Khái quát về chuyển nhượng tàu biển Việt Nam? Thủ tục chuyển nhượng tàu biển Việt Nam?
Tàu biển là một trong các loại tài sản phải đăng ký sở hữu, đây cũng là cơ sở để pháp luật bảo vệ quyền của chủ sở hữu một cách triệt để đối với loại tài sản có giá trị và ý nghĩa trong lĩnh vực hàng hải. Chính vì hoạt động đăng ký, do đó, việc mua bán, chuyển nhượng tàu biển sẽ phát sinh rất nhiều các thủ tục pháp lý liên quan. Trên cơ sở nắm bắt được cơ bản quy định của pháp luật, trong bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ có hướng dẫn cụ thể tới người đọc về thủ tục chuyển nhượng tàu biển Việt Nam.
Cơ sở pháp lý:
Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015.
Nghị định 171/2016/NĐ-CP về đăng ký, xóa đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển.
1. Khái quát về chuyển nhượng tàu biển Việt Nam?
Theo giải thích tại Khoản 1, Điều 13 Bộ luật hàng hải Việt Nam: “Tàu biển là phương tiện nổi di động chuyên dùng hoạt động trên biển.” Biểu hiện của tàu biển Việt Nam là tàu biển mang quốc tịch Việt Nam, “là tàu biển đã được đăng ký vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam hoặc đã được cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cấp giấy phép tạm thời mang cờ quốc tịch Việt Nam.” (Khoản 1, Điều 14 Bộ luật hàng hải).
Chuyển nhượng tàu biển Việt Nam là chuyển quyền sở hữu và sở hữu tàu biển Việt Nam từ một cá nhân, tổ chức sở hữu này sang một tổ chức, cá nhân khác thông qua hợp đồng chuyển nhượng. Chủ thể được phép chuyển nhượng phải là chủ sở hữu tàu biển Việt Nam được chứng minh thông qua Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển Việt Nam.
Chuyển nhượng tàu biển Việt Nam phát sinh dựa trên hoạt động mua bán tàu biển, đó là quá trình tìm hiểu thị trường, chuẩn bị hồ sơ dự án, quyết định mua, bán, ký kết và thực hiện hợp đồng mua, bán tàu biển. (Khoản 8, Điều 3, Nghị định 171/2016/NĐ-CP). Hoạt động mua bán được phân định giữa mua bán tàu biển có sử dụng vốn nhà nước (thì phải theo trình tự, thủ tục, quy định chặt chẽ của pháp luật) và mua tàu biển sử dụng vốn khác do doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (do các chủ thể tự quyết định trình tự thực hiện phù hợp và đảm bảo an toàn pháp lý nhất).
Tàu biển Việt Nam được chuyển nhượng phải đảm bảo các điều kiện về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường, đồng thời, tàu biển Việt Nam đang thế chấp thì không được chuyển quyền sở hữu.
Chuyển nhượng tàu biển Việt Nam là hoạt động phải có ít nhất hai bên trong quan hệ, trong đó một bên có nhu cầu bán tàu biển và một bên có nhu cầu mua tàu biển để sử dụng vào mục đích của mình. Bên chuyển nhượng phải là chủ sở hữu của tàu biển, đã được đăng ký theo quy định của pháp luật hàng hải và việc chuyển nhượng dựa trên ý chí chủ quan của họ mà không có sự ép buộc hay lừa dối. Bên nhận chuyển nhượng là bất kỳ cá nhân, tổ chức nào có đủ năng lực trách nhiệm dân sự và có khả năng giao kết hợp đồng chuyển nhượng. Yếu tố chủ thể cũng là yếu tố quan trọng quyết định đến tính pháp lý của hoạt động chuyển nhượng.
2. Thủ tục chuyển nhượng tàu biển Việt Nam?
Thực tiễn quy định của pháp luật hàng hải cho thấy không có một văn bản pháp luật nào nhắc đến cụm thuật ngữ “chuyển nhượng tàu biển Việt Nam”. Tuy nhiên, bản chất của chuyển nhượng là chuyển quyền sở hữu, điều này thì đã được quy định cụ thể tại Điều 36 Bộ luật hàng hải, nội dung điều luật này ghi nhận:
“1. Việc chuyển quyền sở hữu tàu biển phải được thể hiện bằng văn bản theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc pháp luật của quốc gia nơi thực hiện chuyển quyền sở hữu tàu biển.“
Như vậy, theo quy định này, tàu biển Việt Nam có thể được chuyển nhượng theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc pháp luật của nước ngoài, điều này phụ thuộc vào chủ thể trong việc tiếp nhận quyền sở hữu. Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia đều quy định về thỏa thuận chuyển quyền sở hữu được thiết lập bằng văn bản nhằm đảm bảo tính pháp lý vững chắc, tranh những tranh chấp không đáng có xảy ra, đặc biệt, tàu biển là tài sản có giá trị lớn.
“2. Việc chuyển quyền sở hữu tàu biển Việt Nam có hiệu lực sau khi được ghi trong Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam.“
Quy định này hoàn toàn thống nhất với các quy định khác về đăng ký tàu biển, việc được vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển là hình thức pháp lý ghi nhận quyền sở hữu đối với chủ tàu, đây là sự công nhân của nhà nước đối với chủ sở hữu mới và họ chính thức được pháp luật bảo vệ quyền sở hữu đối với tài sản là tàu biển.
