Hội đồng nhân dân cấp xã là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân xã, phường, thị trấn; đồng thời, chịu trách nhiệm trước nhân dân trong xã, phường, thị trấn và chính quyền nhà nước cấp trên.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm Hội đồng nhân dân cấp xã:
Điều 110,
– Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
– Tỉnh chia thành huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh; thành phố trực thuộc trung ương chia thành quận, huyện, thị xã và đơn vị hành chính tương đương;
– Huyện chia thành xã, thị trấn; thị xã và thành phố thuộc tỉnh chia thành phường và xã; quận chia thành phường.
Vậy theo quy định của Hiến pháp, nhà nước Việt Nam có hệ thống đơn vị hành chính được chia thành 4 cấp Trung ương – Tỉnh – Huyện – Xã. Trong đó, chính quyền xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) là cấp cơ sở trong hệ thống hành chính bốn cấp của bộ máy nhà nước ta hiện nay. Đây là cấp chính quyền có số lượng lớn nhất và có đặc điểm tự nhiên, kinh tế – xã hội đa dạng nhất trong các loại hình đơn vị hành chính. Chính quyền cấp xã là cấp gần dân nhất, là cầu nối trực tiếp giữa hệ thống chính quyền cấp trên với nhân dân, hàng ngày tiếp xúc, nắm bắt và phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Chính quyền cấp xã có vai trò rất trọng trong việc tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tăng cường đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động mọi khả năng phát triển kinh tế – xã hội, tổ chức cuộc sống của cộng đồng dân cư.
Hiến pháp năm 2013 xác định “CQĐP được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cấp CQĐP gồm có HĐND và UBND được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do luật định” [Khoản 2 Điều 111]. Như vậy, chính quyền cấp xã bao gồm: HĐND cấp xã và UBND cấp xã. Trong đó, HĐND cấp xã có vị trí, vai trò rất quan trọng trong bộ máy nhà nước nói chung và CQĐP nói riêng, kể từ khi thành lập nước cho đến nay và kể cả khi đất nước có chiến tranh và bị địch chiếm đóng nhưng Đảng, nhà nước và Nhân dân luôn xác định HĐND cấp xã phải có và không thể thiếu trong hệ thống CQĐP ở nước ta.
Ngay sau khi Cách mạng tháng 8/1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 63/SL ngày 22/11/1945 về tổ chức HĐND và Ủy ban hành chính các cấp. Tại Điều 1, Sắc lệnh có quy định: “Để thực hiện chính quyền Nhân dân địa phương trong nước Việt Nam, sẽ đặt hai thứ cơ quan: HĐND và Ủy ban hành chính. HĐND do Nhân dân bầu ra theo lối bỏ phiếu phổ thông và trực tiếp đầu phiếu là cơ quan thay mặt cho Nhân dân”. Sắc lệnh cũng đã khẳng định: “Ở hai cấp xã và tỉnh có HĐND và Ủy ban hành chính ở các cấp huyện và kỳ chỉ có Ủy ban hành chính”. Như vậy, ở văn bản pháp luật đầu tiên này, chỉ có quy định về vị trí, vai trò cho HĐND các cấp nói chung chứ chưa đưa ra hẳn định nghĩa cho HĐND. Theo đó, HĐND mà trong đó có HĐND cấp xã là cơ quan do Nhân dân trực tiếp bầu ra, nằm trong hệ thống bộ máy nhà nước thống nhất.
Sau sắc lệnh số 63/1945, thiết chế HĐND tiếp tục được quy định tại
Kế thừa từ các bản Hiến pháp trước, Điều 113 Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định: “HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên”. Hiến pháp đã quy định thẳng, trực tiếp HĐND trong đó có HĐND cấp xã là cơ quan đại diện cho 3 yếu tố quan trọng nhất của Nhân dân là: Ý chí của Nhân dân, nguyện vọng của Nhân dân và quyền làm chủ của Nhân dân. Để phù hợp với quy định của Hiến pháp, Điều 6 Luật Tổ chức CQĐP năm 2015 quy định: “HĐND gồm các đại biểu HĐND do cử tri ở địa phương bầu ra, là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên”. Như vậy, Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức CQĐP năm 2015 đã tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của HĐND trong hệ thống CQĐP và nhấn mạnh tính đại diện của HĐND trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Theo đó, HĐND các cấp nói chung và HĐND cấp xã nói riêng vừa là cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương vừa là cơ quan có tính chất đại diện cho Nhân dân địa phương. Hai tính chất này gắn bó hữu cơ với nhau, làm nên bản chất, vị trí và vai trò quan trọng của HĐND cấp xã.
