Khái niệm và đặc trưng của bảo đảm quyền con người trong ứng dụng công nghệ sinh học.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm bảo đảm quyền con người:
Bảo đảm quyền con người là việc tạo ra các điều kiện cần thiết về chính trị, kinh tế, xã hội, pháp lý để các cá nhân, tổ chức thực hiện được các quyền, tự do, lợi ích chính đáng của họ đã được pháp luật ghi nhận. Từ góc nhìn của khoa học luật học, bảo đảm pháp lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và mang tính quyết định, là cốt lõi, là sự thể chế hóa các bảo đảm chính trị, kinh tế, xã hội, tổ chức thành các chuẩn có tính bắt buộc mà nhà nước và xã hội phải thực hiện để bảo đảm các quyền con người. Các bảo đảm pháp lý rất đa dạng, phong phú, trước hết là sự ghi nhận các quyền con người đến việc tạo ra các điều kiện pháp lý, các điều kiện về tổ chức, mực thiết lập cơ chế, bộ máy chuyên trách bảo đảm các quyền con người.
Bảo đảm quyền con người trong ứng dụng công nghệ sinh học được hiểu là việc duy trì, gìn giữ và thực hiện được đầy đủ những gì cần thiết nhằm đảm bảo nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có và khách quan của con người trong việc ứng dụng công nghệ sinh học. Hay nói cách khác, đó là những bảo đảm pháp lý có tác dụng bảo vệ con người, chống lại những tác động hoặc rủi ro có thể làm tổn hại đến quyền, nhân phẩm, lợi ích và sự tự do cơ bản của con người trước các sản phẩm của ứng dụng công nghệ sinh học tạo ra.
2. Đặc trưng bảo đảm quyền con người trong ứng dụng công nghệ sinh học:
Thứ nhất, bảo đảm quyền con người trong ứng dụng công nghệ sinh học mang tính đạo đức sâu sắc
Tại sao lại đặt vấn đề đạo đức trong lĩnh vực công nghệ sinh học, cũng như trong việc bảo đảm quyền con người, nó xuất phát từ những đặc thù của chính công nghệ sinh học, cụ thể:
+ Tính vô hình: khả năng tàng hình của các công nghệ sinh học khi ứng dụng gây khó khăn cho việc kiểm soát và truy tìm tác động của chúng (ví dụ điển hình như công nghệ nano);
+ Phát triển nhanh chóng: tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ sinh học tạo ra những khó khăn trong việc xác định và ứng phó với các tác động tiềm ẩn, đặc biệt là các tác động mang tính lâu dài;
+ Tác động toàn cầu: tác động tiềm tàng đến các quốc gia và xã hội ngay cả khi họ không tham gia vào sự phát triển của công nghệ sinh học;
+ Rủi ro về sự bất bình đẳng tiềm ẩn sâu sắc hơn giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển;
+ Sử dụng trong quân sự và an ninh: các ứng dụng của công nghệ sinh học trong quân sự và an ninh có thể dẫn đến xung đột với nhân quyền (ví dụ như vũ khí sinh học).
Một trong các đặc trưng quan trọng nhất của đạo đức học sinh học là ở việc trao quyền quyết định áp dụng công nghệ mới không chỉ cho giới chuyên môn, mà còn cho cả đông đảo dư luận xã hội. Nguyên nhân của thực tế đó là hiển nhiên: nhiều công nghệ sinh học hiện đại có khả năng tác động sâu sắc và căn bản không chỉ đến sự tồn tại của bản thân con người, mà còn đến cả sự tồn tại của môi trường xung quanh.
Bên cạnh đó, công nghệ sinh học là ngành sản xuất lấy đối tượng cơ thể sống để xử lý chế biến tạo nên thành phẩm, nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người và cả xã hội loài người. Nhưng trong quá trình phát triển công nghệ sinh học, do nhiều lý do khác nhau như: sơ suất, nóng vội, vì lợi nhuận cá nhân, cục bộ, hay vì mưu đồ đen tối chống nhân loại của các thế lực phản động,…từ đó mà vấn đề đạo đức của công nghệ sinh học được đặt ra và trở thành đề tài quan tâm của toàn nhân loại. Như vậy, bản chất của việc bảo đảm quyền con người trước những ứng dụng công nghệ sinh học mang tính đạo đức sâu sắc.
Thứ hai, bảo đảm quyền con người trong ứng dụng công nghệ sinh mang tính chất toàn cầu
Bắt nguồn từ đặc trưng quyền con người mang tính phổ quát, hay quyền con người là một giá trị chung của nhân loại, là mục đích vươn tới của nhân loại, do đó, việc bảo đảm quyền con người nói chung và trước ứng dụng công nghệ nói riêng cũng mang tính chất phổ quát toàn cầu. Bên cạnh đó, nó cũng xuất phát từ tính toàn cầu của công nghệ sinh học. Toàn cầu hóa, với sức mạnh tổng hợp mạnh mẽ của nó ở cấp độ chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, có tác dụng nâng cao mức độ nhận thức về quyền trong các hệ thống pháp luật đa dạng nhất, do đó thúc đẩy sự công nhận các quyền cơ bản của con người là trụ cột của một xã hội dân chủ và cởi mở. Đồng thời, đối với quy luật lặp lại của “hậu quả không lường trước”, quá trình lịch sử của toàn cầu hóa cũng đang thúc đẩy một xu hướng ly tâm đối với việc tìm kiếm bản sắc cụ thể, thường thấy đối lập với các giá trị quốc tế trong các điều kiện và niềm tin đạo đức của quốc gia, của thiểu số hoặc nhóm.
