Hút thuốc lá rất có hại đến sức khỏe, đây là một trong những vấn nạn của xã hội ngày nay. Việc hút thuốc lá không chỉ ở người lớn mà hiện nay rất nhiều bạn ở lứa tuổi học sinh hút thuốc lá. Vậy học sinh hút thuốc lá trong trường bị xử phạt như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Học sinh hút thuốc lá trong trường là hành vi vi phạm pháp luật:
Căn cứ Điều 11 Văn bản hợp nhất số 15/VBHN-VPQH 2023 quy định địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn bao gồm:
Thứ nhất, các cơ sở cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên:
– Tại các cơ sở y tế
– Tại các cơ sở giáo dục;
– Tại các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em;
– Tại các cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao.
Thứ hai, các cơ sở cấm hút thuốc hoàn toàn:
– Tại nơi làm việc;
– Tại các trường cao đẳng, đại học, học viện;
– Tại các địa điểm công cộng.
Lưu ý: các phương tiện giao thông như ô tô, tàu bay hay tàu điện sẽ bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn.
Theo quy định trên, trường hợp là một trong những địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong cả phạm vi lớp học lẫn khuôn viên nhà trường. Do đó, học sinh hút thuốc lá trong trường là hành vi bị cấm.
2. Học sinh hút thuốc lá trong trường bị xử phạt như thế nào?
Như mục 1 phân tích, việc học sinh hút thuốc trong trường là hành vi cấm theo quy định. Do đó, nếu học sinh có hành vi trên sẽ phải chịu chế tài theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, hành vi vi phạm về việc phòng, chống tác hại của thuốc lá được quy định cụ thể tại Điều 29 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP như sau:
– Trường hợp người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi có hành vi sử dụng thuốc lá: phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng.
– Thực hiện phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng:
+ Có hành vi vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá.
+ Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua thuốc lá.
– Thực hiện phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng:
+ Có hành vi sử dụng hình ảnh thuốc lá trên báo chí, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em.
+ Có hành vi cung cấp thông tin không có cơ sở khoa học, không chính xác về thuốc lá và tác hại của thuốc lá.
+ Trong kế hoạch hoạt động hằng năm không đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào.
+ Trong quy chế nội bộ không đưa quy định cấm hút thuốc lá.
+ Trong các tác phẩm sân khấu, điện ảnh theo quy định của pháp luật, không hạn chế hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá.
– Thực hiện phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng:
+ Có hành vi sử dụng tên, nhãn hiệu và biểu tượng của sản phẩm thuốc lá với sản phẩm, dịch vụ khác.
+ Có hành vi tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức.
+ Có hành vi để cho tổ chức, cá nhân tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng tại cơ sở thuộc quyền quản lý, điều hành.
+ Chậm nộp khoản đóng góp bắt buộc theo quy định.
+ Có hành vi khai sai dẫn đến nộp thiếu khoản đóng góp bắt buộc theo quy định.
+ Có hành vi sử dụng kinh phí hỗ trợ của Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá không đúng quy định.
+ Doanh nghiệp, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, thông báo về việc tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá.
– Thực hiện phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng:
+ Có hành vi tài trợ dưới bất kỳ hình thức nào.
+ Có hành vi trốn, gian lận khoản đóng góp bắt buộc theo quy định.
Như vậy, trường hợp học sinh đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi có hành vi hút thuốc lá trong trường sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng.
3. Học sinh hút thuốc lá có bị kỷ luật đuổi học không?
Căn cứ tiểu mục 1, tiểu mục 2 Mục III Thông tư số 08/TT năm 1988 quy định về các việc áp dụng hình thức khiển trách trước lớp đối với học sinh trong các trường hợp sau:
– Tự ý nghỉ học không xin phép từ 3 buổi trở lên trong thời gian 01 tháng.
