Việc nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự sẽ đưa ra cái nhìn tổng quan về mỗi vụ án, ảnh hưởng trực tiếp đến những kết luận và phán quyết của cơ quan có thẩm quyền. Do đó, trau dồi kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự là vấn đề cần được quan tâm đúng mực để đảm bảo có cái nhìn toàn diện, khách quan về một vụ án hình sự.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm hồ sơ vụ án hình sự?
Hồ sơ vụ án hình sự là tổng hợp các văn bản, tài liệu được các cơ quan tiến hành tố tụng thu thập lập ra hoặc do các bên cung cấp trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, được sắp xếp theo một trình tự nhất định phục vụ cho việc giải quyết vụ án và lưu trữ lâu dài.
Hồ sơ vụ án hình sự tiếng Anh là ” Criminal case record “
2. Thành phần của hồ sơ vụ án hình sự:
Căn cứ tại Điều 131 BLTTHS 2015 quy định về hồ sơ vụ án hình sự chi tiết như sau:
” Hồ sơ vụ án
1. Khi tiến hành tố tụng trong giai đoạn khởi tố, điều tra, Cơ quan điều tra phải lập hồ sơ vụ án.
2. Hồ sơ vụ án gồm:
a) Lệnh, quyết định, yêu cầu của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát;
b) Các biên bản tố tụng do Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát lập;
c) Các chứng cứ, tài liệu liên quan đến vụ án.
3. Các chứng cứ, tài liệu do Viện kiểm sát,
4. Hồ sơ vụ án phải có thống kê tài liệu kèm theo. Thống kê tài liệu ghi rõ tên tài liệu, số bút lục và đặc điểm của tài liệu (nếu có). Trường hợp có bổ sung tài liệu vào hồ sơ vụ án thì phải có thống kê tài liệu bổ sung. Hồ sơ vụ án phải được quản lý, lưu giữ, sử dụng theo quy định của pháp luật. “
Thông thường hồ sơ vụ án hình sự được sắp xếp theo một trình tự nhất định, theo nhóm tài liệu, lấy thời gian thu thập làm căn cứ để sắp xếp theo thứ tự tài liệu thu thập trước để ở trên, tài liệu thu thập sau để ở dưới, cụ thể như sau:
– Các văn bản về khởi tố vụ án, khởi tố bị can
– Các văn bản về thủ tục trong việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn
– Các tài liệu về kết quả điều tra không thuộc lời khai của những người tham gia tố tụng
– Biên bản ghi lời khai của người tham gia tố tụng- Tài liệu về nhân thân bị can
– Tài liệu về nhân thân người bị hại
– Các tài liệu về đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra
– Tài liệu kết thúc điều tra
– Tài liệu về truy tố
– Tài liệu trong giai đoạn xét xử
– Các tài liệu của Tòa án cấp trên khi hủy án điều tra lại hoặc xét xử lại (nếu có)
Theo đó, khi tiến hành tố tụng trong giai đoạn khởi tố, điều tra, trách nhiệm lập hồ sơ vụ án thuộc về cơ quan có thẩm quyền điều tra.
3. Kỹ năng nghiên cứu và phân tích hồ sơ vụ án hình sự:
3.1. Khái niệm kỹ năng nghiên cứu và phân tích hồ sơ vụ án hình sự:
Nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự là tổng hợp các hoạt động của Luật sư, Viện kiểm sát, cơ quan điều tra…: xem xét, đọc, phân tích, tổng hợp, so sánh, đối chiếu, đánh giá các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thông qua đó nắm vững bản chất vụ án, diễn biến của hành vi phạm tội và xác định sự thật khách quan của vụ án. Đồng thời, việc nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án sẽ giúp luật sư xác định những vấn đề cần trao đổi, đề xuất với cơ quan tiến hành tố tụng cũng như chuẩn bị kế hoạch, xác định phương án bào chữa hoặc phương án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ. Tùy theo hồ sơ vụ án cụ thể, những người, cơ quan có thẩm quyền tiếp cận hồ sơ vụ án có thể nghiên cứu hồ sơ theo thứ tự thời gian diễn ra, theo trình tự tố tụng hoặc theo từng tập tài liệu liên quan đến từng người tham gia tố tụng.
3.2. Các kỹ năng nghiên cứu và phân tích hồ sơ vụ án hình sự:
+ Kỹ năng nghiêm cứu bản cáo trạng:
Người có thẩm quyền nghiên cứu bản cáo trạng để hiểu nội dung của vụ án, diễn biến hành vi phạm tội của bị can, yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại (nếu có) và quan điểm giải quyết vụ án của Viện kiểm sát.
