Hỏi về các tình huống trong đấu thầu. Các hình thức đấu thầu theo quy định Luật đấu thầu 2013.
Hỏi về các tình huống trong đấu thầu. Các hình thức đấu thầu theo quy định
Tóm tắt câu hỏi:
Cho tôi hỏi theo Luật đấu thầu 2013 thì:
1. Nhà thầu có giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, tính ưu đãi lớn hơn giá gói thầu (kế hoạch) được duyệt thì có được xếp hạng không?
2. Thành viên ký tên trong tờ trình phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu có bắt buộc không được là thành viên trong tổ chuyên gia đấu thầu hoặc tổ thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu không?
3. Thành viên ký tên trong tờ trình phê duyệt hồ sơ mời thầu cũng là thành viên trong tổ thẩm định hồ sơ mời thầu gói thầu đó thì có đúng không?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
I. Cơ sở pháp lý:
– Luật đấu thầu 2013;
– Nghị định 63/2014/NĐ – CP.
II. Luật sư tư vấn:
1. Nhà thầu có giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, tính ưu đãi lớn hơn giá gói thầu (kế hoạch) được duyệt thì có được xếp hạng không?
Căn cứ Điểm c) Khoản 1 Điều 39 Luật đấu thầu 2013 quy định phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp.
"c) Đối với các hồ sơ dự thầu đã được đánh giá đáp ứng tiêu chuẩn đánh giá quy định tại điểm b khoản này thì căn cứ vào giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch để so sánh, xếp hạng. Các nhà thầu được xếp hạng tương ứng theo giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có). Nhà thầu có giá thấp nhất được xếp thứ nhất."
Như vậy, sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, tính ưu đãi lớn hơn giá gói thầu (kế hoạch) được duyệt thì nhà thầu tham dự không được xếp hạng.
2. Thành viên ký tên trong tờ trình phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu có bắt buộc không được là thành viên trong tổ chuyên gia đấu thầu hoặc tổ thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu không?
>>> Luật sư tư vấn pháp luật đấu thầu qua tổng đài: 1900.6568
Căn cứ Khoản 1 Điều 20 Nghị định 63/2014/NĐ – CP quy định trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu như sau:
"1. Trên cơ sở báo cáo kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu, bên mời thầu trình kết quả lựa chọn nhà thầu, trong đó nêu rõ ý kiến của bên mời thầu về các nội dung đánh giá của tổ chuyên gia."
Như vậy, tổ chuyên gia đấu thầu hoặc tổ thẩm định có thẩm quyền phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu do đó trong tờ trình phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu phải là thành viên trong tổ chuyên gia đấu thầu hoặc tổ thẩm định.
3. Thành viên ký tên trong tờ trình phê duyệt hồ sơ mời thầu cũng là thành viên trong tổ thẩm định hồ sơ mời thầu gói thầu đó thì có đúng không?
Căn cứ điểm d) Khoản 6 Điều 89 Luật đấu thầu 2013 quy định các hành vi bị cấm trong đấu thầu như sau:
"d) Là cá nhân thuộc bên mời thầu, chủ đầu tư nhưng trực tiếp tham gia quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư hoặc tham gia tổ chuyên gia, tổ thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư hoặc là người đứng đầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu đối với các gói thầu, dự án do cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em một đứng tên dự thầu hoặc là người đại diện theo pháp luật của nhà thầu, nhà đầu tư tham dự thầu;"
Như vậy, thành viên ký tên trong tờ trình phê duyệt hồ sơ mời thầu có thể là thành viên trong tổ thẩm định hồ sơ mời thầu gói thầu đó, trừ trường hợp nếu thành viên ký tên trong tờ trình phê duyệt hồ sơ mời thầu là cá nhân thuộc bên mời thầu, chủ đầu tư, trực tiếp tham gia tổ chuyên gia, tổ thẩm định thì thành viên này không được phép ký tên, đây là hành vi không bảo đảm công bằng, minh bạch trong đấu thầu, là hành vi cấm trong đấu thầu.