– Từ 03 lần trở lên trong 1 tháng không thuộc bài hoặc làm bài, không chuẩn bị bài đầy đủ do thầy, cô giáo quy định.
– Từ 03 lần trở lên trong 1 tháng đi học không đúng giờ hoặc đi lao động không mang theo dụng cụ lao động mà nhà trường đã quy định.
– Có hành vi nói năng thô tục.
– Có hành vi chơi đánh bạc (lô đề).
– Có hành vi hút thuốc lá.
– Có hành vi quay cóp hoặc gà bài cho bạn trong giờ kiểm tra bài.
– Có thái độ kém văn hoá hoặc hành vi thiếu đạo đức đối với thầy cô giáo, đối với cha mẹ, bạn bè và những người xung quanh.
– Có hành vi gây mất đoàn kết trong tổ, nhóm học tập, bao che hoặc đồng tình với hành động sai phạm của bạn.
– Không tiến hành báo cáo với nhà trường những việc làm sai trái của bạn mà mình đã biết để nhà trường có biện pháp ngăn ngừa kịp thời, hoặc kiểm điểm sai phạm khác mà tính chất và mức độ có tác hại tương đương.
Như vậy theo quy định trên, trường hợp học sinh có hành vi hút thuốc lá trong trường sẽ bị áp dụng xử lý kỷ luật theo hình thức khiển trách trước lớp.
Còn với trường hợp học sinh tái phạm nhiều lần một trong các khuyết điểm, sai phạm đã bị khiển trách trước lớp thì kỷ luật với hình thức khiển trách trước hội đồng kỉ luật nhà trường.
4. Các biện pháp ngăn chặn tình trạng học sinh hút thuốc lá trong trường:
Việc đẩy lùi tình trạng các học sinh hút thuốc lá trong trường đang là vấn đề cần quan tâm trong nhà trường. Bởi thực tế hiện nay, việc các học sinh đua đòi hút thuốc lá xảy ra rất nhiều, đặc biệt là hút thuốc lá điện tử. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của những học sinh mà còn ảnh hưởng đến không gian học đường. Dưới đây là một số đề xuất biện pháp ngăn chặn tình trạng học sinh hút thuốc lá trong trường, cụ thể như sau:
– Tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá trong trường học thông qua hình thức sau: tuyên truyền trực tiếp thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề và tuyên truyền gián tiếp thông qua phát tờ rơi.
Việc tuyên truyền này có thể phối hợp với các cơ quan có chức năng để tổ chức các buổi thường xuyên các buổi nói chuyện chuyên đề, giúp cán bộ, giáo viên, học sinh trong trường học có điều kiện được tiếp cận với những thông tin, kiến thức bổ ích về pháp luật nói chung và pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá nói riêng.
– Chú trọng công tác phối hợp giữa gia đình và nhà trường về giám sát học sinh tại nơi cư trú; tổ chức cho học sinh ký cam kết không hút thuốc lá.
– Vận động cha mẹ, người thân học sinh không hút thuốc lá để làm tấm gương gương mẫu cho con cái noi theo.
– Nhà trường cần trang bị cho học sinh các kỹ năng từ chối lời mời hút thuốc từ bạn bè hoặc mọi người.
– Về phía gia đình, thường xuyên quan tâm, quản lý chặt trong sinh hoạt hàng ngày của con cái về thời gian, tiền bạc và các mối quan hệ bạn bè. Ngăn chặn không để các em tập hút, hút thuốc lá tại gia đình cũng như ở trường.
– Xử lý nghiêm các trường hợp học sinh hút thuốc lá trong trường hoặc ngoài khuôn viên trường để tạo tính răn đe cho học sinh cũng như các em còn lại.
– Các cơ quan ban ngành cũng cần phối hợp để tăng cường công tác kiểm tra, nghiêm cấm việc mua bán, quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm có hình ảnh liên quan đến thuốc lá tại trường học.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất số 15/VBHN-VPQH Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.
– Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế
– Thông tư số 08/TT hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông.