Luật sư tư vấn dùm trong suốt quá trình đó công ty em đúng và sai ở điểm nào? Việc tháo dỡ có đúng không? Nếu công ty em đưa việc này ra pháp luật thì phần trăm thắng có cao không ạ?
Tóm tắt câu hỏi:
Công ty tôi chuyên lắp đặt, cung cấp camera. Vừa rồi công ty đấu thầu một công trình lắp camera hai mươi chiếc và đã trúng thầu. Ngày 17/4/2014, công ty tôi cho người đem hợp đồng qua gặp trực tiếp ông X – Giám đốc đối tác để kí nhưng giám đốc không kí. Ông ấy nói ngày 18/4/2014 công ty cứ cho người đến đó lắp rồi ông ấy sẽ cho người đem hợp đồng xuống trả lại. Đúng ngày hẹn công ty vẫn sắp xếp cho người đi lắp camera theo yêu cầu nhưng ông X chỉ cho người đến giao chìa khóa mà không đưa hợp đồng. Đến sáng ngày 21/4, công ty em lắp xong và yêu cầu công ty kia đến nghiệm thu công trình, nhưng công ty không đến. Bên công ty em đã kí biên bản nghiệm thu với bà trưởng khoa nơi công ty lắp camera. Công ty em cho người đến gặp giám đốc để trả chìa khóa và yêu cầu trả hợp đồng và đến nghiệm thu lại công trình, nhưng ông ấy không trả hợp đồng và nói khi nào bên bà trưởng khoa giải quyết công trình của công ty xong thì ông ấy mới nghiệm thu công trình của công ty em. Vì sợ mất camera nên công ty tôi đã báo cho ông X nếu không giao lại hợp đồng và nghiệm thu công trình, công ty tôi sẽ cho người đến tháo camera đem về lại công ty. Ông X đã đe dọa nếu dám tháo ông ấy sẽ gọi công an đến làm việc. Vì sợ ông X bày trò tráo trở nên công ty tôi đã tự ý cắt thêm chìa khóa để tiện cho việc ra vào tháo dỡ camera.
Vậy mong Luật sư tư vấn dùm trong suốt quá trình đó công ty em đúng và sai ở điểm nào? Việc tháo dỡ có đúng không? Nếu công ty em đưa việc này ra pháp luật thì phần trăm thắng có cao không ạ?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Vấn đề 1: Cần xác định hiệu lực pháp lý của hợp đồng
Công ty bạn cho người đem hợp đồng qua gặp trực tiếp ông X – Giám đốc đối tác để kí nhưng giám đốc không kí. Ông ấy nói ngày 18/4/2014 công ty cử người đến đó lắp rồi ông ấy sẽ cho người đem hợp đồng xuống trả lại. Đúng ngày hẹn công ty vẫn sắp xếp cho người đi lắp camera theo yêu cầu nhưng ông X chỉ cho người đến giao chìa khóa mà không đưa hợp đồng.Trong trường hợp này, công ty bạn và công ty của ông X đã có sự thỏa thuận, xuất phát từ ý chí, xác lập hợp đồng bằng lời nói (bằng miệng).Mặc dù ban đầu, hai bên cùng xây dựng hợp đồng dưới hình thức bằng văn bản và nội dung đượ hai bên đã thông qua, chỉ chờ có ký duyệt. Công ty Ông X chưa ký vào hợp đồng, công ty hứa sẽ ký sau và vẫn yêu cầu rõ ràng với công ty bạn là lắp đặt máy camera vào ngày 18/4. Vậy nên dù bên công ty ông X chưa ký thì những nội dung trong hợp đồng vẫn có hiệu lực. Hợp đồng giữa công ty bạn và công ty ông X vẫn có hiệu lực pháp luật bình thường.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Vấn đề 2: Hành vi tự cắt thêm chìa khóa
Đối với hành vi tự tự ý cắt thêm chìa khóa để tiện cho việc ra vào tháo dỡ camera của công ty bạn là vi phạm pháp luật vì bạn chưa được sự đồng ý của bên công ty X. Bên cạnh đó, nó có thể bị ảnh hưởng khác ví dụ như mất mát tài sản hoặc hỏng tài sản,…Công ty bạn lo lắng mất camera đó là điều đúng, tuy nhiên do hai bên đã thỏa thuận hợp đồng và bạn đã thực hiện xong nghĩa vụ lắp đặt và nghiệm thu với công ty. Bên công ty ông X không thực hiện việc nghiệm thu theo thỏa thuận thì việc lắp đặt của bạn cũng vẫn được coi như hoàn thành vì họ đã tự bỏ đi quyền kiểm tra, nghiệm thu của công ty. Vậy nên, khi bạn đã hoàn thành lắp đặt có nghĩa là bạn đã chuyển rủi ro khi camera bị mất, hư hỏng cho công ty X theo quy định tại Điều 57 Luật Thương mại.
Điều 57. Chuyển rủi ro trong trường hợp có địa điểm giao hàng xác định
Trừ trường hợp có thoả thuận khác, nếu bên bán có nghĩa vụ giao hàng cho bên mua tại một địa điểm nhất định thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá được chuyển cho bên mua khi hàng hoá đã được giao cho bên mua hoặc người được bên mua uỷ quyền đã nhận hàng tại địa điểm đó, kể cả trong trường hợp bên bán được uỷ quyền giữ lại các chứng từ xác lập quyền sở hữu đối với hàng hoá.”
Vấn đề 3: Công ty bạn hoàn toàn có thể kiện vụ việc trên ra tòa án nhân dân cấp huyện nơi đặt trụ sở chính của công ty X theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.