Thực tế, khi có những hành vi xâm phạm đến quyền tác giả, đối tượng thực hiện hành vi vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm. Cơ sở để xác định trách nhiệm là phải biết được thiệt hại như thế nào. Dưới đây là hướng dẫn xác định thiệt hại do xâm phạm quyền tác giả:
Mục lục bài viết
1. Những hành vi xâm phạm quyền tác giả:
Căn cứ theo quy định tại Khoản 8 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022, những hành vi được coi là xâm phạm đến quyền tác giả bao gồm:
– Xâm phạm quyền nhân thân.
– Xâm phạm quyền tài sản.
– Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ.
– Cố ý thực hiện hành vi làm hủy bỏ hoặc làm vô hiệu những biện pháp công nghệ hữu hiệu do tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.
– Thực hiện hành vi sản xuất, phân phối, nhập khẩu, chào bán, bán, quảng bá, quảng cáo, tiếp thị, cho thuê hoặc tàng trữ nhằm mục đích thương mại các thiết bị, sản phẩm hoặc linh kiện, giới thiệu hoặc cung cấp dịch vụ khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị, sản phẩm, linh kiện hoặc dịch vụ đó được sản xuất, sử dụng nhằm vô hiệu hóa biện pháp công nghệ hữu hiệu bảo vệ quyền tác giả.
– Thực hiện hành vi xóa, gỡ bỏ hoặc thay đổi với lỗi cố ý những thông tin quản lý quyền mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả khi biết được hoặc có cơ sở để xác định biết việc thực hiện hành vi của mình sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật.
– Thực hiện hành vi phân phối, nhập khẩu để phân phối, phát sóng, truyền đạt hoặc cung cấp đến công chúng với những bản sao của tác phẩm khi biết rõ hoặc có cơ sở để biết được thông tin quản lý quyền đã bị xóa, gỡ bỏ, thay đổi mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
Hoặc khi biết rõ hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện những hành vi có tính chất xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật.
– Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy định để được miễn trừ trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian.
2. Hướng dẫn xác định thiệt hại do xâm phạm quyền tác giả:
Thứ nhất, đối với thiệt hại về tinh thần xác định như sau:
– Thiệt hại về tinh thần được hiểu bao gồm những tổn hại về nhân phẩm, uy tín, danh dự, danh tiếng, những tổn hại khác về tinh thần gây ra cho tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan do quyền tác giả, quyền liên quan.
Thứ hai, đối với thiệt hại về tài sản xác định như sau:
– Thiệt hại về tài sản dựa trên mức độ giảm sút hoặc bị mất về giá trị tính được thành tiền của đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan được bảo hộ. Theo đó, giá trị được tính thành tiền của đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả được xác định cụ thể như sau:
+ Giá trị góp vốn kinh doanh bằng quyền tác giả, quyền liên quan.
+ Giá chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc giá chuyển giao quyền sử dụng đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan.
+ Giá trị quyền tác giả, quyền liên quan trong tổng số tài sản của doanh nghiệp.
+ Giá trị đầu tư cho việc nghiên cứu, sáng tạo và phát triển để tạo ra tác phẩm, đối tượng quyền liên quan, bao gồm các chi phí đầu tư, nghiên cứu, trang thiết bị kỹ thuật, cơ sở vật chất, chi phí tiếp thị, quảng cáo, lao động, thuế và các chi phí khác.
Thứ ba, xác định giảm sút về thu nhập, lợi nhuận:
– Các khoản thu nhập, lợi nhuận sẽ bao gồm:
+ Khoản thu nhập, lợi nhuận thu được do cho thuê đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan là bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.
+ Khoản thu nhập, lợi nhuận thu được do trực tiếp, gián tiếp khai thác, sử dụng đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan.
+ Khoản thu nhập, lợi nhuận thu được do chuyển giao quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan.
+ Khoản thu nhập, lợi nhuận thu được do chuyển nhượng quyền sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan.
