Chi phí thuế đất phi nông nghiệp phải được hạch toán theo quy định pháp luật về thuế. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn hạch toán tiền thuê đất, thuế đất phi nông nghiệp:
Mục lục bài viết
1. Thế nào là thuế đất phi nông nghiệp?
Hiện nay, trong các văn bản pháp luật chưa có định nghĩa cụ thể thế nào là thuế đất phi nông nghiệp. Tuy nhiên, thực tế có thể hiểu thuế đất phi nông nghiệp là một khoản nộp ngân sách nhà nước bắt buộc mà người sử dụng đất phải đóng khi sử dụng đất phi nông nghiệp, chỉ loại trừ trường hợp được miễn thuế đất phi nông nghiệp.
Căn cứ Điều 2 Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2010 quy định, đối tượng phải chịu thuế đất phi nông nghiệp bao gồm:
– Đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị.
– Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, cụ thể là:
+ Đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh, gồm:
- Đất để xây dựng cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
- Đất để xây dựng cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ và các công trình khác phục vụ cho sản xuất, kinh doanh.
+ Đất xây dựng khu công nghiệp: xây dựng cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất và các khu sản xuất, kinh doanh tập trung khác có cùng chế độ sử dụng đất.
+ Đất dùng với mục đích khai thác khoáng sản, đất làm mặt bằng chế biến khoáng sản, ngoại trừ trường hợp khai thác khoáng sản mà không ảnh hưởng đến lớp đất mặt hoặc mặt đất.
+ Đất dùng để sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm bao gồm đất để khai thác nguyên liệu và đất làm mặt bằng chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm.
– Đất phi nông nghiệp sau sử dụng vào mục đích kinh doanh:
+ Đất sử dụng vào mục đích công cộng:
Đất xây dựng công trình văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao phục vụ lợi ích công cộng.
Đất giao thông, thủy lợi.
Đất có di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Đất xây dựng công trình công cộng khác theo quy định của Chính phủ.
+ Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa.
+ Đất do cơ sở tôn giáo sử dụng.
+ Đất có công trình là đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ.
+ Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng.
+ Đất xây dựng trụ sở cơ quan, xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh.
+ Đất phi nông nghiệp khác theo quy định của pháp luật.
2. Hướng dẫn hạch toán tiền thuê đất, thuế đất phi nông nghiệp:
Tài khoản 333 – Thuế và các khoản phải nộp cho nhà nước:
Doanh nghiệp sẽ tiến hành tính, kê khai thuế, phí và lệ phí, các khoản phải nộp theo quy định. Phản ánh kịp thời vào sổ kế toán các khoản đã nộp, được khấu trừ, được hoàn.
Đây là tài khoản phản ánh mối quan hệ giữa doanh nghiệp với nhà nước về các khoản thuế, phí lệ phí, các khoản đã nộp, phải nộp, còn phải nộp vào ngân sách nhà nước trong kỳ kế toán năm.
Với các loại thuế tài nguyên nộp vào ngân sách nhà nước được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Các loại thuế đất được tính vào chi phí quản lý doanh nghiệp.
Kết cấu của TK 333:
Bên nợ sẽ thể hiện:
– Số thuế giá trị gia tăng đã được khấu trừ trong kỳ.
– Số thuế, phí, lệ phí và các khoản khác đã nộp vào ngân sách Nhà nước.
– Số thuế được giảm trừ và số thuế phải nộp.
– Số thuế giá trị gia tăng của hàng bán bị trả lại, bị giảm giá.
Bên có sẽ thể hiện:
– Số thuế, phí, lệ phí và các khoản khác phải nộp vào ngân sách Nhà nước.
– Số thuế giá trị gia tăng đầu ra và số thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu phải nộp.
– Số dư bên có: số thuế, phí, lệ phí và các khoản khác còn phải nộp vào ngân sách Nhà nước.
TK 333 cũng có thể có số dư bên nợ: Phản ánh số thuế và khoản đã nộp lớn hơn số thuế và các khoản phải nộp cho nhà hước, hoặc phản ánh số thuế được xét miễn, giảm hoặc thoái thu nhưng chưa thực hiện.
Nội dung của TK 333:
TK 333 thể hiện thuế và các khoản phải nộp vào Ngân sách Nhà nước sẽ có 9 TK cấp 2:
– TK 3331 – thuế giá trị gia tăng phải nộp: phản ánh số thuế giá trị gia tăng đầu ra, phải nộp, đã được khấu trừ, đã nộp và còn lại phải nộp vào ngân sách Nhà nước.
+ TK 333111: Thuế giá trị gia tăng đầu ra – phản ánh thuế giá trị gia tăng đầu ra , đầu vào được khấu trừ, bị trả lại, giảm giá, phải nộp, đã nộp, còn phải nộp tiêu thụ trong kỳ.
