HĐXX phúc thẩm huỷ bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án, đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án hình sự.
Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án là quyết định của HĐXX phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm mà nội dung của nó là việc không chấp nhận phán quyết trong bản án sơ thẩm và chấm dứt việc giải quyết vụ án theo thủ tục tố tụng hình sự do thấy không có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo. Khác với trường hợp hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại, trường hợp hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án không làm phát sinh quá trình giải quyết lại vụ án ở cấp sơ thẩm mà hậu quả pháp lý của hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án là vụ án sẽ kết thúc một phần hoặc toàn bộ ngay sau khi tuyên án phúc thẩm.
Trong số các căn cứ để huỷ bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án, một số căn cứ xuất hiện từ trước khi khởi tố vụ án nhưng trong quá trình giải quyết vụ án tại các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, do những nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan dẫn đến sai lầm trong nhận thức nên các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo; một số căn cứ có thể xuất hiện ở bất kỳ giai đoạn tố tụng nào như tội phạm đã được đại xá, người bị kết án chết. Trong thực tế có những trường hợp do nhiều lý do khác nhau đã khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự không đúng với quy định của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự. Bởi giới hạn giữa khởi tố và không khởi tố vụ án đối với nhiều hành vi trong thực tiễn là rất khó xác định, dễ nhầm lẫn khi phân tích để áp dụng pháp luật. Khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự không có căn cứ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức. Ngược lại, không khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm. Tại giai đoạn xét xử phúc thẩm, HĐXX phúc thẩm nhận thấy sai lầm của các cơ quan tiến hành tố tụng ở giai đoạn trước thì có quyền huỷ bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.
Mục lục bài viết
1. Hủy bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án:
Theo quy định tại Điều 359 BLTTHS năm 2015, khi có căn cứ khẳng định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi của bị cáo không cấu thành tội phạm (khoản 1, 2 Điều 157 BLTTHS năm 2015) thì HĐXX phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án. Việc tuyên bị cáo không có tội để khôi phục danh dự và quyền lợi cho bị cáo.
– Không có sự việc phạm tội
Không có sự việc phạm tội là trường hợp thông tin về tội phạm không đúng, không có sự việc xảy ra trên thực tế hoặc có sự việc xảy ra nhưng sự việc đó không có dấu hiệu của tội phạm. Điều này diễn ra do nhiều nguyên nhân như nhầm lẫn của người tố giác, báo tin hoặc do vu khống, thù ghét… Thực tế cho thấy việc xác định sự việc phạm tội trong nhiều trường hợp không đơn giản, đặc biệt đối với những vụ án cần tri thức khoa học trong những lĩnh vực khác như xác định nguyên nhân chết, xác định chất lượng công trình xây dựng… Trường hợp HĐXX phúc thẩm xác định không có sự việc phạm tội thì phải huỷ bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án.
– Hành vi không cấu thành tội phạm
Đây là trường hợp có hành vi nguy hiểm cho xã hội xảy ra trên thực tế tuy nhiên hành vi này không cấu thành tội phạm. Hành vi không cấu thành tội phạm là hành vi của người hoặc pháp nhân không thỏa mãn các dấu hiệu pháp lý của một cấu thành tội phạm cụ thể được quy định trong BLHS. Hành vi không cấu thành tội phạm có thể là trường hợp có hành vi nguy hiểm cho xã hội xảy ra nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể nên luật hình sự không coi đó là tội phạm (khoản 2 Điều 8 BLHS năm 2015). Hoặc có hành vi nguy hiểm đáng kể cho xã hội nhưng thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự do không thỏa mãn ít nhất một hoặc nhiều dấu hiệu của tội phạm. Ví dụ: Người thực hiện hành vi gây thiệt hại không có năng lực trách nhiệm hình sự, không có lỗi; người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội do sự kiện bất ngờ, hành vi thực hiện là hành vi phòng vệ chính đáng hoặc hành vi thực hiện trong tình thế cấp thiết…
2. Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án:
HĐXX phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án khi có một trong các căn cứ sau: người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự; người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật; đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; tội phạm đã được đại xá; người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết (khoản 3, 4, 5, 6, 7 Điều 157 BLTTHS năm 2015).
