Để giảm thiểu thiệt hại, rủi ro liên quan tới mất mùa do biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh; tổn thất do xử lý sau thu hoạch kém, giá cả giảm nhưng đảm bảo đầu ra thì hợp đồng sản xuất tiêu thụ nông sản giữa hợp tác xã nông nghiệp và doanh nghiệp là xu hướng tất yếu.
Mục lục bài viết
- 1 1. Cơ sở pháp lý về hợp đồng liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản:
- 2 2. Lợi ích của hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa hợp tác xã nông nghiệp và doanh nghiệp:
- 3 3. Các mặt tồn tại của hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản:
- 4 4. Giải pháp đối với hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản:
1. Cơ sở pháp lý về hợp đồng liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản:
1.1. Nguồn điều chỉnh của quan hệ hợp đồng:
Các quốc gia điển hình vận dụng Bộ luật dân sự (BLDS) là nguồn dẫn chiếu cho hợp đồng nông nghiệp thường có hệ thống pháp luật bắt nguồn từ Luật La Mã như Đức, Achentina. BLDS các nước này có điều khoản chung liên quan đến hợp đồng nông nghiệp như: yêu cầu thiết lập hợp đồng, nguyên tắc xác định giá, nghĩa vụ của người mua và người bán, xử lý vi phạm và biện pháp khắc phục.
Ở Việt Nam, chế định hợp đồng trong BLDS được xem là các quy định nền tảng cho các quan hệ hợp đồng. BLDS năm 1995 đã kế thừa các quy định về hợp đồng trong Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989. BLDS sửa đổi, bổ sung 2005 và năm 2015 điều chỉnh hợp đồng trong các lĩnh vực dân sự, đầu tư, đất đai, thương mại. Trong quan hệ
Trong hoạt động sản xuất, mua bán hàng hóa nông sản thì Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ đã cụ thể hóa quy định giữa các bên, nhất là khi hợp đồng không được thực hiện thì chế tài sẽ được áp dụng. Nếu phát sinh sự kiện pháp lý ngoài phạm vi điều chỉnh của BLDS thì Luật Thương mại sẽ được áp dụng để giải quyết. Sau đó, Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg cũng ghi nhận sự ưu đãi và hỗ trợ của Nhà nước nhằm khuyến khích liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản thuộc các dự án cánh đồng lớn.
Hiện nay, hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản được xây dựng dựa trên nền tảng Thông tư số 15/2014 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tại tỉnh An Giang, Quyết định số 2333/QĐ-UBND ngày 18/8/2016 về việc ban hành hợp đồng mẫu năm 2016 làm căn cứ pháp lý cho chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và hợp tác xã trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Hợp tác, liên kết gắn sản xuất là việc thỏa thuận, tự nguyện cùng đầu tư, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của các đối tượng tham gia liên kết nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng nông sản. Liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp là hình thức liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, sản xuất, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Các hình thức liên kết cụ thể bao gồm: liên kết từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hợp đồng liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là hợp đồng được ký giữa các bên tham gia liên kết trên nguyên tắc tự nguyện nhằm thực hiện các hình thức liên kết.
Chủ thể tham gia giao kết hợp đồng chủ yếu là hợp tác xã nông nghiệp và doanh nghiệp. Theo đó, hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của các thành viên trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng, dân chủ trong quản lý HTX. Trong khi đó, doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.
1.2. Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng liên kết:
Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ theo cam kết.
Các bên tham gia hợp đồng liên kết trong những ngành, nghề, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp mà pháp luật không cấm; được hưởng các chính sách khuyến khích liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và các chính sách hỗ trợ, ưu đãi khác của Nhà nước; được cung cấp thông tin về chính sách hỗ trợ liên kết của nhà nước, giá cả, thị trường, tiêu chuẩn chất lượng, khoa học kỹ thuật, công nghệ và các dịch vụ công ích khác.
Đồng thời, nghĩa vụ của các bên tham gia liên kết là cung cấp, thực hiện đầy đủ và chính xác thông tin liên quan đến hợp đồng; tuân thủ các quy định của Nhà nước về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ môi trường, sức khỏe con người, cây trồng, vật nuôi trong quá trình thực hiện hợp đồng liên kết; đảm bảo đúng quyền lợi và trách nhiệm của các bên tham gia liên kết theo pháp luật hiện hành; trao đổi, thương lượng và thống nhất giải quyết nhằm chia sẻ những khó khăn và rủi ro bất khả kháng trong thực hiện hợp đồng liên kết.
1.3. Xử lý tranh chấp, vi phạm khi thực hiện hợp đồng:
Các bên tham gia liên kết vi phạm các quy định trong hợp đồng liên kết bị xử lý theo các hình thức sau: Buộc thực hiện đúng hợp đồng liên kết; Phạt vi phạm hợp đồng liên kết; Tạm ngừng thực hiện hợp đồng liên kết; Đình chỉ thực hiện hợp đồng liên kết; Hủy bỏ hợp đồng liên kết; Buộc bồi thường thiệt hại cho các bên liên quan; Các biện pháp khác do các bên tham gia liên kết thỏa thuận không trái với quy định pháp luật hiện hành.