Tính đại diện của HĐND cấp xã được thể hiện ở cách thức hình thành nên HĐND cấp xã, đây là nguyên nhân dẫn đến tính đại diện của HĐND xã với tư cách là cơ quan do Nhân dân trong xã trực tiếp bầu ra theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín để đại diện cho tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng, quyền lợi của Nhân dân trong xã, phường, thị trấn.
Tính quyền lực nhà nước của HĐND cấp xã thể hiện qua việc Nhân dân trong xã, phường, thị trấn trực tiếp trao quyền cho HĐND cấp xã thay mặt mình để thực hiện quyền lực Nhân dân, đồng thời thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan nhà nước cấp trên phân giao để quyết định các vấn đề quan trọng của xã trên các lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, y tế, xây dựng chính quyền.
Tính quyền lực nhà nước của HĐND xã còn được thể hiện ở quyền giám sát theo quy định của pháp luật đối với tổ chức và hoạt của UBND xã và các tổ chức, cá nhân khác; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương. Quyền giám sát của HĐND xã vừa phản ánh tính quyền lực nhà nước, vừa phản ánh quyền lực của Nhân dân trong xã đối với các hoạt động của nhà nước tại cấp xã.
Trên cơ sở khoa học pháp lý và và trong thực tiễn hoạt động quản lý, HĐND cấp xã được nhận diện từ những khía cạnh khác nhau. Nhưng về cơ bản HĐND đã được Hiến pháp quy định và được xác định trong Luật Tổ chức CQĐP cũng như căn cứ vào tính đặc thù của địa bàn cơ sở; có thể đưa ra khái niệm HĐND cấp xã như sau:
HĐND cấp xã là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân xã, phường, thị trấn, chịu trách nhiệm trước nhân dân trong xã, phường, thị trấn và chính quyền nhà nước cấp trên.
2. Vị trí của Hội đồng nhân dân cấp xã:
Trong suốt quá trình tồn tại và phát triển, HĐND cấp xã đã khẳng định được vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình. Sự hiện diện của HĐND dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện được tính chất giai cấp sâu sắc, tính nhân dân thực sự của nhà nước, tạo nên niềm tin vững chắc cho nhân dân về một chính quyền của dân, do dân, vì dân.
– Cùng với UBND cấp xã, HĐND cấp xã là một bộ phận cấu thành rất quan trọng của chính quyền cấp xã trong hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước Việt Nam.
Hiến pháp 2013 đã quy định rằng, chính quyền địa phương được tổ chức ở tại các đơn vị hành chính của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam. Chính quyền địa phương các cấp gồm HĐND và UBND cùng cấp được tổ chức trên cơ sở phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo và đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do pháp luật quy định [Khoản 2 Điều 111]. Như vậy, chính quyền địa phương cấp xã là cấp cơ sở nằm trong hệ thống hành chính của bộ máy nhà nước ta hiện nay.
Chính quyền cấp cơ sở (cấp xã) trong đó có HĐND cấp xã là nơi trực tiếp thực hiện nhiệm vụ cụ thể quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội và an ninh, quốc phòng ở cơ sở, đảm bảo các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, nâng cao mọi mặt đời sống của nhân dân. Sự trong sạch vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả của chính quyền cấp xã đóng vai trò rất quan trọng trong toàn bộ hoạt động quản lý nhà
nước và cung cấp dịch vụ công phục vụ nhân dân. Như vậy, có thể nói HĐND cấp xã là cấp chính quyền gần dân nhất và sâu sát tình hình thực tế ở địa phương làm cơ sở cho HĐND quyết định các vấn đề của địa phương nhằm cải thiện đời sống vật chất của người dân cũng như phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.
HĐND, UBND cấp xã là một bộ phận cấu thành nên hệ thống tổ chức chính quyền địa phương, có những mối quan hệ cả theo chiều ngang và chiều dọc. Tùy theo từng quan hệ, HĐND, UBND xã có thể là chủ thể, khách thể quản lý nhà nước. Việc xác định đúng vị trí pháp lý của chính quyền xã trong các mối quan hệ là hết sức cần thiết, để đảm bảo tính thống nhất, dân chủ trong tổ chức, điều hành, tránh sự chồng chéo, thiếu trách nhiệm hoặc lộng hành cục bộ trong quản lý.
– HĐND cấp xã là cơ quan quyền lực nhà nước ở xã, phường, thị trấn.