+ TK 33312: Thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu – phản ánh số thuế giá trị gia tăng phải nộp, đã nộp còn phải nộp vào ngân sách Nhà nước.
– TK 3332 – thuế tiêu thụ đặc biệt: phản ánh số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp, đã nộp và còn phải nộp vào ngân sách Nhà nước.
– TK 3333 – Thuế xuất, nhập khẩu: phản ánh số thuế xuất nhập khẩu phải nộp, đã nộp và còn phải nộp vào ngân sách Nhà nước.
– TK 3334 – thuế thu nhập doanh nghiệp: phản ánh số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, đã nộp và còn phải nộp vào ngân sách Nhà nước.
– TK 3335 – thuế thu nhập cá nhân: phản ánh số thuế thu nhập cá nhân phải nộp, đã nộp và còn phải nộp vào ngân sách Nhà nước.
– TK 3336 – thuế tài nguyên: phản ánh số thuế tài nguyên phải nộp, đã nộp và còn phải nộp vào ngân sách Nhà nước.
– TK 3337 – thuế nhà đất, tiền thu đất: phản ánh số thuế nhà đất, tiền thuế đất phải nộp, đã nộp và còn phải nộp vào ngân sách Nhà nước.
– TK 3338 – thuế bảo vệ môi trường và các loại thuế khác: Phản ánh số thuế bảo vệ môi trường đã nộp, phải nộp và còn phải nộp vào ngân sách Nhà nước cùng các loại thuế như thuế môn bài,…
– TK 3339 – phí, lệ phí các khoản khác phải nộp: Phản ánh các khoản phí, lệ phí và các khoản khác đã nộp, phải nộp và cần phải nộp vào ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra còn thể hiện cả các khoản trợ cấp cho doanh nghiệp từ phía nhà nước.
3. Quy định về thuế đất phi nông nghiệp:
Công thức tính thuế đất phi nông nghiệp như sau:
Thuế đất phi nông nghiệp = giá tính thuế x thuế suất.
Trong đó:
Giá tính thuế: diện tích đất tính thuế x giá của 1m2 đất.
– Diện tích đất tính thuế:
+ Là diện tích đất thực tế sử dụng.
+ Diện tích đất tính thuế được xác định bằng hệ số phân bổ nhân với diện tích nhà của từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đối với trường hợp đất ở nhà nhiều tầng nhiều hộ ở, nhà chung cư bao gồm cả trường hợp vừa để ở, vừa để kinh doanh.
+ Trường hợp là công trình xây dựng dưới mặt đất: áp dụng hệ số phân bổ bằng 0,5 diện tích đất xây dựng chia cho tổng diện tích công trình của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng.
– Giá của 1m2 đất: căn cứ vào Bảng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.
Thuế suất:
Bậc thuế | Diện tích đất tính thuế (m2) | Thuế suất (%) |
1 | Diện tích trong hạn mức | 0,03 |
2 | Phần diện tích vượt không quá 3 lần hạn mức | 0,07 |
3 | Phần diện tích vượt trên 3 lần hạn mức | 0,15 |
(Theo quy định tại Điều 5 Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2010).
4. Quy định về đăng ký, khai, tính và nộp thuế:
– Về nơi nộp thuế:
Người nộp thuế đăng ký, khai, tính và nộp thuế tại cơ quan thuế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi có quyền sử dụng đất.
Người nộp thuế có thể thực hiện việc đăng ký, khai, tính và nộp thuế tại Ủy ban nhân dân xã đối với trường hợp ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn.
– Việc đăng ký, khai, tính và nộp thuế đối với trường hợp người nộp thuế có quyền sử dụng nhiều thửa đất ở:
+ Người nộp thuế đăng ký, khai, tính và nộp thuế tại cơ quan thuế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi có quyền sử dụng đất.
+ Người nộp thuế được lựa chọn hạn mức đất ở tại một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi có quyền sử dụng đất.
+ Người nộp thuế được lựa chọn một nơi có thửa đất ở vượt hạn mức để xác định diện tích vượt hạn mức của các thửa đất nếu như nằm trong trường hợp có một hoặc nhiều thửa đất ở vượt hạn mức.
+ Về giá tính thuế: áp dụng theo giá đất của từng huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh tại nơi có thửa đất.
Khi đó, quy trình là người nộp thuế lập tờ khai tổng hợp theo mẫu quy định để xác định tổng diện tích các thửa đất ở có quyền sử dụng và số thuế đã nộp.
Sau đó, thực hiện gửi cơ quan thuế nơi người nộp thuế đã lựa chọn để xác định hạn mức đất ở để nộp phần chênh lệch giữa số thuế phải nộp theo quy định của Luật này và số thuế đã nộp.
CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT:
Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2010.
Nghị định 53/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.