Ngày nay khi thế giới đang bước vào kỷ nguyên của các tiến bộ khoa học và công nghệ hiện đại thì đồng thời nhân loại cũng phải đối mặt với những thách thức lớn lao cho sự tồn tại, trong đó có hoạt động khoáng sản. Dưới đây là quy định của pháp luật về kê khai và nộp phí bảo vệ môi trường khai thác khoáng sản.
Mục lục bài viết
1. Pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản:
Quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản là hoạt động thường xuyên của cả hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản từ trung ương đến địa phương. Quản lý nhà nước nói chung và quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản nói riêng được thực hiện theo nhiều biện pháp khác nhau như: kinh tế, hành chính, giáo dục tuyên truyền và các hình thức giáo dục như lãnh đạo, chỉ huy, khen thưởng, xử phạt, kiểm tra, thanh tra, giám sát, tổng kết rút kinh nghiệm, phổ biến nhân rộng các mô hình, cách làm có hiệu quả và bổ sung cũng như sửa đổi hoặc bãi bỏ những quy định không phù hợp. Nhìn chung thì nội dung quản lý nhà nước về khoáng sản được quy định cụ thể tại Điều 3 của văn bản hợp nhất Luật Khoáng sản năm 2018 cụ thể như sau:
– Nhà nước có chiến lược và quy hoạch khoáng sản để tiến hành phát triển bền vững kinh tế xã hội cũng như lĩnh vực quốc phòng an ninh trong từng thời kỳ khác nhau của đất nước;
– Nhà nước tiến hành bảo đảm khoáng sản được bảo vệ và khai thác cũng như sử dụng một cách hợp lý và tiết kiệm đồng thời qua đó đạt được hiệu quả tốt;
– Nhà nước đầu tư và tổ chức thực hiện các cuộc điều tra cơ bản về địa chất khoáng sản theo chiến lược và quy hoạch khoáng sản, Đồng thời nhà nước cũng tiến hành đào tạo và phát triển những nguồn nhân lực để tiến hành nghiên cứu khoa học và ứng dụng phát triển công nghệ trong công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và hoạt động của khoáng sản;
– Nhà nước tiến hành thăm dò và khai thác một số loại khoáng sản quan trọng để phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước;
– Nhà nước khuyến khích các dự án đầu tư khai thác khoáng sản gắn liền với chế biến và sử dụng khoáng sản để làm ra các loại sản phẩm kim loại hoặc hợp kim cũng như các loại sản phẩm khác có giá trị và hiệu quả kinh tế cao;
– Ngoài ra thì nhà nước còn có những chính sách xuất khẩu khoáng sản phù hợp với từng thời kỳ thông qua những mục tiêu phát triển bền vững dựa trên nguyên tắc ưu tiên đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất trong nước.
Việc tổ chức thực hiện toàn bộ các nội dung quản lý nhà nước về khoáng sản sẽ góp phần thúc đẩy công nghiệp mỏ phát triển ổn định và bền vững từ đó hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, hướng các tổ chức và các cá nhân được phép hoạt động khoáng sản đi đúng hành lang pháp luật quy định sẵn. Công tác quản lý nhà nước về khoáng sản chị đạt được hiệu quả cao khi tiến hành đồng bộ các biện pháp và các cách thức khác nhau, trong đó vai trò của cán bộ quản lý nhà nước có ý nghĩa quyết định nhất.
2. Hướng dẫn kê khai phí bảo vệ môi trường khai thác khoáng sản:
Nhìn chung thì tờ khai phí bảo vệ môi trường áp dụng đối với chủ thể được xác định là cơ sở khai thác khoáng sản theo mẫu số 01/BVMT ban hành kèm theo thông tư 66/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản. Ngoài ra, tờ khai phí bảo vệ môi trường áp dụng đối với các chủ thể được xác định là cơ sở thu mua khoáng sản nộp phí thay người khai thác theo mẫu số 02/BVMT ban hành kèm theo thông tư 66/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản. Một tờ khai phí bảo vệ môi trường khai thác khoáng sản sẽ được coi là hợp lệ khi đáp ứng được các điều kiện sau:
– Tờ khai này được lập đúng mẫu quy định của pháp luật nêu trên;
– Có ghi đầy đủ các thông tin của cơ sở kinh doanh như tên, địa chỉ, địa chỉ liên hệ, mã số thuế …;
– Được người đại diện theo pháp luật của cơ sở kinh doanh ký tên và đóng dấu doanh nghiệp vào cuối của tờ khai.
