Khi giao kết hợp đồng vay tài sản mà không có chữ ký của người trong hộ gia đình thì hợp đồng có vô hiệu không?
Tóm tắt câu hỏi:
Xin hỏi luật sư: Gia đình tôi vay vốn ngân hàng tín dụng, cả nhà đều kí vào giấy vay vốn nhưng thời điểm đó anh trai tôi đang ngồi tù vì tội lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nên không kí. Nhân viên ngân hàng đã làm thủ tục cho gia đình tôi vay vốn 200 triệu, thế chấp bằng ngôi nhà 2 tầng đứng tên bố tôi trong sổ đỏ. Nay anh ấy nói không có chữ kí của anh ấy (giả mạo chữ kí của anh ấy) nên anh ấy sẽ xuống ngân hàng phá. Sổ bìa đỏ đó đứng tên bố tôi, nhưng tôi không rõ là cấp cho riêng bố tôi hay hộ gia đình, nếu cấp cho hộ gia đình mà anh tôi có tên trong sổ hộ khẩu và đang ngồi tù như vậy có cần chữ kí của anh ấy mới vay được vốn & có phạm pháp gì hay không. Khi nhân viên ngân hàng làm việc có hỏi anh ấy nhưng gia đình tôi nói anh ấy đang ngồi tù vì tội như trên, nên tôi thấy không nói gì. Xin hãy cho tôi biết việc này trên pháp luât là như thế nào bởi khi anh ấy làm chuyện không đúng ra đình tôi sẽ mang tiếng. Chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
“Bộ luật dân sự năm 2015” đã ban hành những quy định về Hộ gia đình và tài sản chung của hộ gia đình cũng như về việc quản lý sử dụng tài sản chung, cụ thể tại Điều 108 và 109 dưới đây:
“Điều 108. Tài sản chung của hộ gia đình
Tài sản chung của hộ gia đình gồm quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, rừng trồng của hộ gia đình, tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên hoặc được tặng cho chung, được thừa kế chung và các tài sản khác mà các thành viên thoả thuận là tài sản chung của hộ.”
“Điều 109. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của hộ gia đình
1. Các thành viên của hộ gia đình chiếm hữu và sử dụng tài sản chung của hộ theo phương thức thoả thuận.
2. Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý.”
>>> Luật sư
Trong phần trình bày của bạn, bạn nói rằng không chắc chắn sổ đỏ đứng tên riêng của bố chị hay được cấp cho hộ gia đình, do đó chúng tôi nên đưa ra 3 trường hợp như sau:
Trường hợp thứ nhất, nếu anh bạn chưa đủ 15 tuổi thì khi tiến hành giao dịch vay tín dụng với ngân hàng sẽ không cần phải có sự đồng ý của anh trai bạn.
Trường hợp thứ hai, nếu anh bạn đủ 15 tuổi trở lên và sổ đỏ mà bạn nhắc đến ở đây được cơ quan có thẩm quyền cấp riêng cho bố của bạn, hoặc là tài sản chung của bố mẹ bạn nhưng giữa hai người có thoả thuận bằng văn bản rằng để cho bố bạn đứng tên trên sổ đỏ thì khi tiến hành việc giao kết hợp đồng vay tài sản với tổ chức tín dụng sẽ không cần có chữ ký của anh trai bạn mà chỉ cần chữ kí thể hiện sự đồng ý của những người có quyền sở hữu đối với mảnh đất trên.
Trường hợp thứ ba, anh trai bạn đủ 15 tuổi trở lên và sổ đỏ được cơ quan có thẩm quyền cấp cho hộ gia đình, đại diện chủ hộ là người đứng tên trên sổ đỏ (bố bạn) thì theo Điều 109 “Bộ luật dân sự 2015”:
“Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý.”
Do đó, khi tiến hành thế chấp tài sản (sổ đỏ của hộ gia đình) phải có chữ ký thể hiện sự đồng ý của anh trai bạn – là một trong những thành viên của gia đình. Nếu không lấy ý kiến của anh trai bạn thì giao dịch này là trái với quy định của pháp luật.
Trong lời trình bày của bạn cũng có nhắc đến việc giả mạo chữ ký của anh trai bạn, nếu như có việc làm này thì người giả mạo chữ ký có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 266 “Bộ luật hình sự 2015”:
“ Điều 266. Tội sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức
1. Người nào sửa chữa, làm sai lệch nội dung hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch hoặc các loại giấy chứng nhận và tài liệu khác của cơ quan, tổ chức và sử dụng giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”