Khi bị mất tài sản, người mất tài sản sẽ phải gửi đơn trình báo mất tài sản lên cơ quan chức năng có thẩm quyền để giải quyết. Vậy viết đơn trình báo mất tài sản như thế nào? Phải nộp ở đâu?
Mục lục bài viết
1. Hướng dẫn viết đơn trình báo mất tài sản?
Khi một cá nhân, tổ chức bị mất tài sản thuộc quyền sử hữu của mình thì có thể làm đơn trình báo mất tài sản gửi lên cơ quan chức năng có thẩm quyền để cơ quan chức năng xác minh sự việc, tìm lại được tài sản cho mình. Khi viết đơn trình báo mất tài sản, nội dung trong đơn bao gồm những thông tin sau:
– Quốc hiệu – tiêu ngữ;
– Địa điểm, ngày tháng năm viết đơn trình báo mất tài sản;
– Tên văn bản (Đơn trình báo về việc mất tài sản);
– Phần kính gửi: người viết đơn trình báo mất tài sản ghi rõ cơ quan hành chính, đơn vị hành chính nơi mình nộp đơn trình báo (ví dụ, kính gửi ủy ban nhân dân xã Hiệp Hòa, huyện Như khánh, tỉnh…);
– Phần thông tin của người mất tài sản, bao gồm những thông tin sau:
+ Họ và tên;
+ Ngày tháng năm sinh;
+ Số chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu; nơi cấp; ngày cấp;
+ Địa chỉ thường trú;
+ Địa chỉ hiện tại;
+ Số điện thoại liên hệ.
– Trình bày rõ sự việc dẫn đến bị mất tài sản như thế nào. Ví dụ, vào sáng ngày 28/04/2023 tôi có ra khỏi nhà vào 7h30 phút để đi làm. Khi đi, tôi có khóa cổng, khóa cửa chặt chẽ. Nhưng đến khi tôi đi làm về vào 13h15 phút cùng ngày, tôi thấy cổng, cửa nhà tôi đã bị phá khóa, đồ đạc trong nhà bị đảo lộn. Tôi kiểm tra lại những đồ đạc thì phát hiện bị mất những tài sản sau:
+ Tiền trong két sắt với tổng giá trị là 50.000.000 đồng (năm mươi triệu đồng);
+ 3 cây vàng 9999;
+ Một chiếc xe máy Vision mang biển kiểm soát là 19B899999.
– Ghi rõ nội dung yêu cầu. Ví dụ, vì vậy, tôi làm đơn này kính mong Quý cơ quan xử lý theo đúng quy định pháp luật, có biện pháp tổ chức tìm kiếm lại những tài sản bị mất cho tôi và xử lý nghiêm minh cá nhân có hành vi phạm pháp;
– Phần cam đoan. Ví dụ, Tôi xin cam đoan tất cả thông tin tôi nêu trên đều đúng sự thật. Tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ lời khai của mình và chịu các chi phí trong việc tìm kiếm tài sản theo quy định pháp luật;
– Phần cảm ơn. Ví dụ, Tôi xin chân thành cảm ơn!;
– Ghi rõ những tài liệu, bằng chứng kèm theo (nếu có). Ví dụ, kèm theo đơn trình báo mất tài sản là dữ liệu camera ghi lại toàn cảnh sự việc;
– Người làm đơn (người mất tài sản) ký và ghi rõ họ tên.
Khi viết đơn trình báo mất tài sản cần lưu ý những vấn đề sau:
– Đảm bảo các thông tin cung cấp trong đơn trình báo là chính xác;
– Trình bày sự việc mất tài sản theo trình tự thời gian;
– Ghi rõ số lượng, khối lượng, giá trị tài sản bị mất;
– Cung cấp chi tiết thông tin người trình báo; để cơ quan công an liên hệ lại dễ dàng khi cần;
– Đơn trình báo mất tài sản cần có đầy đủ chữ ký của người làm đơn; người làm chứng và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận;
– Người trình báo nên thực hiện nộp trực tiếp tại cơ quan công an; để được thụ lý vụ việc sớm nhất, tránh thất lạc.
2. Nộp đơn trình báo mất tài sản ở đâu:
Tại Điều 145 Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, theo quy định này Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:
– Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
– Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm. Tại Điều 5 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC quy định việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố quy định các cơ quan, tổ chức khác có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:
+ Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an;
+ Tòa án các cấp;
+ Cơ quan báo chí;
+ Các cơ quan, tổ chức khác.
Qua quy định trên, khi một cá nhân, tổ chức bị mất tài sản sau khi hoàn thành xong việc viết đơn trình báo mất tài sản thì có thể gửi đơn đến một trong những cơ quan chức năng sau:
– Cơ quan điều tra;
– Viện kiểm sát;
– Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an;
– Tòa án các cấp;
– Cơ quan báo chí.
Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy, để nhanh xác minh được rõ sự việc thì người bị mất tài sản nên nộp đơn trình báo mất tài sản đến cơ quan công an xã, phường, thị trấn, Đồn công an, Trạm công an nơi mình bị mất tài sản. Bởi việc mất tài sản là việc có liên quan đến lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, việc người bị mất tài sản gửi đơn trình báo mất tài sản lên công an cấp xã trong địa bàn nơi mất tài sản sẽ tiết kiệm được về mặt thời gian cũng như khoảng cách địa lý để nhanh chóng xác minh được rõ vấn đề.
3. Được hiểu như thế nào là đơn trình báo mất tài sản:
Tài sản được Bộ Luật Dân sự 2015 quy định rằng tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm là bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản được hình thành trong tương lai.
Quyền sở hữu là một trong những quyền cơ bản được pháp luật bảo vệ. Bộ luật Dân sự quy định không một ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật về quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản. Cụ thể, tại Điều 164 Bộ luật Dân sự 2015 quy định các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản như sau:
– Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền tự bảo vệ, ngăn chặn bất kỳ một người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng các biện pháp không trái với quy định của pháp luật.
– Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản được quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc những người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt những hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Như vậy, căn cứ vào quy định trên thì chủ sở hữu tài sản tự bảo vệ đối với những tài sản của mình, chủ sở hữu có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc những người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật. Để thực hiện yêu cầu cơ quan nhà nước buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản thì người bị mất tài sản phải làm đơn trình báo mất tài sản để cơ quan nhà nước vào cuộc giải quyết.
Qua các quy định này, ta có thể hiểu đơn trình báo mất tài sản chính là văn bản được cá nhân, tổ chức sử dụng khi muốn trình báo với cơ quan chức năng có thẩm quyền về việc mình bị mất tài sản, yêu cầu cần có sự can thiệp phân giải, giải quyết của cơ quan chức năng về những vấn đề có liên quan đến việc mình bị mất tài sản nhằm yêu cầu cơ quan này vào cuộc giải quyết vấn đề của mình.
4. Sau khi nộp đơn trình báo mất tài sản người nộp đơn có được rút đơn trình báo:
Trong một số trường hợp hoặc do hai bên đã tự giải quyết được với nhau, hoặc do có sự nhầm lẫn trong việc trình báo thì người nộp đơn có nhu cầu rút đơn trình báo. Khi đó nếu vụ việc trình báo có dấu hiệu hình sự thì Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về việc khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại như sau:
– Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm được quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật Hình sự 2015 khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, những người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.
– Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ các trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do họ bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
– Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ các trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.
Qua quy định trên, chỉ các tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật Hình sự 2015 thì những người trình báo mới được rút đơn. Các tội phạm hình sự khác dù có rút đơn thì cơ quan điều tra vẫn khởi tố vụ án hình sự. Mà các tội phạm này đều không liên quan gì đến tội xâm phạm quyền sở hữu (ngoại trừ tội phạm tại Điều 266 về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp).
Như vậy, từ phân tích trên, sau khi một người bị mất tài sản đã nộp đơn trình báo mất tài sản đến cơ quan chức năng để làm rõ, giải quyết vấn đề thì sẽ không được rút đơn trình báo mất tài sản sau khi đã được cơ quan chức năng thụ lý giải quyết.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ Luật Hình sự 2015;
– Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC quy định việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.