Hiện nay, do tính chất công việc, không ít trường hợp chủ doanh nghiệp ký hợp đồng dưới dạng hình thức của hợp đồng công tác viên. Vậy hợp đồng cộng tác viên là gì? Có phải là hợp đồng lao động không?
Mục lục bài viết
1. Hợp đồng cộng tác viên là gì?
Cộng tác viên là cá nhân làm việc theo chế độ cộng tác với một tổ chức và không thuộc biên chế của tổ chức đó. Cộng tác viên được trả thù lao theo từng công việc hoàn thành, hoặc theo tiến độ thực hiện công việc. Trên thực tế, các doanh nghiệp thường tuyển dụng các cộng tác viên để thực hiện, hỗ trợ các công việc kết thúc trong một thời hạn nhất định, ít kéo dài; thời gian, địa điểm làm việc thường tự do; thù lao được trả gói gọn theo công việc được giao, tính theo sản phẩm, cách thức trả là tạm ứng và tất toán khi xong công việc.
2. Hợp đồng cộng tác viên có phải là hợp đồng lao động không?
Tại Điều 13 Bộ luật lao động năm 2019 có quy định về hợp đồng lao động như sau: “Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.”. Người lao động và người sử dụng lao động ký kết hợp đồng khi phát sinh quan hệ lao động. Khái niệm quan hệ lao động được đề cập tại Khoản 5, Điều 3 Bộ luật lao động năm 2019 quy: “Quan hệ lao động là quan hệ xã hội phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa người lao động, người sử dụng lao động, các tổ chức đại diện của các bên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quan hệ lao động bao gồm quan hệ lao động cá nhân và quan hệ lao động tập thể.”. Theo quy định tại Điều 20, Bộ luật lao động 2019, hợp đồng lao động có 02 loại:
+
+
Điều 513 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về hợp đồng dịch vụ:
“Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ”.
Như vậy theo các quy định trên, hợp đồng cộng tác viên được xem là hợp đồng dịch vụ, trong đó, bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc là cộng tác viên và bên thuê dịch vụ là bên nhận cộng tác viên làm việc, đồng thời phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ này. Nếu doanh nghiệp tuyển dụng người lao động dưới hình thức cộng tác viên thì hợp đồng cộng tác viên được xem là hợp đồng lao động nếu có phát sinh quan hệ lao động, công việc tính chất làm công ăn lương, người lao động chịu sự ràng buộc nhất định theo các quy định, quy chế làm việc của công ty (như buộc phải tuân thủ về thời gian làm việc trong một ngày, số ngày trong một tuần, thời gian nghỉ ngơi, nghỉ lễ, tết…) thì người được tuyển dụng xem như đang làm việc theo chế độ hợp đồng lao động và tùy theo thời hạn ký kết hợp đồng mà xác định đó là hợp đồng lao động nào.
Theo đó, tùy theo loại hợp đồng mà người được tuyển dụng sẽ được hưởng những quyền lợi nhất định. Cụ thể:
3. Đối với hợp đồng cộng tác viên là hợp đồng dịch vụ:
Hợp đồng dịch vụ được điều chỉnh bởi Bộ luật dân sự 2015. Như vậy, trong trường hợp này, bên cung ứng dịch vụ (cộng tác viên) sẽ được hưởng các quyền lợi theo quy định tại Điều 518 bộ luật này. Bên cung ứng dịch vụ có các quyền sau đây:
– Yêu cầu bên sử dụng dịch vụ cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện để thực hiện công việc.
– Được thay đổi điều kiện dịch vụ vì lợi ích của bên sử dụng dịch vụ mà không nhất thiết phải chờ ý kiến của bên sử dụng dịch vụ, nếu việc chờ ý kiến sẽ gây thiệt hại cho bên sử dụng dịch vụ, nhưng phải báo ngay cho bên sử dụng dịch vụ.
– Yêu cầu bên sử dụng dịch vụ trả tiền dịch vụ.
Như đã chứng minh ở trên, hợp đồng cộng tác viên là hợp đồng dịch vụ nên bên cung ứng dịch vụ không phải là người lao động nên không áp dụng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Thêm vào đó, bên cung ứng phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định tại Luật thuế thu nhập cá nhân. Thông thường mức nộp thuế thường là 10%.
4. Đối với hợp đồng cộng tác viên là hợp đồng lao động:
Hợp đồng lao động được điều chỉnh bởi Bộ luật lao động 2019, theo đó người lao động được hưởng quyền lợi quy định của Bộ luật lao động về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể:
Về bảo hiểm xã hội:
Theo điểm a, điểm b, Khoản 1, Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:
– Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động.
– Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng.
Trong đó, theo Khoản 2, Điều 2
Về bảo hiểm y tế:
Người lao động có trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế là người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên theo quy định của pháp luật về lao động (trích Khoản 1, Điều 12 Luật bảo hiểm y tế).
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 43 Luật việc làm 2013, người lao động khi làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Người sử dụng lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tại tổ chức bảo hiểm xã hội.
Trường hợp người lao động giao kết nhiều hợp đồng lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 43 Luật việc làm 2013 và đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo hợp đồng lao động giao kết có hiệu lực đầu tiên mà khi chấm dứt hoặc thay đổi hợp đồng dẫn đến người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp của hợp đồng lao động giao kết có hiệu lực kế tiếp có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.
5. Cộng tác viên có phải đóng bảo hiểm xã hội không?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào anh(chị),cho em hỏi là công ty em có kí kết hợp đồng cộng tác viên với 1 cá nhân thời hạn 6 tháng mức lương 5 triệu/tháng và chế độ làm việc giống như 1 lao động bình thường ngày làm 8 tiếng,tuần 6 ngày,vậy công ty em có phải đóng bảo hiểm cho cộng tác viên không, mức đóng bảo hiểm là bao nhiêu ạ đóng trên mức 3 triệu hay mức nào ạ. Em cảm ơn.?
Luật sư tư vấn:
Bạn có nêu công ty bạn ký hợp đồng cộng tác viên với 1 cá nhân thời hạn 6 tháng mức lương 5 triệu/tháng và chế độ làm việc giống như 1 lao động bình thường ngày làm 8 tiếng, tuần 6 ngày. Trong trường hợp này, hợp đồng mà công ty bạn ký kết với cộng tác viên có phát sinh quan hệ lao động, công việc tính chất làm công ăn lương, người lao động chịu sự ràng buộc nhất định theo các quy định, quy chế làm việc của công ty (như buộc phải tuân thủ về thời gian làm việc trong một ngày, số ngày trong một tuần, thời gian nghỉ ngơi, nghỉ lễ, tết…). Do đó, hợp đồng mà công ty bạn ký kết là hợp đồng lao động.
Và theo Điều 22, Bộ luật lao động 2019 thì Hợp đồng lao động có thể được giao kết theo một trong các loại sau đây :
“Điều 20. Loại hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:
a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;
b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng…”.
Theo đó, hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây: Hợp đồng lao động không xác định thời hạn; Hợp đồng lao động xác định thời hạn. Ở đây, công ty bạn ký hợp đồng với cộng tác viên có thời hạn 6 tháng, mức lương 5 triệu/tháng và chế độ làm việc giống như 1 lao động bình thường ngày làm 8 tiếng, tuần 6 ngày. Đối chiếu quy định trên thì hợp đồng của cộng tác viên là hợp đồng xác định thời hạn. Trong trường hợp này, công ty bạn sẽ phải đóng bảo hiểm cho cộng tác viên. Cụ thể:
Một, bảo hiểm xã hội: Theo quy định tại Khoản 1, và Khoản 3, Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:
“1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;…”
Như vậy, trong trường hợp của bạn công ty bạn giao kết hợp đồng lao động có thời hạn là 6 tháng thì công ty bạn và người lao động đều phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Hai, về bảo hiểm y tế: theo Khoản 6, Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế thì người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là người lao động) thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm y tế. Do đó, trong trường hợp này, công ty bạn cũng phải có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế cho cộng tác viên.
Ba, về bảo hiểm thất nghiệp: Người lao động khi làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Khoản 1, Điều 43 Luật việc làm 2013. Theo đó, công ty bạn phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tại tổ chức bảo hiểm xã hội.
Như vậy, từ các quy định trên thì công ty bạn sẽ phải đóng bảo hiểm cho cộng tác viên.
Về mức đóng bảo hiểm: Đối với người lao động Việt Nam
– Bảo hiểm xã hội: người lao động đóng – 8%; người sử dụng lao động đóng – 17%;
– Bảo hiểm y tế: người lao động đóng – 1,5%; người sử dụng lao động đóng – 3%;
– Bảo hiểm thất nghiệp: người lao động đóng – 0%; người sử dụng lao động đóng – 1%;
Về tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội:Theo quy định tại Điều 89 Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động. Bên cạnh đó, Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định như sau:
– Mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường.
+ Người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng;
+ Người lao động làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
Do bạn không nêu rõ bạn ở vùng nào nên để biết được mức đóng là bao nhiêu bạn tham khảo các quy định trên để có mức đóng bảo hiểm phù hợp.