Nhà nước khuyến khích các hình thức giải quyết tranh chấp của các bên tham gia liên kết bằng hình thức thương lượng và hòa giải. Trường hợp không thống nhất được thì tranh chấp được giải quyết thông qua phương thức trọng tài thương mại hoặc tòa án.
2. Lợi ích của hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa hợp tác xã nông nghiệp và doanh nghiệp:
Khi chủ thể tham gia vào chuỗi liên kết, mặt hàng nông sản có thể tăng giá trị, tạo sức cạnh tranh. Nông dân có thêm cơ hội về việc làm, nhất là trong bối cảnh hợp tác xã nông nghiệp và người nông dân đang chịu ảnh hưởng của quá trình công nghiệp hóa. Chính Phủ (2018), Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Việc hình thành các chuỗi liên kết giữa HTX nông nghiệp với doanh nghiệp sẽ giúp nông dân hoạch định kế hoạch sản xuất, chất lượng nông sản nâng cao, thu hoạch đúng thời điểm, làm tăng lợi ích xã hội và người sản xuất. Doanh nghiệp chế biến nông sản có điều kiện thực hiện đúng quy trình kỹ thuật cần thiết, sản lượng ổn định tham gia vào dây chuyền phân phối, tiêu thụ nông sản.
Lợi ích các bên hài hòa hơn khi tham gia chuỗi liên kết, hạn chế rủi ro. HTX nông nghiệp được hỗ trợ đầu vào và các dịch vụ sản xuất, tiếp cận tín dụng, tiến bộ kỹ thuật; ổn định thị trường đầu ra, giá cả được bảo đảm. Nông dân ý thức hơn trong sản xuất hàng hóa, an toàn thực phẩm. Doanh nghiệp chế biến có đủ nguyên liệu, ổn định sản xuất và thị trường tiêu thụ nên có nhiều cơ hội đầu tư và khả năng cạnh tranh. Đồng thời, doanh nghiệp cũng có điều kiện giám sát chất lượng ngay từ đầu vào, giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh.
3. Các mặt tồn tại của hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản:
3.1. Đối với hợp tác xã:
– HTX nông nghiệp đôi lúc thiếu thiện chí hợp tác khi cảm nhận mục đích giao kết của doanh nghiệp không đúng với bản chất của hợp đồng, đặc biệt ở đầu ra. Bởi lẽ, mục tiêu của một số doanh nghiệp tham gia liên kết về thực chất chỉ cung cứng dịch vụ hay bán vật tư nông nghiệp cho HTX. Ngoài ra, giám đốc HTX cũng chưa trao đổi với nông dân là thành viên HTX về những điều khoản trong quá trình thương lượng, ký kết hợp đồng.
– Thông tin thị trường, giá nông sản qua các kênh chính thống còn hạn chế. Một số chuỗi liên kết không thực hiện hợp đồng thu mua do HTX không thương lượng được giá. Nông sản được sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng chưa có sự khác biệt lớn về giá thu mua nên chưa khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất và liên kết theo chuỗi giá trị.
– Chủ trương liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân đã thực hiện nhiều năm, nhưng hiệu quả còn hạn chế xuất phát từ niềm tin ở cả hai phía. Tình trạng hủy hợp đồng, không tuân thủ các quy định đã ký kết, sản phẩm không bảo đảm chất lượng vẫn còn xảy ra.
– Tỷ lệ hàng nông sản được tiêu thụ thông qua hợp đồng giữa HTX và doanh nghiệp còn thấp. Hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản cũng chỉ được thực hiện chủ yếu ở các ngành hàng có quy mô sản xuất lớn như lúa gạo, cá da trơn.
– Ý thức tuân thủ hợp đồng của HTX chưa cao. HTX thường bán nông sản cho người mua hoặc các doanh nghiệp khác khi giá thị trường cao hơn hoặc xuất hiện các điều kiện khác hấp dẫn hơn. Hiện tượng HTX bán sản phẩm cho các bên khác nhằm trốn tránh thanh toán các khoản đầu tư ứng trước của doanh nghiệp theo hợp đồng vẫn còn xảy ra.
– HTX tham gia hợp đồng liên kết thường gặp vướng mắc về sản lượng thu mua và quy cách sản phẩm; phụ thuộc vào nguồn vốn và các dịch vụ; lệ thuộc doanh nghiệp không đồng ý mua nông sản theo giá thị trường.
Sự thiếu hiểu biết pháp luật về hợp đồng tiêu thụ nông sản nên tính chặt chẽ của các điều khoản chưa được quan tâm đúng mức. Sự mất cân đối về trình độ của đội ngũ nguồn nhân lực có thể am hiểu về hợp đồng cũng là nguyên nhân dẫn đến việc liên kết khó thực hiện bền vững. Khi tranh chấp xảy ra, hai bên hầu như không cần đến sự can thiệp của cơ quan tư pháp vì tâm lý ngại tiếp cận với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là đối với HTX nông nghiệp bởi thành viên HTX chủ yếu là nông dân.
3.2. Đối với doanh nghiệp:
– Doanh nghiệp chưa quan tâm xây dựng vùng nguyên liệu cho HTX nông nghiệp. Một số doanh nghiệp chưa đủ mạnh để tham gia chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.
– Doanh nghiệp thường đơn phương áp đặt các điều khoản khi soạn thảo hợp đồng, không phù hợp điều kiện sản xuất của nông dân; không thực hiện đúng điều khoản đã cam kết; cung ứng vật tư không đúng chất lượng; đơn phương hủy hợp đồng khi có biến động về giá cả, thị trường. Doanh nghiệp lạm dụng thế độc quyền để ép giá; trì hoãn việc thu mua làm giảm chất lượng nông sản, thanh toán hợp đồng chậm.
Nhiều doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chưa đủ tiềm lực để mở rộng các loại hình dịch vụ hoặc ứng vốn cho người dân vào vụ sản xuất mới. Khi ký hợp đồng, doanh nghiệp chỉ tập trung vào số lượng, thanh toán, giao hàng nhưng chưa chú trọng việc giải quyết tranh chấp, bồi thường cho bên bị thiệt hại.
4. Giải pháp đối với hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản:
Các quốc gia trên thế giới lựa chọn nguồn điều chỉnh quan hệ hợp đồng dựa trên Bộ luật Dân sự hoặc luật về hợp đồng chung hay luật riêng về hợp đồng nông nghiệp hoặc luật điều chỉnh đối với từng sản phẩm cụ thể hoặc theo từng ngành hàng.
Ở Việt Nam, hành lang pháp lý cho tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau như Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Nghị định 98/2018/NĐ-CP. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự điều chỉnh các quan hệ hợp đồng được xác lập trên nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, tự thoả thuận và tự chịu trách nhiệm; không phân biệt hợp đồng dân sự hay hợp đồng kinh doanh, thương mại. Nhiều văn bản pháp luật khác có liên quan đã thể hóa hợp đồng để giải quyết những vấn đề riêng về đất đai, thương mại, chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm, môi trường.
Pháp luật về hợp đồng tiêu thụ nông sản chưa có các quy định cụ thể thiết lập giới hạn về quyền và nghĩa vụ của bên mua và bên sản xuất. Trong khi đó, pháp luật của các quốc gia đều theo xu hướng bảo vệ người sản xuất; đa số là nông dân. Đây là đối tượng dễ tổn thương về kinh tế, xã hội. Địa vị pháp lý chưa tương xứng trong thực tiễn dù pháp luật đảm bảo sự bình đẳng giữa các bên khi giao kết hợp đồng. Năng lực thực hiện hợp đồng chi phối sự nhận thức của các chủ thể, nhất là đặc thù thành viên HTX nông nghiệp chủ yếu là nông dân. Ngoài ra, sự phụ thuộc yếu tố tự nhiên như đất đai, thời tiết và khí hậu cũng có thể ảnh hưởng lớn đến kết quả thực hiện hợp đồng.
Trên thực tế, văn bản thể hiện các điều khoản liên kết chủ yếu do doanh nghiệp soạn sẵn. HTX chỉ chọn phương án có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng. Thêm vào đó, hợp đồng theo mẫu thường được doanh nghiệp sử dụng nhiều lần với các đối tác khác nhau nên chưa chi tiết đối với từng chủ thể. Hơn nữa, đây là công cụ pháp lý phục vụ hoạt động kinh doanh nên những điều khoản được thiết kế chỉ chú trọng mục tiêu có lợi nhất cho doanh nghiệp.
=> Giải pháp:
Một là, Quốc hội cần xem xét bổ sung thêm Mục “Hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản” trong văn bản hợp nhất luật Thương mại 2019 nhằm điều chỉnh các quan hệ hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa hợp tác xã nông nghiệp và doanh nghiệp vốn mang tính đặc thù.
Hai là, Chi cục Phát triển Nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp địa phương cần tuyên truyền quy định của pháp luật để thành viên Hợp tác xã hiểu được địa vị pháp lý của HTX khi tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp trong đàm phán giao kết hợp đồng. Đồng thời, cần bổ sung đội ngũ chuyên viên thẩm định Hợp đồng liên kết giữa HTX với Doanh nghiệp sao cho quyền lợi của các bên được bảo đảm, đặc biệt là những điều khoản và tranh chấp phát sinh khi vi phạm hợp đồng.
Ba là, trong quá trình giải quyết tranh chấp hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, Tòa án cần giải thích, điều chỉnh những nội dung còn thiếu sót, chưa rõ ràng, để đảm bảo việc thực hiện hợp đồng, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.
Bốn là, Hợp tác xã nông nghiệp cần tự giác tích cực trong tìm hiểu pháp luật về hợp đồng, đặc biệt là luật Đầu tư; chủ động tìm kiếm đối tác tin cậy tham gia vào hợp đồng liên kết nhằm tránh sự lệ thuộc và bị chi phối hoàn toàn vào một số doanh nghiệp chỉ do chính quyền địa phương hay Hội nông dân giới thiệu khi tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản.