Khái niệm vốn góp và hành vi góp vốn? Hợp đồng góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn và công chứng hợp đồng góp vốn? Có bắt buộc công chứng hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất không?
Để mỗi doanh nghiệp được ra đời và hoạt động thì dù là loại hình doanh nghiệp nào cũng cần phải có vốn. Vốn của doanh nghiệp được hình thành chủ yếu từ vốn góp của các thành viên. Vốn góp của doanh nghiệp có thể được góp khi thành lập doanh nghiệp hoặc khi doanh nghiệp đang hoạt động. Thông thường, các doanh nghiệp thường sử dụng hợp đồng góp vốn khi có thành viên thực hiện hoạt động góp vốn. Vậy cần làm những thủ tục gì để hợp đồng góp vốn có giá trị pháp lý?
Cơ sở pháp lý:
– Luật Đất đai năm 2013
1. Khái niệm vốn góp và hành vi góp vốn:
Dưới mỗi góc độ khác nhau thì khái niệm vốn góp được hiểu khác nhau. Nhưng dưới góc độ pháp lý thì khái niệm vốn gồm các yếu tố sau:
– Vốn góp thành lập doanh nghiệp có trước khi diễn ra hoạt động sản xuất kinh doanh. Một quá trình sản xuất kinh doanh sẽ được diễn ra khi có yếu tố: yếu tố vốn, yếu tố lao động và yếu tố công nghệ. Trong đó, yếu tố vốn là điều kiện tiền đề rất quan trọng, quyết định đầu tiên đến việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Khi tiến hành sản xuất, doanh nghiệp cần phải có một lượng vốn để mua nguyên liệu đầu cào, thuê công nhân, mua thông tin trên thị trường,…. Như vậy, có thể thấy vốn là điều kiện đầu tiên cho yếu tố cần về lao động và công nghệ được đáp ứng đầy đủ.
– Vốn góp của doanh nghiệp là quỹ tiền tệ đặc biệt vì nó nhằm phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và phải đạt đến mục tiêu sinh lời. Vốn vận động tuần hoàn gắn liền với các yếu tố vật tư và lao động. Ngoài phần tạo lập ban đầu chính còn được bổ sung từ kết quả hoạt động kinh doanh. Vốn có thể tồn tại dưới hình thái vật tư hoặc tài sản vô hình hoặc tiền.
– Vốn góp biểu hiện dưới biểu hiện bằng tài sản hữu hình hoặc vô hình. Tài sản góp vốn là tài sản hữu hình theo quy định của pháp luật về tiền, tài sản hoặc quyền tài sản trị giá được thành tiền. Các chủ thể góp vốn có thể thỏa thuận góp vốn bằng kinh nghiệm quản lý, hệ thống nhà hàng, thương hiệu ,….
Như vậy, vốn góp là toàn bộ lượng tiền, tài sản và quyền tài sản trị giá được thành tiền cũng như những tài sản khác không trị giá được thành tiền mà các chủ thể kinh doanh thỏa thuận đóng góp để phục vụ sản xuất kinh doanh sẽ vận động và chuyển hóa hình thái biểu hiện trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Tại Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định như sau: “Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập.” (Khoản 18 Điều 4)
Như vậy, có thể hiểu hành vi góp vốn vào công ty là việc một cá nhân hay tổ chức chuyển dịch tài sản của mình (tiền, tài sản và quyền tài sản) theo một trình tự, thủ tục nhất định vào công ty và theo đó được hưởng các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ việc góp vốn. Bản chất của quan hệ góp vốn là “sự hùn vốn” giữa thành viên với nhau dẫn đến sự chi phối, chia sẻ lợi ích giữa những người cùng góp vốn. Việc góp vốn là cơ sở cho việc tạo lập một thực tế pháp lý mới là công ty.
Khi thực hiện góp vốn, các chủ sở hữu vốn chuyển giao quyền sở hữu của mình cho công ty để trở thành thành viên công ty và nhận phần quyền lực trong công ty. Hành vi góp vốn đã làm thay đổi tình trạng pháp lý đối với tài sản của chủ sở hữu. Tài sản thuộc sở hữu cá nhân hay tổ chức được góp vốn theo phương thức nhất định đã được chuyển dịch thành tài sản thuộc sở hữu của công ty. Thực hiện xong hành vi góp vốn thì các cá nhân đã góp vốn được hưởng quyền thành viên tương ứng với thành phần vốn mà họ góp vào công ty. Công ty với tư cách chủ sở hữu, có toàn quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu của mình.
2. Hợp đồng góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn và công chứng hợp đồng góp vốn:
Như trên đã nói, hoạt động góp vốn có thể được thực hiện khi thành lập doanh nghiệp hoặc khi doanh nghiệp đang hoạt động.
Khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, thành viên đã nộp đủ, đúng thời hạn theo luật định thì sẽ được công ty cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên tương ứng với giá trị phần vốn đã góp. Tại Khoản 1 Điều 35 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định như sau:
“1. Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và cổ đông công ty cổ phần phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty theo quy định sau đây:
a) Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty theo quy định của pháp luật. Việc chuyển quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng đất đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ;
b) Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản, trừ trường hợp được thực hiện thông qua tài khoản.”
Như vậy, đối với trường hợp góp vốn bằng tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất thì cần tuân thủ theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể về hợp đồng góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn. Nên có thể hiểu các bên hoàn toàn có thể thỏa thuận về việc thành lập hợp đồng góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn. Do vậy, các bên cũng hoàn toàn có thể lựa chọn việc công chứng hợp đồng góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn.
Tuy nhiên, hiện nay thì đối với hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng góp vốn bằng tài sản đăng ký quyền sở hữu có những quy định riêng biệt cần phải tuân thủ. Tại Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về hợp đồng về quyền sử dụng đất như sau:
“Điều 500. Hợp đồng về quyền sử dụng đất
Hợp đồng về quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó người sử dụng đất chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất hoặc thực hiện quyền khác theo quy định của Luật đất đai cho bên kia; bên kia thực hiện quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng với người sử dụng đất.”
Do vậy, việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất cần tuân theo quy định của pháp luật đất đai. Để được góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì cần phải đảm bảo các điều kiện đó là có Giấy chứng nhận, quyền sử dụng đất định góp vốn không có tranh chấp; và quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án; điều kiện cuối cùng đó là trong thời hạn sử dụng đất.
Khi thực hiện góp vốn bằng quyền sử dụng đất hoặc quyền sở hữu tài sản đối với tài sản phải đăng ký thì cần phải được thực hiện tại cơ quan có thẩm quyền. Như trong trường hợp góp vốn bằng quyền sử dụng đất sẽ được thực hiện tại Phòng đăng ký đất đai thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, quận hoặc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở tài nguyên môi trường.
Và tại Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013 quy định như sau:
“3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:
a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này;”
Như vậy, nếu cá nhân thực hiện việc góp vốn mà tài sản góp vốn bằng quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thì hợp đồng góp vốn này bắt buộc phải thực hiện công chứng hoặc chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền, khi đó hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất mới có hiệu lực pháp luật. Và tương tự trong trường hợp góp vốn bằng tài sản có đăng ký quyền sở hữu thì cũng cần phải công chứng hợp đồng góp vốn để đảm bảo hiệu lực của hợp đồng đó.
Nếu cá nhân lựa chọn công chứng hợp đồng góp vốn, dù là loại tài sản góp vốn nào, thì cá nhân có thể thực hiện công chứng tại tổ chức có thẩm quyền trong việc công chứng bao gồm Phòng công chứng và Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của
3. Có bắt buộc công chứng hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 về Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất thì: Hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất bắt buộc phải công chứng. Còn trường hợp bạn là hợp đồng cho thuê quyền sử dụng đất không bắt buộc phải công chứng nhưng phải công chứng theo yêu cầu của các bên.