Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF là định chế tài chính đa quốc gia được thành lập vào năm 1947 sau Hội nghị Bretton Woods năm 1944, Quỹ Tiền tệ Quốc tế là tổ chức quốc tế giám sát sự vận hành của hệ thống tiền tệ quốc tế.
Mục lục bài viết
1. IMF là gì?
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (viết tắt IMF) là một tổ chức quốc tế giám sát hệ thống tài chính toàn cầu bằng cách theo dõi tỷ giá hối đoái và cán cân thanh toán, cũng như hỗ trợ kỹ thuật và giúp đỡ tài chính khi có yêu cầu. Trụ sở chính của IMF đặt ở Washington, D.C., thủ đô của Hoa Kỳ.
Quỹ tiền tệ Quốc tế được thành lập từ năm 1945 nhằm thúc đẩy hợp tác tiền tệ và đảm bảo an ninh hệ thống tiền tệ toàn cầu, bao gồm 189 quốc gia làm việc để thúc đẩy hợp tác tiền tệ toàn cầu, đảm bảo ổn định tài chính, tạo điều kiện cho thương mại quốc tế, thúc đẩy việc làm và tăng trưởng kinh tế bền vững, giảm nghèo trên toàn thế giới.
IMF tên đầy đủ theo tiếng Anh là International Monetary Fund – có nghĩa là Quỹ Tiền tệ Quốc tế
2. Mục đích của IMF:
IMF được mô tả như “Một tổ chức của 189 quốc gia”, nhằm thiết lập tài chính an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại quốc tế, đẩy mạnh việc làm, tăng trưởng kinh tế và giảm bớt đói nghèo. Trừ các nước Bắc Triều Tiên, Cuba, Liechtenstein, Andorra, Monaco, Tuvalu và Nauru, tất cả các nước thành viên của Liên Hiệp Quốc tham gia trực tiếp vào IMF hoặc được đại diện cho bởi những nước thành viên khác…
Vào năm 1930, khi hoạt động kinh tế ở những nước công nghiệp chính thu hẹp, nhiều nước bắt đầu áp dụng tư tưởng trọng thương, cố gắng bảo vệ nền kinh tế của họ bằng việc hạn chế nhập khẩu. Để khỏi giảm dự trữ vàng, ngoại hối, một vài nước cắt giảm nhập khẩu, một số nước phá giá đồng tiền của họ, và một số nước áp đặt các hạn chế đối với tài khoản ngoại tệ của công dân. Những biện pháp này có hại đối với chính bản thân các nước đó vì như lý thuyết lợi thế so sánh tương đối của Ricardo đã chỉ rõ mọi nước đều trở nên có lợi nhờ thương mại không bị hạn chế. Lưu ý là, theo lý thuyết tự do mậu dịch đó, nếu tính cả phân phối, sẽ có những ngành bị thiệt hại trong khi các ngành khác được lợi. Thương mại thế giới đã sa sút nghiêm trọng, khi việc làm và mức sống ở nhiều nước suy giảm.
IMF đã đi vào hoạt động ngày 27 tháng 12 năm 1945, khi đó có 29 nước đầu tiên ký kết nó là những điều khoản của hiệp ước. Mục đích của luật IMF ngày nay là giống với luật chính thức năm 1944. Ngày 1 tháng 3 năm 1947 IMF bắt đầu hoạt động và tiến hành cho vay khoản đầu tiên ngày 8 tháng 5 năm 1947.
Từ cuối đại chiến thế giới thứ 2 cho đến cuối năm 1972, thế giới tư bản đã đạt được sự tăng trưởng thu nhập thực tế nhanh chưa từng thấy. (Sau đó sự hội nhập của Trung Quốc vào hệ thống tư bản chủ nghĩa đã thúc đẩy đáng kể sự tăng trưởng của cả hệ thống.) Trong hệ thống tư bản chủ nghĩa, lợi ích thu được từ tăng trưởng đã không được chia đều cho tất cả, song hầu hết các nước tư bản đều trở nên thịnh vượng hơn, trái ngược hoàn toàn với những điều kiện trong khoảng thời gian trước của những nước tư bản trong thời kỳ giữa hai cuộc chiến tranh thế giới.
Trong những thập kỷ sau chiến tranh thế giới hai, kinh tế thế giới và hệ thống tiền tệ có thay đổi lớn làm tăng nhanh tầm quan trọng và thích hợp trong việc đáp ứng mục tiêu của IMF, nhưng điều đó cũng có nghĩa là yêu cầu IMF thích ứng và hoàn thiện cải tổ. Những tiến bộ nhanh chóng trong kỹ thuật công nghệ và thông tin liên lạc đã góp phần làm tăng hội nhập quốc tế của các thị trường, làm cho các nền kinh tế quốc dân gắn kết với nhau chặt chẽ hơn. Xu hướng bây giờ mở rộng nhanh chóng hơn số quốc gia trong IMF.