“3. Sau khi hoàn thành thủ tục chuyển quyền sở hữu thì toàn bộ tàu biển và tài sản của tàu biển thuộc quyền sở hữu của người nhận quyền sở hữu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Tài sản của tàu biển là các đồ vật, trang thiết bị trên tàu biển mà không phải là các bộ phận cấu thành của tàu biển.“
Việc chuyển quyền sở hữu đồng nghĩa với việc chuyển quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tàu biển cho bên nhận quyền sở hữu, các bên có thể thỏa thuận các nội dung khác, tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc chuyển quyền sở hữu chủ yếu là bên nhận quyền sở hữu muốn được thực hiện quyền chiếm hữu và sử dụng vào các mục đích mà họ mong muốn. Với việc quy định chuyển quyền sở hữu đồng thời chuyển tài sản của tàu biển thì đây là quy định khá mở rộng, tạo khá nhiều thuận lợi cho bên nhận chuyển nhượng và cũng thể hiện được tính đồng bộ đối với loại tài sản là tàu biển.
“4. Các quy định về chuyển quyền sở hữu tàu biển được áp dụng đối với việc chuyển quyền sở hữu cổ phần tàu biển.“. Theo quy định này, đối với tàu biển có nhiều chủ sở hữu và các hình thức sở hữu là các cổ phần thì các quy định về chuyển quyền sở hữu sẽ có phần phức tạp hơn nhưng về bản chất thì các quy định trên vẫn được áp dụng một cách triệt để.
Tuy nhiên, nếu dựa trên quy định tại Điều 36 Bộ luật hàng hải đã được tác giả phân tích ở trên, thì dường như người đọc vẫn chưa thể hình dung ra được thủ tục chính xác cho hoạt động chuyển quyền sở hữu được diễn ra như thế nào. Như ở mục 1 tác giả đã viết: Hoạt động mua bán được phân định giữa mua bán tàu biển có sử dụng vốn nhà nước (thì phải theo trình tự, thủ tục, quy định chặt chẽ của pháp luật) và mua tàu biển sử dụng vốn khác do doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (do các chủ thể tự quyết định trình tự thực hiện phù hợp và đảm bảo an toàn pháp lý nhất). Điều này cũng tác động đến thủ tục chuyển quyền sở hữu đối với các loại tàu biển khác nhau, mà trong đó, thủ tục về chuyển quyền sở hữu tàu biển Việt Nam có vốn nhà nước sẽ cụ thể và chi tiết hơn được ghi nhận tại Nghị định 171/2016/NĐ-CP. Trong khi đó, đối với trình tự, thủ tục quy định đối với các loại tàu biển khác thì lại do các bên tự thỏa thuận, điều này cũng có tính hợp lý, nhằm tạo cơ chế vừa chủ động vừa quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Dù được thực hiện như thế nào, thì thủ tục quan trọng nhất khi chuyển quyền sở hữu tàu biển Việt Nam đó là thủ tục đăng ký thay đổi chủ tàu trong Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam. Bởi đây là thủ tục làm phát sinh quyền sở hữu của bên nhận quyền sở hữu theo đúng tinh thần Khoản 2, Điều 36 Bộ luật Hàng hải.
Việc đăng ký thay đổi được thực hiện tại Cục Hàng hải Việt Nam hoặc các Chi cục hàng hải, Cảng vụ hàng hải thực hiện nhiệm vụ đăng ký tàu biển theo phân cấp của Cục Hàng hải Việt Nam. (Điều 4, Nghị định 171/2016/NĐ-CP).
Khi đăng ký thay đổi chủ tàu thì trong hồ sơ bắt buộc phải có hợp đồng chuyển nhượng tàu biển Việt Nam hoặc văn bản tương đương chứng minh quyền sở hữu đã được chuyển giao. Hoạt động đăng ký này sẽ do bên nhận chuyển nhượng thực hiện để tự mình chủ động hơn, hoạt động chuyển nhượng chính thức chấm dứt khi bên nhận chuyển nhượng đăng ký tàu biển và được vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam. Hoạt động đăng ký này được diễn ra như đăng ký mới mà không có bất kỳ trở ngại nào.
Việc xảy ra tranh chấp về quyền sở hữu đối với tàu biển trong trường hợp chuyển nhượng này có thể sẽ xảy ra là yếu tố khách quan luôn tồn tại do rủi ro trong thiết lập hợp đồng chuyển nhượng là không thể tránh khỏi.
Qua việc tìm hiểu quy định của pháp luật, phải nhận định một điều rằng, sự thiếu thống nhất và quy định không rõ ràng về thủ tục chuyển nhượng đã dẫn đến những khó khăn nhất định cho cả người nghiên cứu pháp luật cũng như người thực hiện quy định của pháp luật. Trước thực trạng này, yêu cầu về việc thiết lập các quy định bổ sung là điều hoàn toàn cần thiết, nhằm đảm bảo một hệ thống pháp lý chặt chẽ, hiệu quả, tránh những tranh chấp phát sinh không đáng có, gây mất thời gian, tiền bạc và bất ổn trong các quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh triệt để.