Hoạt động chấp hành và điều hành của quản lý nhà nước. Những phương thức bảo đảm pháp chế và kỉ luật trong quản lý nhà nước.
Hoạt động chấp hành và điều hành của quản lý nhà nước. Những phương thức bảo đảm pháp chế và kỉ luật trong quản lý nhà nước.
Tóm tắt câu hỏi:
1.Tại sao nói xét xử hành chính là một trong những phương thức bảo đảm pháp chế và kỉ luật trong quản lý nhà nước.? 2.Phân tích hoạt động chấp hành và điều hành của quản lý nhà nước. Mối quan hệ của hai hoạt động này? ?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Luật sư tư vấn:
* Hoạt động xét xử hành chính của Tòa án nhân dân góp phần quan trọng trong việc bảo đảm pháp chế trong quản lý hành chính nhà nước.
Thông qua hoạt động xét xử hành chính để giải quyết các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ giữa các bên tham gia các quan hệ pháp luật, tòa án nhân dân không chỉ xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật mà còn thực hiện việc kiểm tra và giám sát các hoạt động hành chính của các chủ thể có thẩm quyền quản lý hành chính nhà nước gớp phần bảo vệ quyền công dân, bảo vệ tài sản nhà nước, tài sản tập thể, bảo vệ tính mạng, quyền tự do, danh dự và nhận phẩm của công dân và bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Khác với các hoạt động kiểm tra giám sát và thanh tra của các cơ quan nhà nước khác, hoạt động kiểm tra, giám sát của tòa án không tiến hành thường xuyên như cơ quan hành chính nhà nước mà chỉ thể hiện rõ thông qua các phiên tòa xét xử các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, lao động và hành chính. Những hoạt động này của tòa án phải được thực hiện có hiệu quả để xứng đáng là nơi biểu hiện tập trung nhất của quyền lực tư pháp.
Đặc biệt hoạt động kiểm tra giám sát của tòa án đối với hoạt động quản lý hành chính nhà nước được thể hiện rõ nét tại các phiên tòa xét xử vụ án hành chính thông qua việc kiểm tra tính hợp hiến và hợp pháp các quyết định hành chính và hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước và cán bộ nhà nước có thẩm quyền.
Tại các phiên tòa hành chính chúng ta có thể thấy rõ sự phản kháng của công dân, cơ quan, tổ chức, đối với quyết định hành chính hay hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của các công chức có thẩm quyền. Ở đó, họ muốn làm rõ tránh nhiệm qua lại giữa Nhà nước và công dân. Công dân thực hiện đầy đủ những nghĩa vụ của mình để xây dựng và củng cố bộ máy nhà nước, củng cố chính quyền nhưng họ cũng đòi hỏi Nhà nước phải làm tròn nhiệm vụ đối với dân, họ đòi hỏi mọi công chức phải tuân thủ pháp luật, tuân thủ những yêu cầu công vụ để thực sự trở thành “công bộc của nhân dân”.
Tại các phiên tòa hành chính, chúng ta dễ dàng nhận thấy sự giải quyết các khiếu kiện của dân bằng thủ tục tư pháp với những nguyên tắc bình đẳng, công khai, dân chủ nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức nhưng cũng nhằm bảo vệ chính quyền. Những hành vi lộng quyền, cửa quyền, thiếu trách nhiệm hay coi thường dân của một bộ phận cán bộ, công chức sẽ bị chấm dứt bằng những quyết định hay bản án thích đáng của tòa án. Những quyết định hành chính vi phạm phạm pháp luật, vi phạm dân chủ sẽ bị tuyên hủy hoặc bị buộc phải sửa đổi. Những quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật đó nếu gây thiệt hại cho công dân, cơ quan hay tổ chức thì tòa án còn quyết định buộc cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền ra quyết định đó phải bồi thường thiệt hại cho dân.
Thực tiễn xét xử hành chính trong thời gian qua cho thấy nhiều quyết định hành chính trái pháp luật đã bị tuyên hủy hoặc phải cải sửa, nhiều hành vi hành chính trái pháp luật đã bị tòa án tuyên chấm dứt; nhiều cơ quan tổ chức hay công dân đã được tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp kịp thời. Những kết quả ấy góp phần tích cực vào việc thúc đẩy quá trình cải cách nền hành chính,buộc nhiều cơ quan nhà nước, nhất là cơ quan hành chính và đội ngũ cán bộ, công chức phải tự nâng cao năng lực quản lý và trách nhiệm công vụ đồng thời bảo đảm và tạo điều kiện để phát huy dân chủ phải xây dựng bộ máy hành chính ngày càng trong sạch và vững mạnh. Khi xét xử các vụ kiện hành chính, đặc biệt trong các quá trình giải quyết vụ án, tòa án tự mình hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của viện kiểm sát nhân dân có thể ra quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời. Quyết định này thực sự là những biện pháp rất cần thiết cho việc giải quyết vụ án hành chính hoặc để bảo đảm cho việc thi hành án.
* Hoạt động chấp hành và điều hành của hoạt động quản lý nhà nước thể hiện trong việc những hoạt động này được tiến hành trên cơ sở pháp luật và nhằm mục đích thực hiện pháp luật, cho dù đó là hoạt động chủ động sáng tạo của chủ thể quản lý thì cũng không được vượt quá khuôn khổ pháp luật, điều hành cấp dưới, trực tiếp áp dụng pháp luật hoặc tổ chức những hoạt động thực tiễn…trên cơ sở quy định pháp luật nhằm hiện thực hóa pháp luật.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua tổng đài: 1900.6568
Hoạt động điều hành của hoạt động quản lý hành chính nhà nước thể hiện trong việc chủ thể có thẩm quyền tổ chức thực hiện pháp luật trong đời sống xã hội. Trong quá trình đó, các chủ thể này, không chỉ tự mình thực hiện pháp luật mà quan trọng hơn cả chúng đảm nhận chức năng chỉ đạo nhằm vận hành hoạt động của các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo một quy trình thống nhất; tổ chức để mọi đối tượng có liên quan thực hiện pháp luật nhằm hiện thực hóa các quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ quản lý .
Như vậy, trong mỗi hoạt động quản lý hành chính nhà nước, hoạt động chấp hành và điều hành luôn đan xen, song song tồn tại, tạo nên sự đặc thù của hoạt động quản lý hành chính nhà nước, nhờ đó có thể phân biệt với hoạt động lập pháp và tư pháp. Trong lập pháp, chấp hành là để xây dựng pháp luật làm cho pháp luật ngày càng hoàn thiện hơn. Trong tư pháp, chấp hành là để bảo vệ pháp luật tránh khỏi sự xâm hại. Còn trong quản lý hành chính, chấp hành là để tổ chức thực hiện pháp luật trong đời sống xã hội.