Khái niệm, đặc điểm của quyết định hình phạt đối với tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Khái niệm, căn cứ phát sinh bồi thường thiệt hại trong vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Mục lục bài viết
- 1 1. Khái niệm quyết định hình phạt đối với tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ:
- 2 2. Đặc điểm cơ bản của quyết định hình phạt:
- 3 3. Khái niệm bồi thường thiệt hại trong vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ:
- 4 4. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ:
1. Khái niệm quyết định hình phạt đối với tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ:
Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của nhà nước được quyết định trong bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của Tòa án để tước bỏ hay hạn chế quyền tự do của chủ thể bị kết án theo các quy định của pháp luật hình sự. Hay nói cách khác hình phạt là hậu quả pháp lý bất lợi mà người phạm tội phải gánh chịu khi thực hiện hành vi phạm tội. Do đó khi quyết định hình phạt Hội đồng xét xử cần phải xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng áp dụng đúng pháp luật, có căn cứ, công bằng là tiền đề, điều kiện và cơ sở pháp lý để đạt được mục đích của hình phạt đó là cải tạo, giáo dục chủ thể bị kết án trở thành có ích cho xã hội, có tác dụng răn đe phòng ngừa chung, đồng thời bảo vệ quyền con người, tăng cường pháp chế và trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa. Để đạt được mục đích và hiệu quả còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Xây dựng hệ thống pháp luật, áp dụng pháp luật, ý thức pháp luật và những yếu tố về điều kiện – kinh tế – xã hội.
Hiện nay trong nước có rất nhiều nhà nghiên cứu về luật hình sự đưa ra các khái niệm khác nhau về quyết định hình phạt. Chẳng hạn, theo tác giả Võ Khánh Vinh “Quyết định hình phạt là một giai đoạn, một nội dung của áp dụng pháp luật hình sự thể hiện ở việc Tòa án lựa chọn loại và mức hình phạt cụ thể được quy định trong điều luật khoản điều luật) theo một thủ tục nhất định để áp dụng đối với người phạm tội thể hiện trong bản án buộc tội”. Trong Giáo trình Luật hình sự Việt Nam của Trường Đại học Luật Hà Nội, nghiên cứu về quyết định hình phạt được các nhà khoa học, nhà nghiên cứu khẳng định là “việc Tòa án lựa chọn loại hình phạt cụ thể (bao gồm hình phạt chính và có thể cả hình phạt bổ sung) với mức độ cụ thể trong phạm vi luật định để áp dụng đối với người phạm tội”. Quyết định hình phạt nói chung và quyết định hình phạt đối với tội phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ nói riêng có thể là miễn TNHS, miễn hình phạt (hoạt động QĐHP chấm dứt từ thời điểm có quyết định trên) hoặc nếu Tòa án quyết định áp dụng hình phạt thì hoạt động QĐHP đối với người phạm tội bao gồm xác định khung hình phạt và xác định hình phạt và mức hình phạt cụ thể (bao gồm HPC và có thể cả HPBS) hoặc các biện pháp cưỡng chế hình sự khác (biện pháp tư pháp), hoặc áp dụng biện pháp chấp hành hình phạt (án treo) trong phạm vi LHS cho phép.
Cân nhắc các quan điểm nêu trên về quyết định hình phạt, trong luận văn này, tác giả đưa ra khái niệm: “Quyết định hình phạt đối với tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ là hoạt động nhận thức có logic và thực tiễn áp dụng pháp luật của Hội đồng xét xử nhân danh nhà nước quyết định biện pháp xử lý TNHS đối với người phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trên cơ sở các căn cứ do pháp luật hình sự quy định nhằm đạt được các mục đích của TNHS đối với loại tội phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ ”.
2. Đặc điểm cơ bản của quyết định hình phạt:
Trên cơ sở định nghĩa về quyết định hình phạt, có thể rút ra một số đặc điểm của cơ bản của hoạt động quyết định hình phạt như sau:
Một là, quyết định hình phạt là một hoạt động nhận thức mang tính logic và (thực tiễn) áp dụng pháp luật hình sự của Tòa án sau khi Tòa án đã định tội danh. Nếu định tội danh sai đương nhiên sẽ dẫn đến một loạt hậu quả tiêu cực như: không bảo đảm được tính công minh và đúng pháp luật của hình phạt do Tòa án quyết định, dẫn đến truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, bỏ lọt người phạm tội, thậm chí xâm phạm thô bạo đến quyền con người …,
làm giảm uy tín và hiệu lực của các cơ quan bảo vệ pháp luật và Tòa án, giảm hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm”. Do đó, Điều 102
Tòa án là cơ quan xét xử duy nhất ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt Nam, tức là chỉ Tòa án mới có quyền tuyên một người có tội và áp dụng hình phạt với người đó. Quyết định hình phạt trong quá trình xét xử các vụ án là hoạt động tư duy của các thành viên Hội đồng xét xử đặc biệt là Thẩm pháp của phiên tòa cân nhắc phân tích đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội một cách toàn diện để đưa ra một quyết định hình phạt phù hợp và thực hiện các biện pháp áp dụng hình phạt; nếu áp dụng hình phạt thì phải lựa chọn một hình phạt nào đó thể hiện sự lên án của nhà nước đối với người phạm tội nhưng vẫn đảm bảo sự nhân văn trong triển khai quy định về pháp luật.
