Nộp thuế trong hoạt động kinh doanh là nghĩa vụ của mỗi cá nhân, tổ chức kinh doanh tại Việt Nam. Vậy xác định sản phẩm xuất khẩu không chịu thuế được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Hướng dẫn xác định sản phẩm xuất khẩu không chịu thuế:
1.1. Sản phẩm xuất khẩu không chịu thuế xuất khẩu:
Thuế xuất khẩu là loại thuế gián thu đánh vào những mặt hàng được phép xuất khẩu qua biên giới Việt Nam, kể cả là thị trường trong nước vào khu phi thuế quan và từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước.
Căn cứ khoản 4 Điều 2 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 quy định đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu không áp dụng đối với các trường hợp sau:
– Hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển;
– Hàng hóa viện trợ nhân đạo, hàng hóa viện trợ không hoàn lại;
– Hàng hóa xuất khẩu từ khu phi thuế quan ra nước ngoài;
– Hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan;
– Hàng hóa chuyển từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác;
– Phần dầu khí được dùng để trả thuế tài nguyên cho Nhà nước khi xuất khẩu.
Như vậy, có thể hiểu những hàng hóa sau khi xuất khẩu thì không chịu thuế xuất khẩu:
– Hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển;
– Hàng hóa viện trợ nhân đạo, hàng hóa viện trợ không hoàn lại;
– Hàng hóa xuất khẩu từ khu phi thuế quan ra nước ngoài hàng hóa chuyển từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác;
– Phần dầu khí được dùng để trả thuế tài nguyên cho Nhà nước khi xuất khẩu.
1.2. Sản phẩm xuất khẩu không chịu thuế giá trị gia tăng:
Khoản 20 Điều 4 Thông tư
– Hàng hóa chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam;
– Hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu;
– Hàng tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu;
– Nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để thực hiện sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu theo hợp đồng sản xuất, gia công xuất khẩu ký kết với bên nước ngoài;
– Hàng hóa, dịch vụ được mua bán giữa nước ngoài với các khu phi thuế quan và giữa các khu phi thuế quan với nhau.
2. Các trường hợp được miễn thuế xuất khẩu:
Ngoài các trường hợp không chịu thuế xuất khẩu đã nêu ở mục trên, pháp luật cũng quy định các trường hợp được miễn thuế xuất khẩu như sau:
– Hàng hóa xuất khẩu của tổ chức, cá nhân nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam ở trong định mức phù hợp với điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
– Hàng hóa trong tiêu chuẩn hành lý miễn thuế của người xuất cảnh;
– Tài sản di chuyển, quà biếu, quà tặng trong định mức của tổ chức, cá nhân nước ngoài cho các tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc ngược lại. Lưu ý rằng, đối với tài sản di chuyển, quà biếu, quà tặng có số lượng hoặc trị giá vượt quá định mức miễn thuế thì phải nộp thuế đối với phần vượt, trừ trường hợp là đơn vị nhận là cơ quan, tổ chức được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động và đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép tiếp nhận hoặc trường hợp vì mục đích nhân đạo, từ thiện;
– Hàng hóa mua bán, trao đổi qua biên giới của cư dân biên giới thuộc trong Danh mục hàng hóa và trong định mức để phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng của cư dân biên giới. Trong trường hợp thu mua, vận chuyển hàng hóa trong định mức nhưng lại không sử dụng cho sản xuất, tiêu dùng của cư dân biên giới và các hàng hóa xuất khẩu của thương nhân nước ngoài được phép kinh doanh ở chợ biên giới thì phải nộp thuế;
– Hàng hóa được miễn thuế xuất khẩu theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
– Hàng hóa có trị giá hoặc có số tiền thuế phải nộp dưới mức tối thiểu;
– Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để gia công sản phẩm xuất khẩu; sản phẩm hoàn chỉnh nhập khẩu để gắn vào các sản phẩm gia công; sản phẩm gia công xuất khẩu. Sản phẩm gia công xuất khẩu được sản xuất từ các nguyên liệu, vật tư trong nước có thuế xuất khẩu thì sẽ không được miễn thuế đối với phần trị giá nguyên liệu, vật tư trong nước tương ứng với cấu thành trong sản phẩm xuất khẩu. Hàng hóa xuất khẩu để gia công sau đó lại nhập khẩu được miễn thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu tính trên phần trị giá của các nguyên vật liệu xuất khẩu cấu thành sản phẩm gia công. Đối với những hàng hóa xuất khẩu để gia công sau đó lại nhập khẩu là tài nguyên, khoáng sản, sản phẩm có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với các chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên thì không được miễn thuế;
– Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu;
– Hàng hóa sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp tại khu phi thuế quan không sử dụng các nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài khi nhập khẩu vào thị trường trong nước;
– Hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập trong thời hạn nhất định;
– Hàng hóa không nhằm mục đích thương mại trong các trường hợp sau:
+ Hàng mẫu;
+ Ảnh, phim, mô hình thay thế cho hàng mẫu;
+ Ấn phẩm quảng cáo số lượng nhỏ.
– Hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;
– Giống cây trồng; giống vật nuôi; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong nước chưa sản xuất được mà cần thiết nhập khẩu theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
– Hàng hóa xuất khẩu để bảo vệ môi trường.
3. Không chịu thuế giá trị gia tăng khi xuất khẩu có phải kê khai thuế:
Căn cứ Điều 42 Luật Quản lý thuế 2019 có quy định kê khai thuế giá trị gia tăng phải đáp ứng nguyên tắc sau:
– Người nộp thuế phải khai chính xác, trung thực, đầy đủ những nội dung trong tờ khai thuế và nộp đầy đủ các chứng từ, tài liệu quy định trong hồ sơ khai thuế với cơ quan quản lý thuế.
– Người nộp thuế tự tính số tiền thuế phải nộp, trừ trường hợp việc tính thuế do cơ quan quản lý thuế thực hiện theo quy định của pháp luật.
– Người nộp thuế thực hiện khai thuế, tính thuế tại cơ quan thuế địa phương có thẩm quyền nơi có trụ sở.
– Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và những dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì các nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật.
Khoản 3 Điều 7 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định về Người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế trong các trường hợp sau đây:
-.Người nộp thuế chỉ có hoạt động, kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với mỗi loại thuế.
-.Cá nhân có thu nhập được miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân và theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 79 Luật Quản lý thuế trừ những cá nhân nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản; chuyển nhưng bất động sản.
-.Doanh nghiệp chế xuất chỉ có hoạt động xuất khẩu thì không phải nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng.
-.Người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh theo quy định tại Điều 4 Nghị định này.
-.Người nộp thuế nộp hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế, trừ trường hợp chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng, thực hiện tổ chức lại doanh nghiệp theo quy định của khoản 4 Điều 44 Luật Quản lý thuế.
-.Người khai thuế thu nhập cá nhân là tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc trường hợp khai thuế thu nhập cá nhân theo tháng, theo quý mà trong tháng quý đó không phát sinh việc khấu trừ thuế thu nhập cá nhân của đối tượng nhận thu nhập.
Thêm nữa, tại Công văn 4943/TCT-KK năm 2015 Tổng cục Thuế có hướng dẫn với nội dung như sau:
Điều 4 Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12 ngày 03/06/2008 quy định rằng Người nộp thuế GTGT là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải chịu thuế GTGT (sau đây gọi là cơ sở kinh doanh) và các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa chịu thuế GTGT (sau đây gọi là người nhập khẩu).
Căn cứ hướng dẫn trên, trường hợp người nộp thuế chỉ sản xuất kinh doanh các hàng hóa dịch vụ không chịu thuế GTGT thì không phải kê khai, nộp thuế GTGT. Trong trường hợp nếu phát sinh bán hàng hóa dịch vụ thuộc đối tượng phải chịu thuế GTGT (ví dụ: thanh lý tài sản,…) thì người nộp thuế phải sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế và nộp thuế theo quy định.
Như vậy, nếu chỉ hoạt động, kinh doanh các đối tượng không thuộc diện chịu thuế GTGT (xuất khẩu hàng hóa) thì người nộp thuế sẽ không phải có trách nhiệm kê khai thuế.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, số