Hoạt động kiểm tra giám sát công tác phòng, chống tham nhũng? Một số Giải pháp góp phần thực hiện tốt hoạt động kiểm tra, giám sát?
Kiểm tra, giám sát là những hoạt động quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Từ khi ra đời đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng vị trí, vai trò của công tác kiểm tra, giám sát và từng bước xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát; nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân trong việc phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhằm bảo đảm kiểm soát quyền lực nhà nước, đấu tranh đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí. Vậy hoạt động kiểm tra giám sát công tác phòng, chống tham nhũng.
Mục lục bài viết
1. Hoạt động kiểm tra giám sát công tác phòng, chống tham nhũng:
Căn cứ theo quy định tại điều 7. Giám sát công tác phòng, chống tham nhũng
1. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước.
2. Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực do mình phụ trách.
3. Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc phát hiện và xử lý tham nhũng.
4. Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng.
5. Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng tại địa phương.
Như chúng ta đã biết thì tham nhũng là một vấn đề lịch sử, xuất hiện rất sớm từ khi có sự phân chia quyền lực và hình thành nhà nước. Nhà nước luôn luôn có xu hướng lạm quyền, vi phạm đến các quyền lợi của cá nhân, quyền lực có xu hướng tham nhũng; quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng càng tuyệt đối. Tham nhũng xuất hiện ở mọi nơi, nó ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của từng quốc gia, xâm phạm đến quyền tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội. Hạn chế tham nhũng là yêu cầu đặt ra đối với bất kỳ quốc gia nào, để thực hiện được yêu cầu đó, trước hết, cần phải nhận diện được thế nào là tham nhũng. Vậy nên vấn dề kiểm tra giám sát công tác phòng, chống tham nhũng là rất cần thiết.
Tuy nhiên, công tác kiểm tra của Đảng hiện nay vẫn còn những hạn chế nhất định: nhận thức của tổ chức Đảng và đảng viên về công tác kiểm tra chưa cao, vẫn mang tính hình thức. Thực tế, nhiệm vụ kiểm tra được “giao hẳn” cho Ủy ban kiểm tra, cán bộ làm công tác kiểm tra. Từ đó dẫn đến tình trạng, những chủ thể này không kiểm tra xuể, bởi đối tượng bị kiểm tra rất đông đảo và đa dạng. Thực trạng hoạt động kiểm tra của Đảng vẫn còn có biểu hiện né tránh, chưa mạnh dạn chỉ ra những thiếu sót, khuyết điểm của đối tượng bị kiểm tra để kịp thời sửa chữa, khắc phục khuyết điểm. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra của Đảng chưa thực sự dựa vào quần chúng nhân dân, chưa có cơ chế thích hợp thu hút các đoàn thể, các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân tham gia kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng và đảng viên12; hiệu quả và chất lượng phòng ngừa vi phạm liên quan đến tham nhũng chưa cao.
Ngoài hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử, còn có hoạt động kiểm tra của cơ quan nhà nước cấp trên đối với cơ quan nhà nước cấp dưới trong bộ máy nhà nước. Các hoạt động kiểm tra, giám sát được thực hiện một cách thường xuyên, mang lại hiệu quả cao cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, việc kiểm tra, giám sát mang tính nội bộ của Nhà nước vẫn tồn tại nhiều bất cập, cụ thể:
Đối với giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, hoạt động này được trao cho hầu hết các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, nhưng vẫn được đánh giá là khâu yếu trong việc thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội14. Hiện nay, pháp luật vẫn chưa quy định cụ thể cho bất cứ một cơ quan nào của Quốc hội phụ trách chính việc giám sát đối với công tác phòng, chống tham nhũng. Việc “dàn trải” giao cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội giám sát công tác phòng, chống tham nhũng đã dẫn đến tình trạng thiếu vắng một đầu mối chuyên trách thực hiện công tác này. Thực tế là công tác phòng, chống tham nhũng do rất nhiều chủ thể có thẩm quyền đảm trách, nhưng không có một đầu mối chủ trì. Điều này dẫn đến tình trạng lúng túng, chồng chéo trong giám sát, tình trạng “quên” xử lý các kiến nghị sau kết quả giám sát cũng thường xuyên xảy ra15.
Tương tự, ở địa phương, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng được giao cho Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân thực hiện. Tuy nhiên, chưa có cơ quan được giao nhiệm vụ giám sát một cách độc lập và chuyên nghiệp đối với công tác phòng, chống tham nhũng. Vì vậy, việc giám sát công tác phòng, chống tham nhũng chưa tập trung, giá trị các kiến nghị có được từ kết quả hoạt động giám sát không cao. Việc xem xét, tiếp thu, giải quyết các kiến nghị và trả lời các kiến nghị của cơ quan giám sát cũng từ đó trở nên chưa nghiêm túc.
2. Một số Giải pháp góp phần thực hiện tốt hoạt động kiểm tra, giám sát:
Thứ nhất, đối với kiểm tra của Đảng, cần tập trung nâng cao nhận thức của tổ chức đảng và đảng viên về công tác kiểm tra, phát huy tính chủ động, khắc phục tính hình thức. Trong công tác phòng, chống tham nhũng, cần tăng cường vai trò của cấp ủy trong hoạt động kiểm tra, khắc phục tình trạng “dồn hết” công tác kiểm tra cho Ủy ban Kiểm tra.
Thứ hai, luật hóa vai trò kiểm tra của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng. Về lâu dài, cần xây dựng và ban hành Luật về kiểm tra, giám sát chung điều chỉnh cả hệ thống kiểm tra giám sát hiện hành, trong đó quy định cụ thể về thủ tục, hình thức, phương pháp, cơ chế phối hợp kiểm tra, giám sát,… đối với từng loại hình kiểm tra, giám sát.
Thứ ba, đối với kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước, cần xây dựng một cơ quan, một đơn vị chủ trì, chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm tra, giám sát đối với công tác phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, xác lập cơ chế trách nhiệm cũng như nghĩa vụ giải trình của các chủ thể bị kiểm tra, giám sát, nhưng không thực hiện những hoạt động tích cực trong một khoảng thời gian cụ thể.
Thứ tư, đối với giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên thì cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải xem xét, trả lời yêu cầu, kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong một khoảng thời gian cụ thể. Đồng thời, pháp luật cần quy định rõ hậu quả pháp lý bất lợi dành cho cơ quan, tổ chức, cá nhân chậm trễ hoặc không xem xét, trả lời yêu cầu, kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đúng thời hạn.