Hỏi về hành vi tố cáo sai sự thật. Người tố cáo sai sự thật bị xử lý như thế nào?
Hỏi về hành vi tố cáo sai sự thật. Người tố cáo sai sự thật bị xử lý như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật sư! Tôi là giáo viên tiểu học, chồng tôi làm nghề chế biến và buôn bán đồ gỗ mỹ nghệ. Tháng 11 chồng tôi có nhận làm cho ông H một bộ bàn ghế và được ông H đặt cọc 10.000.000đ. Sau đó do công việc không thuận lợi nên chồng tôi không giao hàng đúng hẹn cho ông H được. Sau đó chồng tôi có thỏa thuận lại với ông H về việc trả lại tiền cọc. Do công việc còn gặp nhiều khó khăn nên chồng tôi chưa có tiền để trả lại ngay cho ông H, chông tôi có hẹn sẽ trả tiền cho ông H sau, nhưng ông H không chịu, và đã làm đơn kiến nghị gửi đến trường nơi tôi công tác, tố cáo tôi tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, và yêu cầu tôi phải trả lại số tiền cọc mà ông đã đặt cho chồng tôi. Trong hợp này tôi không chứng kiến, không kí tên nhận hợp đồng vì công việc của chồng và tôi không có liên quan đến nhau, nên tôi cũng không có thói quen can thiệp vào công việc của chồng. Như vậy hành động của ông H đối với tôi có phải là hành động vu khống hay không? Có ảnh hưởng gì tới công việc của tôi hay không? Tôi phải làm gì để ông H tự rút đơn tố cáo tôi? Cảm ơn Luật sư!
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Luật Tố cáo 2011;
– Bộ luật dân sự 2005;
2. Luật sư tư vấn:
Căn cứ Khoản 2 Điều 9 Luật Tố cáo 2011 quy định về nghĩa vụ của người tố cáo như sau:
"2. Người tố cáo có các nghĩa vụ sau đây:
a) Nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình;
b) Trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được;
c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình;
d) Bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra.”
Như vậy, theo quy định của pháp luật, người tố cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình, nếu có hành vi tố cáo sai sự thật thì tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà bị xử lý theo các hình thức khác nhau, và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vu khống theo quy định tại Điều 122 Bộ luật hình sự 1999:
"1. Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với nhiều người;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;
đ) Đối với người thi hành công vụ;
e) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Bạn và chồng của bạn không cùng nhau kinh doanh, việc kinh doanh của chồng bạn không liên quan đến công việc của bạn. Việc ông H làm đơn tố cáo tới cơ quan của bạn, yêu cầu bạn trả tiền cho chồng của bạn là không có căn cứ. Trong trường hợp này, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn yêu cầu người thực hiện hành vi chấm dứt hành vi vi phạm. Nếu ông H không cấm dứt thì bạn và chồng bạn có quyền làm đơn tố cáo đến cơ quan công an cấp huyện nơi ông H cư trú để xử lý hành vi vi phạm trong trường hợp này. Nếu việc cố ý tố cáo sai sự thật mà gây thiệt hại cho gia đình bạn thì phải bồi thường theo quy định tại Điều 611 Bộ luật dân sự 2005.
– Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm và uy tín bị xâm phạm bao gồm:
+ Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
+ Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
– Người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.