luật đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội.
Đặc trưng này xuất phát từ yêu cầu của nguyên tắc pháp chế, là cơ sở để đảm bảo quyền của người phạm tội đồng thời thể hiện tính nghiêm khắc của hình phạt. Đặc trưng này nhằm bảo đảm quyền của người phạm tội chỉ bị áp dụng hình phạt trong giới hạn cần thiết theo đúng sự chỉ định chặt chẽ của pháp luật, tránh sự tùy tiện của người áp dụng pháp luật. Đồng thời cũng thể hiện sự nghiêm khắc của hình phạt để thực hiện được chức năng là công cụ quyền lực của Nhà nước trong đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.
Điều 102 Hiến pháp năm 2013 quy định “Tòa án là cơ quan duy nhất có chức năng xét xử” nên là cơ quan duy nhất có thẩm quyền áp dụng hình phạt cho người phạm tội. Tòa án áp dụng hình phạt phải theo một trình tự thủ tục đặc biệt, chặt chẽ được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự. Đặc điểm này xuất phát từ tính chất công của quan hệ pháp luật hình sự – “là quan hệ giữa nhà nước và người phạm tội”, trong quan hệ đó suy cho cùng người phạm tội đã có hành vi xâm phạm các quan hệ xã hội được Nhà nước bảo vệ nên họ phải chịu hậu quả pháp lý bất lợi mà Nhà nước quy định.
Hình phạt do Tòa án quyết định phải được tuyên một cách công khai bằng một bản án và phải là kết quả của một phiên tòa xét xử hình sự với đủ trình tự thủ tục do Luật tố tụng hình sự quy định. Việc Luật hình sự quy định hình phạt do Tòa án quyết định là bảo đảm sự thận trọng, khách quan toàn diện và để tránh oan, sai và như vậy phù hợp với chuẩn mực chung của quốc tế
Thứ ba, hình phạt chỉ áp dụng đối với chính chủ thể thực hiện tội phạm, bởi trách nhiệm hình sự là loại trách nhiệm không thể thay thế hoặc chuyển giao. Khi tội phạm do cá nhân, pháp nhân thương mại thực hiện thì hình phạt cũng chỉ được áp dụng cho chính cá nhân, pháp nhân thương mại đó.
Thứ tư, hình phạt được áp dụng độc lập và mỗi tội phạm chỉ được tuyên một hình phạt chính.
3. Mục đích của hình phạt:
Bàn luận về mục đích của hình phạt là vấn đề kinh điển trong khoa học pháp lý hình sự, sự xuất hiện các học thuyết về hình phạt là để biện minh cho việc hình phạt được đặt ra và áp dụng nhằm vào những mục đích gì. Mỗi học thuyết đặt vấn đề với các mục đích khác nhau về hình phạt sẽ dẫn đến việc thiết kế các hình phạt trong hệ thống hình phạt và cách thức thi hành trên thực tế khác nhau.
Hiện nay, pháp luật hình sự của các nước thường không tuyệt đối hóa một mục đích cụ thể nào mà là kết hợp các mục đích của hình phạt. Khoa học pháp lý hình sự Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn thống nhất quan điểm về mục đích trừng trị của hình phạt. Tuy nhiên, thừa nhận hình phạt có mục đích trừng trị bên cạnh mục đích cải tạo, giáo dục người phạm tội là quan điểm chi phối trong hoạt động lập pháp hình sự thể hiện xuyên suốt qua ba Bộ luật hình sự năm 1985, năm 1999 và năm 2015. Theo đó, khoa học pháp luật hình sự Việt Nam xác định hình phạt có hai mục đích sau:
Mục đích phòng ngừa riêng là “kết quả mà nhà nước mong muốn đạt được khi dùng hình phạt tác động trực tiếp lên người phạm tội” bao gồm các nội dung: Răn đe, trừng trị người phạm tội; Cải tạo, giáo dục người phạm tội; Ngăn ngừa người bị kết án phạm tội mới.
Mục đích phòng ngừa chung là “kết quả mà nhà nước mong muốn đạt được khi dùng hình phạt tác động đối với cộng đồng xã hội”. Mục đích phòng ngừa chung của hình phạt thể hiện ở các nội dung: Răn đe những người có tâm lý “không vững vàng” trong xã hội; Giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật của người dân, nâng cao ý thức đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.
Khoa học pháp lý hình sự tồn tại các học thuyết khác nhau về hình phạt nhưng đều thừa nhận bản chất của hình phạt là phải mang đến sự bất lợi cho người phạm tội thể hiện ở việc tước hoặc hạn chế các quyền, lợi ích của người phạm tội. Tuy nhiên, sự nghiêm khắc của hình phạt hay nội dung, phạm vi, mức độ của việc tước hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội phụ thuộc vào việc thừa nhận các mục đích của hình phạt hoặc mục đích được ưu tiên.
Khoa học luật hình sự Việt Nam đã kế thừa những giá trị, tư tưởng tiến bộ của nhân loại về lý luận hình phạt, quy định về hình phạt của pháp luật hình sự Việt Nam dựa trên nền tảng kết hợp của cả hai học thuyết. Theo cách tiếp cận hiện nay khi thừa nhận có bốn học thuyết hình phạt cần xác định học thuyết nào là chủ đạo, đó là phòng ngừa, ngăn ngừa hay cải tạo người phạm tội. Xu hướng kết hợp nhiều học thuyết hình phạt trong quy định hình phạt là xu hướng phổ biến hiện nay trên thế giới, và ngày càng có nhiều quốc gia chuyển trọng tâm vào học thuyết cải tạo người phạm tội.