Với những người tham gia giao thông thì chắc chắn không thể không chú ý tới những hiệu lệnh giao thông để tuân thủ đúng, tránh mắc lỗi bị xử phạt vi phạm. Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng có nhiều những loại hiệu lệnh điều khiển giao thông khác nhau.
Mục lục bài viết
1. Hiệu lệnh điều khiển giao thông là gì?
Tại Quy chuẩn số 41:2016/BGTVT Báo hiệu đường bộ quy định: Hiệu lệnh điều khiển giao thông bao gồm các phương pháp điều khiển giao thông sau:
Các phương tiện điều khiển giao thông
Bằng tay
Bằng cờ
Bằng gậy điều khiển giao thông có màu đen trắng xen kẽ (có đèn hoặc không có đèn ở bên trong)
Bằng đèn tín hiệu ánh sáng
Phương pháp chỉ huy giao thông
Người điều khiển
Bằng hệ thống tín hiệu ánh sáng tự động
1.1. Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông:
Chúng ta thường bắt gặp nhiều nhất là hiệu lệnh của người điều khiển giao thông được thể hiện bằng tay, cờ, gậy hoặc đèn tín hiệu ánh sáng điều khiển giao thông. Để thu hút sự chú ý của người tham gia giao thông, người điều khiển giao thông ngoài sử dụng các phương pháp nêu trên còn dùng thêm còi. Tất cả các lái xe, người đi bộ đều phải chấp hành nghiêm chỉnh hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, kể cả trong trường hợp hiệu lệnh trái với tín hiệu của đèn điều khiển giao thông, biển báo hiệu hoặc vạch kẻ đường.
Người điều khiển giao thông phải là cảnh sát giao thông mặc sắc phục theo quy định của Bộ Công an hoặc là người được giao nhiệm vụ điều khiển giao thông có mang băng đỏ rộng 10 cm ở khoảng giữa cánh tay phải.
Hiệu lệnh của cảnh sát điều khiển giao thông được quy định như sau:
Tay giơ thẳng đứng để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở các hướng đều phải dừng lại
Hai tay hoặc một tay dang ngang để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở phía trước và ở phía sau người điều khiển phải dừng lại; người tham gia giao thông ở phía bên phải và bên trái người điều khiển được đi tất cả các hướng; cánh tay trái người điều khiển gập đi gập lại sau gáy để báo hiệu người tham gia giao thông bên trái người điều khiển đi nhanh hơn hoặc cánh tay phải người điều khiển gập đi gập lại trước ngực để báo hiệu người tham gia giao thông bên phải người điều khiển đi nhanh hơn; bàn tay trái hoặc phải của người điều khiển ở vị trí ngang thắt lưng và đưa lên, xuống báo hiệu người tham gia giao thông ở bên trái hoặc bên phải người điều khiển đi chậm lại; bàn tay trái hoặc phải của người điều khiển giơ thẳng đứng vuông góc với mặt đất báo hiệu người tham gia giao thông ở bên trái hoặc bên phải người điều khiển dừng lại;
Tay phải giơ về phía trước để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở phía sau và bên phải người điều khiển dừng lại; người tham gia giao thông ở phía trước người điều khiển được rẽ phải; người tham gia giao thông ở phía bên trái người điều khiển được đi tất cả các hướng; người đi bộ qua đường phía sau lưng người điều khiển giao thông được phép đi; đồng thời tay trái giơ về phía trước lặp đi lặp lại nhiều lần, song song với tay phải báo hiệu người tham gia giao thông ở phía bên trái người điều khiển được rẽ trái qua trước mặt người điều khiển.
Quy định về việc sử dụng âm hiệu còi trong điều khiển giao thông của cảnh sát điều khiển giao thông như sau:
Một tiếng còi dài, mạnh là ra lệnh dừng lại
Một tiếng còi ngắn là cho phép đi
Một tiếng còi dài và một tiếng còi ngắn là cho phép rẽ trái
Hai tiếng còi ngắn, thổi mạnh là ra hiệu nguy hiểm đi chậm lại
Ba tiếng còi ngắn thổi nhanh là báo hiệu đi nhanh lên
Thổi liên tiếp tiếng một, nhiều lần, mạnh là báo hiệu phương tiện dừng lại để kiểm tra hoặc báo hiệu phương tiện vi phạm.
