Khi xảy ra tai nạn trong thi công thì người chịu trách nhiệm giám sát thi công có phải báo cáo sự cố đó không?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi hiện đang giám sát một công trình ở khu công nghiệp Bắc Vinh, tôi muốn tư vấn về việc báo cáo khi xảy ra sự cố trong công trình thi công. Nếu báo cáo muộn thì có sao không? Gây ra hậu quả gì?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Điều 37 Nghị định 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng quy định về báo cáo sự cố như sau:
“1. Ngay sau khi xảy ra sự cố, bằng phương pháp nhanh nhất chủ đầu tư phải báo cáo tóm tắt về sự cố cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự cố và cơ quan cấp trên của mình, Ủy ban nhân dân cấp xã ngay sau khi nhận được thông tin phải báo cáo cho Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp tỉnh về sự cố.
2. Trong vòng 24 giờ kể từ khi xảy ra sự cố, chủ đầu tư báo cáo về sự cố bằng văn bản tới Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố. Đối với tất cả các loại sự cố, nếu có thiệt hại về người thì chủ đầu tư còn phải gửi báo cáo cho Bộ Xây dựng và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
3. Sau khi nhận được báo cáo bằng văn bản hoặc nhận được thông tin về sự cố, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm gửi báo cáo sự cố cho Bộ Xây dựng và Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành đối với các sự cố đặc biệt nghiêm trọng, sự cố cấp I và các sự cố khác có thiệt hại về người. Bộ Xây dựng có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về sự cố đặc biệt nghiêm trọng và các trường hợp khác khi được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.
4. Cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng các cấp được quyền yêu cầu chủ đầu tư và các bên liên quan cung cấp thông tin về sự cố.”
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì chủ đầu tư sẽ là người trực tiếp báo cáo tóm tắt bằng cách nhanh nhất cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự cố và cơ quan cấp trên của mình. Trường hợp này bạn làm nhiệm vụ giám sát viên thì sẽ không cần phải trực tiếp báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền nếu không phải đại diện theo ủy quyền của chủ đầu tư (trường hợp chính đáng chủ đầu tư ủy quyền).
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Trường hợp xảy ra sự cố mà chủ đầu tư không có mặt tại hiện trường lúc có tai nạn thì bạn phải liên lạc nhanh nhất với chủ đầu tư biết được tình hình và tiến hành báo cáo theo đúng quy định của pháp luật.
Khi xảy ra sự cố, chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng công trình có trách nhiệm thực hiện các biện pháp kịp thời để tìm kiếm, cứu hộ, bảo đảm an toàn cho người và tài sản, hạn chế và ngăn ngừa các nguy hiểm có thể tiếp tục xảy ra; tổ chức bảo vệ hiện trường sự cố và thực hiện báo cáo.
Việc báo cáo kịp thời sẽ giúp cho công việc giải quyết được tiến hành nhanh chóng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo, hỗ trợ các bên có liên quan tổ chức lực lượng tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ hiện trường sự cố và thực hiện các công việc cần thiết khác trong quá trình giải quyết sự cố.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.