Khả năng cạnh tranh của các nhà thầu khi đấu thầu theo hình thức mua sắm công tại Việt Nam được thể hiện như thế nào?
Năng lực cạnh tranh của nước ta còn thấp, chậm cải thiện kể cả 3 cấp độ quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm. Doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tận dụng được cơ hội từ việc Việt Nam là thành viên của WTO để tổ chức nâng cao trình độ quản trị hiện đại, tham gia tích cực và vững vàng trên thị trường trong nước và quốc tế.
Thực tế các hoạt động đấu thầu tại Việt Nam cho thấy, nhà thầu trong nước vẫn còn bộc lộ nhiều điểm yếu. Không chỉ các chuyên gia, nhà quản lý mà ngay cả các nhà thầu ngoại đã chỉ rõ những điểm yếu của nhà thầu Việt Nam trong hoạt động đấu thầu, ví dụ như:
Thiếu kinh nghiệm thi công các công trình lớn
Hồ sơ dự thầu của các nhà thầu Việt Nam thường bị đánh giá là có điểm kỹ thuật thấp, đặc biệt là ở các nội dung liên quan đến giải pháp kỹ thuật và biện pháp tổ chức thi công. Nguyên nhân là do hầu hết các nhà thầu Việt Nam vẫn chưa có kinh nghiệm thi công các công trình có quy mô lớn tương tự. Vì thế mà việc tính toán giá thành của các hạng mục công trình chưa thực sự chính xác, dẫn đến giá dự thầu chưa hợp lý.
Cũng do chưa có kinh nghiệm đấu thầu và thi công các công trình lớn nên khi tham gia đấu thầu các công trình xây lắp có quy mô lớn, nhiều nhà thầu Việt Nam lại chú trọng đến việc giảm giá dự thầu và coi đó là một biện pháp quan trọng để trúng thầu. Tuy nhiên, trên thực tế, đối với các công trình có quy mô lớn thì giải pháp kỹ thuật và biện pháp tổ chức thi công lại là nhóm yếu tố quan trọng hơn cả, và trong nhiều trường hợp có ý nghĩa quyết định đến khả năng thắng thầu của nhà thầu.
Khi tham gia các công trình có quy mô lớn, nhà thầu Việt Nam thường đề xuất các biện pháp tổ chức thi công, giải pháp kỹ thuật thiếu tính khả thi, bộc lộ nhiều hạn chế và bất cập, do đó rất dễ dẫn đến việc thi công bị chậm tiến độ, đặc biệt là việc bố trí nhân sự thi công công trình. Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh lại là các nhà thầu lớn mạnh của Nhật Bản, Hàn Quốc… đã có nhiều kinh nghiệm, nhiều năm tham dự đấu thầu lĩnh vực này và lại rất hiểu biết về điểm mạnh cũng như điểm yếu của nhà thầu Việt Nam.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Nhiều hạn chế trong liên danh, liên kết
Do không có sẵn các hợp đồng cung cấp thiết bị, nguyên vật liệu dài hạn với các nhà cung cấp, hãng sản xuất lớn nên khi thị trường xây dựng có biến động về các vùng nguyên liệu thì nhà thầu Việt gặp khó khăn hơn rất nhiều so với nhà thầu nước ngoài. Hầu hết các nhà thầu Việt Nam trong hoàn cảnh này đều rơi vào tình trạng lúng túng, bị động và gần như là “tay không bắt giặc” vì không có nguyên, vật liệu dự trữ hoặc nguồn nguyên, vật liệu, thiết bị ổn định do bạn hàng cung cấp.
Một hạn chế nữa đối với các nhà thầu Việt Nam là phần đông nhà thầu Việt Nam vẫn chưa hình thành tác phong công nghiệp, làm việc chuyên môn hóa, vẫn duy trì cung cách làm việc manh mún, mạnh ai nấy làm, không hỗ trợ đắc lực được cho nhau như các nhà thầu ngoại.