Quy định về việc sử dụng ánh sáng trong hiệu lệnh dừng xe của cảnh sát giao thông như sau: cầm đèn ánh sáng có mặt đỏ giơ cao hướng về phía phương tiện đang chạy tới.
Trường hợp khi có tín hiệu hoặc hiệu lệnh phải dừng lại, nếu phương tiện tham gia giao thông đã đi vượt qua vạch sơn “Vạch dừng xe” tại các nơi đường giao nhau mà dừng lại sẽ gây mất an toàn giao thông thì được phép đi tiếp; người đi bộ còn đang đi ở lòng đường thì nhanh chóng đi hết hoặc dừng lại ở đảo an toàn, nếu không có đảo thì dừng lại ở vạch sơn phân chia hai dòng phương tiện giao thông đi ngược chiều.
Trường hợp người điều khiển chỉ gậy chỉ huy giao thông vào hướng xe nào thì xe ở hướng đó phải dừng lại.
1.2. Điều khiển giao thông bằng tín hiệu đèn:
Đèn tín hiệu chính điều khiển giao thông được áp dụng ba loại màu tín hiệu: xanh, vàng và đỏ; chủ yếu có dạng hình tròn, lắp theo chiều thẳng đứng hoặc nằm ngang. Thứ tự tín hiệu lắp theo chiều thẳng đứng: đèn đỏ ở trên, đèn vàng ở giữa và đèn xanh ở dưới. Thứ tự tín hiệu lắp đặt theo chiều ngang: đèn đỏ ở phía bên trái, đèn vàng ở giữa và đèn xanh ở phía bên phải theo chiều lưu thông.
Đèn tín hiệu ngoài ba dạng đèn chính còn được bổ sung một số đèn phụ tùy thuộc vào quy mô nút giao và tổ chức giao thông. Việc bố trí đèn phụ được thực hiện tại các nút giao rộng và nơi đường có nhiều xe tải, xe buýt có kích thước lớn lưu thông gây cản trở tầm nhìn. Đèn phụ có hình mũi tên hoặc các hình có ký hiệu phù hợp với quy định của Quy chuẩn này, được lắp đặt trên mặt phẳng ngang với đèn tín hiệu xanh. Các hình trên đèn phụ có thể là hình một loại phương tiện giao thông hoặc hình người đi bộ. Đèn tín hiệu không có đèn phụ thì trong từng tín hiệu của đèn chính, có thể có hình mũi tên. Nếu mũi tên chỉ hướng cho phép rẽ trái thì đồng thời cho phép quay đầu, trừ khi có cắm biển báo số P.124 (a,b) “Cấm quay đầu xe”. Đèn tín hiệu kèm đồng hồ đếm ngược có tác dụng báo hiệu thời gian có hiệu lực của đèn chính; màu của số trên đồng hồ đếm ngược phải sử dụng cùng màu với tín hiệu của đèn chính đang có tác dụng hiệu lệnh. Đèn tín hiệu có hình chữ thập màu đỏ báo hiệu xe phải dừng lại. Trong trường hợp xe đã ở trong nút giao thì phải nhanh chóng đi ra khỏi nút giao.
2. Ý nghĩa của đèn tín hiệu:
Tín hiệu xanh: cho phép đi.
Tín hiệu vàng: báo hiệu sự thay đổi tín hiệu của đèn từ xanh sang đỏ. Tín hiệu vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng trước vạch sơn “Vạch dừng xe”. Nếu không có vạch sơn “Vạch dừng xe”, thì phải dừng phía trước đèn tín hiệu theo chiều đi. Trường hợp phương tiện đã tiến sát đến hoặc đã vượt quá vạch sơn“Vạch dừng xe”, nếu dừng lại sẽ nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau.
Tín hiệu vàng nhấp nháy: báo hiệu được đi nhưng phải chú ý và thận trọng quan sát, nhường đường cho người đi bộ sang đường hoặc các phương tiện khác theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Tín hiệu đỏ: báo hiệu phải dừng lại trước vạch dừng xe. Nếu không có vạch sơn “Vạch dừng xe”, thì phải dừng trước đèn tín hiệu theo chiều đi.
