Hướng dẫn 12-HD/BTCTW năm 2012 về nghiệp vụ công tác đảng viên và lập biểu thống kê cơ bản trong hệ thống tổ chức đảng do Ban Tổ chức Trung ương ban hành
HƯỚNG DẪN
MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỤ THỂ VỀ NGHIỆP VỤ CÔNG TÁC ĐẢNG VIÊN VÀ LẬP BIỂU THỐNG KÊ CƠ BẢN TRONG HỆ THỐNG TỔ CHỨC ĐẢNG.
Căn cứ Điều lệ Đảng, Quy định số 45 – QĐ/TW ngày 01-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương về “Thi hành Điều lệ Đảng”, Hướng dẫn số 01 – HD/TW ngày 05-01-2012 của Ban Bí thư “Một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng” khoá XI;
Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn một số vấn đề cụ thể về nghiệp vụ công tác đảng viên và lập biểu thống kê cơ bản trong hệ thống tổ chức đảng như sau:
Phần thứ nhất
VỀ NGHIỆP VỤ CÔNG TÁC ĐẢNG VIÊN
I. KẾT NẠP ĐẢNG VIÊN
1. Quy trình kết nạp đảng viên và công nhận đảng viên chính thức
1.1- Xây dựng và thực hiện kế hoạch kết nạp đảng viên.
a) Tỉnh uỷ và tương đương
– Căn cứ phương châm, phương hướng, tiêu chuẩn, điều kiện kết nạp người vào Đảng của Trung ương để đề ra kế hoạch kết nạp đảng viên phù hợp với điều kiện, đặc điểm của đảng bộ và những biện pháp chỉ đạo thực hiện.
– Chỉ đạo ban tổ chức cùng với các ban tham mưu của cấp uỷ xây dựng và hướng dẫn thực hiện kế hoạch kết nạp đảng viên của đảng bộ.
– Thường xuyên kiểm tra cấp uỷ cấp dưới thực hiện kế hoạch kết nạp đảng viên; hằng năm sơ kết rút kinh nghiệm và báo cáo Ban Bí thư (qua Ban Tổ chức Trung ương).
b) Huyện uỷ và tương đương
– Cụ thể hoá kế hoạch kết nạp đảng viên của cấp ủy cấp trên phù hợp với đặc điểm của đảng bộ; chỉ đạo hướng dẫn các cấp uỷ cấp dưới xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kết nạp đảng viên.
– Định kỳ hằng tháng xét đề nghị của cấp uỷ cơ sở để bổ sung, điều chỉnh danh sách cảm tình Đảng; chỉ đạo trung tâm bồi dưỡng chính trị mở lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho cảm tình Đảng, nơi không có trung tâm bồi dưỡng chính trị thì ban thường vụ cấp uỷ giao cho ban tổ chức cấp uỷ chủ trì, phối hợp với các ban tham mưu của cấp uỷ tổ chức bồi dưỡng.
c) Cấp uỷ cơ sở.
– Cụ thể hoá kế hoạch kết nạp đảng viên của cấp uỷ cấp trên phù hợp với đặc điểm của đảng bộ;
– Định kỳ hằng tháng xét đề nghị của chi bộ để bổ sung, điều chỉnh danh sách cảm tình Đảng của đảng bộ; xét, đề nghị cho cảm tình Đảng đi học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng.
d) Chi bộ :
– Đánh giá, phân tích chất lượng quần chúng để xây dựng kế hoạch tạo nguồn kết nạp đảng viên; tổ chức tuyên truyền, giáo dục; chỉ đạo các tổ chức quần chúng, nhất là Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giáo dục, lựa chọn đoàn viên, hội viên ưu tú giới thiệu với chi bộ
– Chi bộ giao nhiệm vụ cho cảm tình Đảng để thử thách và có nghị quyết phân công đảng viên chính thức giúp đỡ cảm tình Đảng phấn đấu vào Đảng.
– Định kỳ hằng tháng xem xét, ra nghị quyết lựa chọn quần chúng ưu tú vào danh sách cảm tình Đảng, đưa những người không đủ tiêu chuẩn ra khỏi danh sách cảm tình Đảng; xét, đề nghị cho cảm tình Đảng đi học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng; xét, quyết định cho cảm tình Đảng được làm thủ tục xem xét kết nạp vào Đảng.