Sau đó các chủ thể sẽ tiến hành nộp tờ kê khai tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Chi cục quản lí Thuế nơi mà diễn ra hoạt động khai thác khoáng sản. Đồng thời theo pháp luật hiện nay thì phí bảo vệ môi trường được xem là loại phí phải kê khai theo tháng, vì thế thời gian kê khai được xác định là định kỳ hàng tháng, và chậm nhất là ngày thứ 12 của tháng tiếp theo khi phát sinh nghĩa vụ nộp phí. Ngoài ra thì thời hạn nộp hồ sơ quyết toán năm chậm nhất là ngày thứ 19 được tính kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính. Các chủ thể kê khai phải tuân thủ nguyên tắc đó là kê khai một cách trung thực và chính xác, nếu phát hiện có gian dối và sai sót thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
3. Hướng dẫn nộp phí bảo vệ môi trường khai thác khoáng sản:
Phí bảo vệ môi trường khai thác khoáng sản được xác định là loại phí trực thu, tức là trực tiếp do người kê khai đi nộp mà không thông qua bất kỳ bên trung gian nào. Thời hạn nộp tiền phí bảo vệ môi trường vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật là chậm nhất không quá ngày 20 trong tháng tiếp theo tính kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ phí. Người nộp phí có nghĩa vụ nộp phí đầy đủ cũng như đúng thời hạn vào ngân sách Nhà nước. Có thể nộp phí bảo vệ môi trường khai thác khoáng sản tại một trong các địa điểm sau:
– Tại Kho bạc Nhà nước;
– Tại cơ quan thuế nơi tiếp nhận hồ sơ khai phí;
– Nộp phí thông qua tổ chức, cá nhân được cơ quan thuế uỷ nhiệm thu phí;
– Nộp phí thông qua ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác và tổ chức dịch vụ theo quy định của pháp luật.
Người nộp phí bảo vệ môi trường khai thác khoáng sản có thể được nộp qua nhiều hình thức khác nhau, có thể nộp bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản. Cơ quan thuế cấp chứng từ và hướng dẫn cách lập chứng từ nộp tiền vào Ngân sách Nhà nước cho người nộp phí đối với từng hình thức nộp tiền mặt hoặc chuyển khoản. Người nộp phí phải ghi đầy đủ, chi tiết các thông tin trên chứng từ nộp tiền do Bộ Tài chính quy định.
4. Sự cần thiết của hoạt động kê khai và nộp phí bảo vệ môi trường khai thác khoáng sản:
Trong quá trình hội nhập quốc tế của đất nước, ngày nay hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản gây ảnh hưởng tới môi trường của nước ta, có lúc đã đến mức báo động, đất đai bị xói mòn và thoái hóa, chất lượng các nguồn nước bị suy giảm và không khí ở nhiều đô thị cũng như các khu vực dân cư bị ô nhiễm nặng nề, khối lượng phát sinh và mức độ độc hại của chất thải ngày càng tăng, tài nguyên thiên nhiên trong nhiều trường hợp bị khai thác quá mức không có quy hoạch, đa dạng sinh học bị đe dọa nghiêm trọng và điều kiện vệ sinh môi trường cũng như cung cấp nước sạch ở nhiều nơi không đảm bảo. Việc đẩy mạnh phát triển công nghệ và dịch vụ cũng như quá trình đô thị hóa, sự gia tăng dân số quá cao kéo theo tình trạng đói nghèo chưa khắc phục được tại một số vùng nông thôn và các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các thảm họa do thiên tai và những diễn biến xấu về khí hậu toàn cầu đang tăng cao gây áp lực lớn đến tài nguyên và môi trường. Từ những lý do trên mà chúng ta nhận thấy rõ ràng vấn đề bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản là một điều vô cùng cần thiết. Bởi hoạt động này tác động một cách trực tiếp đến các yếu tố về tự nhiên của môi trường cụ thể như sau:
Thứ nhất, làm trôi đất và trôi nước cũng như làm thay đổi môi trường sống của các loài động thực vật hoang dã. Khi thi công các công trình thăm dò và khai thác khoáng sản đòi hỏi phải gạt bỏ lớp đất mặt thảm thực vật với diện tích lớn dẫn đến làm thay đổi môi trường sống của động thực vật hoang dã. Phá hoại nơi cư trú và đường di chuyển của loài vật, địa hình bị biến dạng, đất, nước bị trôi. Khai thác hầm mỏ là mặt đất bị sụt lở dẫn đến gây ra những sự thay đổi hệ thống sinh thái.
Thứ hai, ô nhiễm môi trường thổ nhưỡng. Quá trình khai thác mỏ đặc biệt là khai thác bằng phương pháp lộ thiên làm cho đất bị phá hoại với diện tích lớn. Bãi thải đất và bãi thải quặng chiếm diện tích đất lớn đồng thời gây ra xâm thực làm ô nhiễm đất dẫn đến năng suất giảm. Ngoài ra còn gây ra ô nhiễm tiếng ồn. Âm thanh của các vụ nổ hoặc khoan tiếng ồn của các phương tiện giao thông gây xáo trộn các hoạt động của con người và các động vật hoang dã dẫn đến việc nhiều loài vật phải di chuyển chỗ ở do ảnh hưởng của tiếng ồn.
Thứ ba, gây ô nhiễm môi trường nước. Các hoạt động khai thác và chuyển khoáng làm cho mặt nước và nước ngầm bị nhiễm axit, kim loại nặng và các nguyên tố độc hại khác, gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến nước thải sinh hoạt và nước công nghiệp. Những mỏ áp dụng phương pháp khai thác bằng sức nước gây ra thay đổi dòng chảy và biến đổi cơ cấu, quặng trôi chảy gây ra lắng đọng bùn cát ở các cửa sông, cảng biển làm cho chất lượng nước thay đổi theo chiều hướng xấu. Môi trường dưới nước cũng bị biến đổi gây ra ảnh hưởng xấu đến quá trình sinh sản và phát triển của các loài vật dẫn đến giảm số lượng quần thể và có nguy cơ bị tuyệt chủng. Các khu có hoạt động khai thác mỏ thường xuyên thải ra các nguồn nước bẩn có khả năng gây ra ô nhiễm môi trường cao.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất Luật Khoáng sản năm 2018;
– Thông tư 66/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.