Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, việc giao lưu qua lại giữa các quốc gia cũng ngày càng rộng rãi và phổ biến. Theo quy định của pháp luật, một trong những điều kiện cơ bản để có thể xuất cảnh, nhập cảnh chính là công dân phải được cấp hộ chiếu.
Mục lục bài viết
1. Hộ chiếu cấp cho trẻ em và thời hạn sử dụng:
1.1. Các hình thức hộ chiếu được cấp cho trẻ em:
Theo quy định tại
Thứ nhất, hộ chiếu ngoại giao:
Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 136/2007/NĐ-CP (sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Nghị định 94/2015/NĐ-CP), con dưới 18 tuổi của những người đang phục vụ trong ngành ngoại giao đã được phong hàm ngoại giao hoặc giữ các chức vụ từ Phó Tùy viên quốc phòng trở lên tại cơ quan đại diện ngoại giao, phái đoàn thường trực tại các tổ chức quốc tế liên Chính phủ và từ chức vụ Tùy viên lãnh sự trở lên tại cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài cùng đi theo hoặc đi thăm những người này trong nhiệm kỳ công tác sẽ được cấp hộ chiếu ngoại giao
Thứ hai, hộ chiếu công vụ:
Tại Điều 7 Nghị định 136/2007/NĐ-CP (sửa đổi bởi Khoản 4 Điều 1 Nghị định 94/2015/NĐ-CP) quy định rõ, con dưới 18 tuổi của nhân viên cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài; phóng viên thông tấn và báo chí nhà nước của Việt Nam thường trú ở nước ngoài.đi theo hoặc đi thăm những người này trong nhiệm kỳ công tác cũng thuộc đối tượng cấp hộ chiếu công vụ.
Thứ ba, hộ chiếu phổ thông được cấp cho mọi công dân Việt Nam, trong đó có trẻ em
1.2. Thời hạn của hộ chiếu được cấp cho trẻ em theo quy định:
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 136/2007/NĐ-CP (sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Nghị định 94/2015/NĐ-CP), giá trị sử dụng của hộ chiếu cấp cho trẻ em được xác định như sau:
– Hộ chiếu phổ thông cấp cho trẻ em dưới 14 tuổi có giá trị không quá 5 năm tính từ ngày cấp và không được gia hạn.
– Trẻ em dưới 9 tuổi được cấp chung vào hộ chiếu phổ thông của cha hoặc mẹ nếu có đề nghị của cha hoặc mẹ trẻ em đó. Trong trường hợp này, hộ chiếu có giá trị không quá 5 năm tính từ ngày cấp và không được gia hạn.
– Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ cấp cho con dưới 18 tuổi của những người thuộc diện quy định có thời hạn từ 1 đến 5 năm tính từ ngày cấp cho đến khi người con đó đủ 18 tuổi và không được gia hạn.
2. Trình tự thủ tục cấp hộ chiếu cho trẻ em:
2.1. Đối với trường hợp cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ:
Theo quy định tại Điều 14 Nghị định 136/2007/NĐ-CP (sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 1 Nghị định 94/2015/NĐ-CP), hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ cấp cho trẻ em được xác định như sau:
a. Về hồ sơ đề nghị cấp
– Tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ (theo mẫu quy định)
– Văn bản (theo mẫu quy định) của cơ quan có thẩm quyền về việc cử hoặc cho phép ra nước ngoài trong đó ghi rõ là cán bộ, công chức, viên chức quản lý, sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, trong biên chế Nhà nước, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước hoặc quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
– Tờ khai và giấy tờ chứng minh thuộc diện đi theo hoặc đi thăm của con dưới 18 tuổi
– Quyết định hoặc ý kiến bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền nơi người đó đang làm việc (nếu có) và quyết định hoặc ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao về việc đi theo hoặc đi thăm của con dưới 18 tuổi
Nếu người đề nghị là con dưới 18 tuổi cần nộp thêm bản sao giấy khai sinh và bản sao giấy chứng minh nhân dân (đối với trường hợp đã đủ 14 tuổi trở lên). Các giấy tờ trên là bản chụp thì phải xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu.
b. Trình tự thủ tục cấp hộ chiếu
Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ cấp cho con dưới 18 tuổi được thực hiện theo trình tự sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ đề nghị cấp
Người có yêu cầu thực hiện việc nộp hồ sơ
Công dân Việt Nam đang ở trong nước thuộc diện đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ nộp 01 bộ hồ sơ tại Cục Lãnh sự hoặc Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh (Bộ Ngoại giao) hoặc tại cơ quan Ngoại vụ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định của Bộ Ngoại giao.
Bước 2: Người có đề nghị cấp hộ chiếu nộp lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính.
Bước 3: Cơ quan có thẩm quyền xem xét và thực hiện thủ tục
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ cơ quan cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ tiến hành xem xét thực hiện thủ tục và trả kết quả cho người đề nghị. Trường hợp không cấp hộ chiếu thì trả lời cho người đề nghị bằng văn bản và nêu rõ lý do.