1.2- Sử dụng đúng các mẫu tài liệu về kết nạp đảng viên và công nhận đảng viên dự bị thành đảng viên chính thức (tại mục I, phụ lục I ).
2. Một số vấn đề liên quan đến công tác kết nạp đảng viên.
2.1- Thủ tục kết nạp đảng viên ở nơi chưa có đảng viên, chưa có chi bộ.
– Việc kết nạp người vào Đảng ở nơi chưa có đảng viên, chưa có chi bộ thực hiện theo nội dung tại điểm 6
a) Ở thôn, ấp, bản, buôn, làng:
– Đảng uỷ xã giao cho chi bộ có điều kiện thuận lợi nhất để phân công đảng viên chính thức tuyên truyền, giúp đỡ
người vào Đảng. Khi có đủ điều kiện, tiêu chuẩn vào Đảng thì chi bộ nơi đảng viên giúp đỡ người vào Đảng đang sinh hoạt làm thủ tục đề nghị kết nạp vào Đảng theo quy định. Nhiệm vụ này được thực hiện cho đến khi thôn, ấp, bản…có đủ số đảng viên chính thức để lập chi bộ.
– Nếu là chi bộ cơ sở xã thì chi bộ cử đảng viên tuyên truyền, giáo dục, giúp đỡ người vào Đảng, khi người đó có đủ điều kiện và tiêu chuẩn vào Đảng thì chi bộ làm thủ tục đề nghị kết nạp theo quy định.
b) Ở trường học, cơ sở y tế:
– Trường học, cơ sở y tế do uỷ ban nhân dân xã (và tương đương) quản lý như trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường mầm non, trạm y tế…, thì đảng uỷ xã (và tương đương) thực hiện các thủ tục kết nạp đảng viên ở những trường, cơ sở y tế chưa có đảng viên như đối với thôn, ấp, bản, buôn, làng nêu trên.
– Trường học, cơ sở y tế do uỷ ban nhân dân cấp huyện và tương đương quản lý: (trung tâm giáo dục thường xuyên, trường dân lập, trường tư thục, bệnh viện…) thì cấp uỷ huyện và tương đương chỉ đạo tổ chức đảng ở những cơ quan chuyên môn trực tiếp quản lý thực hiện việc kết nạp đảng viên.
– Trường học, cơ sở y tế do tỉnh, thành phố quản lý thì tỉnh uỷ, thành uỷ chỉ đạo cấp uỷ ở những cơ quan chuyên môn trực tiếp quản lý thực hiện việc kết nạp đảng viên.
c) Ở các doanh nghiệp:
Thực hiện tương tự như trường học, cơ sở y tế, cụ thể: nếu do cấp xã (và tương đương) quản lý thì giao cho cấp uỷ xã và tương đương thực hiện; nếu do cấp huyện (và tương đương) quản lý thì giao cho cấp uỷ ở những cơ quan chuyên môn trực tiếp quản lý thực hiện; nếu do tỉnh (và tương đương) quản lý thì giao cho cấp uỷ ở những cơ quan chuyên môn trực tiếp quản lý thực hiện; nếu do các bộ, ngành Trung ương quản lý thì giao cho đảng uỷ cơ quan các bộ, ngành Trung ương chỉ đạo chi bộ có điều kiện thuận lợi thực hiện việc kết nạp đảng viên.
2.2- Thủ tục giải quyết những trường hợp kết nạp người vào Đảng hoặc công nhận đảng viên chính thức sai quy định.
Cấp uỷ cấp trên, qua kiểm tra, xác minh phát hiện việc kết nạp người vào Đảng hoặc công nhận đảng viên chính thức sai quy định xử lý theo quy định tại điểm 7.6
a) Trường hợp quyết định kết nạp người vào Đảng và công nhận đảng viên chính thứckhông đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 1, Điều lệ Đảng và điểm 9 Quy định 45-QĐ/TW thì cấp uỷ cấp trên trực tiếp chỉ đạo cấp uỷ ra quyết định phải huỷ bỏ quyết định của mình và thông báo cho chi bộ nơi đảng viên sinh hoạt xoá tên đảng viên đó trong danh sách đảng viên.
