Cách tính thuế, kê khai thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Tổ chức, cá nhân mỗi lần có hàng hoá được phép xuất khẩu, nhập khẩu phải lập tờ khai và nộp thuế.
Đối với mỗi doanh nghiệp công ty việc kê khai và nộp thuế là nghĩa vụ và trách nhiệm vô cùng quan trọng. Đặc biệt đối với những công ty có loại hình kinh doanh hay ngành nghề liên quan đến xuất khẩu và nhập khẩu. Một trong những vấn đề được rất nhiều công ty doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh liên quan đến xuất nhập khẩu quan tâm đó chính là cách tính thuế và thủ tục cũng như việc tiến hành kê khai thuế. Vậy theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu được quy định như thế nào? Bài viết dưới đây của Luật Dương gia sẽ giúp cho bạn đọc giải đáp được những vấn đề này.
Mục lục bài viết
1. Quy định về đối tượng chịu thuế
Vấn đề đầu tiên mà các công ty doanh nghiệp cần lưu ý đó là về đối tượng chịu thuế. Thì đối với vấn đề này tại Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 trong Điều 2 có quy định rất chi tiết và cụ thể như sau:
1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam.
2. Hàng hóa xuất khẩu từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan, hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước.
3. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối.
4. Đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu không áp dụng đối với các trường hợp sau:
a) Hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển;
b) Hàng hóa viện trợ nhân đạo, hàng hóa viện trợ không hoàn lại;
c) Hàng hóa xuất khẩu từ khu phi thuế quan ra nước ngoài; hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan; hàng hóa chuyển từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác;
d) Phần dầu khí được dùng để trả thuế tài nguyên cho Nhà nước khi xuất khẩu.
Như vậy, ta có thể thấy, qua quy định cụ thể nêu trên việc đánh thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu là có cơ sở quy định pháp luật. Việc phân định cụ thể và chi tiết từng loại hàng hóa xuất nhập khẩu giúp cho việc xử lý, kiểm tra, phân loại thuế trở nên dễ dàng thực hiện hơn.
2. Quy định pháp luật về giá trị tính thuế, thời điểm tính thuế
Theo quy định pháp luật tại Điều 8 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 có quy định chi tiết và cụ thể về nội dung Trị giá tính thuế, thời Điểm tính thuế. Theo đó:
1. Trị giá tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là trị giá hải quan theo quy định của Luật hải quan.
2. Thời Điểm tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là thời Điểm đăng ký tờ khai hải quan.
Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hoặc áp dụng thuế suất, mức thuế tuyệt đối trong hạn ngạch thuế quan nhưng được thay đổi về đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, áp dụng thuế suất, mức thuế tuyệt đối trong hạn ngạch thuế quan theo quy định của pháp luật thì thời Điểm tính thuế là thời Điểm đăng ký tờ khai hải quan mới.
Thời Điểm đăng ký tờ khai hải quan thực hiện theo quy định của pháp luật về hải quan.
Như vậy, qua đây ta có thể thấy rằng trị giá tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu chính là trị giá hải quan, theo đó thời điểm tính thuế xuất khẩu, thuế nhập chính là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan theo quy định pháp luật. Trong trường hợp đối tượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rơi vào trường hợp là loại hàng hóa được miễn thuế hoặc là đối tượng không chịu thuế. Thì việc xác định mức thuế đối với các loại hàng hóa này sẽ có những quy định riêng.
3. Quy định về thời hạn nộp thuế xuất nhập khẩu
Tổ chức, cá nhân mỗi lần có hàng hoá được phép xuất khẩu, nhập khẩu phải lập tờ khai và nộp thuế. Cơ quan thu thuế có trách nhiệm kiểm tra, làm thủ tục và thu thuế.
Thời điểm tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là ngày đăng ký tờ khai hàng xuất khẩu, nhập khẩu;
Trong thời hạn 8 giờ, kể từ khi đăng ký tờ khai hàng xuất khẩu, nhập khẩu, cơ quan thu thuế
Nội dung này được quy định tại Điều 9 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 như sau
1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế phải nộp thuế trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng hóa theo quy định của Luật hải quan, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này.
Trường hợp được tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế phải nộp thì được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa nhưng phải nộp tiền chậm nộp theo quy định của Luật quản lý thuế kể từ ngày được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa đến ngày nộp thuế. Thời hạn bảo lãnh tối đa là 30 ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.
Trường hợp đã được tổ chức tín dụng bảo lãnh nhưng hết thời hạn bảo lãnh mà người nộp thuế chưa nộp thuế và tiền chậm nộp thì tổ chức bảo lãnh có trách nhiệm nộp đủ thuế và tiền chậm nộp thay cho người nộp thuế.
2. Người nộp thuế được áp dụng chế độ ưu tiên theo quy định của Luật hải quan được thực hiện nộp thuế cho các tờ khai hải quan đã thông quan hoặc giải phóng hàng hóa trong tháng chậm nhất vào ngày thứ mười của tháng kế tiếp. Quá thời hạn này mà người nộp thuế chưa nộp thuế thì phải nộp đủ số tiền nợ thuế và tiền chậm nộp theo quy định của Luật quản lý thuế.
