Hiện nay, các hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu ngày càng phát triển. Vậy hồ sơ và thủ tục xin cấp giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Hồ sơ, quy trình cấp giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu:
Câu hỏi: Em chào Luật Dương Gia, Hiện nay em đang lên phương án thành lập doanh nghiệp để xuất khẩu gạo sang nước ngoài. Tuy nhiên em cũng khá trẻ nên chưa hiểu được quy trình thực hiện xin cấp giấy phép để xuất nhập khẩu như thế nào và hồ sơ ra sao. Rất mong Luật Dương Gia có thể giải đáp giúp em. Em xin chân thành cảm ơn!
Chào bạn! Chúng tôi gửi đến bạn một số thông tin như sau:
Căn cứ theo quy định tại định tại Khoản 3 Điều 7, Khoản 4 Điều 8 Nghị định 69/2018/NĐ-CP và Khoản 1 Điều 14 Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định về hồ sơ và quy trình cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện như sau:
1.1. Hồ sơ cấp giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu:
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 69/2018/NĐ-CP, hồ sơ cấp giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu bao gồm:
– 01 bản chính văn bản đề nghị cấp giấy phép của thương nhân
– 01 bản sao Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đóng dấu của thương nhân.
– Các giấy tờ, tài liệu liên quan khác theo quy định của pháp luật.
1.2. Quy trình cấp giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu:
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định 69/2018/NĐ-CP về quy trình cấp giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu được thực hiện như sau:
– Thương nhân gửi 01 bộ hồ sơ được quy định tại mục 2.1 nếu trường hợp có áp dụng bằng cách nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến đến bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền cấp giấy phép.
– Bộ, cơ quan ngang bộ thông báo để thương nhân hoàn thiện hồ sơ nếu trường hợp hồ sơ chưa được đầy đủ, đúng quy định hoặc cần bổ sung tài liệu giải trình, thì trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ,.
– Bộ, cơ quan ngang bộ có văn bản trả lời thương nhân trong thời hạn tối đa 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định trừ trường hợp pháp luật có quy định khác về thời hạn cấp giấy phép.
– Nếu trường hợp pháp luật có quy định về việc bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền cấp giấy phép phải trao đổi ý kiến với các cơ quan liên quan, thời hạn xử lý hồ sơ sẽ được tính từ thời điểm nhận được ý kiến trả lời của cơ quan liên quan.
– Việc cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép, cấp lại giấy phép do mất, thất lạc phải được thực hiện theo nguyên tắc sau:
+ Thương nhân sẽ chỉ phải nộp các giấy tờ liên quan đến nội dung mà cần sửa đổi, bổ sung.
+ Thời gian để cấp sửa đổi, bổ sung, cấp lại sẽ không dài hơn so với thời gian cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu.
+ Đối với trường hợp từ chối sửa đổi, bổ sung, cấp lại giấy phép, thì bộ, cơ quan ngang bộ có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.
2. Điều kiện cần đáp ứng khi kinh doanh xuất nhập khẩu theo quy định hiện nay:
Câu hỏi: Em chào Luật Dương Gia, Hiện nay em đang lên phương án thành lập doanh nghiệp để khởi nghiệp. Em đang cân nhắc không biết nên kinh doanh mặt hàng nào để xuất khẩu sang nước ngoài. Một số bạn tư vấn em nên tìm hiểu những điều kiện cần phải đáp ứng để được kinh doanh sang nước ngoài. Vậy cho em hỏi điều kiện cần đáp ứng khi kinh doanh xuất nhập khẩu theo quy định hiện nay là gì. Rất mong Luật Dương Gia có thể giải đáp giúp em. Em xin chân thành cảm ơn!