Ý nghĩa của đèn phụ hình mũi tên:
Nếu đèn có lắp đèn phụ hình mũi tên màu xanh thì các loại phương tiện giao thông chỉ được đi khi tín hiệu mũi tên bật sáng cho phép. Tín hiệu mũi tên cho phép rẽ trái thì đồng thời cho phép quay đầu nếu không có báo hiệu cấm quay đầu khác.
Nếu đèn phụ có hình của một loại phương tiện giao thông nào đó xanh thì chỉ loại phương tiện đó được phép đi.
Khi tín hiệu mũi tên màu xanh được bật sáng cùng một lúc với tín hiệu đỏ hoặc vàng thì các phương tiện đi theo hướng mũi tên nhưng phải nhường đường cho các loại phương tiện đi từ các hướng khác đang được phép đi.
Khi tín hiệu mũi tên màu đỏ được bật sáng cùng lúc với tín hiệu đèn chính màu xanh thì phương tiện không được đi theo hướng mũi tên. Những nơi bố trí mũi tên màu đỏ phải bố trí làn chờ cho các xe đi hướng đang có đèn màu đỏ.
Khi tín hiệu màu đỏ có hình của một loại phương tiện nào đó bật sáng cùng lúc với tín hiệu đèn chính màu xanh thì loại phương tiện đó không được đi. Những nơi có bố trí đèn hình phương tiện màu đỏ thì phải bố trí làn chờ cho phương tiện đó.
3. Thứ tự ưu tiên của các hiệu lệnh đều khiển giao thông:
Theo Điều 4, cũng của quy chuẩn này, thứ tự hiệu lực của hệ thống báo hiệu được thực hiện như sau:
Khi đồng thời bố trí các hình thức báo hiệu có ý nghĩa khác nhau cùng ở một khu vực, người tham gia giao thông phải chấp hành loại hiệu lệnh theo thứ tự như sau:
Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông
Hiệu lệnh của đèn tín hiệu
Hiệu lệnh của biển báo hiệu
Hiệu lệnh của vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường
Khi ở một vị trí đã có biển báo hiệu đặt cố định lại có biển báo hiệu khác đặt có tính chất tạm thời mà hai biển có ý nghĩa khác nhau thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của biển báo hiệu có tính chất tạm thời. Biển có tính chất tạm thời là biển sử dụng mang tính tình huống nhằm tổ chức điều khiển giao thông có tính chất ngắn hạn như trong các sự kiện, sự cố giao thông hay sử dụng trong quá trình thi công hoặc sửa chữa đường.
Ví dụ:
Xe máy tham gia giao thông sẽ được đi nếu Cảnh sát giao thông có hiệu lệnh mặc dù đang đèn đỏ.
Ô tô đi trên đường gặp biển báo chỉ cấm xe đạp. Nhưng đồng thời, cắm biển cấm toàn bộ phương tiện thì ô tô không được đi vào.
Theo đó, hiện nay, hiệu lệnh của người điều khiển giao thông (cảnh sát giao thông mặc sắc phục theo quy định; người được giao nhiệm vụ hướng dẫn giao thông) là cao nhất. Do vậy, mọi phương tiện đều phải tuân thủ theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông trên đường.
Ngoài ra, xe máy tham gia giao thông đang dừng đèn đỏ nhưng CSGT có hiệu lệnh đi thì xe được đi. Khi đi trên đường có biển báo cấm rẽ phải nhưng đèn tín hiệu rẽ phải đang ở xanh đèn thì bạn thực hiện rẽ phải theo hiệu lệnh của đèn tín hiệu.
Như vậy, hiệu lệnh của người điều khiển giao thông (cảnh sát giao thông mặc sắc phục theo quy định; người được giao nhiệm vụ hướng dẫn giao thông) là cao nhất, mọi phương tiện đều phải tuân thủ theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông trên đường. Và hiệu lệnh của vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường có giá trị thấp nhất.
Do vậy, khi di chuyển trên đường, tài xế cần nắm vững quy tắc này để ứng biến trong các tình huống giao thông phức tạp.