Thông tin doanh nghiệp gồm những gì? Tại sao phải tra cứu thông tin doanh nghiệp? Thông tin doanh nghiệp được cung cấp có mất phí không? Hướng dẫn các cách tra cứu thông tin doanh nghiệp nhanh?
Để hỗ trợ cho các cá nhân, tổ chức có thể tra cứu, tìm hiểu và tiếp cận các thông tin của doanh nghiệp thì hiện nay có rất nhiều cách tra cứu thông tin doanh nghiệp nhanh và phổ biến. Việc tra cứu này rất đơn giản, chỉ với vài thao tác là có được những thông tin cơ bản của doanh nghiệp. Không chỉ vậy mà các thông tin chi tiết và quan trọng hơn của doanh nghiệp cũng được cung cấp để các tổ chức, cá nhân có thể gửi yêu cầu đến cơ quan đăng ký kinh doanh. Vậy các cách tra cứu thông tin doanh nghiệp nhanh như thế nào?
Căn cứ pháp lý:
– Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.
Tổng đài Luật sư
Mục lục bài viết
1. Thông tin doanh nghiệp gồm những gì?
Sau khi thực hiện thủ tục để thành lập doanh nghiệp thì nhà đầu tư sẽ được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp cho Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và sẽ được ghi nhận tư cách pháp lý. Trên giấy chứng nhận đó sẽ thể hiện các thông tin cơ bản của doanh nghiệp bao gồm:
– Mã số doanh nghiệp;
– Tên doanh nghiệp (bao gồm tên tiếng việt, tên tiếng nước ngoài và tên viết tắt);
– Địa chỉ trụ sở chính;
– Vốn điều lệ;
– Thông tin về người đại diện theo pháp luật, chủ sở hữu doanh nghiệp (đối với công ty TNHH 1 thành viên), thành viên góp vốn (đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên), thành viên hợp danh (đối với công ty hợp danh).
+ Nếu là cá nhân thì bao gồm các thông tin như: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, dân tộc, quốc tịch, CMND/CCCD/Hộ chiếu, địa chỉ thường trú, địa chỉ liên lạc.
+ Nếu là tổ chức thì bao gồm các thông tin như: Tên doanh nghiệp, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính…
Đây là toàn bộ những thông tin của doanh nghiệp sau khi thành lập sẽ có trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Những thông tin này không chỉ được thể hiện trên Giấy chứng nhận còn được thể hiện trên các trang web tra cứu về thông tin doanh nghiệp. Như vậy không cần có Giấy chứng nhận, cá nhân hay tổ chức vẫn có thể tra cứu, tìm kiếm các thông tin của doanh nghiệp một cách đơn giản và chính xác.
2. Tại sao phải tra cứu thông tin doanh nghiệp?
Các thông tin của doanh nghiệp đang hoạt động đều phải công khai minh bạch với cộng đồng để chứng minh sự tồn tại, hiện hữu của công ty trong xã hội; đồng thời cũng để các cá nhân, tổ chức khác có thể tra cứu, tìm kiếm những thông tin cơ bản của công ty đó. Việc tra cứu thông tin doanh nghiệp là cần thiết để:
Thứ nhất, người quan tâm có thể biết được các thông tin như công ty thành lập năm bao nhiêu; ai là người đại diện theo pháp luật của công ty; lĩnh vực kinh doanh, ngành nghề kinh doanh chủ yếu; những nhận xét, bình luận của khách hàng để hiểu sơ bộ về công ty đó, sẽ dễ dàng liên hệ hay lên kế hoạch hợp tác, đầu tư.
Thứ hai, tạo thêm niềm tin cho khách hàng. Thông thường, khách hàng cần nắm rõ các thông tin của công ty để chắc chắn mình không bị lừa đảo khi hợp tác hay sử dụng các sản phẩm của công ty đó. Đồng thời khách hàng cũng biết cụ thể về các nguồn gốc sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp mà mình đang sử dụng có chất lượng như thế nào.
Thứ ba, tạo điều kiện cho các ứng viên khi tham gia ứng tuyển vào các công ty và đặc biệt là các bạn sinh viên muốn thực tập hay mới ra trường thì rất cần thu thập kiến thức về những thông tin của doanh nghiệp để tham gia tốt các cuộc phỏng vấn hay báo cáo thực tập và có cơ hội được làm việc trong các công ty với môi trường tốt.
3. Thông tin doanh nghiệp được cung cấp có mất phí không?
Theo khoản 1 Điều 33 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: “Tổ chức, cá nhân có quyền đề nghị Cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh và Cơ quan đăng ký kinh doanh cung cấp thông tin được lưu giữ trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và phải nộp phí theo quy định của pháp luật.“.
Căn cứ tại Điều 36 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, việc tra cứu thông tin doanh nghiệp có thể được thực hiện như sau:
– Thông tin được cung cấp công khai, miễn phí trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tại địa chỉ https://dangkykinhdoanh.gov.vn, bao gồm: tên doanh nghiệp; mã số doanh nghiệp; địa chỉ trụ sở chính; ngành, nghề kinh doanh; họ và tên người đại diện theo pháp luật; tình trạng pháp lý của doanh nghiệp. Đây là cách thức tra cứu được cung cấp hoàn toàn miễn phí, các cá nhân, tổ chức có thể tra cứu trực tuyến thông tin của doanh nghiệp một cách đơn giản, nhanh chóng mà vẫn nắm được sơ lược, chính xác về công ty đó.
– Tổ chức, cá nhân có nhu cầu cung cấp thông tin đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Doanh nghiệp gửi đề nghị cung cấp thông tin đến cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp hoặc Cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh hoặc Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh để được cung cấp thông tin. Cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh cung cấp thông tin về doanh nghiệp lưu giữ trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh cung cấp thông tin về doanh nghiệp lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong phạm vi địa phương quản lý. Đây là cách thức tra cứu có mất phí để các cá nhân, tổ chức có thể biết rõ hơn, cụ thể và chi tiết hơn về thông tin của doanh nghiệp mà mình đang quan tâm.
Do đó, có thể thấy, có trường hợp thông tin doanh nghiệp được tra cứu miễn phí nhưng cũng có trường hợp người có yêu cầu cần trả phí để biết được những thông tin này.
4. Hướng dẫn các cách tra cứu thông tin doanh nghiệp nhanh:
4.1. Tra cứu thông tin doanh nghiệp trên mạng quốc gia:
Bước 1: Truy cập vào địa chỉ: https://dangkykinhdoanh.gov.vn.
Bước 2: Nhập mã số doanh nghiệp hoặc tên doanh nghiệp vào ô tìm kiếm ở góc phải trên cùng của màn hình rồi ấn vào nút tìm kiếm.
Bước 3: Sau khi ấn vào nút tìm kiếm, kết quả sẽ hiện ra như sau:
– Trường hợp tìm theo mã số doanh nghiệp thì kết quả hiển thị sẽ ra chính xác thông tin của doanh nghiệp bạn đang tìm kiếm.
– Trường hợp tìm theo tên doanh nghiệp thì kết quả hiển thị sẽ ra một loạt các doanh nghiệp có tên giống hoặc gần giống nhau và bạn ấn vào tên doanh nghiệp cần tìm để xem thông tin chi tiết.
Kết quả hiển thị sẽ bao gồm các thông tin: Tên doanh nghiệp, Tên doanh nghiệp viết bằng tiếng nước ngoài (nếu có), Tên doanh nghiệp viết tắt (nếu có); Tình trạng hoạt động (đang hoạt động hay tạm ngưng hoạt động…); Mã số doanh nghiệp; Loại hình pháp lý (công ty TNHH 1 thành viên, công ty cổ phần, công ty TNHH 2 thành viên trở lên…); Ngày bắt đầu thành lập; Họ và tên người đại diện theo pháp luật; Địa chỉ trụ sở chính; Ngành nghề kinh doanh theo Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.
4.2. Tra cứu thông tin doanh nghiệp bằng cách gửi công văn đến Phòng đăng ký kinh doanh:
Căn cứ tại khoản 2 Điều 36 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định: “Tổ chức, cá nhân có nhu cầu cung cấp thông tin đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Doanh nghiệp gửi đề nghị cung cấp thông tin đến cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp hoặc Cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh hoặc Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh để được cung cấp thông tin.“.
Theo đó, cá nhân, tổ chức có nhu cầu tra cứu thông tin doanh nghiệp thì gửi đơn đề nghị (đối với cá nhân) hoặc công văn (đối với tổ chức) đến cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp hoặc Cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh hoặc Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh để được cung cấp thông tin. Trong đó ghi rõ các thông tin quan trọng như: doanh nghiệp muốn được cung cấp thông tin gì, lý do xin cung cấp là gì, những thông tin cần cung cấp như thế nào… Nếu được chấp thuận đề nghị đó, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ có văn bản trả lời kèm theo thông tin doanh nghiệp cần cung cấp.
4.3. Tra cứu thông tin doanh nghiệp thông qua Tổng cục Thuế:
Bước 1: Truy cập vào địa chỉ: http://tracuunnt.gdt.gov.vn/tcnnt/mstdn.jsp.
Bước 2: Nhập mã số thuế (cũng là mã số doanh nghiệp) và mã xác nhận rồi ấn nút tra cứu.
Bước 3: Sau khi ấn nút tra cứu, kết quả hiển thị sẽ là chính xác thông tin của doanh nghiệp mà bạn đang tìm kiếm.
Như vậy, việc tra cứu thông tin doanh nghiệp là quyền của tất cả các cá nhân, tổ chức có nhu cầu. Họ hoàn toàn có thể được biết những thông tin này để giúp ích trong việc kiểm tra đặc điểm, tình trạng hoạt động của doanh nghiệp; đặc biệt là hữu ích trong việc hợp tác đầu tư và trao đổi giữa các doanh nghiệp với nhau, tránh những rủi ro không đáng có.
4.4. Tra cứu thông tin doanh nghiệp nước ngoài:
Một số tỉnh, thành phố hiện nay đã cung cấp thông tin về doanh nghiệp nước ngoài trên Cổng thông tin điện tử của Sở Công Thương.
Tại đây, chỉ cần nhập tên doanh nghiệp/thương nhân, sau đó chọn quốc gia và kèm theo một số nội dung khác là có thể tra cứu được thông tin về doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm cả địa chỉ và ngành, nghề kinh doanh.