Luật Tổ chức CQĐP năm 2015 đã khẳng định HĐND cấp xã là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương [37, Điều 6] tức HĐND cấp xã được Nhân dân địa phương giao quyền, thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước, thể hiện quyền làm chủ của Nhân dân, đồng thời thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, những nhiệm vụ, quyền hạn do cấp trên giao.
Tính quyền lực nhà nước của HĐND xã được thể hiện chủ yếu trong chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của HĐND xã. HĐND xã là hình thức tổ chức CQĐP kiểu mới, nó không phải là cơ quan tự quản ở địa phương, cơ quan đại diện, cơ quan tư vấn bên cạnh cơ quan hành chính như trong CQĐP thời kỳ phong kiến trước đây và tư bản hiện nay [29, tr.175] mà là cơ quan đại diện cho quyền lực nhà nước của Nhân dân địa phương.
HĐND cấp xã có tính độc lập tương đối, thực hiện hai chức năng cơ bản là “quyết định” và “giám sát” cụ thể: “Quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương do luật định và giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật ở địa phương, việc thực hiện nghị quyết của HĐND xã; giám sát hoạt động của Thường trực HĐND, UBND cùng cấp, Ban của HĐND cấp mình; giám sát văn bản QPPL của UBND cùng cấp” [Điều 33].
HĐND xã là cơ quan trực tiếp thiết lập nên bộ máy nhà nước ở xã, thực hiện việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Uỷ viên UBND xã; bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của UBND, Chủ tịch UBND xã.
Quyết định của HĐND cấp xã có tính bắt buộc chung đối với các cơ quan, tổ chức và công dân trên địa bàn xã, phường, thị trấn. UBND cấp xã do HĐND cấp xã bầu là cơ quan chấp hành của HĐND cấp xã, là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước HĐND cấp xã và cơ quan nhà nước cấp trên.
– HĐND cấp xã là cơ quan dân cử đại diện cho nhân dân trên địa bàn xã, phường, thị trấn.
HĐND cấp xã được thành lập thông qua chế độ bầu cử, do cử tri trên địa bàn xã trực tiếp bầu ra đại biểu HĐND cấp xã theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. HĐND cấp xã thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước, thay mặt Nhân dân quyết định các công việc liên quan đến đời sống, kinh tế – xã hội của địa phương và chịu trách nhiệm trước Nhân dân, thể hiện ý chí nguyện vọng của Nhân dân địa phương, do đó mọi quyết định của HĐND cấp xã phải hợp với nguyện vọng của Nhân dân. Những quyết định này phải xuất phát từ lợi ích của Nhân dân địa phương, đồng thời phù hợp với lợi ích toàn dân, văn bản của các cơ quan nhà nước cấp trên và Trung ương.
3. Vai trò của Hội đồng nhân dân cấp xã:
Vai trò của HĐND cấp xã được thể hiện thông qua chất lượng, hiệu quả của việc thực hiện chức năng và nhiệm vụ HĐND của cấp mình, đó là:
Thứ nhất, HĐND cấp xã có trách nhiệm triển khai thi hành chính sách, pháp luật của Nhà nước tại cơ sở, đồng thời chuyển tải những tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân tại địa bàn cơ sở đến cá cơ quan Nhà nước cấp trên. HĐND cấp xã triển khai thi hành chính sách, pháp luật của nhà nước đồng thời có trách nhiệm truyền tải vào cuộc sống của nhân dân. Trên cơ sở đó UBND cấp xã và chính quyền cấp trên có những giải pháp quyết liệt kịp thời những vấn đề mà nhân dân phản ánh, đồng thời vận động nhân dân chấp hành chính sách, pháp luật, ổn định cuộc sống của nhân dân, tạo lòng tin, sự gắn bó mật thiết giữa nhà nước với nhân dân.
Thứ hai, HĐND cấp xã triển khai thực hiện các quyết định của cơ quan nhà nước cấp trên; Căn cứ vào Hiến pháp, pháp luật và các văn bản hướng dẫn của cấp trên, HĐND cấp xã ra Nghị quyết về các biện pháp phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng ở địa phương; biện pháp ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân.
Thứ ba, bằng Nghị quyết có hiệu lực pháp lý trên lãnh thổ địa phương, HĐND cấp xã là thiết chế quyền lực góp phần duy trì trật tự xã hội tại đơn vị hành chính tương ứng. Nghị quyết là cơ sở pháp lý để mọi cá nhân, tổ chức sống trên địa bàn phải tuân thủ chấp hành.