Theo quyết định số 2952/QĐ-UBND ngày 25 tháng 12 năm 2009 của chủ tịch UBND huyện Mường La - Sơn La, tôi được tuyển dụng vào ngành Giáo dục huyện Mường La.
Tóm tắt câu hỏi:
Theo Quyết định số 2952/QĐ-UBND ngày 25 tháng 12 năm 2009 của chủ tịch UBND huyện Mường La – Sơn La, tôi được tuyển dụng vào ngành Giáo dục huyện Mường La, với thời gian thử việc là 12 tháng kể từ ngày nhận công tác. Trong quá trình công tác tôi không nghỉ việc và cũng không vi phạm gì. Đến hết thời gian thử việc theo quyết định trên, trường nơi tôi công tác đã làm các thủ tục xét hết tập sự theo đúng quy định, tiếp đó tôi nhận được quyết định số 833/QĐ-UBND ngày 14 tháng 12 năm 2011 của chủ tịch UBND huyện Mường La về việc bổ nhiệm vào ngạch đối với viên chức, thì tôi lại được bổ nhiệm vào ngạch viên chức kể từ ngày 25/02/2011. Như vậy so với quyết định số 2925 ở trên thì thời gian tập sự của tôi là 14 tháng chứ không phải 12 tháng. Do vậy ảnh hưởng đến thời gian nâng lương cũng như các chế độ chính sách khác của tôi. Tôi đã gặp trực tiếp đại diện Phòng Nội vụ (Cơ quan đề nghị UBND huyện ra quyết định) để trao đổi thì được trả lời là thời điểm đó chưa có luật viên chức và tôi bị kéo dài thời gian tập sự là do trừ 02 tháng hè và họ không giải quyết trường hợp của tôi. Tôi thấy quyết định trên là vô lý, nhờ chị tư vấn giúp tôi để tôi đòi lại công bằng. Tôi cần làm những việc gì và cách làm như thế nào?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Theo quy định của Luật Viên chức 2010
“Điều 27. Chế độ tập sự
1. Người trúng tuyển viên chức phải thực hiện chế độ tập sự, trừ trường hợp đã có thời gian từ đủ 12 tháng trở lên thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng.
2. Thời gian tập sự từ 03 tháng đến 12 tháng và phải được quy định trong hợp đồng làm việc.
3. Chính phủ quy định chi tiết chế độ tập sự.”
Mặt khác theo quy định tại Nghị định số 29/2012/NĐ-CP
“Điều 20. Chế độ tập sự
1. Người trúng tuyển viên chức phải thực hiện chế độ tập sự để làm quen với môi trường công tác, tập làm những công việc của vị trí việc làm được tuyển dụng, trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 27 Luật Viên chức.
2. Các Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành phối hợp với Bộ Nội vụ quy định về thời gian tập sự theo chức danh nghề nghiệp của từng ngành, từng lĩnh vực theo quy định của pháp luật.
3. Thời gian nghỉ sinh con theo chế độ bảo hiểm xã hội và thời gian ốm đau từ 03 ngày trở lên, thời gian bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật không được tính vào thời gian tập sự.
4. Nội dung tập sự:
a) Nắm vững quy định của Luật Viên chức về quyền, nghĩa vụ của viên chức, những việc viên chức không được làm; nắm vững cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác, nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị và chức trách, nhiệm vụ của vị trí việc làm được tuyển dụng;
b) Trau dồi kiến thức và rèn luyện năng lực, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng;
c) Tập giải quyết, thực hiện các công việc của vị trí việc làm được tuyển dụng.”
Theo Thông tư 28/2009/TT – BGDĐT ngày 21 tháng 10 năm 2009 quy định thời gian nghỉ hè của giáo viên thay cho nghỉ phép hằng năm là 02 tháng, được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có). Cụ thể
“3. Thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên gồm: nghỉ hè, nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ và các ngày nghỉ khác, cụ thể như sau:
a) Thời gian nghỉ hè của giáo viên thay cho nghỉ phép hằng năm là 02 tháng, được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có);
b) Thời gian nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
c) Các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ Luật lao động.
Căn cứ kế hoạch năm học, quy mô, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng trường, Hiệu trưởng bố trí thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên một cách hợp lý theo đúng quy định.”
Như vậy:
Thứ nhất: dựa vào các quy định về chế độ tập sự được quy định rất cụ thể là kéo dài trong vòng từ 3 tháng đến 12 tháng. Thời gian này được quy định rất cụ thể trong hợp đồng mà bạn được ký kết.
Thứ hai: Thời gian không được tính vào thời gian tập sự bao gồm “ nghỉ sinh con theo chế độ bảo hiểm xã hội, thời gian bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác” trong khi đó bạn lại làm đủ thời gian, không nghỉ, không ngắt quãng.
Thứ ba: Nghỉ hai tháng hè là ngày nghỉ nguyên lương của giáo viên, mặt khác không thuộc trường hợp thời gian không được tính tại Khoản 3 Điều 20 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP. Nên thời gian này trừ là không hợp lý.
Tiếp đó: Theo sự trả lời, trao đổi về vấn đề hiệu lực của Luật Viên chức 2010 và không được áp dụng thì tại Điều 59. Quy định chuyển tiếp của Luật Viên chức 2010 quy định ( Luật viên chức 2010 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2012).
“1. Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01 tháng 07 năm 2003 có các quyền, nghĩa vụ và được quản lý như viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn theo quy định của Luật này. Đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm hoàn tất các thủ tục để bảo đảm các quyền lợi, chế độ chính sách về ổn định việc làm, chế độ tiền lương và các quyền lợi khác mà viên chức đang hưởng.
2. Viên chức được tuyển dụng từ ngày 01 tháng 07 năm 2003 đến ngày Luật này có hiệu lực tiếp tục thực hiện hợp đồng làm việc đã ký kết với đơn vị sự nghiệp công lập, có các quyền, nghĩa vụ và được quản lý theo quy định của Luật này.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”
Bởi vậy, những căn cứ và trả lời bên phòng Nội Vụ là chưa thỏa đáng, để làm rõ vấn đề bạn nên trực tiếp làm đơn khiếu nại về quyết định áp dụng với bạn lên chủ tịch UBND huyện Mường La.
Bạn có thể tham khảo thêm một số bài viết có liên quan khác của Dương Gia:
– Có được tính thời gian nghỉ thai sản vào thời gian tập sự không?
– Nghỉ thai sản có được tính vào thời gian tập sự?
– Đi tập huấn bồi dưỡng kiến thức có được tính vào thời gian tập sự
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.
——————————————————–
THAM KHẢO CÁC DỊCH VỤ CÓ LIÊN QUAN CỦA LUẬT DƯƠNG GIA:
– Tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại
– Tư vấn luật miễn phí qua điện thoại
– Tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại