Năm 2013 tôi sinh con tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Daklak nơi tôi đang sinh sống. Do tội và chồng của tôi chưa đăng ký kết hôn nên ông nội của bé đã tự ý lấy giấy chứng sinh của tôi.
Tóm tắt câu hỏi:
Năm 2013 tôi sinh con tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Daklak nơi tôi đang sinh sống. Do tội và chồng của tôi chưa đăng ký kết hôn nên ông nội của bé đã tự ý lấy giấy chứng sinh của tôi ( lúc đó tôi đang nằm ở bệnh viện nên không biết gì ) đi đăng ký giấy khai sinh cho con tôi theo tên vợ chồng chị gái của chồng tôi ( tôi gọi là chị chồng ) Vì lý do HKTT của chị chồng tôi ở TPHCM còn tôi và con tôi lại sinh sống ở Đaklak nên khó khăn cho việc đi học của con tôi .Và vì lý do tôi và chồng tôi hiện tại không sống chung với nhau nữa tôi và con tôi đã về nhà Bố Mẹ ruột tôi sống ,nên tôi muốn làm lại giấy khai sinh cho con tôi bằng tên của tôi và nhập vào hộ khẩu của Bố Mẹ ruột tôi để con tôi thuận tiện với việc đi học và tránh khỏi sự tranh chấp. Gia đình phía chồng tôi hiện tại có ý muốn giành lại con của tôi vì căn cứ trên giấy khai sinh con tôi là con của người khác ( chị gái chồng tôi ) chứ không phải là con của tôi .Vậy giờ tôi phải làm sao để làm lại giấy khai sinh cho con của tôi ?
Luật sư tư vấn
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Theo quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP
“Điều 13. Thẩm quyền đăng ký khai sinh
1. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã), nơi cư trú của người mẹ thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em; nếu không xác định được nơi cư trú của người mẹ, thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người cha thực hiện việc đăng ký khai sinh.
2. Trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của người mẹ và người cha, thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi trẻ em đang sinh sống trên thực tế thực hiện việc đăng ký khai sinh.
3. Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người đang tạm thời nuôi dưỡng hoặc nơi có trụ sở của tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ em đó.
Điều 35. Bổ sung, cải chính Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của người con
1. Căn cứ vào Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con, Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh cho người con ghi bổ sung phần khai về cha, mẹ trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh của người con, nếu phần khai về cha, mẹ trước đây để trống.
Trong trường hợp Sổ đăng ký khai sinh đã chuyển lưu 1 quyển tại Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện), thì Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp huyện để ghi tiếp việc bổ sung.
2. Trong trường hợp phần khai về cha, mẹ trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh của người con đã ghi tên người khác, không phải là cha, mẹ đẻ, thì đương sự phải làm thủ tục cải chính theo quy định tại Mục 7 Chương này.
Điều 36. Phạm vi thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch
Phạm vi thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch theo quy định tại Mục này bao gồm:
1. Thay đổi họ, tên, chữ đệm đã được đăng ký đúng trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh, nhưng cá nhân có yêu cầu thay đổi khi có lý do chính đáng theo quy định của Bộ luật Dân sự.
2. Cải chính những nội dung đã được đăng ký trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh, nhưng có sai sót trong khi đăng ký.
3. Xác định lại dân tộc của người con theo dân tộc của người cha hoặc dân tộc của người mẹ theo quy định của Bộ luật Dân sự.
4. Xác định lại giới tính của một người trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính.
5. Bổ sung những nội dung chưa được đăng ký trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh.
6. Điều chỉnh những nội dung trong sổ đăng ký hộ tịch và các giấy tờ hộ tịch khác, không phải Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh.”
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Như vậy, trong trường hợp này bạn cần phải liên hệ trực tiếp lên bên Ủy ban nhân dân xã (phường) nơi mà ông nội của cháu đã đăng ký khai sinh yêu cầu cải chính thông tin trên giấy khai sinh của cháu.
Mặt khác đưa ra được các căn cứ để chứng minh mối quan hệ mẹ – con của bạn để yêu cầu hủy việc đăng ký khai sinh trái quy định của pháp luật và yêu cầu cải chính thông tin trên giấy khai sinh cho cháu.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.