Căn cước công dân là một loại giấy tờ chứa các thông tin cá nhân quan trọng của mỗi công dân. Vậy khách tẩm quất massage có phải xuất trình CCCD không?
Mục lục bài viết
1. Khách tẩm quất massage có phải xuất trình CCCD không?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, cơ sở kinh doanh dịch vụ tẩm quất massage không còn được quy định là loại hình kinh doanh dịch vụ bắt buộc phải có điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, nhân sự và cơ sở kinh doanh phải gửi hồ sơ công bố đủ điều kiện hoạt động trước khi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh kinh doanh dịch vụ tẩm quất massage. Tuy nhiên, cơ sở kinh doanh dịch vụ tẩm quất massage bắt buộc phải đảm bảo được các quy định về an ninh trật tự. Căn cứ tại Điều 25, 31
– Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh dịch vụ tẩm quất massage phải chịu trách nhiệm về việc đảm bảo các điều kiện về an ninh, trật tự.
– Trong thời hạn không quá 05 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh dịch vụ tẩm quất massage, cơ sở kinh doanh phải có văn bản thông báo kèm theo là bản sao của Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự mà cơ sở đã được cấp gửi đến cho Công an xã, phường, thị trấn nơi cơ sở hoạt động kinh doanh.
– Duy trì thường xuyên, liên tục các điều kiện về an ninh, trật tự pháp luật quy định xuyên suốt quá trình hoạt động kinh doanh.
– Không sử dụng cơ sở kinh doanh dịch vụ tẩm quất massage để thực hiện các hoạt động trái quy định của pháp luật mà gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, đạo đức, thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
– Phát hiện và kịp thời thông báo cho cơ quan Công an về các biểu hiện nghi vấn hoặc các vụ việc mà có liên quan đến an ninh, trật tự tại cơ sở kinh doanh.
– Trường hợp bị mất Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đã được cấp, cơ sở kinh doanh dịch vụ tẩm quất massage trong thời hạn 03 ngày làm việc phải có văn bản thông báo cho cơ quan Công an có thẩm quyền.
– Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng quý hoặc đột xuất về tình hình an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh.
– Chấp hành việc thanh tra, việc kiểm tra và xử lý vi phạm.
– Chỉ sử dụng nhân viên làm việc trong cơ sở kinh doanh tẩm quất massage có độ tuổi từ đủ 18 tuổi trở lên; có đủ năng lực hành vi dân sự; không nghiện ma túy.
– Không sử dụng nhân viên là người thuộc các trường hợp sau:
+ Đang trong thời gian bị điều tra, truy tố, xét xử;
+ Đang trong thời gian được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù;
+ Đang trong thời gian được tha tù trước thời hạn có điều kiện;
+ Đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ.
– Trong thời hạn không quá 20 ngày kể từ khi bắt đầu hoạt động, cơ sở kinh doanh dịch vụ tẩm quất massage có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan Công an có thẩm quyền các tài liệu pháp luật quy định.
– Nếu Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đã được cấp mà bị mất, hư hỏng, hết thời hạn sử dụng hoặc có cần thay đổi nội dung thông tin thì cơ sở kinh doanh dịch vụ tẩm quất massage phải có văn bản đề nghị cơ quan Công an có thẩm quyền cấp lại hoặc cấp đổi.
– Nếu cơ sở kinh doanh dịch vụ tẩm quất massage tạm ngừng hoạt động thì trước 10 ngày kể từ ngày tạm ngừng hoạt động, cơ sở kinh doanh dịch vụ tẩm quất massage phải có văn bản thông báo cho cơ quan Công an có thẩm quyền và gửi đến Công an xã, phường, thị trấn nơi cơ sở kinh doanh dịch vụ tẩm quất massage hoạt động kinh doanh biết.
– Lập sổ quản lý hoạt động kinh doanh doanh dịch vụ tẩm quất massage.
– Nộp phí thẩm định cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự theo đúng các quy định của pháp luật.
– Bố trí nơi cất giữ, bảo quản an toàn về tư trang, tài sản của khách đến sử dụng dịch vụ.
– Phải bố trí phòng nam riêng và phòng nữ riêng.
Như vậy, qua quy định trên có thể thấy rõ rằng cơ sở kinh doanh dịch vụ tẩm quất massage không có trách nhiệm phải yêu cầu những khách đến cơ sở tẩm quất massage phải xuất trình CCCD và hiện cũng không có quy định pháp luật nào quy định khách hàng khi đến cơ sở kinh doanh dịch vụ tẩm quất massage phải xuất trình CCCD thì mới được sử dụng dịch vụ, tức là cơ sở kinh doanh tẩm quất massage không được quyền yêu cầu khách hàng xuất trình CCCD và khách hàng cũng không có nghĩa vụ phải xuất trình CCCD khi đến sử dụng dịch vụ tẩm quất massage ở cơ sở kinh doanh tẩm quất massage.
2. Cơ sở kinh doanh tẩm quất massage thu giữ CCCD của khách hàng có bị xử phạt không?
Như đã phân tích ở mục trên, cơ sở kinh doanh tẩm quất massage không được quyền yêu cầu khách hàng xuất trình CCCD và khách hàng cũng không có nghĩa vụ phải xuất trình CCCD khi đến sử dụng dịch vụ tẩm quất massage ở cơ sở kinh doanh tẩm quất massage. Nếu như cơ sở kinh doanh tẩm quất massage thu giữ CCCD của khách hàng khi đến sử dụng dịch vụ tẩm quất massage thì sẽ bị phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Tại Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính vi phạm quy định liên quan đến chứng minh nhân dân, căn cước công dân, Điều này quy định cá nhân chiếm đoạt, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc chiếm đoạt, sử dụng Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân của người khác sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng, còn đối với tổ chức có hành vi chiếm đoạt, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc chiếm đoạt, sử dụng Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân của người khác sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng.
Như vậy, nếu cơ sở kinh doanh tẩm quất massage thu giữ CCCD của khách hàng sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng, đồng thời buộc cơ sở kinh doanh tẩm quất massage nộp lại Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân mà cơ sở kinh doanh tẩm quất massage đã thu giữ của khách hàng.
3. Người có thẩm quyền xử phạt cơ sở kinh doanh tẩm quất massage thu giữ CCCD của khách hàng:
Căn cứ Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người có thẩm quyền xử phạt Cơ sở kinh doanh tẩm quất massage thu giữ CCCD của khách hàng bao gồm:
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
– Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ;
– Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát cơ động cấp đại đội, Trưởng trạm, Đội trưởng của Chiến sĩ Công an nhân dân;
– Trưởng Công an cấp xã;
– Trưởng đồn Công an;
– Trưởng trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất;
– Trưởng Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế;
– Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động;
– Thủy đội trưởng;
– Trưởng Công an cấp huyện;
– Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh chính trị nội bộ;
– Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội;
– Trưởng phòng Công an cấp tỉnh;
– Giám đốc Công an cấp tỉnh;
– Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội;
– Chiến sĩ Bộ đội biên phòng đang thi hành công vụ;
– Trạm trưởng, Đội trưởng của Chiến sĩ Bộ đội biên phòng;
– Đồn trưởng Đồn biên phòng;
– Hải đội trưởng Hải đội biên phòng;
– Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy biên phòng Cửa khẩu cảng;
– Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh;
– Hải đoàn trưởng Hải đoàn biên phòng.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 144/2021/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
– Nghị định 96/2016/NĐ-CP về ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 56/2023/NĐ-CP.