– Cách xác định mức thu nhập, lợi nhuận dựa trên:
+ So sánh giá bán thực tế trên thị trường của bản sao trước và sau khi xảy ra hành vi xâm phạm.
+ Có sự gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền một cách bất hợp pháp: so sánh trực tiếp với doanh thu có được từ việc khai thác, sử dụng đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan trước và sau khi xảy ra hành vi xâm phạm.
+ Có sự ảnh hưởng đến khai thác bình thường tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, cụ thể thực hiện so sánh số lượng bản sao thực tế tiêu thụ hoặc cung ứng trước và sau khi xảy ra hành vi xâm phạm; so sánh số lượng khách hàng sử dụng, thuê bao trước và sau khi xảy ra hành vi xâm phạm; so sánh tần suất khai thác, sử dụng, công chiếu, phát sóng, truyền đạt, truy cập tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng trước và sau khi xảy ra hành vi xâm phạm.
Thứ tư, xác định tổn thất về cơ hội kinh doanh:
– Cơ hội kinh doanh được xác định gồm:
+ Là khả năng phát sinh lợi nhuận, gia tăng giá trị thương hiệu (thông qua quảng cáo, tiếp thị có sử dụng đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan).
+ Là khả năng phát sinh lợi nhuận, gia tăng giá trị thương hiệu thông qua thực tế sử dụng, khai thác trực tiếp đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan trong kinh doanh; số lượng khách hàng sử dụng.
+ Là khả năng phát sinh lợi nhuận, gia tăng giá trị thương hiệu thông qua việc cho người khác thuê đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan là bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính, bản ghi âm, ghi hình.
+ Là khả năng phát sinh lợi nhuận, gia tăng giá trị thương hiệu (thông qua việc chuyển giao quyền sử dụng đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan, chuyển nhượng đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan cho người khác).
+ Các cơ hội kinh doanh khác bị mất do có hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trực tiếp gây ra.
3. Làm thế nào để bảo vệ quyền tác giả trước hành vi xâm phạm?
Dưới đây là một số biện pháp để các bên thực hiện bảo vệ quyền tác giả trước hành vi xâm phạm quyền tác giả, cụ thể như:
(1) Chủ sở hữu tự bảo vệ quyền tác giả đối với những tác phẩm của mình:
chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền được áp dụng các biện pháp sau để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bao gồm:
– Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu trí tuệ. Cụ thể các biện pháp công nghệ bao gồm:
+ Thực hiện sử dụng phương tiện hoặc những biện pháp kỹ thuật với mục đích để đánh dấu, nhận biết, phân biệt, bảo vệ sản phẩm được bảo hộ.
– Khi có hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu trí tuệ thì chủ sở hữu tác phẩm có quyền được sau:
+ Yêu cầu cá nhân, tổ chức đó phải chấm dứt hành vi vi phạm.
+ Yêu cầu cá nhân, tổ chức phải xin lỗi.
+ Thực hiện cải chính công khai.
+ Thực hiện bồi thường thiệt hại.
Biện pháp này thực hiện bằng cách chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thông báo bằng văn bản cho người xâm phạm.
Văn bản thông báo sẽ phải có các thông tin chỉ dẫn về những căn cứ phát sinh, văn bằng bảo hộ, phạm vi, thời hạn bảo hộ và phải ấn định một thời hạn hợp lý để người xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm.
– Được quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:
Để thực hiện quyền yêu cầu này thì chủ sở hữu sẽ phải có những cơ sở để chứng minh quyền lợi của mình bị xâm phạm, bao gồm:
+ Nếu người yêu cầu là chủ sở hữu hoặc người được chuyển giao, được thừa kế, kế thừa quyền tác giả thì phải có chứng cứ chứng minh điều đó.
+ Chứng cứ chứng minh hành vi xâm phạm đã xảy ra.
+ Chứng cứ nghi ngờ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với đơn đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan.
+ Các tài liệu, chứng cứ khác để chứng minh.
– Được quyền khởi kiện tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
(2) Ngoài ra, áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH Luật sở hữu trí tuệ.