Hiện nay, việc kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm ngày càng phát triển, nhu cầu của con người theo đó cũng ngày một gia tăng. Nhiều người đặt ra câu hỏi, hợp đồng bảo hiểm gốc là gì? Và quy định của pháp luật về hợp đồng bảo hiểm gốc như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Hợp đồng bảo hiểm gốc là gì?
Pháp luật hiện nay không có quy định cụ thể thế nào là hợp đồng bảo hiểm gốc. Tuy nhiên, căn cứ theo quy định tại Điều 3 và Điều 12 của Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022 thì có thể hiểu: Hợp đồng bảo hiểm gốc chính là sự thỏa thuận của các bên, trong đó có bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm sẽ phải thực hiện nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải thực hiện nghĩa vụ chi trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng, đồng thời phải chi trả một khoản bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Trong đó, sự kiện bảo hiểm chính là những sự kiện khách quan xảy ra nằm ngoài ý chí của con người do các bên thỏa thuận được quy định trong hợp đồng bảo hiểm hoặc do pháp luật quy định, tức là khi xảy ra sự kiện đó thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải có trách nhiệm chi trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm một khoản lợi ích nhất định.
– Hợp đồng bảo hiểm gốc có một số tính chất trong khuôn khổ quy định của pháp luật về hợp đồng dân sự. Ngoài ra, hợp đồng bảo hiểm gốc còn có một số tính chất riêng gắn liền với đặc trưng kinh tế kĩ thuật trong lĩnh vực bảo hiểm. Có thể kể đến một số tính chất của hợp đồng bảo hiểm gốc như sau:
– Hợp đồng bảo hiểm gốc mang tính tương thuận, tức là hợp đồng bảo hiểm được thiết lập dựa trên sự chấp nhận của cả hai bên, phù hợp với nguyên tắc tự nguyện bình đẳng, tự do giao kết trong khuôn khổ pháp luật và phù hợp với đạo đức xã hội;
– Hợp đồng bảo hiểm gốc mang tính chất là hợp đồng song vụ. Tức là hợp đồng bảo hiểm sau quá trình ký kết thì các bên đều có quyền và nghĩa vụ đối với nhau, quyền của bên này là nghĩa vụ của bên kia và ngược lại, nghĩa vụ của bên này sẽ là quyền của bên kia. Các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải đảm bảo các rồi do con người được bảo hiểm sẽ phải trả phí bảo hiểm theo quy định của pháp luật và phù hợp với sự thỏa thuận của các bên;
– Hợp đồng bảo hiểm gốc mang tính chất may rủi, nếu không tồn tại rủi ro thông qua sự kiện bảo hiểm thì sẽ không có việc tiến hành thủ tục giao kết hợp đồng bảo hiểm cũng như tồn tại hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm đó;
– Hợp đồng bảo hiểm gốc mang tính chất tin tưởng tuyệt đối, tức là mối quan hệ giữa bên mua bảo hiểm và các doanh nghiệp cung cấp bảo hiểm sẽ được thiết lập dựa trên tình trạng tạo ra rủi ro cho nhau và đảm bảo quyền lợi cho nhau khi xảy ra rủi ro ấy. Do đó để có thể tồn tại và thực hiện được hợp đồng bảo hiểm thì hai bên cần phải có sự tin tưởng lẫn nhau, tính chất tin tưởng tuyệt đối là một trong những tính chất đặc trưng của quan hệ bảo hiểm và là nguyên tắc trung thực tối đa mà các bên cần phải tuân thủ;
– Hợp đồng bảo hiểm gốc có tính chất đền bù, tức là có tính trả tiền. Trong mối quan hệ về quyền và nghĩa vụ của các bên được thể hiện ở vấn đề tiền tệ. Bên mua bảo hiểm sẽ phải có nghĩa vụ chi trả tiền bảo hiểm cho các doanh nghiệp bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải có nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm hoặc khoản tiền bồi thường khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra do sự thỏa thuận của các bên và phù hợp với quy định của pháp luật;
– Hợp đồng bảo hiểm gốc có tính chất gia nhập. Tức là hợp đồng bảo hiểm được xác định như một hợp đồng theo mẫu. Quy tắc bảo hiểm chính là những nội dung chính trong hợp đồng sẽ do người cung cấp dịch vụ bảo hiểm trọn hảo, sau đó bên mua bảo hiểm sẽ đọc, nếu cảm thấy phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của mình thì sẽ gia nhập vào hợp đồng bảo hiểm đó;
– Hợp đồng bảo hiểm có tính dân sự thương mại hỗn hợp, tức là bên mua bảo hiểm có thể là một thể nhân hoặc có thể là một pháp nhân dân sự hoặc thương mại theo quy định của pháp luật, người bảo hiểm cũng có thể là một pháp nhân dân sự hoặc cũng có thể là pháp nhân thương mại ví dụ như công ty bảo hiểm. Do đó mối quan hệ giữa những đối tượng này phát sinh trong hợp đồng bảo hiểm có thể mang tính chất dân sự hoặc mang tính chất thương mại thuần túy hoặc thậm chí là dân sự – thương mại hỗn hợp.
Vì vậy, có thể nhận biết và đưa ra những tính chất đặc biệt của hợp đồng bảo hiểm gốc theo như phân tích nêu trên.
2. Quy định của pháp luật về hợp đồng bảo hiểm gốc:
Căn cứ theo quy định tại Điều 17 của Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022 có quy định về những nội dung chủ yếu của hợp đồng bảo hiểm. Theo đó, hợp đồng bảo hiểm gốc sẽ phải mang những nội dung chủ yếu và cơ bản như sau:
– Thông tin của bên bảo hiểm, thông tin của bên mua bảo hiểm, người thụ hưởng trong hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ chi trả bảo hiểm hoặc chi nhánh của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài đặc trên lãnh thổ của Việt Nam;
– Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm, số tiền bảo hiểm và giá trị tài sản được bảo hiểm trên thực tế, giới hạn trách nhiệm bảo hiểm;
– Phạm vi và quyền lợi bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm, điều khoản bảo hiểm và quy tắc bảo hiểm;
– Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài;
– Thời hạn bảo hiểm, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm;
– Mức phí bảo hiểm và phương thức đóng bảo hiểm của người tham gia bảo hiểm;
– Phương thức bồi thường và phương thức chi trả tiền bảo hiểm;
– Phương thức giải quyết tranh chấp và cam kết của các bên.
Ngoài ra pháp luật còn quy định những điều khoản thông thường, trong hợp đồng bảo hiểm gốc thì các bên có thể thỏa thuận thêm một số điều khoản khác phù hợp với nguyện vọng của bản thân nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực pháp lý của hợp đồng bảo hiểm, không trái với đạo đức xã hội và phù hợp với quy định của pháp luật. Những điều khoản này có thể bao gồm về điều khoản gia hạn hợp đồng, chuyển nhượng hợp đồng … tùy theo sự thỏa thuận của các bên trong mỗi hợp đồng bảo hiểm.
2.2. Phân loại hợp đồng bảo hiểm gốc:
Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022 hiện nay đang liệt kê 04 loại hợp đồng bảo hiểm gốc có thể kể đến như sau: Hợp đồng bảo hiểm con người, hợp đồng bảo hiểm tài sản, hợp đồng bảo hiểm hàng hải và hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, hợp đồng bảo hiểm con người. Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm con người là tuổi thọ, sức khỏe, tính mạng và tai nạn của con người. Bên mua bảo hiểm chỉ có thể mua bảo hiểm con người trong những trường hợp như sau: Phục vụ cho bản thân của bên mua bảo hiểm, cho vợ chồng hoặc con cái hoặc cha mẹ của bên mua bảo hiểm, anh/chị/em ruột hoặc người có quan hệ nuôi dưỡng hoặc người có quan hệ cấp dưỡng với bên mua bảo hiểm, hoặc có thể là người khác nếu như bên mua bảo hiểm có quyền lợi có thể được mua bảo hiểm đó. Theo quy định hiện nay thì số tiền bảo hiểm hoặc phương thức xác định số tiền bảo hiểm trong trường hợp này sẽ do các bên thỏa thuận và được quy định trong hợp đồng bảo hiểm.
Thứ hai, hợp đồng bảo hiểm tài sản. Theo quy định của pháp luật, đối tượng của hợp đồng bảo hiểm tài sản chính là tài sản. Tài sản theo quy định của pháp luật bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản. Số tiền bảo hiểm chính là số tiền mà bên mua bảo hiểm sẽ yêu cầu bảo hiểm cho các loại tài sản đó.
Thứ ba, hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Theo quy định của pháp luật, đối tượng của hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự trong trường hợp này đó là trách nhiệm dân sự của người được bảo hiểm đối với người thứ ba căn cứ theo quy định tại Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022.
Thứ tư, hợp đồng bảo hiểm hàng hải. Theo quy định của pháp luật, hợp đồng bảo hiểm hàng hải được xem là hợp đồng bảo hiểm đảm bảo cho các rủi ro trong lĩnh vực hàng hải, theo đó người được bảo hiểm sẽ phải nộp một khoản phí bảo hiểm phù hợp với sự thỏa thuận của các bên, người bảo hiểm sẽ cam kết bồi thường cho người được bảo hiểm những tổn thất trong lĩnh vực hàng hải thuộc chức năng và trách nhiệm bảo hiểm phù hợp với cách thức và điều kiện đã được thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm hàng hải. Đối tượng của hợp đồng này là bất kỳ các quyền lợi vật chất nào có thể quy ra bằng tiền liên quan đến lĩnh vực hàng hải. Có thể kể đến như sau: Tàu biển, hàng hóa, các loại tài sản khác bị đe dọa bởi rủi ro trong lĩnh vực hàng hải, giá dịch vụ vận chuyển, tiền thuê tàu, tiền lãi được ước tính trên hàng hóa, các khoản hoa hồng, có khoản tiền cho vay, các khoản tiền ứng trước, chi phí bị nguy hiểm khi tàu thuyền đang đóng, hàng hóa đang vận chuyển …
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022.