Hướng dẫn 330/TANDTC-V1 năm 2016 về xét, đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt cho người bị kết án đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù nhân dịp Quốc khánh nước Việt Nam (02/09/2016) do Tòa án nhân dân tối cao ban hành.
HƯỚNG DẪN
VỀ VIỆC XÉT, ĐỀ NGHỊ ĐẶC XÁ TRONG TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT CHO NGƯỜI BỊ KẾT ÁN ĐANG ĐƯỢC HOÃN, TẠM ĐÌNH CHỈ CHẤP HÀNH ÁN PHẠT TÙ NHÂN DỊP QUỐC KHÁNH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (02/9/2016)
Để thực hiện đúng và thống nhất khoản 2 Điều 5
Sau khi có ý kiến của các thành viên Hội đồng tư vấn đặc xá,
ĐỐI TƯỢNG XÉT ĐẶC XÁ TRONG TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT:
Đối tượng được đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại khoản 2 Điều 5
1.1. Người Việt Nam, người nước ngoài phạm tội bị Tòa án Việt Nam kết án phạt tù đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; được phía nước ngoài (Chính phủ, Đại sứ quán, Cơ quan đại diện Lãnh sự, các tổ chức quốc tế,…) hoặc được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam (các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các Ban của Đảng) đề nghị xem xét đặc xá và xét thấy việc đặc xá cho họ là cần thiết, đảm bảo yêu cầu về công tác đối ngoại của Nhà nước.
1.2. Người bị kết án là nhân sĩ, trí thức, nghệ sỹ,…; người có chức sắc tôn giáo; người có chức vụ trong các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp…bị kết án phạt tù đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, được cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền của Việt Nam (các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các Ban của Đảng) đề nghị xem xét đặc xá và xét thấy việc đặc xá cho họ là cần thiết, đảm bảo yêu cầu về công tác đối nội của Nhà nước.
1.3. Người bị kết án phạt tù, đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù theo quyết định vẫn đang có hiệu lực của Tòa án có thẩm quyền nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đã lập công lớn trong thời gian đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù: Là trường hợp người bị kết án đã có hành động giúp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (như: cơ quan Thanh tra, Hải quan, Kiểm lâm, Quản lý thị trường, Công an, Tòa án, Viện kiểm sát,…) phát hiện, truy bắt, điều tra và xử lý tội phạm; cứu được tính mạng của người khác hoặc tài sản có giá trị từ ba mươi triệu đồng trở lên của Nhà nước, của tập thể, của công dân trong thiên tai, hỏa hoạn; có những phát minh, sáng kiến có giá trị lớn hoặc có thành tích đặc biệt xuất sắc khác được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận.
b) Là thương binh, bệnh binh; người có thành tích trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội được tặng thưởng một trong các danh hiệu: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc nhân dân, Nghệ sỹ nhân dân, Dũng sỹ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; được tặng thưởng một trong các loại Huân chương hoặc được tặng thưởng Huy chương kháng chiến. Người có một trong các thân nhân (như: Bố đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con đẻ, anh, chị, em ruột hoặc bố nuôi, mẹ nuôi, con nuôi hợp pháp) là liệt sỹ. Người là con đẻ, con nuôi hợp pháp của “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; con của gia đình được Chủ tịch nước, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng bằng “Gia đình có công với nước”.
c) Khi phạm tội là người chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi);
d) Là người từ 70 tuổi trở lên;
đ) Là người đang bị mắc một trong các bệnh hiểm nghèo như: Ung thư giai đoạn cuối, liệt, lao nặng kháng thuốc, xơ gan cổ chướng, suy tim độ III trở lên, suy thận độ IV trở lên, nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS đang có nhiễm trùng cơ hội, không có khả năng tự phục vụ bản thân và có tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao hoặc mắc một trong các bệnh khác được Hội đồng giám định y khoa, bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên kết luận bằng văn bản là bệnh hiểm nghèo, nguy hiểm đến tính mạng.
e) Là người từ 60 tuổi trở lên mà thường xuyên ốm đau, không tự phục vụ bản thân được.
Người từ 60 tuổi trở lên mà thường xuyên ốm đau là người phải nằm điều trị tại bệnh viện liên tục trong thời gian dài (từ ba tháng trở lên) hoặc không liên tục nhưng nhiều lần phải nằm điều trị tại bệnh viện (mỗi lần không dưới một tháng), không lao động, không tự phục vụ bản thân được và không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội, có kết luận bằng văn bản của Hội đồng giám định y khoa hoặc bản sao bệnh án, xác nhận bằng văn bản của Bệnh viện cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên về tình trạng bệnh tật.
g) Người bị kết án có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và bản thân là lao động duy nhất trong gia đình: Là trường hợp người bị kết án có gia đình đang lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, không còn tài sản gì đáng kể hoặc có bố đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con ốm đau nặng kéo dài, không có người chăm sóc mà người bị kết án là lao động duy nhất trong gia đình, được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận là đúng.
h) Người bị kết án phạt tù về tội phạm ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng do vô ý là nữ giới mà đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù lần đầu vì lý do đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi (tính đến ngày 30/11/2016), nếu xét thấy việc đặc xá cho họ không làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.