Điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư. Các đối tượng không được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư. Hồ sơ và thủ tục cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề luật sư. Các trường hợp được cấp lại chứng chỉ hành nghề luật sư. Mẫu đơn đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề luật sư.
Hiện nay, để được hành nghề luật sư thì cá nhân phải trải qua một quá trình khá dài và gian nan từ khi tốt nghiệp đại học cho đến tham gia khóa đào tạo luật sư, trải qua quá trình tập sự, thi đạt kết quả,… và cuối cùng mới được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư. Bài viết dưới đây sẽ phân tích về hồ sơ và thủ tục cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề luật sư:
Mục lục bài viết
- 1 1. Điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư:
- 2 2. Các đối tượng không được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư:
- 3 3. Hồ sơ và thủ tục cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề luật sư:
- 4 4. Các trường hợp được cấp lại chứng chỉ hành nghề luật sư:
- 5 5. Mẫu đơn đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề luật sư:
1. Điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư:
Căn cứ theo quy định tại Điều 11
– Thứ nhất, có đủ tiêu chuẩn của luật sư:
+ Là công dân Việt Nam, trung thành với Tổ quốc, tuân thủ đầy đủ Hiến pháp và pháp luật.
+ Có phẩm chất và đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật.
+ Đã được đào tạo nghề luật sư, qua khoảng thời gian tập sự hành nghề luật sư.
+ Đảm bảo có được một sức khỏe tốt để tham gia hành nghề luật sư.
– Thứ hai, phải gia nhập một Đoàn luật sư.
2. Các đối tượng không được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư:
Căn cứ tại Khoản 4 Điều 17 Luật luật sư năm 2006, sửa đổi năm 2012 thì các đối tượng sau đây không được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư:
– Không đủ tiêu chuẩn luật sư như quy định phân tích ở mục 1.
– Người đang là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân.
– Không thường trú tại Việt Nam.
– Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay đã bị kết án mà chưa được xóa án tích về tội phạm do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý; hoặc đã bị kết án về tội phạm nghiêm trọng do cố ý, tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý kể cả trường hợp đã được xóa án tích.
– Người nào đang bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, các cơ sở giáo dục bắt buộc.
– Người bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
– Những đối tượng đang là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân bị buộc thôi việc mà chưa hết thời hạn ba năm, kể từ ngày quyết định buộc thôi việc có hiệu lực.
3. Hồ sơ và thủ tục cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề luật sư:
3.1. Hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề luật sư:
Hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề luật sư gồm có các giấy tờ sau:
* Đối với đối tượng đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư:
– Giấy đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư.
– Sơ yếu lý lịch.
– Phiếu lý lịch tư pháp.
– Bằng cử nhân luật hoặc Bằng thạc sỹ luật (bản sao).
– Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư hoặc giấy tờ chứng minh là người được miễn đào tạo nghề luật sư (bản sao).
– Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư (bản sao).
– Giấy chứng nhận sức khoẻ.
* Đối với đối tượng được miễn tập sự hành nghề luật sư:
Hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề gồm có:
– Đơn đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư theo mẫu.
– Phiếu lý lịch tư pháp
– Giấy chứng nhận sức khỏe.
– Bằng cử nhân luật hoặc bằng thạc sỹ luật (bản sao), trừ đối tượng là giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật.
– Các giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng được miễn tập sự hành nghề luật sư theo quy định tại Luật luật sư.
3.2. Thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề luật sư:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đầy đủ và nộp hồ sơ:
Người có nhu cầu cấp chứng chỉ hành nghề luật sư nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ và kiểm tra hồ sơ:
Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, trong trường hợp cần thiết thì tiến hành xác minh tính hợp pháp của hồ sơ và có văn bản đề nghị kèm theo hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi Bộ Tư pháp.
Thời gian giải quyết là 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ.
Bước 3: Thực hiện việc cấp chứng chỉ hành nghề luật sư:
Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư, thời gian giải quyết là trong 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.
Nếu trường hợp từ chối không cấp chứng chỉ hành nghề luật sư thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề luật sư và Sở Tư pháp nơi gửi hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư.
Theo quy định của pháp luật, khi bị từ chối cấp chứng chỉ hành nghề luật sư thì người bị từ chối có quyền khiếu nại, khiếu kiện nếu có căn cứ rõ ràng.
4. Các trường hợp được cấp lại chứng chỉ hành nghề luật sư:
Điều kiện được cấp lại chứng chỉ hành nghề luật sư:
* Người nào thuộc đối tượng bị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư trong trường hợp:
– Không còn thường trú tại Việt Nam.
– Nằm trong đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân
– Không còn đủ tiêu chuẩn luật sư theo đúng quy định.
và khi có đủ tiêu chuẩn luật sư quy định tại Điều 10 Luật luật sư năm 2006 thì được xem xét cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư.
* Người đã bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư trong trường hợp:
– Bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xoá tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư.
– Bị kết án và bản án đã có hiệu lực pháp luật.
– Bị tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề luật sư.
sẽ được xem xét cấp lại chứng chỉ hành nghề luật sư khi đáp ứng đủ tiêu chuẩn của luật sư theo quy định tại Điều 10 Luật luật sư và kèm một trong các điều kiện sau:
– Sau thời hạn ba năm, kể từ ngày quyết định thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư do bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xoá tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư.
– Bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư do bị tước có thời hạn quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề luật sư mà thời hạn đó đã hết.
– Trường hợp bị kết án về tội phạm do vô ý, tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý dẫn đến việc bị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư mà sau khi chấp hành hình phạt xong đã được xóa án tích.
Lưu ý: trường hợp không được cấp lại chứng chỉ hành nghề luật sư khi nằm trong đối tượng là bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư do bị tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề luật sư không có thời hạn hoặc bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý.
5. Mẫu đơn đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề luật sư:
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
________________________
Ảnh 3×4 | ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP/CẤP LẠI CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ
Kính gửi: Bộ Tư pháp |
Tôi tên là (ghi bằng chữ in hoa):………….Giới tính:………….
Ngày sinh: ……/……/………. Quốc tịch:
Địa chỉ thường trú: …………….
Chỗ ở hiện nay:………………..
Điện thoại:………….. Email:…………….
Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu số:……….
Ngày cấp: …./……/………. Nơi cấp:.
Tổ chức hành nghề luật sư nơi tập sự (đối với trường hợp đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư):…………
Đã đạt kết quả kiểm tra tập sự hành nghề luật sư kỳ……….. năm……………
Hoặc được miễn tập sự hành nghề luật sư (ghi rõ lý do):……….
Đề nghị được cấp/cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư (Trường hợp cấp lại ghi rõ số Chứng chỉ hành nghề luật sư đã được cấp, ngày cấp và lý do cấp lại).
Quá trình hoạt động của bản thân (ghi rõ thời gian, làm gì, ở đầu từ khi tốt nghiệp phổ thông trung học đến nay, chức danh, chức vụ đảm nhiệm, thời gian đào tạo nghề luật sư và thời gian tập sự hành nghề luật sư (nếu có)):…………
Khen thưởng, kỷ luật (ghi rõ hình thức khen thưởng, kỷ luật từ khi tốt nghiệp phổ thông trung học đến nay; trường hợp kỷ luật thì ghi rõ lý do kỷ luật và kèm theo quyết định kỷ luật; trường hợp không có khen thưởng, kỷ luật thì ghi rõ là “không”):………….
Bị truy cứu trách nhiệm hình sự (ghi rõ có hay không việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì ghi rõ tội danh, số bản án, cơ quan ra bản án và gửi kèm bản án, văn bản xác nhận xóa án tích của cơ quan có thẩm quyền):………..Tôi cam đoan đã khai thông tin đầy đủ, trung thực và chịu trách nhiệm về những nội dung nêu trên, cam kết tuân thủ các nguyên tắc hành nghề luật sư, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của luật sư do pháp luật quy định.
Tỉnh (thành phố), ngày tháng năm
Người làm đơn
(Ký và ghi rõ họ tên)