Tôi muốn hỏi về vấn đề tính tiền lương cho người lao động đang làm việc trong công ty tôi.
Tóm tắt câu hỏi:
Dear Mr/Ms, Tôi đại diện phòng Nhân sự của Công ty TNHH Wec Engineers & Constructors Việt Nam. Hiện công ty tôi đang xử lý 1 trường hợp về việc đi làm lại vào ngày nghỉ phép năm; Tôi đã giải thích theo Luật Qui định, nhưng chưa có sự đồng thuận. Nay tôi gửi thư này mong Quý Công ty có thể cho ý kiến và hướng dẫn thêm. Nhân viên X xin phép nghỉ vào ngày A và sẽ trừ vào phép năm (đây là ngày làm việc bình thường); nhưng sau đó vì công việc đột xuất nên Trưởng phòng của X gọi X vào làm lại cho ngày A này, và X đã quay lại làm việc đúng 8 giờ hành chính theo qui định của Công ty. Tuy nhiên, cách tính ngày công cho X vào ngày A này như thế nào? Phòng HR có trả lời cho NV X, vì đây là ngày phép năm, và X đã đồng ý quay lại làm việc, thì sẽ tính lương cho ngày A này như 1 ngày đi làm bình thường, & sẽ bố trí cho X nghỉ vào một ngày khác & tất nhiên cũng không trừ ngày phép năm của X. Tuy nhiên, X và Trưởng phòng của X không đồng ý cách tính này, vì cho rằng ngày phép năm là ngày làm việc có hưởng lương, nên khi quay lại làm việc thì ngoài trả lương như ngày bình thường, thì X còn nhận thêm lương ngoài giờ = 300% cho 8g mà X đã quay lại làm à theo cách hiểu của X và TP X, thì ngày phép năm này giống với ngày nghỉ có hưởng lương và tính làm thêm giờ theo điều 97 của Bộ luật LĐ. & cũng vì khi gọi X vào làm, TP X có hứa sẽ tính theo cách này, mà chưa tham khảo ý kiến của Phòng HR, cũng như chưa có sự đồng ý của Giám đốc. Vậy nhờ Quý công ty cho ý kiến và tư vấn giúp , nếu được cho mình xin ý kiến trước 26/5, vì mình cần phải tính lương tháng 5 cho toàn Công ty vào ngày 28/5.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Đối với trường hợp của bạn việc nhân viên X và Trưởng phòng của nhân viên X có đưa ra quan điểm về việc tính lương là ngày phép năm là ngày làm việc có hưởng lương, nên khi quay lại làm việc thì ngoài trả lương như ngày bình thường thì X còn nhận thêm lương ngoài giờ = 300% cho 8 giờ mà X đã quay lại làm theo những quy định cụ thể về vấn đề tiền lương làm thêm giờ tại Điều 97 Bộ Luật lao động:
“Điều 97. Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm
1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
c) Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
2. Người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.
3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.”
Tuy nhiên, việc nhân viên X quay trở lại làm việc quay trở lại làm việc không được xem xét là làm thêm giờ. Bởi vì, ngày nghỉ mà nhân viên X xin công ty nghỉ là ngày làm việc bình thường của công ty (ngày nghỉ có hưởng lương). Tuy là ngày nghỉ có hưởng lương nhưng người sử dụng lao động có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 111 Bộ Luật lao động:
“Điều 111. Nghỉ hằng năm
2. Người sử dụng lao động có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động.”
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Vì vậy phía công ty hòa toàn có thể yêu cầu nhân viên X sắp xếp lịch nghỉ vào một ngày khác thích hợp, đồng thời chỉ tính đó là ngày nghỉ có hưởng lương chứ không phải làm thêm giờ vào ngày nghỉ có hưởng lương và được tính 300% lương như nhân viên X và trưởng phòng của nhân viên X yêu cầu.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.