Tùy từng trường hợp, HĐXX phúc thẩm có thể hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, đình chỉ toàn bộ vụ án hoặc chỉ hủy một phần bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án về phần đã bị hủy.
– Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự
Tuổi chịu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 12 BLHS năm 2015. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự nghĩa là chưa thỏa mãn dấu hiệu độ tuổi thuộc yếu tố chủ thể của tội phạm, không đủ điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự. Về bản chất, căn cứ này cũng chỉ là trường hợp hành vi không cấu thành tội phạm do không thỏa mãn dấu hiệu về chủ thể tuy nhiên nhà làm luật tách thành căn cứ riêng để nhấn mạnh tính chất quan trọng của độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.
Việc xác định tuổi của người bị buộc tội căn cứ vào một trong các giấy tờ, tài liệu sau: giấy chứng sinh, giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, sổ hộ khẩu, hộ chiếu. Trường hợp các giấy tờ, tài liệu này có mâu thuẫn, không rõ ràng hoặc không có giấy tờ, tài liệu này thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải phối hợp với gia đình, người đại diện, người thân thích, nhà trường, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động, sinh hoạt trong việc hỏi, lấy lời khai, xác minh làm rõ mâu thuẫn hoặc tìm các giấy tờ, tài liệu khác có giá trị chứng minh về tuổi của người đó. Trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp nhưng chỉ xác định được khoảng thời gian tháng, quý, nửa đầu hoặc nửa cuối của năm hoặc năm sinh thì tùy từng trường hợp cụ thể cần căn cứ khoản 2 Điều 417 BLTTHS năm 2015 để xác định tuổi của họ. Trường hợp kết quả giám định tuổi chỉ xác định được khoảng độ tuổi của người bị buộc tội thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng lấy tuổi thấp nhất trong khoảng độ tuổi đã xác định được để xác định tuổi của họ.
– Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật
Theo nguyên tắc không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm quy định tại khoản 3 Điều 31
– Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do BLHS quy định cho phép cơ quan có thẩm quyền được tiến hành các hoạt động truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội mà khi hết thời hạn đó thì người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định khác nhau đối với mỗi loại tội phạm và được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn này, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà BLHS quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới hoặc người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ. BLHS quy định không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh; tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ thuộc một số trường hợp (Điều 27 BLTTHS năm 2015).
Đối với một số trường hợp phạm tội đặc biệt, cách tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:
1) Đối với tội kéo dài, thời điểm để tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời điểm hành vi phạm tội chấm dứt.
2) Đối với tội liên tục, thời điểm để tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời điểm người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội cuối cùng.
3) Đối với trường hợp phạm tội 02 lần trở lên hay phạm nhiều tội, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được xác định tương ứng cho từng lần phạm tội hoặc cho từng tội tương ứng trên cơ sở chung.
Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được hiểu là việc một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội cấu thành một tội phạm được quy định trong BLHS, lẽ ra người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình, tuy nhiên cho đến khi hành vi phạm tội mà người này thực hiện bị phát hiện thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội đó đã hết. Họ đương nhiên không phải chịu trách nhiệm hình sự và vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự không đặt ra.
– Tội phạm đã được đại xá
Đại xá là một biện pháp khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước do Quốc hội quyết định nhân dịp những sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước đối với những người phạm những loại tội nhất định. Đối với những hành vi phạm tội được đại xá thì dù đang ở trong bất cứ giai đoạn tố tụng nào (điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án) người phạm tội đều được tha tội hoàn toàn, được phục hồi toàn bộ quyền công dân và được coi như không phạm tội và cũng không có án tích trong lý lịch tư pháp. Tính đến nay, trong lịch sử, Việt Nam đã có hai lần đại xá. Cụ thể, lần thứ nhất vào năm 1945 với Sắc lệnh số 52/SL ngày 20/10/1945 xá miễn cho một số tội phạm trước ngày 19/8/1945 [46, tr.184] và lần thứ hai vào năm 1954 với Thông tư số 413/TTg ngày 09/11/1954 của Thủ tướng Chính phủ về đại xá nhân dịp giải phóng Thủ đô, được sự thỏa thuận của Ban Thường vụ Quốc hội. Trường hợp HĐXX phúc thẩm xác định tội phạm đã được đại xá trước đó mà Tòa án cấp sơ thẩm vẫn kết tội bị cáo thì phải hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.
– Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác
Mục đích của việc áp dụng trách nhiệm hình sự và hình phạt đối với người phạm tội không chỉ nhằm trừng trị họ mà còn giáo dục học ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới. Mục đích đó chỉ có thể đạt được nếu áp dụng đối với người còn sống. Do đó, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, nếu xác định người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án ở giai đoạn tương ứng. Nếu bị cáo chết ở giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm thì HĐXX phúc thẩm vẫn mở phiên tòa xét xử và ra bản án phúc thẩm, cụ thể như sau:
* Về phần trách nhiệm hình sự của bị cáo đã chết tuyên trong bản án sơ thẩm
Trường hợp bản án sơ thẩm tuyên bị cáo không phạm tội bị kháng cáo, kháng nghị theo hướng có tội. Nếu xét thấy việc tuyên không phạm tội là đúng thì HĐXX phúc thẩm áp dụng điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 BLTTHS năm 2015 không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm. Nếu thấy việc tuyên không phạm tội là không đúng thì HĐXX phúc thẩm áp dụng điểm d khoản 1 Điều 355, khoản 7 Điều 157, khoản 2 Điều 359 BLTTHS năm 2015 hủy quyết định của bản án sơ thẩm về phần tuyên bị cáo không phạm tội và đình chỉ vụ án về phần hình sự đối với bị cáo đã chết.
Trường hợp bản án sơ thẩm tuyên bị cáo phạm tội bị kháng cáo, kháng nghị. Nếu xét thấy bản án sơ thẩm tuyên bị cáo phạm tội là không đúng thì HĐXX phúc thẩm áp dụng điểm d khoản 1 Điều 355, khoản 7 Điều 157, khoản 1 Điều 359 BLTTHS năm 2015 hủy quyết định của bản án sơ thẩm, tuyên bố bị cáo không phạm tội và đình chỉ vụ án về phần hình sự đối với bị cáo đã chết. Nếu thấy bản án sơ thẩm tuyên bị cáo phạm tội là đúng thì áp dụng điểm d khoản 1 Điều 355, khoản 7 Điều 157, khoản 2 Điều 359 BLTTHS năm 2015 hủy quyết định của bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án về phần hình sự đối với bị cáo đã chết.
Trong trường hợp HĐXX phúc thẩm hủy quyết định của bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án về phần hình sự đối với bị cáo đã chết thì quyết định của bản án sơ thẩm bị hủy bao gồm: quyết định về phần hình phạt chính và hình phạt bổ sung; quyết định về kê biên tài sản để bảo đảm thi hành hình phạt tiền, hình phạt tịch thu tài sản; quyết định về án phí hình sự sơ thẩm.
* Về phần trách nhiệm dân sự của bị cáo chết trong giai đoạn xét xử phúc thẩm
Nếu xét thấy bị cáo không phạm tội và quyết định của bản án sơ thẩm về trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại đối với bị cáo đã chết trong giai đoạn xét xử phúc thẩm là không đúng (vì bị cáo không có trách nhiệm phải trả lại tài sản hoặc bồi thường thiệt hại) thì HĐXX phúc thẩm hủy quyết định của bản án sơ thẩm về trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại.
Nếu xét thấy bị cáo không phạm tội nhưng quyết định của bản án sơ thẩm về trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại đối với bị cáo đã chết trong giai đoạn xét xử phúc thẩm là đúng và không bị kháng cáo, kháng nghị thì HĐXX phúc thẩm không xét quyết định của bản án sơ thẩm về việc trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, có nghĩa là quyết định này của bản án sơ thẩm đã có hiệu lực thi hành.
Nếu xét thấy việc Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo phạm tội là đúng và quyết định của bản án sơ thẩm về trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại đối với bị cáo đã chết trong giai đoạn xét xử phúc thẩm là đúng và không bị kháng cáo, kháng nghị thì HĐXX phúc thẩm không xét quyết định của bản án sơ thẩm về trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại.
