Hiệu lực áp dụng của "Bộ luật hình sự 2015". Phân loại tội phạm.
Hiệu lực áp dụng của Bộ luật hình sự 1999. Phân loại tội phạm.
Tóm tắt câu hỏi:
Em có một tình huống đang cần được tư vấn, anh/chị có thể gợi ý giúp em được không? Tình huống như sau: Ngày 20/9/2013, B là công dân Việt Nam đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của H (công dân Lào) 10 ngàn USD quy đổi thành tiền VNĐ là 250 triệu đồng. Ngày 20/10/2013 tại Viêng Chăn, do mâu thuẫn cá nhân nên B đã có hành vi giết chết C (công dân Lào) nhưng cơ quan tư pháp của Lào không biết. Sau khi về Việt Nam, các hành vi phạm tội nêu trên của B bị phát hiện và B bị bắt giữ. Hỏi:
1. Tội giết người và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà B thực hiện tại Lào có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật hình sự Việt Nam không? Tại sao?
2. B có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo luật hình sự của Lào không? Tại sao? (biết rằng Bộ luật hình sự của Lào có quy định tội giết người và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản).
3. Khẳng định Tội giết người (Điều 93 Bộ luật hình sự 1999) và Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009) là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là đúng hay sai? Tại sao?
4. Xác định những dấu hiệu khách quan của tội phạm có trong tình huống nêu trên?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Tội giết người và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà B thực hiện tại Lào có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật hình sự Việt Nam không? Tại sao?
Căn cứ Điều 6 Bộ luật hình sự 1999 quy định hiệu lực của Bộ luật hình sự như sau:
“Điều 6. Hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
1. Công dân Việt Nam phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo Bộ luật này.
Quy định này cũng được áp dụng đối với người không quốc tịch thường trú ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Người nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự Việt Nam trong những trường hợp được quy định trong các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia.”
Theo quy định trên, công dân Việt Nam phạm tội ở ngoài lãnh thổ Việt Nam có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo Bộ luật hình sự 1999.
2. B có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo luật hình sự của Lào không? Tại sao? (biết rằng Bộ luật hình sự của Lào có quy định tội giết người và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản).
Căn cứ Điều 54 Hiệp định tương trợ tư pháp dân sự và hình sự giữa Việt Nam vào Lào quy định nghĩa vụ truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:
"Điều 54: Nghĩa vụ truy cứu trách nhiệm hình sự
1. Nước ký kết này có nghĩa vụ thực hiện yêu cầu của Nước ký kết kia về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với công dân của mình đã có hành vi phạm pháp trên lãnh thổ của Nước ký kết yêu cầu, phù hợp với pháp luật của nước mình.
Khi có yêu cầu của Nước ký kết, Nước ký kết được yêu cầu có nghĩa vụ áp dụng các biện pháp cần thiết để tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự đối với công dân của Nước ký kết yêu cầu đã phạm pháp và có mặt trên lãnh thổ của Nước ký kết được yêu cầu.
2. Văn bản yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự của người bị hại được gửi đến cơ quan có thẩm quyền theo thể thức đã được quy định trong pháp luật của Nước ký kết này sẽ có giá trị pháp luật trên lãnh thổ của Nước ký kết kia.
3. Người bị hại trong vụ án hình sự có quyền chống án hình sự tại các Toà án của Nước ký kết như công dân của Nước ký kết có Toà án tiến hành xét xử hình sự."
B có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Pháp luật nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào nếu như có văn bản yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự của Việt Nam tới Lào theo quy định trên.
3. Khẳng định Tội giết người (Điều 93 Bộ luật hình sự 1999) và Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009) là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là đúng hay sai? Tại sao?
Căn cứ Khoản 3 Điều 8 Bộ luật hình sự 1999 quy định như sau:
"Điều 8. Khái niệm tội phạm
…
3. Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
…”
Như vậy, để xác định tội phạm có phải là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hay không thì căn cứ vào mức cao nhất của khung hình phạt đối với từng tội. Nếu mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình thì đây là tội đặc biệt nghiêm trọng.
Nếu B bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự 1999; bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 4 Điều 139 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009 thì xác định là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Do đó, khẳng định Tội giết người và Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là chưa đúng theo quy định trên.
4. Xác định những dấu hiệu khách quan của tội phạm có trong tình huống nêu trên?
Thứ nhất, Dấu hiệu khách quan của tội giết người:
1. Chủ thể:
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Chủ thể này bất kỳ là người nào có năng lực trách nhiệm hình sự. Chủ thể của tội giết người là chủ thể thường, nghĩa là những người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định đều có khả năng trở thành chủ thể của tội giết người. Theo quy định của Bộ luật hình sự, thì người từ đủ 14 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng. Từ 16 tuổi trở lên: Chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
2. Khách thể: Hành vi nêu trên đã xâm phạm đến tính mạng của người khác (quyền được bảo vệ về tính mạng).
3. Mặt khách quan:
* Có hành vi làm chết người khác: Được thể hiện qua hành vi dùng mọi thủ đoạn nhằm làm cho người khác chấm dứt cuộc sống.
Tuy nhiên cần phân biệt:
– Nếu làm chết chính bản thân mình thì bị coi là tự tử hoặc tự sát chứ không cấu thành tội này.
– Nếu vì vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng mà làm chết người khác thì cấu thành tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
– Hành vi làm chết người được thực hiện thông qua các hình thức sau:
+ Hành động: Thể hiện qua việc người phạm tội đã chủ động thực hiện các hành vi mà pháp luật không cho phép như: dùng dao đâm,dùng súng bắn, dùng cây đánh … nhằm giết người khác.
+ Không hành động: Thể hiện qua việc người phạm tội đã không thực hiện nghĩa vụ phải làm ( phải hành động) để đảm bảo sự an toàn tính mạng của người khác … nhằm giết người khác. Thông thường tội phạm được thực hiện trong trường hợp (bằng cách) lợi dụng nghề nghiệp
– Có hoặc không sử dụng vũ khí, hung khí khác, cụ thể là:
+ Không sử dụng vũ khĩ hoặc hung khí: Trường hợp này người phạm tội chủ yếu sử dụng sức mạnh cơ thể của mình tác động lên cơ thể của nạn nhân hoặc đẩy nạn nhân vào điều kiện không thể sống được như đấm, đá, bóp cổ… hoặc dùng các thủ đoạn khác như đẩy xuống sông …
+ Có sử dụng vũ khí, hung khí hoặc các tác nhân gây chết người khác. Trường hợp này người phạm tội có sử dụng các công cụ phạm tội như: Súng, lựu đạn, bom, mìn, dao, búa, gậy gộc, … hoặc các tác nhân gây chết khác như thuốc độc, điện …
– Hành vi giết người được thể hiện dưới hình thức dùng vũ lực hoặc không dùng vũ lực, cụ thể là:
+ Dùng vũ lực: Được hiểu là trường hợp người phạm tội đã sử dụng sức mạnh vật chất (có hoặc không có công cụ, phương tiện phạm tội ) tác động lên thân thể nạn nhân.
Việc dùng vũ lực có thể được thể hiện bằng các hình thức sau:
Thực hiện trực tiếp như dùng tay, chân để đánh đá, bóp cổ, …
Thực hiện gián tiếp thông qua phương tiện vật chất (có công cụ, phương tiện phạm tội) như: Dùng dao để đâm, chém, dùng súng bắn, …
+ Không dùng vũ lực: Nghĩa là dùng các thủ đoạn khác mà không sử dụng sức mạnh vật chất để tác động lên cơ thể nạn nhân như: Dùng thuốc độc để đầu độc nạn nhân, gài bẫy điện để nạn nhân vướng vào…
* Về hậu quả: Các hành vi nêu trên thông thường gây hậu quả trực tiếp là làm người khác chết (tức là chấm dứt sự sống của người khác). Tuy nhiên chỉ cần hành vi mà người phạm tội đã thực hiện có mục đích làm chấm dứt sự sống của người khác (hay làm cho người khác chết) thì được coi là cấu thành tội giết người cho dù hậu quả chết người có xảy ra hay không.
4. Mặt chủ quan: Người phạm tội đã thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý (được thể hiện bằng lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp).
Thứ hai, Dấu hiệu khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
1. Chủ thể
– Phạm tội trong trường hợp quy định tại Khoản 1, 2 Điều 139 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009 thì người phạm tội phải đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự
– Phạm tội trong trường hợp quy định tại Khoản 3, 4 Điều 139 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009 thì người phạm tội phải đủ 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự
2. Khách thể
Quan hệ sở hữu: Nếu sau khi chiếm đoạt tài sản, người phạm tội bị đuổi bắt có hành vi chống trả để tẩu thoát gây chết hoặc làm bị thương người khác thì có thể bị truy cứu them trách nhiệm hình sự về tội khác.
3. Mặt khách quan của tội phạm
– Hành vi chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn gian dối. Thủ đoạn gian dối ở đây là đưa ra những thông tin không đúng sự thật để đánh lừa người khác. Hành vi này có thể thông qua lời nói; xuất trình giấy tờ giả mạo; giả danh cán bộ; giả danh tổ chức ký kết hợp đồng.
Lưu ý: Gian dối là đặc trưng của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng không phải mọi hành vi gian dối đếu cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
– Hậu quả: Người phạm tội đã chiếm được tài sản (hoặc giữ được tài sản trong trường hợp dùng thủ đoạn gian dối trao tài sản nhưng lại không trao)
Ngoại lệ: Tài sản từ 2 triệu đồng trở lên, nếu có giá trị rất lớn như ô tô, xe máy, máy tính… thì dù người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản thì vẫn bị coi là phạm tội
4. Mặt chủ quan của tội phạm
– Lỗi cố ý
– Mục đích: chiếm đoạt tài sản; thực hiện được thủ đoạn gian dối (mong muốn người khác tin mình).