Phù hiệu xe hợp đồng là một loại tem do Sở Giao thông vận tải cấp cho các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Thủ tục cấp phù hiệu xe hợp đồng như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Hướng dẫn thủ tục cấp phù hiệu xe hợp đồng:
Thủ tục cấp phù hiệu xe hợp đồng được thực hiện theo các bước sau:
1.1. Chuẩn bị hồ sơ:
– Giấy đề nghị cấp phù hiệu (giấy theo mẫu quy định tại Phụ lục V của Nghị định 10/2020/NĐ-CP);
– Một trong các loại giấy tờ sau:
+ Giấy đăng ký xe ô tô (bản sao);
+ Giấy hẹn nhận giấy đăng ký xe ô tô của cơ quan cấp đăng ký (bản sao).
– Trường hợp phương tiện không thuộc quyền sở hữu của đơn vị kinh doanh vận tải thì xuất trình thêm một trong những giấy tờ sau:
+ Hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản với tổ chức, cá nhân (bản sao);
+ Hợp đồng dịch vụ giữa thành viên và hợp tác xã (bản sao);
+ Hợp đồng hợp tác kinh doanh (bản sao).
1.2. Nộp hồ sơ:
Đơn vị kinh doanh vận tải gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp phù hiệu xe hợp đồng đã nêu trên đến Sở Giao thông vận tải nơi đã cấp Giấy phép kinh doanh cho đơn vị bằng một trong các hình thức sau:
– Nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan cấp;
– Nộp hồ sơ qua đường bưu điện;
– Nộp hồ sơ bằng hình thức phù hợp khác theo quy định.
1.3. Giải quyết hồ sơ:
– Trường hợp tiếp nhận hồ sơ cấp phù hiệu xe hợp đồng trực tiếp tại cơ quan cấp hoặc qua đường bưu điện, các cán bộ tiếp nhận hồ sơ cập nhật thông tin của những hồ sơ đúng theo quy định vào hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Giao thông vận tải.
– Cơ quan cấp thực hiện việc xử lý hồ sơ và cấp phù hiệu xe hợp đồng ở trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Giao thông vận tải.
– Trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung: trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ cấp phù hiệu xe hợp đồng thì cơ quan cấp phù hiệu thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến các nội dung cần bổ sung hoặc sửa đổi đến đơn vị kinh doanh vận tải.
– Trường hợp hồ sơ đúng quy định:
+ Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi nhận hồ sơ đúng quy định, Sở Giao thông vận tải phải cấp phù hiệu cho các xe theo đề nghị của đơn vị kinh doanh vận tải.
+ Trường hợp từ chối không cấp, Sở Giao thông vận tải phải trả lời bằng văn bản hoặc trả lời thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và nêu rõ lý do.
Lưu ý rằng:
– Sở Giao thông vận tải chỉ cấp phù hiệu khi thiết bị giám sát hành trình của xe hợp đồng đáp ứng đầy đủ các quy định về lắp đặt, truyền dẫn dữ liệu.
– Cơ quan cấp thực hiện việc xử lý hồ sơ và cấp phù hiệu trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Giao thông vận tải.
2. Quy định đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng:
Thứ nhất, xe ô tô kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng phải đáp ứng các quy định sau:
– Phải có phù hiệu “XE HỢP ĐỒNG” và được dán cố định ở phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết các thông tin khác trên xe;
– Phải được niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” làm bằng vật liệu phản quang ở trên kính phía trước và kính phía sau xe; với kích thước tối thiểu của cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” là 06 x 20 cm;
– Trường hợp xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách mà có trên 70% tổng thời gian hoạt động trong một tháng tại địa phương nào thì phải tiến hành thực hiện cấp phù hiệu địa phương đó; việc xác định tổng thời gian hoạt động sẽ được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe.
Thứ hai, niêm yết thông tin: các thông tin phải được niêm yết trên xe hợp đồng, bao gồm: tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải, trong đó:
– Kích thước tối thiểu: chiều dài là 20 cm, chiều rộng là 20 cm;
– Vị trí niêm yết: phần đầu mặt ngoài hai bên thân xe hoặc hai bên cánh cửa xe.
Thứ ba, số lượng, chất lượng, cách bố trí ghế ngồi trong xe phải đảm bảo đúng theo thiết kế của xe.
Thứ tư, trên xe phải:
– Trang bị dụng cụ thoát hiểm;
– Đảm bảo điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
Thứ năm, phù hiệu, biển hiệu được dán cố định ở tại góc trên bên phải ngay sát phía dưới vị trí của Tem kiểm định, mặt trong kính chắn gió phía trước của xe.
Thứ sáu, phía sau ghế ngồi hoặc bên cạnh giường nằm phải có bảng hướng dẫn về an toàn giao thông và thoát hiểm (phải bằng tiếng Việt và tiếng Anh), những nội dung chính gồm:
– Hướng dẫn cài dây an toàn (nếu có);
– Hướng dẫn sắp xếp hành lý;
– Bảng cấm hút thuốc lá trên xe;
– Hướng dẫn sử dụng hệ thống điện trên xe (nếu có);
– Hướng dẫn cách sử dụng bình cứu hỏa, búa thoát hiểm và hướng thoát hiểm khi xảy ra sự cố.
Thứ bảy, điểm đầu (vị trí đón hành khách đầu tiên ghi trong hợp đồng vận chuyển), điểm cuối (vị trí trả hành khách cuối cùng ghi trong hợp đồng vận chuyển) trùng lặp với trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng được xác định chính là vị trí nằm trên mặt đường hoặc tại vị trí có địa chỉ gắn với tên của tuyến phố (tên tuyến đường), tên ngõ (hẻm) trong đô thị.
3. Xe hợp đồng không có phù hiệu bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ Điều 23, 30
– Xử phạt người điều khiển xe hợp đồng chở hành khách không có phù hiệu theo quy định từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng. Ngoài ra, người điều khiển còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;
– Xử phạt cá nhân giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển xe hợp đồng chở khách không có phù hiệu theo quy định từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng;
– Xử phạt tổ chức giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển xe hợp đồng chở khách không có phù hiệu theo quy định từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng.
4. Quyền hạn và trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng:
Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có các quyền hạn và trách nhiệm sau đây:
– Xây dựng và thực hiện đúng, đầy đủ quy trình đảm bảo an toàn giao thông pháp luật quy định;
– Thực hiện các quy định đối với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách pháp luật quy định;
– Lắp đặt, quản lý, khai thác thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của xe;
– Tổ chức tập huấn nghiệp vụ vận tải và an toàn giao thông cho người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe;
– Thực hiện các trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe khách, cụ thể:
+ Trang bị, quản lý và bảo trì thiết bị phần cứng, phần mềm xử lý các dữ liệu, đường truyền dữ liệu phải đảm bảo kết nối, truyền các dữ liệu và tương thích với phần mềm tiếp nhận dữ liệu của Cục Đường bộ Việt Nam;
+ Truyền dẫn (cập nhật) chính xác, đầy đủ, không được sửa chữa hoặc làm sai lệch các dữ liệu và đảm bảo đúng thời gian các dữ liệu về máy chủ của Cục Đường bộ Việt Nam;
+ Theo dõi, kiểm tra tính chính xác những thông tin về xe, thông tin về người lái xe và loại hình kinh doanh của các xe thuộc của đơn vị quản lý. Bố trí cán bộ theo dõi, khai thác, sử dụng các dữ liệu để phục vụ công tác quản lý, điều hành hoạt động vận tải của đơn vị.
– Lưu trữ có hệ thống các thông tin bắt buộc trong thời hạn tối thiểu 03 (ba) năm;
– Cung cấp tài khoản (tên đăng nhập, mật khẩu) để truy cập vào phần mềm quản lý những phương tiện của đơn vị cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu;
– Đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô có sức chứa từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải:
+Thực hiện đúng quy định về quản lý dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô hợp đồng;
+Thực hiện đúng về quy định về cung cấp dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô hợp đồng;
+Thực hiện đúng về các Trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải pháp luật quy định.
– Xây dựng quy định nội bộ về đồng phục và thẻ tên cho người lái xe, nhân viên phục vụ ở trên xe (nếu có), thẻ nhận dạng người lái xe; thẻ tên phải có ảnh và ghi rõ họ tên, đơn vị quản lý, thẻ tên có thể kết hợp với thẻ nhận dạng người lái xe;
– Được sử dụng thiết bị điện tử để niêm yết thông tin pháp luật quy định.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 10/2020/NĐ-CP kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;
– Thông tư 12/2020/TT-BGTVT tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô;
–