– Trong văn bản chỉ đạo của cấp uỷ cấp trên đối với cấp uỷ ra quyết định kết nạp người vào Đảng và công nhận đảng viên chính thức phải huỷ bỏ quyết định cần nêu rõ các nội dung:
+ Không đủ tiêu chuẩn của người vào Đảng theo quy định tại Điều 1, Điều lệ Đảng về phẩm chất chính trị; hoặc phẩm chất đạo đức và lối sống; hoặc ý thức tổ chức, kỷ luật và đoàn kết nội bộ.
+ Không đủ điều kiện về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; hoặc chưa đủ tuổi đời; hoặc không thuộc diện được kết nạp lại vào Đảng theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.
– Cấp uỷ ra quyết định kết nạp người vào Đảng hoặc công nhận đảng viên chính thức phải ra quyết định huỷ bỏ quyết định của mình, trong quyết định cần nêu rõ:
+ Căn cứ và lý do ban hành quyết định.
+ Nội dung quyết định gồm 3 điều:
Điều 1: Huỷ quyết định kết nạp đảng viên số…, hoặc huỷ quyết định công nhận đảng viên chính thức số…, hoặc huỷ quyết định kết nạp lại đảng viên số…, của…..
Điều 2: Không công nhận……là đảng viên của Đảng và xoá tên đảng viên…..trong danh sách đảng viên.
Điều 3: Văn phòng, ban tổ chức…, Đảng uỷ cơ sở…, Chi bộ…… và người có tên trên chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
– Khi nhận được quyết định, đảng uỷ cơ sở lưu văn bản chỉ đạo của cấp ủy cấp trên và quyết định nêu trên vào hồ sơ của đảng viên bị xoá tên để quản lý theo quy định, chi bộ công bố và giao quyết định không được công nhận là đảng viên của Đảng và xoá tên trong danh sách đảng viên cho đảng viên trong cuộc họp chi bộ.
b) Trường hợp quyết định kết nạp người vào Đảng và công nhận đảng viên chính thức không đúng thẩm quyền và không đúng thủ tục quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều lệ Đảngvà điểm 7, điểm 9 Quy định 45-QĐ/TW thì cấp uỷ cấp trên trực tiếp (của cấp uỷ ra quyết định) ra quyết định huỷ bỏ quyết định đó và chỉ đạo các cấp uỷ cấp dưới làm lại các thủ tục; trong quyết định huỷ bỏ quyết định của cấp uỷ cấp dưới cần nêu rõ các nội dung:
+ Căn cứ và lý do ban hành quyết định (lý do cần nêu cụ thể như: quyết định kết nạp người vào Đảng không đúng thẩm quyền theo quy định tại Điều 4, Điều lệ Đảng; hoặc quyết định công nhận đảng viên chính thức không đúng thẩm quyền theo quy định tạiĐiều 5, Điều lệ Đảng; hoặc quyết định kết nạp người vào Đảng không đúng thẩm quyềntheo quy định tại điểm 7 Quy định 45-QĐ/TW; hoặc kết nạp lại người vào Đảng chưa xin ý kiến của Ban thường vụ tỉnh uỷ và tương đương theo quy định tại điểm 9 Quy định 45-QĐ/TW…).
+ Nội dung quyết định gồm 4 điều:
Điều 1: Huỷ quyết định kết nạp đảng viên số…, hoặc huỷ quyết định công nhận đảng viên chính thức số…, hoặc huỷ quyết định kết nạp lại đảng viên số… của….
Điều 2: Công nhận………………. là đảng viên của Đảng, được kết nạp vào Đảng ngày…, được công nhận là đảng viên chính thức ngày…; hoặc được kết nạp lại vào Đảng ngày…. (căn cứ từng trường hợp cụ thể, xác định lại ngày được kết nạp (kể cả kết nạp lại), ngày được công nhận là đảng viên chính thức của đảng viên và ghi vào quyết định).
Điều 3: Được giữ nguyên các tài liệu trong hồ sơ kết nạp đảng viên và hồ sơ công nhận đảng viên chính thức của đảng viên…trước đây; đảng viên có trách nhiệm khai lại lý lịch đảng viên, phiếu đảng viên theo quy định; tổ chức đảng làm lại thẻ đảng viên cho đảng viên và sửa lại ngày kết nạp, ngày công nhận chính thức trong các tài liệu có liên quan của đảng viên.
Điều 4: Văn phòng, ban tổ chức…, ban thường vụ…., đảng uỷ …, chi bộ… và người có tên trên chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
+ Sau khi nhận được quyết định, các cấp uỷ trực thuộc và đảng viên thực hiện các nội dung tại Điều 3 nêu trên, lưu quyết định của cấp ủy cấp trên, lý lịch đảng viên vào hồ sơ của đảng viên để quản lý theo quy định, chi bộ công bố và trao quyết định cho đảng viên trong cuộc họp chi bộ.
2.3 – Thời gian dự bị được Điều lệ Đảng quy định qua các kỳ đại hội của Đảng.
2.3.1- Điều lệ Đảng Cộng sản Đông Dương (thực hiện từ khi thành lập Đảng đến tháng 11-1951) quy định thời kỳ dự bị của đảng viên như sau:
Công nhân: 2 tháng, nông dân 4 tháng, trí thức và thành phần khác: 6 tháng, những người phụ trách các đảng phái khác: 12 tháng.
2.3.2- Điều lệ Đảng Lao động Việt Nam khoá II (thực hiện từ tháng 12-1951 đến tháng 8-1960) quy định thời kỳ dự bị của đảng viên như sau:
a) Thợ thuyền, cố nông, bần nông, dân nghèo ở thành thị: 6 tháng.
b) Trung nông, tiểu tư sản trí thức và những người thuộc các tầng lớp tiểu tư sản khác: 1 năm.
c) Thuộc các tầng lớp khác: 2 năm
+ Binh sĩ cách mạng tuỳ theo thành phần giai cấp mà kết nạp. Những binh sĩ đã tham gia quân đội trên 3 năm, nếu thuộc thành phần giai cấp loại b (tức là trung nông, tiểu tư sản, trí thức) thì được hưởng điều kiện loại a (là thợ thuyền, cố nông, bần nông, dân nghèo ở thành thị ). Nếu thuộc thành phần giai cấp loại c thì được hưởng điều kiện loại b.
Những chiến sĩ cộng sản đặc biệt, khi được xét kết nạp vào Đảng thì có thể được rút ngắn thời gian dự bị. Việc rút ngắn thời gian dự bị này sẽ do chi bộ quyết định và cấp trên chuẩn y.
+ Những người đổi nghề trên 3 năm thì tính theo thành phần giai cấp mới. Khi hết thời kỳ dự bị thì xét chuyển thành đảng viên chính thức. Nếu thấy chưa đủ điều kiện thì có thể kéo dài thời kỳ dự bị, nhiều nhất là gấp đôi. Nếu hết thời gian ấy mà xét vẫnkhông đủ điều kiện công nhận là đảng viên chính thức thì đưa ra khỏi Đảng.
2.3.3- Điều lệ Đảng Lao động Việt Nam khoá III (thực hiện từ tháng 9-1960 đến tháng 12-1976) quy định thời kỳ dự bị của đảng viên như sau:
Công nhân: 9 tháng, các thành phần khác: 1 năm, thời kỳ dự bị tính từ ngày chi bộ tuyên bố kết nạp vào Đảng. Khi xét chuyển chính thức nếu chưa đủ điều kiện có thể kéo dài thời kỳ dự bị nhưng không quá 1 năm, hết thời gian kéo dài nếu không đủ điều kiện thì đưa ra khỏi Đảng.
Ở miền Nam, Điều lệ Đảng Nhân dân cách mạng quy định: Công nhân, cố nông, bần nông, dân nghèo thành thị phải qua 9 tháng dự bị; trung nông, học sinh, sinh viên, trí thức tiểu tư sản phải qua 1 năm dự bị.
2.3.4- Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam (khoá IV, từ tháng 12-1976 đến tháng 2-1982 và khoá V, từ tháng 3-1982 đến tháng 11-1986) quy định:
Thời gian dự bị là 1 năm đối với công nhân đã trực tiếp sản xuất từ 5 năm trở lên; cán bộ, nhân viên và chiến sĩ hoạt động chuyên nghiệp từ 5 năm trở lên trong bộ máy của Đảng, của Nhà nước, của các đoàn thể cách mạng và trong lực lượng vũ trang nhân dân. 18 tháng đối với các thành phần và những trường hợp khác.