Hai là, các căn cứ quyết định hình phạt có tính bắt buộc Hội đồng xét xử phải tuân thủ để hình phạt được quyết định một cách đúng đắn. Khi quyết định hình phạt, bắt buộc Hội đồng xét xử phải tuân thủ triệt để các căn cứ đã được Bộ luật hình sự quy định nhằm bảo đảm cho hình phạt được quyết định một cách công bằng, đúng pháp luật, đáp ứng và phù hợp với đòi hỏi của lợi ích chung.
Ba là, trong quá trình thực hiện xét xử đối với tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ thì việc yêu cầu tuân thủ đúng căn cứ quyết định hình phạt là điều kiện quan trọng để hình phạt được tuyên có khả năng đạt được các mục đích của hình phạt ở mức cao nhất. Quyết định hình phạt đúng là cơ sở để đạt được các mục đích của hình phạt. Điều đó cho thấy việc quyết định hình phạt không phải được thực hiện một cách ngẫu nhiên cũng có thể đạt được các mục đích của hình phạt mà nó phải được dựa trên các căn cứ quyết định hình phạt đã được Bộ luật hình sự quy định.
3. Khái niệm bồi thường thiệt hại trong vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ:
Trách nhiệm BTTH là một dạng trách nhiệm dân sự phát sinh từ sự kiện gây thiệt trái pháp luật. Trong bất kỳ một xã hội nào, việc xảy ra các hành vi gây ra thiệt hại cho những các chủ thể khác và một hiện tượng phổ biến và giải pháp cụ thể để bảo vệ người bị thiệt hại là áp đặt trách nhiệm BTTH cho chủ thể đã có hành vi gây thiệt hại. Vì lẽ đó trách nhiệm dân sự được đặt ra nhằm giải quyết những tổn thất, sự suy giảm về lợi ích khi có thiệt hại xảy ra. Quyền được bảo vệ sức khỏe và tính mạng là nhóm quyền nhân thân quan trọng của mỗi cá nhân, không thể tách rời và chuyển giao cho người khác. Một khi tính mạng hay sức khỏe bị xâm phạm trái pháp luật thì người có hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác sẽ phải bồi thường thiệt hại. Với tư cách là văn bản pháp luật có hiệu lực cao nhất, Hiến pháp 2013 đã khẳng định người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất và phục hồi danh dự trước mọi hành vi xâm phạm đến lợi ích của mình. Quy định của Hiến pháp như vậy chính là nền tảng để xây dựng định chế về trách nhiệm BTTH nói chung, cũng như trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng nói riêng và cả việc bồi thường trong các trường hợp.
Hiện nay Bộ luật hình sự và Bộ luật dân sự không có khái niệm bồi thường thiệt hại trong vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Tuy nhiên, trong luận văn này, tác giả đưa ra khái niệm bồi thường thiệt hại trong vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ như sau: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại hại trong vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ là một dạng của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; là việc HĐXX căn cứ vào các quy định của pháp luật dân sự để buộc chủ thể (Bị cáo hoặc có thể chủ của nguồn nguy hiểm cao độ) có lỗi phải bồi thường toàn bộ thiệt hại về vật chất và tinh thần cho người bị hại.
4. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ:
Theo quy định tại Điều 584 của Bộ luật dân sự (BLDS) thì: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng) phát sinh khi có đủ các yếu tố sau đây:
Một là, phải có thiệt hại xảy ra
Thiệt hại bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại do tổn hại về tinh thần.
Thiệt hại về vật chất bao gồm: Thiệt hại về sức khỏe bị xâm phạm quy định tại Điều 590 của BLDS; thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm quy định tại Điều 591 của BLDS.
Thiệt hại do tổn hại về tinh thần của cá nhân được hiểu là do sức khỏe bị xâm phạm mà người bị hại, hoặc do tính mạng bị xâm phạm mà người thân thích, người gần gũi nhất của người bị hại phải gánh chịu đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm.
Hai là, phải có hành vi trái pháp luật
Hành vi trái pháp luật là hành vi xử sự cụ thể của con người thực hiện thông qua hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy tắc giao thông đường bộ và hành vi này phải là nguyên nhân trực tiếp gây hậu quả về tính mạng, sức khỏe và tai sản
Ba là, phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật.
Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại.
Bốn là, phải có lỗi cố ý hoặc vô ý của người gây ra thiệt hại
Đối với vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ thuộc yếu tố lỗi vô ý. Lỗi vô ý do tự tin, trong trường hợp người vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được. Lỗi vô ý do cẩu thả, trường hợp người vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ không thấy trước hành vi của mình có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.