Vi phạm quy định của pháp luật thì hậu quả pháp lý tất yếu là chủ thể có hành vi vi phạm sẽ phải nhận biện pháp cưỡng chế của nhà nước tương ứng với hành vi của mình. Có những biện pháp cưỡng chế về xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại…trong đó, hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất.
Mục lục bài viết
1. Hình phạt là gì?
Theo Điều 30
Theo đó, hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước. Trong hệ thống pháp luật của Nhà nước ta, có nhiều biện pháp cưỡng chế như xử phạt hành chính, buộc bồi thường thiệt hại về tài sản, xử lý kỷ luật… Tuy nhiên, so với các biện pháp cưỡng chế khác thì hình phạt trong hình sự là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất, vì: hình phạt đánh vào lợi ích kinh tế, hình phạt hạn chế hoặc tước bỏ quyền tự do thân thể, hình phạt được ghi vào lai lịch tư pháp (lý lịch), đặc biệt hơn là hình phạt còn có thể loại bỏ quyền được sống của người phạm tội (quyền quan trọng nhất của con người).
Về bản chất, hình phạt là biện pháp cưỡng chế do cơ quan có thẩm quyền quyết định là
Cơ quan có thẩm quyền quyết định áp dụng hình phạt là Tòa án. Tòa án ở đây được hiểu là Tòa án có thẩm quyền đối với từng vụ án cụ thể theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Vì những tính chất đặc thù của tội phạm (chỉ được quy định trong Bộ luật hình sự) nên việc áp dụng chế tài hình phạt so với các chế tài khác không nhiều. Do đó, quá trình để đưa ra hình phạt cụ thể đối với tội phạm thường khó khăn, phức tạp hơn so với quá trình áp dụng những chế tài khác.
Ngoài quy định trong Bộ luật hình sự thì không có bất kì một đạo luật nào được quy định về tội phạm và hình phạt. Các hình phạt trong hệ thống hình phạt của Bộ luật Hình sự hiện hành được quy định rất cụ thể, rõ ràng, loại hình phạt nào được áp dụng cho hành vi phạm tội nào và giới hạn cụ thể cho từng hình phạt. Hình phạt được đặt ra, tuy nhiên hình phạt đó phải tương xứng với tính chất hoặc mức độ nguy hiểm cho xã hội của người hoặc pháp nhân thực hiện hành vi phạm tội.
Do đó, các nhà làm luật quy định các loại hình phạt khác nhau cho mỗi hành vi phạm tội khác nhau và nhiều khi ngay trong cùng một tội cũng có các hình phạt khác nhau để áp dụng tương ứng với các mức độ cụ thể. Do đó, hệ thống hình phạt ra đời là quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và biện pháp cưỡng chế. Đó là mối quan hệ giữa tội phạm và hình phạt.
2. Mục đích của hình phạt:
Điều 31, Văn bản hợp nhất Bộ luật hình sự năm 2017 quy định về mục đích của hình phạt như sau:
Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.
Mục đích của hình phạt được quy định tại Điều 31 Bộ luật hình sự. Theo đó hình phạt, trước hết nhằm trừng trị người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội. Nếu hình phạt không có mục đích trừng trị, thì cũng không còn là hình phạt nữa. Tuy nhiên, nội dung của việc trừng trị không phải là luật hình sự nước nào cũng quy định như nhau mà tùy thuộc vào điều kiện kinh tế – xã hội của mỗi nước mà có biện pháp trừng phạt riêng.
Nước ta, biện pháp trừng trị đã được quy định trong hệ thống hình phạt, trong đó biện pháp nghiêm khắc nhất là tước bỏ tính mạng (tử hình) của người phạm tội,tuy nhiên để phù hợp tình hình kinh tế – xã hội của đất nước và xu hướng phát triển của pháp luật quốc tế nên Bộ luật hình sự chỉ còn quy định 17 tội có hình phạt tử hình. Việc này cũng đồng nghĩa Bộ luật Hình sự hướng tới những biện pháp mang tính nhân văn và đem lại hiệu quả hơn. Hình phạt tử hình cũng còn nhằm giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, đấu tranh phòng ngừa tội phạm. Các loại hình phạt khác tuy có mục đích trừng trị, nhưng nội dung chủ yếu của nó là cải tạo, giáo dục người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội.
Ngay hình phạt tù chung thân cũng không nhằm buộc người phạm tội phải chấp hành hình phạt suốt đời trong trại giam, nếu họ cải tạo tốt thì vẫn có thể được xét giảm theo quy định của pháp luật. Bản chất hình phạt của chế độ Nhà nước ta hiện nay hình phạt không mang tính trả thù, gây đau đớn về thể xác hay tinh thần đối với người phạm tội, họ chỉ bị tước bỏ hoặc hạn chế một số quyền và việc tước bỏ hoặc hạn chế này cũng là điều kiện cần thiết để cải tạo, giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội.
Hiện nay, khi bàn đến mục đích của hình phạt, có một số luật gia, một số nhà khoa học pháp lý không thừa nhận hình phạt trong hệ thống pháp luật Việt Nam có mục đích trừng trị mà chỉ thừa nhận trừng trị là bản chất, là thuộc tính tất yếu của hình phạt. Quan điểm không thừa nhận hình phạt trong luật hình sự của các nước xã hội chủ nghĩa nói chung và luật hình sự Việt Nam nói riêng có mục đích trừng trị chủ yếu để chứng minh cho bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa và nhà nước xã hội chủ nghĩa hơn hẳn chế độ bóc lột và nhà nước của giai cấp bóc lột. Nhưng lại không thấy rằng, khi xã hội còn cần đến nhà nước thì nhà nước bao giờ cũng có chức năng bảo vệ.
Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị mà còn giáo dục người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân thủ pháp luật và các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa, ngăn ngừa họ phạm tội mới. Đây được xem là mục đích chính và là nội dung cơ bản của bản chất hình phạt trong luật hình sự nước ta. Mục đích này không chỉ được thể hiện ngay trong nội dung các loại hình phạt mà nó còn được thể hiện ngay trong chế định khác của Bộ luật hình sự, đặc biệt là các chế định về quyết định hình phạt, các chế định về miễn, giảm thời hạn chấp hành hình phạt, về đặc xá, về xóa án tích và các quy định về thi hành án phạt tù trong trại cải tạo… Tất cả các quy định cũng chỉ nhằm một mục đích là cải tạo, giáo dục người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội.
Mục đích của hình phạt còn nhằm giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Nội dung của mục đích này không nhằm vào người hoặc pháp nhân phạm tội mà nhằm vào cộng đồng xã hội, có tính chất răn đe và phòng ngừa. Mọi người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhìn vào hình phạt để có những xử sự đúng đắn, tôn trọng pháp luật, nếu không họ cũng có thể bị xử phạt như người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội. Nhà nước đặt ra hình phạt để áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội, đồng thời nhắc nhở mọi người hoặc pháp nhân thương mại trong cộng đồng xã hội chớ có phạm tội, nếu có ý định phạm tội thì phải dừng lại, nếu không dừng ắt phải chịu hậu quả thích đáng. Đặt ra mục đích này vừa có tính răn đe, vừa có tính chất giáo dục để mọi người hoặc pháp nhân thương mại tránh xa nó.
3. Phân loại hình phạt:
Hệ thống hình phạt trong luật hình sự nước ta được chia làm hai phần: Hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Tương ứng với đó sẽ có những ý nghĩa nhất định trong quá trình áp dụng.
1. Hình phạt chính bao gồm:
a) Cảnh cáo;
b) Phạt tiền;
c) Cải tạo không giam giữ;
d) Trục xuất;
đ) Tù có thời hạn;
e) Tù chung thân;
g) Tử hình.
2. Hình phạt bổ sung bao gồm:
a) Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;
b) Cấm cư trú;
c) Quản chế;
d) Tước một số quyền công dân;
đ) Tịch thu tài sản;
e) Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính;
g) Trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính.
3. Đối với mỗi tội phạm, người phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung.
Các hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội bao gồm:
1. Hình phạt chính bao gồm:
a) Phạt tiền;
b) Đình chỉ hoạt động có thời hạn;
c) Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Hình phạt bổ sung bao gồm:
a) Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định;
b) Cấm huy động vốn;
c) Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính.
2. Đối với mỗi tội phạm, pháp nhân thương mại phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung.
4. Căn cứ áp dụng hình phạt:
Nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội:
Theo khoản 1 Điều 3 Bộ luật hình sự, nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội là:
a, Mọi hành vi phạm tội do người thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật;
b, Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội;
c, Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội;
d, Nghiêm trị người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, ăn năn, hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra;
đ, Đối với người phạm tội lần đầu ít nghiêm trọng, thì có thể áp dụng hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù, giao họ cho cơ quan, tổ chức hoặc gia đình giám sát, giáo dục;
e, Đối với người bị phạt tù thì buộc họ phải chấp hành hình phạt tại các cơ sở giam giữ, phải lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội; nếu họ có đủ điều kiện do BLHS quy định thì có thể xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện;
g, Người đã chấp hành xong hình phạt được tạo điều kiện làm ăn, sinh sống lương thiện, hòa nhập với cộng đồng, khi có đủ điều kiện do luật đình thì được xóa án tích.
Theo đó có thể thấy rằng, hình phạt chỉ được áp dụng với người phạm tội. Quy định này vừa thể hiện trong Điều 26 về khái niệm hình phạt vừa thể hiện tính nguyên tắc cơ sở trách nhiệm hình sự (Điều 2 Bộ luật Hình sự): “Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Luật Hình sự Việt Nam chỉ cho phép truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi phạm tội chỉ người nào phạm tội người ấy mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Quy định này thể hiện nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa của pháp Luật Hình sự Việt Nam, thể hiện mục đích áp dụng hình phạt là giáo dục, cải tạo người phạm tội để họ trở thành người lương thiện có ích cho xã hội.
Hình phạt được quy định trong Bộ luật Hình sự và do Toà án quyết định áp dụng bằng bản án kết tội có hiệu lực pháp luật đối với người phạm tội. Hiến pháp, Luật tổ chức Tòa án, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự đều khẳng định Tòa án là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chỉ có Toà án mới có quyền xét xử và ra bản án hình sự bằng hình phạt. Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự, bảo đảm xét xử đúng người, đúng tội, chính xác, khách quan, bảo đảm không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Quy định này thể hiện tính kiên quyết, thận trọng của Nhà nước trong đấu tranh chống tội phạm đồng thời bảo đảm lợi ích chính đáng của công dân, và thể hiện sự thống nhất giữa tội phạm và hình phạt. Tội phạm là cơ sở phải chịu hình phạt, ngược lại hình phạt là hậu quả pháp lý của tội phạm nhằm trừng trị vào giáo dục người phạm tội, giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, đấu tranh phòng chống tội phạm.