Chào bạn! Chúng tôi gửi đến bạn một số thông tin như sau:
Với nhu cầu hội nhập quốc tế và các chính sách mở cửa kinh tế mới trong nhiều năm qua đã mang đến cho thị trường Việt Nam những cơ hội và khuynh hướng phát triển vững mạnh, nền thị trường Việt Nam hiện đã và đang từng bước phát triển rõ rệt. Nhìn chung, hướng xuất khẩu và nhập khẩu các loại hàng hóa trên thị trường trở nên đa dạng, phong phú và nhộn nhịp rất nhiều so với những thời kì trước đây. Để được tham gia thị trường sôi động này đòi hỏi các doanh nghiệp phải đáp ứng đủ điều kiện mà Pháp luật Việt Nam quy định. Cụ thể, căn cứ điều 7
– Doanh nghiệp được tự do kinh doanh ngành, nghề mà Pháp luật không cấm;
– Tự chủ kinh doanh và lựa chọn những hình thức tổ chức kinh doanh phù hợp; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh và mình muốn; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh;
– Được lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn với những điều kiện tốt nhất;
– Tự do tìm kiếm thị trường, khách hàng tiêu dùng và ký kết hợp đồng theo đúng quy định;
– Được kinh doanh xuất nhập khẩu;
– Sử dụng lao động, thuê, tuyển dụng theo quy định của pháp luật về lao động;
– Chủ động ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh; được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ;
– Được chiếm hữu, sử dụng, định đoạt về tài sản của doanh nghiệp;
– Được từ chối yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân về cung cấp nguồn lực không theo quy định của pháp luật;
– Tham gia khiếu nại, tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật nếu có sai phạm;
– Những quyền cơ bản khác theo quy định của pháp luật.
3. Danh mục hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu quản lý theo giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu:
3.1. Danh mục hàng hóa nhập khẩu quản lý theo giấy phép nhập khẩu:
Theo phần B mục I và phần A mục VIII Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định về danh mục hàng hóa nhập khẩu quản lý theo giấy phép nhập khẩu bao gồm:
– Hàng hóa cần được kiểm soát nhập khẩu theo quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên do Bộ Công Thương công bố cho từng thời kỳ.
– Hàng hóa được áp dụng chế độ cấp giấy phép nhập khẩu tự động do Bộ Công Thương công bố danh mục hàng hóa được áp dụng chế độ cấp giấy phép nhập khẩu tự động cho từng thời kỳ và tổ chức cấp phép theo quy định hiện hành về cấp phép.
– Hàng hóa được áp dụng chế độ hạn ngạch thuế quan như muối, thuốc lá nguyên liệu, trứng gia cầm, đường tinh luyện và đường thô.
– Hàng hóa là tiền chất công nghiệp.
– Tiền chất thuốc nổ và vật liệu nổ công nghiệp.
– Hàng hóa là vàng nguyên liệu.
3.2. Danh mục hàng hóa xuất khẩu quản lý theo giấy phép xuất khẩu:
Theo phần A mục I và phần A mục VII Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định về Danh mục hàng hóa xuất khẩu quản lý theo giấy phép xuất khẩu bao gồm:
– Hàng hóa là tiền chất công nghiệp.
– Tiền chất thuốc nổ và vật liệu nổ công nghiệp.
– Các loại hàng hóa xuất khẩu theo hạn ngạch do nước ngoài quy định được Bộ Công Thương công bố phù hợp với thỏa thuận hoặc cam kết quốc tế của Việt Nam với nước ngoài.
– Hàng cần phải kiểm soát xuất khẩu theo quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, do Bộ Công Thương công bố cho từng thời kỳ.
– Hàng hóa áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu tự động: Bộ Công Thương công bố danh Mục hàng hóa áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu tự động cho từng thời kỳ và tổ chức cấp phép theo quy định hiện hành về cấp phép.
– Hàng hóa là thuốc phải kiểm soát đặc biệt.
– Hàng hóa là nguyên liệu làm thuốc là dược chất hướng thần, dược chất gây nghiện, tiền chất dùng làm thuốc.
– Hàng hóa là dược liệu thuộc danh mục loài, chủng loại dược liệu quý, hiếm, đặc hữu phải kiểm soát.
– Hàng hóa là vàng nguyên liệu.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Quản lý ngoại thương 2017;
– Nghị định 69/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương.