Hành vi chăn nuôi gia súc gia cầm trên mồ mả nhà người khác có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Tóm tắt câu hỏi:
Gia đình em có một khu mồ mả ở trong khu vườn nhà một người khác, khu vực mồ mả này chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Gia đình này chăn nuôi gia súc gia cầm thả rông lên mồ mả gia đình em, gia đình em thấy thế nên xây dựng tường rào để bảo vệ thì họ không cho xây. Vậy gia đình họ làm thế đúng hay sai? Xin các luật gia tư vấn cho gia đình em. Em xin chân thành cám ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Theo Khoản 16 Điều 3 Luật đất đai 2013 thì:
“Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.”
Như vậy, khu vực mồ mả ở trong khu vườn của nhà người hàng xóm nhà bạn chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có nghĩa là gia đình hàng xóm chưa có chứng thư pháp lý, giấy tờ gì để xác nhận khu vực đó thuộc quyền sử dụng đất của họ. Do đó, ở đây chúng tôi xin chia làm 2 trường hợp như sau:
– Trường hợp thứ nhất: khu vực vườn đó là đất gia đình hàng xóm sử dụng ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp.
Khi đó, áp dụng Khoản 2 Điều 101 Luật đất đai 2013:
“2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.”
Theo đó, gia đình hàng xóm có thể làm hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với khoảnh đất này. Khi đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, việc họ từ chối cho nhà bạn xây tường rào ở khu vực mồ mả là có căn cứ, bởi chủ thể có quyền sử dụng đất ở đây là gia đình hàng xóm.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Trường hợp 2: Đất này là đất bỏ hoang mà gia đình hàng xóm tự ý rào thành vườn nhà mình.
Khi đó gia đình bạn có thể thoả thuận với phía gia đình hàng xóm về việc xây tường rào nhằm bảo vệ khu vực mồ mả của gia đình. Nếu bên kia từ chối, gia đình bạn có quyền làm đơn lên cơ quan chính quyền ở địa phương (ở đây là UBND cấp xã, phường nơi gia đình bạn thường trú), trình bày rõ vấn đề của mình và đề nghị họ giải quyết.
Ở đây, hành vi chăn nuôi gia súc gia cầm thả rông lên mồ mả gia đình bạn của hàng xóm chưa được xem là hành vi vi phạm pháp luật bởi Điều 246 Bộ luật hình sự 1999 quy định:
“1. Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.”
Do đó, gia đình hàng xóm sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm mồ mả, hài cốt.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.