Hết thời kỳ dự bị nếu xét thấy không đủ tư cách để công nhận là đảng viên chính thức thì xoá tên trong danh sách đảng viên dự bị.
Thời kỳ dự bị tính từ ngày chi bộ tuyên bố kết nạp vào Đảng.
Tuổi đảng của đảng viên tính từ ngày được chi bộ quyết định công nhận là đảng viên chính thức.
2.3.5– Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam (khoá VI, VII, VIII, IX và khoá X từ tháng 12-1986 đến tháng 12-2010) quy định:
Người được kết nạp vào Đảng phải trải qua một thời kỳ dự bị 12 tháng tính từ ngày chi bộ tổ chức lễ kết nạp kết nạp. Trong thời kỳ dự bị chi bộ tiếp tục giáo dục…; nếu không đủ tư cách đảng viên thì đề nghị lên cấp uỷ có thẩm quyền quyết định xoá tên trong danh sách đảng viên dự bị.
2.3.6- Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XI quy định:
Người được kết nạp vào Đảng phải trải qua thời kỳ dự bị mười hai tháng, tính từ ngày chi bộ tổ chức lễ kết nạp.
Tuổi đảng của đảng viên đã được công nhận chính thức tính từ ngày ghi trong quyết định kết nạp.
3. Hướng dẫn khai và chứng nhận lý lịch của người xin vào Đảng (Mẫu 2-KNĐ), khai lý lịch đảng viên (Mẫu 1-HSĐV)
3.1- Yêu cầu:
Người vào Đảng phải tự khai trung thực, đầy đủ rõ ràng các nội dung trong lý lịch của người xin vào Đảng; không tẩy xoá, sửa chữa và nhờ người khác viết hộ.
3.2- Lý lịch của người xin vào Đảng:
01. Họ và tên đang dùng: Ghi đúng họ, chữ đệm và tên ghi trong giấy chứng minh thư nhân dân, bằng chữ in hoa, ví dụ: NGUYỄN VĂN HÙNG.
02. Nam, nữ: Là nam thì gạch chữ “nữ”, là nữ thì gạch chữ “nam”.
03. Họ và tên khai sinh: Ghi đúng họ, chữ đệm và tên ghi trong giấy khai sinh.
04. Bí danh: Ghi các bí danh đã dùng (nếu có)
05. Ngày, tháng, năm sinh: Ghi đúng ngày, tháng, năm sinh đã ghi trong giấy khai sinh.
06. Nơi sinh: Ghi rõ xã (phường, thị trấn), huyện (quận, thành phố trực thuộc tỉnh), tỉnh (thành phố trực thuộc Trung ương), nơi cấp giấy khai sinh theo tên hiện dùng của hệ thống hành chính Nhà nước.
07. Quê quán: Ghi rõ nơi gia đình, họ hàng của cha đẻ sinh sống từ nhiều đờitrường hợp cá biệt có thể ghi theo quê quán của người mẹ hoặc người nuôi dưỡng mình từ nhỏ (nếu không biết rõ bố, mẹ). Ghi địa chỉ như cách ghi ở mục 06.
08. Nơi thường trú:
– Nơi thường trú: Ghi địa chỉ đăng ký thường trú (thôn, xã, huyện, tỉnh, thành phố; số nhà, đường phố, phường, thị xã, quận, thành phố).
– Nơi tạm trú: Bản thân đang tạm trú ở đâu thì viết địa chỉ nơi tạm trú đó.
09. Dân tộc: Ghi tên dân tộc gốc của bản thân như Kinh, Thái, Tày, Nùng, Mường… (nếu là con lai người nước ngoài thì ghi rõ quốc tịch, dân tộc của bố, mẹ là người nước ngoài).
10. Tôn giáo: Trước khi vào Đảng theo tôn giáo nào thì ghi rõ (ví dụ: Đạo Phật, đạo Thiên chúa, đạo Hồi, đạo Cao Đài, đạo hoà hảo…ghi cả chức vụ trong tôn giáo – nếu có), nếu không theo đạo nào thì viết chữ “không”.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568