2.2. Cấp hộ chiếu phổ thông cho trẻ em:
Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 136/2007/NĐ-CP, hộ chiếu phổ thông được cấp cho trẻ em được xác định như sau:
a. Hồ sơ đề nghị cấp
Người yêu cầu có thể nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện, hồ sơ bao gồm:
– Tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông theo mẫu quy định.
Đối với trẻ em dưới 14 tuổi thì cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em đó khai và ký vào tờ khai; nếu cha hoặc mẹ có nhu cầu cho con dưới 9 tuổi đi cùng hộ chiếu thì khai chung vào tờ khai của mình.
– Bản sao giấy khai sinh của trẻ em dưới 14 tuổi.
Khi nộp hồ sơ phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân còn giá trị của người đề nghị cấp hộ chiếu để kiểm tra, đối chiếu; trường hợp ở nơi tạm trú thì xuất trình thêm sổ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Đối với trường hợp nộp hồ sơ qua đường bưu điện, hồ sơ cần lưu ý:
– Tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông phải có xác nhận của Trưởng Công an phường, xã, thị trấn nơi đăng ký thường trú.
– Bản chụp giấy chứng minh nhân dân còn giá trị.
b. Trình tự thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông cho trẻ em
Bước 1: Người có yêu cầu cấp hộ chiếu nộp hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền
Công dân Việt Nam ở trong nước đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông có thể nộp hồ sơ và nhận kết quả tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh theo một trong các cách sau đây:
– Trực tiếp nộp hồ sơ và nhận kết quả tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.
– Gửi hồ sơ qua đường bưu điện đến cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thường trú và đề nghị được nhận kết quả qua đường bưu điện. Việc gửi hồ sơ và nhận kết quả qua đường bưu điện thực hiện theo thủ tục do Bộ Công an và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam quy định.
– Ủy thác cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có tư cách pháp nhân trực tiếp nộp hồ sơ và nhận kết quả tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thường trú hoặc tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an. Việc ủy thác thực hiện theo quy định của Bộ Công an.
Lưu ý:
Trường hợp cấp thiết cần hộ chiếu gấp (do Bộ Công an quy định) người đề nghị có thể nộp hồ sơ và nhận kết quả tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an.
Theo hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư 29/2016/TT-BCA, những trường hợp cần thiết cần hộ chiếu gấp được quy định bao gồm:
-Người cần đi nước ngoài để chữa bệnh nếu có giấy tờ chỉ định của bệnh viện;
– Người có thân nhân ruột thịt ở nước ngoài bị tai nạn, bệnh tật, bị chết cần phải đi gấp để giải quyết, nếu có giấy tờ chứng minh những sự việc đó;
– Cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan, hạ sỹ quan, công nhân viên trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân có nhu cầu xuất cảnh gấp, nếu có văn bản đề nghị của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức nơi người đó đang làm việc;
– Trường hợp có lý do cấp thiết khác đủ căn cứ thì Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh xem xét, quyết định.
Bước 2: Nộp lệ phí hộ chiếu theo quy định
Người có yêu cầu cấp hộ chiếu khi nộp hồ sơ phải nộp lệ phí hộ chiếu theo quy định của Bộ Tài chính. Trường hợp nộp hồ sơ qua đường bưu điện thì nộp lệ phí cùng với hồ sơ và thanh toán cước phí chuyển, phát cho Bưu điện.
Bước 3: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết thủ tục
– Đối với các trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thường trú hoặc tạm trú nêu tại khoản 1 Điều này, cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh trả kết quả trong thời hạn không quá 8 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
– Đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Cục Quản lý xuất nhập cảnh trả kết quả trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
Lưu ý:
– Trưởng Công an phường, xã, thị trấn nơi công dân thường trú phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung xác nhận trong tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu của công dân.
– Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có tư cách pháp nhân được người đề nghị cấp hộ chiếu ủy thác nộp hồ sơ và nhận kết quả phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đối chiếu chính xác giữa người đề nghị cấp hộ chiếu, giấy chứng minh nhân dân và tờ khai của họ.
2.3. Trường hợp cấp hộ chiếu cho trẻ em là công dân Việt Nam đang ở nước ngoài:
Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 136/2007/NĐ-CP (Sửa đổi bổ sung tại Khoản 7 Điều 1 Nghị định 94/2015/NĐ-CP), việc cấp hộ chiếu được thực hiện như sau:
a. Hồ sơ đề nghị cấp
– Tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu theo mẫu quy định;
– Giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam;
– Bản sao giấy khai sinh nếu người đề nghị cấp hộ chiếu dưới 9 tuổi.
Trường hợp cha hoặc mẹ có nhu cầu cho con dưới 9 tuổi đi cùng hộ chiếu thì khai chung vào tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu của mình.
b. Trình tự thủ tục cấp hộ chiếu
Bước 1: Nộp hồ sơ đến nơi có thẩm quyền cấp
Công dân Việt Nam đang ở nước ngoài đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông thì nộp hồ sơ tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc giải quyết thủ tục
Bước 3: Trả kết quả
Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trả kết quả cho người đề nghị trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ.