Đối với trường hợp người phạm tội chưa thành niên có những quy định riêng về chế tài xử phạt được nhà nước đặc biệt quan tâm. Cùng bài viết tìm hiểu người dưới 18 tuổi phạm tội là gì? Đặc điểm và mục đích hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội?
Mục lục bài viết
1. Hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là gì?
Hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là một trường hợp cụ thể, đặc biệt, phái sinh trong hệ thống hình phạt của Bộ luật hình sự nói chung. Do đó, khái niệm Hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội cũng phát sinh từ khái niệm về hình phạt nhưng mang đặc điểm riêng biệt về đối tượng áp dụng.
Trong khoa học pháp luật hình sự Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu đã xây dựng những định nghĩa khác nhau về hình phạt. Chẳng hạn:
Theo PGS.TS Trịnh Quốc Toản: “Hình Phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được luật quy định, do Tòa án áp dụng đối với người bị kết án và được thể hiện ở sự tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của họ nhằm giáo dục, cải tạo họ và phòng ngừa tội phạm, bảo đảm cho luật hình sự thực hiện được nhiệm vụ bảo vệ và đấu tranh phòng, chống tội phạm”.
Theo GS. TS Nguyễn Ngọc Hòa: “Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nhà nước nghiêm khắc nhất được quy định trong luật hình sự do Tòa án áp dụng cho chính người đã thực hiện tội phạm, nhằm trừng trị và giáo dục họ, góp phần vào việc đấu tranh phòng và chống tội phạm, bảo vệ chế độ và trật tự xã hội cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp công dân”.
Theo GS.TSKH Lê Văn Cảm: “Hình phạt – Biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được áp dụng trong bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của Tòa án theo các quy định của BLHS nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền và tự do của cá nhân bị kết án cũng như lợi ích của pháp nhân bị kết án”.
Dù có thể có những cách hiểu khác nhau nhưng các tác giả vẫn thống nhất về mặt bản chất và nội hàm của hình phạt, bám sát quy định về hình phạt trong Bộ luật hình sự Việt Nam. Đến Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 217, khái niệm hình phạt được quy định tại Điều 30 với sự bổ sung đối tượng là pháp nhân thượng mại phạm tội như sau: “Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật hình sự, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại phạm tội”.
Hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội có đầy đủ các đặc trưng của hình phạt. Tuy nhiên, đối tượng áp dụng của hình phạt này được áp dụng chính sách pháp luật đặc biệt khoan hồng và nhân đạo hơn, mang đặc trưng lứa tuổi sâu sắc với mục đích chủ yếu hướng đến giáo dục, cải tạo người phạm tội, giúp họ có cơ hội sửa chữa sai lầm. Người dưới 18 tuổi phạm tội đặc điểm tâm sinh lý đặc thù, chưa đủ nhận thức về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà mình gây ra, dễ bị ảnh hưởng, tác động bởi các yếu tố môi trường, xã hội nhưng cũng dễ thay đổi, cải tạo. Họ có tuổi đời còn ít; thiếu kinh nghiệm sống, trình độ văn hóa, học vấn, hiểu biết và nhận thức pháp luật; chưa hoàn thiện nhân cách; phải đối mặt với thời kỳ có nhiều thay đổi về tâm sinh lý lứa tuổi dậy thì: xu hướng thích khẳng định bản thân, bộc lộ cá tính, khó kiềm chế cảm xúc, dễ bị kích động, tác động ảnh hưởng bởi môi trường bên ngoài,... Do đó, hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thường thiên về giáo dục, cải tạo nhiều hơn trừng trị, chế tài được xây dựng có tính nhân đạo, khoan hồng và ít nghiêm khắc hơn so với người đủ 18 tuổi phạm tội. Không phải mọi hình phạt được quy định trong bộ luật hình sự đều được áp dụng với người dưới 18 tuổi phạm tội. Ngoài ra, trong quá trình áp dụng hình phạt, người dưới 18 tuổi phạm tội cũng được áp dụng các chế tài riêng về hình phạt.
Từ những phân tích trên, có thể định nghĩa hình phạt đối với người dưới 18 tuổi như sau: “Hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của nhà nước được quy định trong bộ luật hình sự, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện hành vi phạm tội thể hiện ở việc tước bỏ hoặc hạn chế quyền lợi ích của người đó nhằm trùng trị, giáo dục, cải tạo họ, góp phần vào công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm”.
2. Đặc điểm hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội:
Từ khái niệm đã xây dựng ở phần trên, có thể xác định nội hàm của vấn đề hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội như sau:
Thứ nhất, hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất trong hệ thống các biện pháp cưỡng chế của Nhà nước được áp dụng cho người dưới 18 tuổi phạm tội: so với các chế tài xử lý khác (hành chính, dân sự,...), hình phạt được coi là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước đối với người dưới 18 tuổi, người bị áp dụng hình phạt phải gánh chịu hậu quả pháp lý bất lợi hơn. Tính nghiêm khắc thể hiện ở chỗ người dưới 18 tuổi bị kết án có thể bị tước bỏ hoặc hạn chế quyền tự do, quyền về tài sản, về chính trị. Tuy nhiên, theo pháp luật hình sự Việt Nam, người dưới 18 tuổi phạm tội được đối xử nhân đạo, khoan hồng hơn so với người đủ 18 tuổi phạm tội. Họ không bị áp dụng hình phạt tử hình (không bị tước đi quyền được sống) hoặc tù chung thân. Việc áp dụng các hình phạt đối với người dưới 18 tuổi chỉ được coi là biện pháp trừng trị cuối cùng sau khi cơ quan chức năng đã thực hiện hết các biện pháp khác nhưng không đảm bảo tính răn đe, trừng trị.
Thứ hai, hình phạt đối với người dưới 18 tuổi chỉ và chỉ được quy định trong chế định riêng Những quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, quy định chung về hình phạt tại Phần chung và các quy định tại điều luật về tội danh cụ thể ở Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự. Theo đó, các nhà làm luật xây dựng các quy phạm đặc biệt dành riêng cho người dưới 18 tuổi phạm tội với chính sách, nguyên tắc xử lý và các loại hình phạt áp dụng thể hiện sự ưu tiên, giảm nhẹ hơn so với người đủ 18 tuổi phạm tội. Căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhân thân người phạm tội, quy định pháp luật, Tòa án là chủ thể duy nhất nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Khi xem xét áp dụng hình phạt, Tòa án phải tuân thủ chặt chẽ các thủ tố tụng hình sự và các chế tài hình sự hình sự áp dụng riêng cho người dưới 18 tuổi phạm tội.
Thứ ba, chủ thể bị áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ có thể là người từ đủ 14 đến dưới 18 tuổi đã thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật hình sự mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm (Các tội phạm phải thuộc phạm vi người dưới 18 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự). Đây là chủ thể đặc biệt của pháp luật hình sự Việt Nam có đặc trưng riêng về lứa tuổi mà ở lứa tuổi này, các nhà làm luật xác định người phạm tội bị hạn chế về mức độ nhận thức, hiểu biết xã hội, tâm sinh lý chưa phát triển đầy đủ, ổn định dẫn đến dễ bị lôi kéo, sa đà vào các tệ nạn xã hội hoặc vì nhận thức không đầy đủ về quy định của pháp luật, suy nghĩ bồng bột, thiếu chín chắn mà thực hiện các tội phạm được quy định tại Bộ luật hình sự. Nhưng ngược lại, các đối tượng có đặc trưng lứa tuổi này có khả năng tiếp thu nhanh, dễ cảm hóa, dễ hoàn lương và tái hòa nhập với cộng đồng hơn so với người đủ 18 tuổi phạm tội. Mặt khác, với chính sách chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, pháp luật các quốc gia về hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội hầu hết đều thiên về hướng về hướng nhân đạo, khoan hồng hơn nên hình phạt đối với họ được quy định và áp dụng riêng. Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người dưới 18 tuổi phạm tội cũng hẹp hơn so với người đủ 18 tuổi phạm tội và được phân hóa theo nhóm tuổi cụ thể: từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi và từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi, Theo đó, việc áp dụng loại và mức hình phạt đối với hai nhóm tuổi này cũng được phân hóa cụ thể.
Thứ tư, hình phạt đối với người dưới 18 tuổi là công cụ tước bỏ hoặc hạn chế một số quyền, lợi ích của người phạm tội, tuy nhiên hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội ngoài mục tiêu nhằm trừng trị, răn đe người phạm tội còn tập trung chủ yếu vào việc giáo dục, cải tạo họ, giúp họ sửa chữa lỗi lầm. Nếu như đối với người phạm tội đủ 18 tuổi, mục đích hướng đến của hình phạt phải là sự kết hợp của hiệu quả trừng trị và giáo dục người phạm tội, trong đó, đôi khi chức năng trừng trị, răn đe có vai trò nổi bật hơn nhằm góp phần vào hiệu quả đấu tranh, phòng chống tội phạm thì đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, các hình phạt áp dụng chủ yếu có thiên hướng giáo dục, cải tạo, giúp người phạm tội sửa chữa sai lầm, làm lại cuộc đời [7,tr413]. Bởi lẽ, như đã phân tích ở trên, người dưới 18 tuổi phạm tội là đối tượng dễ bị tác động cũng dễ bị cảm hóa, uốn nắn, khả năng tái hòa nhập cộng đồng cao. Người dưới 18 tuổi phạm tội có tuổi đời còn rất trẻ, sau thời gian bị áp dụng hình phạt (có thể bị tước tự do), họ cần được trở lại với cuộc sống đời thường, lao động có ích và tạo dựng giá trị cho xã hội. Do đó, nhằm hướng tới mục tiêu lâu dài của công tác đấu tranh và phòng chống tội phạm, hình phạt áp dụng với các đối tượng này mang đặc trưng của chính sách nhân đạo, khoan hồng thiên về giáo dục, cải tạo, hướng thiện.
3. Mục đích của hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội:
Mục đích của hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội về cơ bản phải đáp ứng các tiêu chí của mục đích hình phạt nói chung trên hai bình diện: Mục đích phòng ngừa riêng và Mục đích phòng ngừa chung . Trong đó tồn tại hai yếu tố giá trị cốt lõi: trừng trị và giáo dục, cải tạo. Thông qua hai chức năng này, hình phạt sẽ đạt được mục đích phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm. Căn cứ vào kết quả nghiên cứu đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi và quan điểm của các nhà làm luật hình sự Việt Nam trong hệ thống các nguyên tắc xử lý, có thể nhận thấy việc áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi chỉ đạt hiệu quả tốt nhất khi chú trọng việc giáo dục, cải tạo người phạm tội giúp họ sớm hoàn lương, không tái thực hiện hành vi phạm tội.
3.1. Về mục đích phòng ngừa riêng:
Đối với người phạm tội là người dưới 18 tuổi, trừng trị, răn đe không phải mục đích chính mà phải kết hợp chặt chẽ với giáo dục, cải tạo, ưu tiên hơn mục đích giáo dục, cải tạo. Bởi lẽ, đối với đối tượng đặc biệt là người dưới 18 tuổi, mục đích trừng trị của hình phạt chỉ là mục đích thứ yếu mà quan trọng hơn là hướng tới việc giáo dục, cảo tạo họ, giúp họ nhận ra sai lầm, cố gắng sửa chữa để hoàn lương và không tiếp tục thực hiện các hành vi phạm tội mới. Theo đó, bên cạnh việc buộc người phạm tội phải gánh chịu hậu quả pháp lý bất lợi mà hành vi phạm tội của mình gây ra thì hơn hết cần hướng tới việc cải tạo, giúp đỡ người phạm tội nhận thức sai lầm, sửa chữa, hoàn lương. Một trong những nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là “phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội”. Khi xem xét hình phạt, Tòa án thường đặt yêu cầu giáo dục, cải tạo lên hàng đầu nhằm tạo điều kiện cho người phạm tội có cơ hội sửa chữa sai lầm, tái hòa nhập cộng đồng cao hơn. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm. Do đó, mục đích giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội chủ yếu là nhằm hướng tới quá trình áp dụng hình phạt phù hợp, có sự nhân đạo, khoan hồng ưu tiên áp dụng các biện pháp giám sát giáo dục và biện pháp tư pháp đối với người dưới 18 tuổi phạm tội làm thay đổi nhận thức người phạm tội, khiến họ hiểu hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, đáng bị trừng phạt, biến người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội. Giáo dục họ về giá trị tốt đẹp của cuộc sống, tránh xa các vi phạm và tội phạm, không tiếp tục tái phạm. Đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới, đây còn là chính sách nhân đạo, khoan hồng, bảo vệ quyền của trẻ em.
3.2. Về mục đích phòng ngừa chung:
Hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội còn thể hiện mục đích giáo dục cải tạo nhằm vào đối tượng là cá nhân khác, ngăn ngừa họ thực hiện hành vi phạm tội, cho họ thấy trước hậu quả của việc thực hiện hành vi phạm tội để họ từ bỏ ý định phạm tội nếu có. Bởi lẽ, khi áp dụng hình phạt đối với người phạm tội, Tòa án không chỉ tước bỏ hoặc hạn chế quyền của người phạm tội, tác động trực tiếp đến tinh thần của người phạm tội mà còn có sức ảnh hưởng tinh thần tới các đối tượng khác trong xã hội, đặc biệt là các đối tượng cùng nhóm. Theo đó, thông qua hoạt động xử lý, giải quyết nghiêm các trường hợp người dưới 18 tuổi phạm tội bằng hình phạt, nhà nước tác động tâm lý đến những cá nhân khác là người dưới 18 tuổi có ý định phạm tội, răn đe, giáo dục họ từ bỏ ý định phạm tội nhằm tránh phải gánh chịu những hậu quả pháp lý bất lợi mà pháp luật quy định. Với đối tượng là người dưới 18 tuổi, mục đích phòng ngừa chung càng phát huy hiệu quả răn đe, giáo dục cải tạo, bởi lẽ người dưới 18 tuổi có đặc thù chưa vững vàng về tâm sinh lý, dễ bị tác động, dễ bị cảm hóa và giáo dục.