Nếu trong vụ án có nhiều bị cáo mà chỉ có một hoặc một số bị cáo thỏa mãn những căn cứ quy định tại Điều 157 BLTTHS 2015 thì Tòa án cấp phúc thẩm chỉ hủy phần bản án sơ thẩm liên quan, tuyên bố bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án đối với bị cáo đó. Đối với các bị cáo còn lại vẫn tiến hành xét xử bình thường.
Tuy nhiên, có thể thấy Điều 359 BLTTHS năm 2015 không quy định việc HĐXX phúc thẩm định chỉ vụ án theo căn cứ tại khoản 2 Điều 155 BLTTHS năm 2015, tức là trong trường hợp người có quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự đã yêu cầu mà lại rút đơn yêu cầu tại phiên tòa phúc thẩm. Theo tác giả, đây là khiếm khuyết của BLTTHS năm 2015. So với Điều 105 BLTTHS năm 2003, khoản 2 Điều 155 BLTTHS năm 2015 đã bỏ quy định về thời điểm rút yêu cầu khởi tố, “mở rộng quyền rút yêu cầu của bị hại; bị hại được rút yêu cầu không chỉ trước khi mở phiên tòa sơ thẩm. Quy định như vậy là hợp lý và tôn trọng quyền của bị hại”, đồng thời quy định này “tháo gỡ những vướng mắc trong trường hợp người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố ở thời điểm khác như tại phiên tòa”.
Tuy nhiên, việc không quy định thẩm quyền cho HĐXX phúc thẩm đình chỉ vụ án theo căn cứ tại khoản 2 Điều 155 BLTTHS năm 2015 đã gây ra vướng mắc cho Toà án các cấp. Trước tình hình đó, TAND tối cao đã ban hành
Tại giai đoạn xét xử phúc thẩm: Trường hợp có kháng cáo, kháng nghị mà tại giai đoạn xét xử phúc thẩm người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu thì HĐXX hoặc Thẩm phán chủ toạ phiên toà xét xử theo thủ tục rút gọn căn cứ vào khoản 2 Điều 155 và Điều 359 của Bộ luật tố tụng hình sự huỷ bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án. Trong bản án phúc thẩm, Toà án phải nhận định rõ lý do huỷ bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án là do người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu, không phải do lỗi của Toà án cấp sơ thẩm.
Hướng dẫn trên bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, phù hợp với quy định tại Điều 157 BLTTHS về thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án khi có một trong các căn cứ quy định tại Điều 157 BLTTHS; thể hiện sự tôn trọng ý chí của bị hại, tạo điều kiện cho người phạm tội khắc phục hậu quả, hạn chế gây những tổn thất, mất mát về mặt vật chất, tinh thần có thể có đối với bị hại, tạo cơ hội để hàn gắn mối quan hệ giữa hai bên. Tình huống trên đặt ra yêu cầu cần phải sửa đổi BLTTHS theo hướng bổ sung quy định về thẩm quyền của HĐXX phúc thẩm huỷ bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu tại giai đoạn xét xử phúc thẩm.
3. Đình chỉ việc xét xử phúc thẩm:
Cùng với việc quy định thêm thẩm quyền thứ năm của HĐXX phúc thẩm là đình chỉ việc xét xử phúc thẩm tại điểm đ khoản 1 Điều 355 thì BLTTHS năm 2015 đã bổ sung 01 điều luật quy định cụ thể căn cứ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, thời hạn ra quyết định đình chỉ việc xét xử phúc thẩm. Theo quy định tại khoản 1 Điều 348 BLTTHS năm 2015, HĐXX phúc thẩm ra quyết định đình chỉ việc xét xử phúc thẩm trong trường hợp tại phiên tòa phúc thẩm người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo, VKS rút toàn bộ kháng nghị. Bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày HĐXX phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm. Quy định này nhằm đảm bảo sự thống nhất với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính, cũng như để phù hợp với thực tiễn xét xử phúc thẩm vụ án hình sự. Trường hợp người kháng cáo rút một phần kháng cáo, VKS rút một phần kháng nghị tại phiên tòa mà xét thấy không liên quan đến kháng cáo, kháng nghị khác thì HĐXX phúc thẩm nhận định về việc rút một phần kháng cáo, kháng nghị và quyết định đình chỉ xét xử phần kháng cáo, kháng nghị đó trong bản án phúc thẩm (khoản 3 Điều 342 BLTTHS năm 2015).