Thời hạn nộp thuế đối với hàng xuất khẩu là 30 ngày, kể từ ngày đối tượng nộp thuế nhận được thông báo chính thức của cơ quan thu thuế về số thuế phải nộp.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài:1900.6568
Thời hạn nộp thuế đối với hàng nhập khẩu là vật tư, nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu là 275 ngày kể từ ngày đối tượng nộp thuế nhận được thông báo thuế. Trường hợp đặc biệt thời hạn nộp thuế có thể gia hạn phù hợp với chu kì sản xuất, dự trữ vật liệu, nguyên liệu của doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ,
Đối với hàng tạm xuất, tái nhập hoặc tạm nhập, tái xuất thời hạn nộp thuế là15 ngày kể từ ngày hết hạn tạm xuất, tái nhập hoặc tạm nhập, tái xuất .
Hàng là máy móc, thiết bị, nguyên liệu…nhập khẩu cho sản xuất, thời hạn nộp thuế là 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo thuế; đối với hàng tiêu dung nhập khẩu thì phải nộp xong thuế trước khi nhận hàng
4. Nội dung quy định về cách tính thuế xuất nhập khẩu theo quy định pháp luật
4.1. Trường hợp được miễn thuế xuất nhập khẩu
Trong trường hợp xác định các đối tượng miễn thuế thì việc đầu tiên đó là xác định các đối tượng được miễn thuế. Theo quy định tại Điều 16 Luật Dương gia xin đưa ra các đối tượng được miễn thuế xuất nhập khẩu thường gặp như sau:
1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của tổ chức, cá nhân nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam trong định mức phù hợp với Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; hàng hóa trong tiêu chuẩn hành lý miễn thuế của người xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa nhập khẩu để bán tại cửa hàng miễn thuế.
2. Tài sản di chuyển, quà biếu, quà tặng trong định mức của tổ chức, cá nhân nước ngoài cho tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc ngược lại.
3. Hàng hóa mua bán, trao đổi qua biên giới của cư dân biên giới thuộc Danh Mục hàng hóa và trong định mức để phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng của cư dân biên giới.
4. Hàng hóa được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
……..
12. Giống cây trồng; giống vật nuôi; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong nước chưa sản xuất được, cần thiết nhập khẩu theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
13. Nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất của dự án đầu tư thuộc danh Mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư hoặc địa bàn có Điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 05 năm, kể từ khi bắt đầu sản xuất.
Đối với trường hợp những đối tượng được miễn thuế xuất nhập thì thủ tục sẽ được tiến hành theo trinh tự và quy định của pháp luật về quy trình và trình tự của quy định pháp luật về quản lý thuế. Đối với thuế xuất nhập khẩu thì việc được miễn thuế là nội dung vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, quy định này cũng được pháp luật về thuế thu nhập cá nhân quy định rất chặt chẽ
4.2. Trường hợp được giảm thuế xuất nhập khẩu
Căn cứ theo quy định tại Điều 18 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 việc xác định hàng hóa nhập khẩu, nhập khẩu trong trường hợp được giảm thuế sẽ phải áp dụng các quy định sau đây:
1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đang trong quá trình giám sát của cơ quan hải quan nếu bị hư hỏng, mất mát được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám định chứng nhận thì được giảm thuế.
Mức giảm thuế tương ứng với tỷ lệ tổn thất thực tế của hàng hóa. Trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bị hư hỏng, mất mát toàn bộ thì không phải nộp thuế.
2. Thủ tục giảm thuế thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Đối với thủ tục để xin được giảm thuế đối với các mặt hàng rơi vào trường hợp giảm thuế thì cơ quan, doanh nghiệp cần phải thực hiện việc kê khai rồi xin giảm thuế theo đúng quy định pháp luật. Đây là một trong những chế độ rất quan trọng và cũng là quyền lợi của bên doanh nghiệp. Do đó việc tìm hiểu và thực hiện thủ tục xin giảm thuế là rất quan trọng.
4.3. Trường hợp hoàn thuế xuất nhập khẩu
Bên cạnh các chính sách về giảm thuế và miễn thuế xuất nhập khẩu thì việc hoàn thuế cũng được các doanh nghiệp công ty vô cùng quan tâm. Bởi lẽ, chỉ có một số trường hợp nhất định được tiến hành hoàn thuế như sau:
a) Người nộp thuế đã nộp thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu nhưng không có hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu hoặc nhập khẩu, xuất khẩu ít hơn so với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu đã nộp thuế;
b) Người nộp thuế đã nộp thuế xuất khẩu nhưng hàng hóa xuất khẩu phải tái nhập được hoàn thuế xuất khẩu và không phải nộp thuế nhập khẩu;
c) Người nộp thuế đã nộp thuế nhập khẩu nhưng hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất được hoàn thuế nhập khẩu và không phải nộp thuế xuất khẩu;
d) Người nộp thuế đã nộp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, kinh doanh nhưng đã đưa vào sản xuất hàng hóa xuất khẩu và đã xuất khẩu sản phẩm;
đ) Người nộp thuế đã nộp thuế đối với máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập, tái xuất, trừ trường hợp đi thuê để thực hiện các dự án đầu tư, thi công xây dựng, lắp đặt công trình, phục vụ sản xuất, khi tái xuất ra nước ngoài hoặc xuất vào khu phi thuế quan.
Như vậy, phải thuộc vào một trong 5 trường hợp nêu trên thì mới được tiến hành thủ tục hoàn thuế xuất nhập khẩu theo đúng quy định pháp luật. Ta có thể thấy, việc phân chia thành các trường hợp miễn, giảm, hoàn thuế cho các đối tượng xuất nhập khẩu là một trong những thủ tục giúp cho việc tiến hành thu thuế xuất nhập khẩu được diễn ra dễ dàng hơn.