Trong thế giới toàn cầu hoá, quả thực không thể nào kiểm soát khoa học công nghệ trừ khi việc này được thực hiện trên bình diện quốc tế, bởi lẽ khoa học là không biên giới. Lĩnh vực công nghệ sinh học mang tính cạnh tranh rất cao trên phạm vi quốc tế, và các công ty luôn phải tìm những nơi mà quy định kiểm soát thuận lợi nhất cho họ hoạt động. Điển hình như tại Đức, vì có lịch sử tổn thương vì thuyết ưu sinh, nên kiểm soát nghiêm ngặt đối với nghiên cứu di truyền học nhiều hơn các nước phát triển khác, nên các công ty dược phẩm và công nghệ sinh học của Đức đã chuyển các phòng thí nghiệm của họ đến Anh, Mỹ và các nước kiểm soát kém nghiêm ngặt hơn. Phương pháp duy nhất có thể kiểm soát sự lan tràn của công nghệ nói chung và công nghệ sinh học nói riêng là đạt được những thỏa thuận quốc tế làm nền tảng cho những quy định hạn chế, giới hạn, kiểm soát ứng dụng công nghệ sinh học và nỗ lực đến từ chính việc chuyển hoá luật quốc tế thành quy định tại mỗi quốc gia.
Thứ ba, phương thức bảo đảm quyền con người trong ứng dụng công nghệ sinh học được sử dụng chủ yếu thông qua hai hình thức chính là: pháp luật và đạo đức
Khoa học đưa ra những sự lựa chọn, luật pháp thể hiện những lựa chọn đó thông qua việc ban hành các quy phạm luật pháp, đạo đức có trách nhiệm cảnh tỉnh trước những vấn đề cụ thể đặt ra và đánh giá cách ứng xử trước những lựa chọn đã xác định. Xã hội hay nói các khác là tất cả mọi người cùng những nhà lãnh đạo xã hội không thể bỏ qua bất kỳ một sự lựa chọn nào trong số những lựa chọn đã được quy tắc hoá đó để tự quyết định lấy tương lai của mình bởi nếu không tương lai sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát của xã hội.
Về mặt pháp luật, pháp luật là phương tiện để ghi nhận quyền con người. Pháp luật xác lập những quyền năng cụ thể của con người, từ đó, quyền con người được pháp luật ghi nhận là thiêng liêng và không thể xâm hại. Bên cạnh đó, pháp luật quy định các biện pháp bảo vệ con người như: quy định những điều cấm và những hành vi bắt buộc nhằm ngăn ngừa và phòng chống các hành vi vi phạm quyền con người, đồng thời đưa ra các biện pháp, cơ chế để bảo vệ quyền con người khi bị xâm phạm.
Không chỉ dừng lại ở đó, pháp luật còn đưa ra những quy định các biện pháp để thực hiện hoá các quyền con người Do đó, để bảo đảm quyền con người nói chung, bảo đảm quyền con người trước ứng dụng công nghệ nói riêng thì pháp luật là công cụ không thể thiếu, có thể nói là công cụ tiên quyết.
Về mặt đạo đức, đạo đức sinh học khẳng định tầm quan trọng của nó như một thành phần không thể thiếu của phát triển khoa học và công nghệ nhằm tối đa hóa lợi ích và giảm thiểu tác hại cho tất cả con người. Sự phát triển của cuộc tranh luận xung quanh khái niệm đạo đức sinh học đã thể hiện sự gặp gỡ của hai tiến triển đặc trưng của xã hội. Về khía cạnh này, thuật ngữ đạo đức sinh học có rất nhiều ý nghĩa. Một mặt, nó thể hiện sự phát triển vượt bậc của khoa học nghiên cứu về nhân tố sinh học đã cho phép con người kiểm soát được tự nhiên và thậm chí là ngay bản thân mình một cách khó tưởng tượng nổi. Mặt khác, thuật ngữ này gắn liền với một khái niệm khác ngày càng được sử dụng rộng rãi, đó là khái niệm đạo đức. Vấn đề đạo đức đặt ra ở khắp mọi nơi và thậm chí trở thành một thứ quyền lực trong kinh tế, chính trị, xã hội và khoa học. Nền tảng đạo đức đáp ứng một đòi hỏi, đó là đòi hỏi điều tiết xã hội. Nó quy định rằng những người ra quyết định phải cư xử một cách hợp lý. Nhưng sự xuất hiện của thứ công cụ điều tiết xã hội mới này còn mang một ý nghĩa khác, đó là ý nghĩa quy phạm. Tính quy phạm của nguyên tắc đạo đức không giống với tính quy phạm của những chuẩn mực thông thường và tính quy phạm của luật pháp. Nguyên tắc đạo đức cũng không tương đồng với những đòi hỏi của nguyên tắc luật pháp bởi nó không nằm trong khuôn khổ của các thể chế Nhà nước hay quốc tế và cũng không xuất phát từ việc ban hành các quy định pháp luật mà giá trị chi dựa trên tính chính thống của quyền lực đã ban hành ra chúng và trên các biện pháp chế tài.
Đề xuất kép rằng, bất kể công nghệ sinh học hiện đại được điều chỉnh như thế nào (cho dù theo phương thức hợp pháp hay không hợp pháp) quy định đó phải phù hợp với đạo đức và rằng chính tư duy nhân quyền hiện đại đưa ra đạo đức có thể bảo vệ tốt nhất cho mục đích bảo đảm quyền con người.