Ảnh hưởng của IMF trong kinh tế toàn cầu được gia tăng nhờ sự tham gia đông hơn của các quốc gia thành viên. Hiện IMF có 184 thành viên, nhiều hơn bốn lần so với con số 44 thành viên khi nó được thành lập.
Nguồn vốn của IMF là do các nước đóng góp, các nước thành viên có cổ phần lớn trong IMF là Mỹ (17,46%), Đức (6,11%), Nhật Bản (6,26%), Anh (5,05%) và Pháp (5,05%).
Tổng vốn của IMF là 30 tỷ Dollar Mỹ (1999).
Mục đích chính của IMF là đảm bảo ổn định hệ thống tiền tệ quốc tế – hệ thống tỷ giá trao đổi và thanh toán quốc tế có thể cho phép các quốc gia (và công dân của họ) giao dịch với nhau. Nhiệm vụ của Quỹ được cập nhật năm 2012 bao trùm sang tất cả các vấn đề thuộc lĩnh vực kinh tế vĩ mô và tài chính để đảm bảo ổn định toàn cầu.
Để thực hiện nhiệm vụ nền tảng là đảm bảo sự ổn định của hệ thống tiền tệ quốc tế, IMF theo dõi tình hình kinh tế toàn cầu và kinh tế của các thành viên; cho vay đối với các thành viên gặp khó khăn và đưa ra những sự trợ giúp thiết thực cho thành viên.
3. Vai trò của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF:
Trong hoạt động kinh tế nói chung và tiền tệ nói riêng, IMF đóng vai trò vô cùng quan trọng. Theo đó:
– IMF đóng vai trò trong việc phát triển các công cụ để các nước đo lường, đánh giá và cải thiện tình hình kinh tế vĩ mô, bao gồm chính sách tài khóa và tiền tệ, cũng như ổn định tài chính, tiền tệ và giá cả. Theo đó, IMF sẽ giúp các nước tìm ra giải pháp tốt hơn để thực hiện các biện pháp trong tất cả các lĩnh vực nói trên và xác định những bài học từ kinh nghiệm của nhiều nước, qua đó có thể làm sáng tỏ các lựa chọn mà một quốc gia cụ thể bất kỳ có thể có.
– Thông qua đối thoại, nghiên cứu, tư vấn, cũng hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo, IMF sẽ giúp tạo ra một cộng đồng toàn cầu các chuyên gia thực hành.
– IMF đóng vai trò thúc đẩy hợp tác quốc tế thông qua một thiết chế thường trực có trách nhiệm cung cấp một bộ máy tư vấn và cộng tác nhằm giải quyết các vấn đề tiền tệ quốc tế.
– Quỹ tiền tệ Quốc tế tạo điều kiện mở rộng, tăng trưởng cân đối hoạt động mậu dịch quốc tế, từ đó góp phần vào việc tăng cường và duy trì ở mức cao việc làm, thu nhập thực tế và việc phát triển nguồn lực sản xuất của tất cả các thành viên.
– Tăng cường ổn định ngoại hối để duy trì một cách có trật tự các hoạt động giao dịch ngoại hối giữa các thành viên. Từ đó tránh việc phá giá tiền tệ để cạnh tranh giữa các nước.
– Hỗ trợ việc thành lập một hệ thống thanh toán đa phương giữa các nước thành viên cũng như xoá bỏ các hạn chế về ngoại hối có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của mậu dịch quốc tế.
– Bằng việc cung cấp các nguồn lực dự trữ của quỹ, đảm bảo an toàn, tạo ra cơ hội cho các nước sửa chữa mất cân đối trong cán cân thanh toán quốc tế, IMF đã tạo niềm tin cho các nước thành viên.
– Có vai trò quan trọng trong việc rút ngắn thời gian và giảm bớt mức độ cân bằng trong cán cân thanh toán của các nước thành viên.
4. Cơ cấu tổ chức và logo của IMF:
Cơ cấu tổ chức:
– Hội đồng Thống đốc: Là cơ quan lãnh đạo cao nhất của quĩ. Mỗi nước được cử một Thống đốc, thường là Bộ trưởng Tài chính hoặc Giám đốc Ngân hàng Trung ương và một Thống đốc dự khuyết.
– Hội đồng Giám đốc điều hành: Là cơ quan quản lí thường xuyên của quĩ, gồm 24 giám đốc
– Ủy ban tiền tệ và tài chính quốc tế
– Ủy ban về sự phát triển
Đây là ủy ban cấp bộ liên tịch giữa Hội đồng Thống đốc IMF và WB về sự chuyển giao vốn cho các nước đang phát triển, gồm 24 thành viên.
– Cơ cấu bộ máy hoạt động
Thành phần nhân sự hành chính và chuyên viên của quĩ là các viên chức dân sự quốc tế, chủ yếu là chuyên gia kinh tế, tài chính, ngân hàng, ngoài ra còn có chuyên gia kế toán và chuyên viên pháp lí được tuyển dụng rộng rãi từ tất cả các nước thành viên.
– Cơ chế biểu quyết
Mọi nghị quyết chỉ được thông qua ở Hội đồng Thống đốc hoặc Hội đồng giám đốc điều hành khi có tối thiểu 85%
Quyền bỏ phiếu của mỗi quốc gia thành viên phụ thuộc vào sự đóng góp nguồn tài chính cho quĩ.
Biểu tượng trong IMF logo
IMF logo chia làm 2 phần, một phần biểu tượng và một phần chữ tên tổ chức bao quanh biểu tượng. Trong đó, phần biểu tượng gồm nhiều chi tiết như biểu tượng chiếc khiên màu xanh đặt trong một vòng tròn mỏng, tiếp đến là 2 hình địa cầu, một nhánh ô liu 3 lá và 2 trái ô liu. Chiếc khiên trong IMF logo tượng trưng cho sức mạnh của tổ chức khi có sự hợp lực của nhiều thành viên. Biểu tượng 2 hình địa cầu thể hiện tất cả châu lục với ý nghĩa toàn cầu khá rõ ràng.
Biểu tượng nhánh ô liu được xem là một biểu tượng của Hy Lạp cổ xưa và cũng được tìm thấy trong nhiều tờ tiền cổ. Nhánh ô liu trong IMF logo tượng trưng cho sức mạnh và sự bền bỉ.
Tiếp đến là phần chữ tên tổ chức International Monetary Fund (Quỹ tiền tệ quốc tế) được thiết kế vòng quanh vòng tròn, được ngăn cách bởi một cặp sao 5 cánh tạo nên tỷ lệ hình học cân đối, thuận mắt cho IMF logo.
Màu sắc trong IMF logo
IMF logo sử dụng gam màu xanh dương chủ đạo cho toàn bộ thiết kế. Màu xanh dương thường được sử dụng trong các thiết kế logo bởi nó mang đến cảm giác an toàn, độ tin tưởng và tính bảo đảm.
Font chữ trong IMF logo
Thiết kế logo của IMF sử dụng font chữ có chân, đậm nét tạo sự khỏe khoắn và chắc cho tên tổ chức.
Tổng thể IMF logo mang tình hài hòa, cân đối nhưng vẫn không kém phần chắc chắn thể hiện được sự cam kết và tính bảo đảm tạo cảm nhận tin tưởng cho người nhìn.
5. Mối quan hệ giữa IMF và Việt Nam:
Năm 1976, Việt Nam chính thức thực hiện quy chế hội viên của Việt Nam tại IMF và được quyền hưởng các khoản vay từ IMF.
Trong giai đoạn 1976-1981, IMF đã cho Việt Nam vay khoảng 200 triệu USD nhằm giải quyết những khó khăn trong cán cân thanh toán. Sau khi Việt Nam phát sinh nợ quá hạn với IMF vào năm 1984 và IMF đình chỉ quyền vay vốn của Việt Nam, trong suốt thời gian từ 1985 đến tháng 10/1993, quan hệ giữa Việt Nam – IMF được duy trì thông qua đối thoại chính sách chủ yếu dưới hình thức tham khảo thường niên về kinh tế vĩ mô.
Tháng 10/1993, Việt Nam đã nối lại quan hệ tài chính với IMF. Trong giai đoạn 1993-2004, IMF đã cung cấp cho Việt Nam 4 khoản vay với tổng vốn cam kết 1.094 triệu USD, giải ngân được 670,8 triệu USD – trong đó 209,2 triệu USD của chương trình Tăng trưởng và Xoá đói Giảm nghèo PRGF.
IMF tích cực thực hiện nhiều hoạt động tư vấn chính sách và hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam hàng năm trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, thương mại, cải cách doanh nghiệp nhà nước, tiền tệ, ngoại hối, thị trường mở, thanh tra ngân hàng, cải cách thuế (tư vấn cho Bộ Tài chính), xác định mục tiêu lạm phát, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố v.v.
Ngoài ra, hàng trăm lượt cán bộ Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành liên quan được tạo điều kiện tham dự các khóa đào tạo, hội thảo ngắn hạn và xuất học bổng dài hạn theo chương trình do IMF tài trợ tại Singapore, Áo, Mỹ.