Hình thức phạt tiền có được áp dụng đối với mọi cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính? Các trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính.
Tóm tắt câu hỏi:
Hình thức phạt tiền được áp dụng đối với mọi cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính là đúng hay sai?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Trước hết, chúng ta khẳng định nhận định trên là sai vì những lý do sau:
Thứ nhất, theo quy định tại Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012:
Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
Tại khoản 1 Điều 21 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định các hình thức xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:
“a) Cảnh cáo;
b) Phạt tiền;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính)…”.
Theo đó, phạt tiền là một trong các biện pháp xử phạt các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính.
Thứ hai, căn cứ tại Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính gồm có:
“a) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.
Người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân vi phạm hành chính thì bị xử lý như đối với công dân khác; trường hợp cần áp dụng hình thức phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn liên quan đến quốc phòng, an ninh thì người xử phạt đề nghị cơ quan, đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân có thẩm quyền xử lý;
b) Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra;
c) Cá nhân, tổ chức nước ngoài vi phạm hành chính trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác…”.
Mặt khác, Điều 11 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định không xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp sau:
“1. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết;
2. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng;
3. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ;
4. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng;
5. Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính; người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 của Luật này”.
Do vậy, đối với các cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi phạm hành chính nhưng trong tình thế cấp thiết, do phòng vệ chính đáng, do sự kiện bất ngờ hoặc do sự kiện bất khả kháng thì không bị coi là có lỗi và không bị xử lý hành chính theo bất kỳ biện pháp xử lý vi phạm hành chính nào (phạt tiền, cảnh cáo…).
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Đồng thời, pháp luật quy định không áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với người vi phạm mà không có năng lực trách nhiệm hành chính và người chưa đủ tuổi bị xử phạt hành chính. Cụ thể, không xử lý vi phạm hành chính đối với người dưới 14 tuổi và người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính do vô ý. Chẳng hạn một trẻ em 13 tuổi điều khiển xe máy vượt đèn đỏ thì mặc dù đây là hành vi vi phạm hành chính nhưng người này sẽ không bị xử phạt hành chính theo hình thức phạt tiền mà sẽ áp dụng xử phạt đối với cha mẹ hay người giám hộ của người đó.
Như vậy, trong hầu hết các trường hợp vi phạm hành chính, hình thức phạt tiền là hình thức đước áp dụng phổ biến nhất, tuy nhiên, không phải bất cứ cá nhân hay tổ chức nào có hành vi vi phạm hành chính cũng bị xử phạt theo hình thức này.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.
——————————————————–
THAM KHẢO CÁC DỊCH VỤ CÓ LIÊN QUAN CỦA LUẬT DƯƠNG GIA:
– Tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại