Ranh giới thửa đất là đường gấp khúc tạo bởi các cạnh thửa nối liền, bao khép kín phần diện tích thuộc thửa đất đó. Đây là cơ sở để xác định ranh giới, diện tích sử dụng đất của người sử dụng đất.
Mục lục bài viết
1. Thế nào là ranh giới thửa đất? Ranh giới thửa đất dùng làm gì?
Đất đai là một trong những lĩnh vực, phạm trù điều chỉnh đặc biệt quan trọng của cơ quan Nhà nước. Tại đó, Nhà nước đưa ra rất nhiều quy định mang tính chất quản lý và điều chỉnh hoạt động sử dụng đất của người dân.
Ranh giới thửa đất là đường gấp khúc tạo bởi các cạnh thửa nối liền, bao khép kín phần diện tích thuộc thửa đất đó. Thực tế, đây là khái niệm hết sức quen thuộc trong thực tiễn sử dụng và quản lý đất đai của Nhà nước ta. Đây là cơ sở để xác định ranh giới, diện tích sử dụng đất của người sử dụng đất.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư
+ Ranh giới thửa đất được xác định là đường bao của toàn bộ diện tích đất có vườn, ao gắn liền với nhà ở đó đối với trường hợp đất có vườn, ao gắn liền với nhà ở.
+ Ranh giới thửa đất được xác định là đường bao ngoài cùng, bao gồm các bậc thang liền kề có cùng mục đích sử dụng đất, thuộc phạm vi sử dụng của một người sử dụng đất hoặc một nhóm người cùng sử dụng đất (không phân biệt theo các đường bờ chia cắt bậc thang bên trong khu đất tại thực địa) đối với ruộng bậc thang.
+ Ranh giới thửa đất được xác định theo đường tâm của đường bờ thửa, đường rãnh nước đối với trường hợp độ rộng đường bờ thửa, đường rãnh nước bằng hoặc lớn hơn 0,5m thì ranh giới thửa đất được xác định theo mép của đường bờ thửa, đường rãnh nước được xác định đối với trường hợp ranh giới thửa đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng là bờ thửa, đường rãnh nước dùng chung không thuộc thửa đất có độ rộng dưới 0,5m.
Từ nội dung phân tích ở trên, có thể thấy, ranh giới thửa đất là đường vẽ trên bản đồ địa chính hoặc mốc giới thực địa, nhằm xác định quyền sử dụng của các thủ thể có quyền sử dụng, chiếm hữu đối với phần đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận, theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
2. Hướng dẫn xác định ranh giới thửa đất liền kề như thế nào?
2.1. Căn cứ xác định ranh giới thửa đất liền kề:
Khoản 1 Điều 175 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về căn cứ xác định ranh giới thửa đất liền kề cụ thể như sau:
+ Thỏa thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là một trong những căn cứ để xác định ranh giới giữa các thửa đất liền kề. Tức các cá nhân, hộ gia đình có đất liền kề nhau sẽ thỏa thuận với nhau về việc xác định ranh giới thửa đất liền. Trong trường hợp không tự thỏa thuận trước đó thì cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ xác định căn cứ ranh giới thửa đất.
+ Ranh giới thửa đất cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp. Tức trong trường hợp người dân sử dụng đất ổn định lâu dài từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp, cơ quan Nhà nước sẽ tôn trọng phần ranh giới đã được người dân đồng thuận xác định cùng nhau trước đó.
+ Một trong những căn cứ để xác định ranh giới thửa đất là đất không có tranh chấp. Hay nói cách khác, phần ranh giới được xác lập phải đảm bảo nguyên tắc không được lấn, chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách, kể cả trường hợp ranh giới là kênh, mương, hào, rãnh, bờ ruộng. Mọi chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung. Đây là cơ sở để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, hộ gia đình có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan.
Trên đây là những căn cứ để xác định phần ranh giới thửa đất của các cá nhân, hộ gia đình với nhau. Về cơ bản, ranh giới thửa đất này được xác lập dựa trên cơ sở, nền tảng sử dụng đất ổn định, lâu dài và không có tranh chấp. Tức nó đã được xác lập một cách lâu dài. Nhà nước sẽ dựa vào những căn cứ này để xác định quyền sử dụng đất của người dân, ranh giới thửa đất; từ đó đưa ra phương hướng giải quyết, thực hiện các hoạt động liên quan đến đất đai sao cho phù hợp nhất.
2.2. Thủ tục xác định ranh giới thửa đất liền kề:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT việc xác định ranh giới thửa đất được quy định theo quy trình, thủ tục cụ thể như sau:
+ Bước 1: Xác định hiện trạng, mốc giới thửa đất trên thực địa
Cán bộ đo đạc cần phối hợp với công chức địa chính cấp xã hoặc cán bộ thôn, xóm, ấp, tổ dân phố để được hỗ trợ, hướng dẫn việc xác định hiện trạng, ranh giới sử dụng đất, cùng với người sử dụng, quản lý đất liên quan tiến hành xác định ranh giới, mốc giới thửa đất trên thực địa trước khi tiến hành đo vẽ chi tiết.
+ Bước 2: Lập Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất
Sau khi xác định hiện trạng, mốc giới thửa đất trên thực địa, cán bộ đo đạc sẽ thực hiện đánh dấu các đỉnh thửa đất bằng đinh sắt, vạch sơn, cọc bê tông, cọc gỗ và lập Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất để làm căn cứ thực hiện đo đạc ranh giới thửa đất. Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất chính là cơ sở để hiển thị lại mốc ranh giới trên thực tế đất đai.
+ Bước 3: Yêu cầu người sử dụng đất xuất trình các giấy tờ liên quan đến thửa đất (có thể cung cấp bản sao các giấy tờ đó không cần công chứng, chứng thực).
Trên đây là quy trình, thủ tục mà cơ quan chức năng có thẩm quyền phải thực hiện khi muốn xác định ranh giới thửa đất liền kề. Quy trình này giúp hoạt động xác định mốc ranh giới được diễn ra một cách khách quan, cụ thể và chính xác nhất. Đây là cơ sở để hỗ trợ hoạt động xây dựng và quản lý sử dụng liên quan đến đất đai; bảo vệ một cách toàn diện quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.
3. Ranh giới thửa đất có thay đổi phải làm sao?
Ranh giới thửa đất là đường vẽ trên bản đồ địa chính hoặc mốc giới thực địa, nhằm xác định quyền sử dụng của các thủ thể có quyền sử dụng, chiếm hữu đối với phần đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận, theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Đây là căn cứ xác định ranh giới giữa các thửa đất với nhau. Song trên thực tế, không phải lúc nào ranh giới thửa đất cũng giữ được nguyên hiện trạng ban đầu của nó. Bởi trong quá trình sử dụng, dưới sự tác động của nhiều yếu tố, ranh giới thửa đất có thể bị xê dịch hoặc thay đổi về diện tích.
Trong hoạt động sử dụng và thực hiện các giao dịch pháp lý liên quan đến đất đai, khi phát hiện ranh giới thửa đất có thay đổi so với diện tích ban đầu được ghi trong sổ đỏ, chủ sử dụng mảnh đất đó sẽ có quyền gửi đơn khiếu nại lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xác định lại ranh giới thửa đất. Tức trong trường hợp ranh giới đất đai thay đổi, cá nhân, hộ gia đình được cấp quyền sử dụng đất được quyền khiếu nại lên cơ quan chức năng có thẩm quyền để được hỗ trợ giải quyết.
Sau khi người dân gửi đơn khiếu nại lên, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận đơn khiếu nại, tiến hành khảo sát, đo đạc và thẩm tra lại diện tích đất để xác định lại chính xác ranh giới đất theo đúng quy định pháp luật.
Ranh giới thửa đất có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hoạt động sử dụng và quản lý đất đai. Do đó, tính xác thực và chính xác của ranh giới thửa đất có vai trò đặc biệt quan trọng. Cụ thể:
+ Đây là cơ sở để xác định ranh giới đất đai của thửa đất thuộc quyền sử dụng đất của cá nhân, tổ chức bất kỳ. Trong trường hợp phát sinh những rủi ro, tranh chấp xảy ra, đây được xem là cơ sở để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
+ Ranh giới thửa đất giúp Nhà nước xác định và quản lý phần đất của từng người dân. Từ đó đưa ra phương hướng quản lý, chỉnh lý dự án sử dụng đất đai sao cho phù hợp nhất.
+ Trong công tác quản lý đất đai, trong một số trường hợp cụ thể, Nhà nước sẽ thu hồi đất để phục vụ thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng. Do đó, ranh giới đất chính là cơ sở để xác định diện tích đất của mỗi hộ dân, phục vụ cho công tác bồi thường đất đai sau này.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Bộ luật dân sự 2015;
Thông tư 25/2014/TT-BTNMT.