Trong quá trình nghiên cứu, cần ghi chép lại đầy đủ các hành vi phạm tội của bị can; tội danh, điều khoản của Bộ luật hình sự mà Viện kiểm sát viện dẫn để truy tố; các chứng cứ được Viện kiểm sát dùng làm căn cứ xác định tội phạm , người phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, yêu cầu bồi thường thiệt hại của người bị hại, đương sự. Thông qua nghiên cứu cáo trạng, luật sư cần rút ra được những điểm quan trọng liên quan đến việc bào chữa, bảo vệ.
Đồng thời, cần đọc biên bản giao nhận cáo trạng để tìm hiểu xem bị can có đồng ý với nội dung bản cáo trạng hay không? nếu không đồng ý thì ý kiến của bị can như thế nào, bị can có đưa ra được những chứng cứ để bác bỏ một phần hay toàn bộ nội dung quyết định truy tố hay không? thậm chí có sự vi phạm pháp luật ở đây hay không
+ Kỹ năng nghiên cứu biên bản hỏi cung bị can:
Khi nghiên cứu biên bản hỏi cung bị can, Luật sư cần làm rõ xem bị can có nhận những hành vi nêu trong cáo trạng hay không. Trên cơ sở đó xác định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm của bị can, bị cáo.
Khi nghiên cứu các biên bản hỏi cung, Luật sư cần ghi lại theo trình tự thời gian: các hành vi bị can nhận như trong cáo trạng (có trích dẫn bút lục); hành vi nào cáo trạng nêu nhưng bị can không thừa nhận, các lý lẽ bị can đưa ra để bào chữa, chứng minh cho mình không có những hành vi đó? Hành vi nào ban đầu bị can nhận tội nhưng sau đó không thừa nhận nữa (ghi rõ tội nhận tội ở biên bản hỏi cung nào, bút lục nào?).
Khi nghiên cứu các biên bản hỏi cung, Luật sư cần kiểm tra về thủ tục tố tụng: xem biên bản hỏi cung đầu tiên có ghi phần giải thích quyền và nghĩa vụ của bị can hay không; biên bản hỏi cung có bị tẩy xóa, sửa chữa hay viết thêm hay không? Nếu bị sửa chữa thì có chữ ký xác nhận của bị can hay không?…thì Luật sư cần ghi lại và lưu ý làm rõ nguyên nhân, trong nhiều trường hợp những cử chỉ, hành vi này thể hiện diễn biến tâm lý, đấu tranh tư tưởng của bị can khi khai báo hoặc bị can phản ứng việc làm sai trái của Điều tra viên.
+ Kỹ năng nghiên cứu bản kết luận điều tra:
Luật sư nghiên cứu bản kết luận điều tra để hiểu rõ về diễn biến của tội phạm, các chứng cứ mà cơ quan điều tra dùng để hiểu rõ về diễn biến của tội phạm , các chứng cứ mà Cơ quan điều tra dùng để chứng minh tội phạm và quan điểm, ý kiến đề nghị giải quyết vụ án của Cơ quan điều tra.
Trong quá trình nghiên cứu bản kết luận điều tra, Luật sư cần so sánh, đối chiếu, ghi lại những hành vi của bị cáo có nêu trong cáo trạng nhưng không được đề cập trong kết luận điều tra ; những điểm mâu thuẫn giữa bản cáo trạng và kết luận điều tra; quan điểm, ý kiến đề nghị giải quyết vụ án của cơ quan điều tra có lợi cho người được trợ giúp pháp lý mà mình bào chữa, bảo vệ.
+ Kỹ năng nghiên cứu biên bản ghi lời khai của người bị hại:
Luật sư nghiên cứu biên bản ghi lời khai của người bị hại để nắm vững diễn biến của tội phạm, các hành vi phạm tội của bị can, bị cáo đã thực hiện như thế nào? mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, quan điểm của người bị hại hoặc nhân thân của họ về việc giải quyết vụ án và yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại. Khi nghiên cứu biên bản ghi lời khai của người bị hại, cần chú ý so sánh, đối chiếu các lời khai của người bị hãi trong các lần khác nhau xem có phù hợp hay mâu thuẫn với nhau; đối chiếu giữa lời khai của người bị hại với lời khai của bị can, bị cáo thì Luật sư cần làm rõ mâu thuẫn trong lời khai của người bị hại với thực tế khách quan và với các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Nếu bảo vệ cho người bị hại, Luật sư cần nghiên cứu và ghi lại những tình tiết xac định hành vi phạm tội của bị can, bị cáo và các chứng cứ xác định về việc bồi thường thiệt hại là có cơ sở.
+ Kỹ năng nghiên cứu biên bản ghi lời khai của người làm chứng:
Luật sư nghiên cứu biên bản ghi lời khai của người làm chứng để hiểu rõ sự việc phạm tội xảy ra có những người nào biết, nghiên cứu những xác nhận của họ về các tình tiết của sự việc như thế nào. Luật sư sử dụng lời khai của những người làm chứng để bảo vệ cho bị cáo hoặc đương sự. Khi nghiên cứu bản ghi lời khai của người làm chứng trực tiếp hay gián tiếp biết về tình tiết của vụ án; mối quan hệ của người làm chứng với bị can, bị cáo, người bị hại như thế nào? Khi người làm chứng tiếp nhận các thông tin về tội phạm thì các điều kiện chủ quan (tinh thần, tuổi tác, nghề nghiệp, khả năng tiếp thu thông tin, nhận thức của người làm chứng…) và điều kiện khách quan ( không gian , thời gian, thời tiết, ánh sáng, âm thanh, nơi xảy ra vụ án) tác động ra sao?
Những tình tiết trong lời khai của người làm chứng cần được sử dụng để bảo vệ cho bị can , bị cáo (ghi rõ số bút lục). Trong trường hợp có mâu thuẫn giữa các lời khai của một người làm chứng trong các lần khai khác nhau hoặc mâu thuẫn giữa các lời khai của những người làm chứng thì phải tìm ra nguyên nhân, kiểm tra tính xác thực, trong trường hợp cần thiết phải đối chiếu với các lời khai, chứng cứ khác.
+ Kỹ năng nghiên cứu các biên bản khám xét, khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ, biên bản thực nghiệm điều tra …
Nghiên cứu các biên bản khám xét, khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ, dấu vết quan trọng, biên bản thực nghiệm điều tra… nhằm kiểm tra xem các loại biên bản này có được thực hiện theo đúng trình tự và thủ tục tố tụng mà pháp luật quy định hay không như có ghi trong thành phần người tham gia, ý kiến người chứng kiến hay không; những đồ vật cần niêm phong có chữ ký của chủ quản đồ vật hay không.
Đối với hoạt động điều tra, thu thập vật chứng, Luật sư cần chú ý địa điểm và cách thức thu thập vật chứng, các đặc điểm riêng của vật chứng, quá trình thu thập vật chứng. Luật sư cần so sánh vật chứng với các chứng cứ khác xem có phù hợp hay không để xác định giá trị chứng minh nguồn chứng cứ này.
+ Kỹ năng nghiên cứu biên bản đối chất
Trong hồ sơ vụ án có thể có nhiều biên bản đối chất giữa các bị can, bị cáo với nhau; biên bản đối chất giữa bị can và người làm chứng…Khi tham gia tố tụng, Luật sư cần nghiên cứu các biên bản này để có cơ sở đánh giá những lời khai còn mâu thuẫn. Nếu lời khai trong biên bản đối chất có lợi cho người được trợ giúp pháp lý thì cần ghi lại để sử dụng trong quá trình bảo vệ, bào chữa.
+ Kỹ năng nghiên cứu kết luận giám định:
Nghiên cứu kết luận giám định nhằm kiểm tra các điều kiện để đưa ra kết luận giám định có được bảo đảm hay không (vật chứng, số lượng, chất lượng đồ vật, …); các phương pháp được áp dụng để thực hiện giám định có cơ sở khoa học hay không. Luật sư cần so sánh kết luận giám định với các chứng cứ khác của vụ án để đánh giá độ chính xác của kết luận giám định. Nếu thấy kết quả giám định không có cơ sở tin cậy (thiếu cơ sở khoa học, không phù hợp với thực tiễn khách quan…) thì ghi lại và đề nghị với Tòa án yêu cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại.
+ Kỹ năng nghiên cứu giấy tờ về lý lịch của bị can, bị cáo và các biên bản, tài liệu khác.
Cần nghiên cứu giấy tờ về lý lịch của bị can, bị cáo để hiểu rõ về nhân thân của họ; cần ghi tóm tắt hoàn cảnh gia đình, điều kiện sống của bị can, bị cáo. Đặc biệt khi bào chữa cho bị can, bị cáo phải chú ý ghi lại những điểm về nhân thân bị can, bị cáo là những tình tiết giảm nhẹ hình phạt để làm cơ sở đề nghị Tòa án xem xét quyết định hình phạt. trường hợp luật sư bảo vệ cho người bị hại thì cần ghi lại những đặc điểm nhân thân bất lợi cho bị cáo như bị cáo có tiền án, tiền sự, những lần vi phạm pháp luật của bị cáo…
Trong quá trình tham gia tố tụng, Luật sư cần nghiên cứu các biên bản, tài liệu khác như biên bản giao nhận cáo trạng, các biên bản xác minh của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát; các nhận xét và đề nghị của các cơ quan đoàn thể; các đơn từ khiếu nại và yêu cầu của những người tham gia tố tụng. Luật sư cần nghiên cứu kỹ các tài liệu này nhằm tìm ra những chứng cứ có lợi cho thân chủ mà mình bảo vệ, bác bỏ những điểm mâu thuẫn, bất hợp lý để đề nghị Tòa án bác bỏ, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho thân chủ.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết: