Theo quy định, nhãn hiệu xe được đăng ký để phân biệt những sản phẩm khác cũng như đảm bảo quyền lợi của chủ sở hữu nhãn hiệu.Vậy, hành vi tự ý thay đổi nhãn hiệu xe bị xử phạt bao nhiêu tiền? Cần làm gì để đăng ký nhãn hiệu xe?
Mục lục bài viết
1. Hành vi tự ý thay đổi nhãn hiệu xe bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Để đảm bảo quyền lợi cho các bên tham gia kinh doanh đã đăng ký nhãn hiệu xe thì Nhà nước nghiêm cấm mọi hành vi tự thay đổi, sửa chữa, làm giả nhãn hiệu xe. Căn cứ khoản 2 Điều 55 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định: Chủ phương tiện sau khi mua xe không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe. Vì bất kỳ lý do nào mà cá nhân không tuân thủ đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đều là hành vi trái pháp luật.
– Với những cá nhân có hành vi vi phạm sẽ chịu mức phạt tiền theo quy định tại Khoản 1, Khoản 15 Điều 30
+ Đối với cá nhân thì mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng;
+ Đối với tổ chức thì mức phạt gấp đôi cá nhân cụ thể: từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng. Cả hai đối tượng này là chủ sở hữu xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện hành vi tự ý thay đổi nhãn hiệu, màu sơn của xe không đúng với Giấy đăng ký xe thì áp dụng theo đúng mức phạt đã nêu ở trên để xử lý
– Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính thì có thể chịu hình phạt bổ sung quy định tại khoản 17, Nghị định 123/2021/NĐ-CP như sau:
Tự ý thay đổi nhãn hiệu thì cần có biện pháp khắc phục hậu quả là khôi phục lại nhãn hiệu, màu sơn ghi trong Giấy đăng ký xe theo quy định nếu có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1; điểm m khoản 7 Điều này.
Như vậy, mức phạt hành vi tự ý thay đổi nhãn hiệu của xe không đúng với Giấy đăng ký xe thì có thể bị phạt lên tới 400.000 đồng; buộc phải khôi phục lại nhãn hiệu ghi trong Giấy đăng ký xe theo quy định.
2. Cảnh sát giao thông trong tuần tra, kiểm soát có quyền được dừng xe, xử phạt hành vi tự ý thay đổi nhãn hiệu không?
Căn cứ theo Điều 8 Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định về Quyền hạn của Cảnh sát giao thông trong tuần tra, kiểm soát như sau:
– Cảnh sát giao thông có quyền được yêu cầu chủ phương tiện tạm thời dừng tham gia giao thông đường bộ (sau đây viết gọn là phương tiện giao thông) theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan để thực hiện nhiệm vụ giao phó;
Mục đích của nhiệm vụ này là kiểm soát người và phương tiện giao thông, giấy tờ của người điều khiển phương tiện giao thông, xem xét giấy tờ của phương tiện giao thông có hợp lệ hay không và giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện giao thông đang kiểm soát theo quy định của pháp luật; kiểm soát việc thực hiện các quy định về an toàn vận tải đường bộ.
– Có quyền được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính nếu nhận thấy hành vi vi phạm giao thông đường bộ, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định;
– Trong vấn đề giải quyết tai nạn, ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ nếu cần sự hỗ trợ từ các ban ngành thì có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết;
Ngoài ra, Cảnh sát giao thông còn có thể huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện đó nếu xuất hiện tình trạng khẩn cấp vì mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, cán bộ Cảnh sát giao thông đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát;
– Để phục vụ cho công việc, khi nhận nhiệm vụ những chiến sỹ sẽ được trang bị, sử dụng phương tiện giao thông; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; vũ khí, công cụ hỗ trợ; phương tiện thông tin liên lạc; phương tiện kỹ thuật khác theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020); Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; tuân thủ quy định khác của pháp luật có liên quan và của Bộ Công an,…
Ngoài ra, tại Điều 12 của Luật này đã ghi nhận rõ nội dung kiểm soát:
– Hoàn toàn có quyền kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông, gồm:
Giấy phép lái xe; Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, Bằng, Chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng; Giấy đăng ký xe hoặc bản sao chứng thực Giấy đăng ký xe kèm bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực (trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy đăng ký xe); Giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, Giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định (đối với loại phương tiện giao thông có quy định phải kiểm định); Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và giấy tờ cần thiết khác có liên quan theo quy định (sau đây gọi chung là giấy tờ). Khi các cơ sở dữ liệu đã kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử, xác định được các thông tin về tình trạng của giấy tờ thì việc kiểm soát thông qua kiểm tra, đối chiếu thông tin của các giấy tờ đó trong tài khoản định danh điện tử có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ;
– Kiểm soát thông tin, điều kiện tham gia giao thông của phương tiện giao thông xem có đúng với quy định như: Hình dáng, kích thước bên ngoài, màu sơn, biển số phía trước, phía sau và hai bên thành phương tiện giao thông; điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng theo quy định;
– Kiểm soát quá trình chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn vận tải đường bộ;
– Kiểm soát nội dung khác có liên quan theo quy định của pháp luật.
Như vậy với quy định nêu trên, Cảnh sát giao thông hoàn toàn có thẩm quyền yêu cầu dừng xe để kiểm tra thông tin liên quan đến cá nhân, phương tiện giao thông cũng như xử phạt nếu có hành vi vi phạm nhãn hiệu.
Lưu ý: Những chiến sỹ này thực hiện việc tuần tra, kiểm soát phải thực hiện theo đúng mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra kiểm soát mà cấp trên phân công.
3. Hồ sơ, thủ tục để đăng ký nhãn hiệu xe:
3.1. Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu cho xe và phụ tùng xe tại Việt Nam:
Cá nhân, tổ chức để đảm bảo quyền lợi của mình thì cần chuẩn bị giấy tờ sau theo sự hướng dẫn của pháp luật sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, cụ thể:
– Cần chuẩn bị 02 mẫu đơn đăng ký nhãn hiệu theo mẫu quy định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định;
– Nhãn hiệu đăng ký đảm bảo kích thước là 80x80mm (05 mẫu);
– Cần chuẩn bị danh sách xe và các sản phẩm phụ tùng xe cần gắn nhãn hiệu;
– Các Biên lai thanh toán phí và lệ phí nhà nước;
– Bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu của chủ sở hữu nhãn hiệu và người nộp đơn;
– Trường hợp người đăng ký nhãn hiệu không thực hiện trực tiếp thủ tục này thì ủy quyền cho người khác thực hiện thông qua thư ủy quyền;
3.2. Thủ tục đăng ký nhãn hiệu cho xe và phụ tùng xe tại Việt Nam
Bước 1: Lên ý tưởng và tạo nhãn hiệu thuộc sở hữu riêng
Việc cá nhân thực hiện đăng ký nhãn hiệu cần tránh việc trùng lặp, đạo nhái lại hình ảnh của nhãn hiệu đã được đăng ký trước đây. Nên cần tiến hành tra cứu nhãn hiệu để khả năng đăng ký nhãn hiệu thành công trước khi nộp chính thức. Đồng thời, thực hiện thiết kế nhãn hiệu mang dấu ấn riêng của mình.
Bước 2: Soạn và nộp đơn đăng ký nhãn hiệu
Có hai hình thức để cá nhân có nhu cầu đăng ký nhãn hiệu để nộp đơn:
– Người có nhu cầu đăng ký nhãn hiệu chuẩn bị hồ sơ nộp trực tiếp tại Cục Sở hữu Trí tuệ (Cục SHTT) tại thành phố Hà Nội hoặc hai văn phòng đại diện tại thành phố Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh.
– Trong trường hợp, khó khăn về địa lý thì người nộp đơn cũng có thể nộp đơn đăng ký nhãn hiệu qua đường bưu điện.
Bước 3: Tiến hành thẩm định hình thức nhãn hiệu
Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký nhãn hiệu thì Cục SHTT có trách nhiệm phân công cán bộ xem xét, đánh giá đơn đăng ký nhãn hiệu theo các yêu cầu về hình thức như biểu mẫu, nhãn hiệu, người nộp đơn, quyền nộp đơn, loại sản phẩm,…
Trong trường hợp, nếu hồ sơ hợp lệ và đáp ứng mọi điều kiện theo quy định thì Cục SHTT sẽ thông báo chấp nhận đơn đăng ký hợp lệ;
Nếu hồ sơ không hợp lệ thì trả lại hồ sơ và hướng dẫn người nộp đơn chỉnh sửa cho phù hợp về hình thức, nội dung.
Lưu ý: Thời gian đánh giá của bước này là từ 01 tháng đến 02 tháng kể từ ngày nộp đơn.
Bước 4: Công bố đơn
Trong vòng 02 tháng kể từ ngày có Thông báo chấp nhận đơn hợp lệ, Cục SHTT sẽ công bố đơn đăng ký nhãn hiệu trên Công báo sở hữu công nghiệp.
Việc công bố phải thể hiện rõ nội dung như mẫu nhãn hiệu đã được thiết kế, thông tin cá nhân của người nộp đơn, danh sách hàng hóa và dịch vụ đi kèm..
Bước 5: Thẩm định nội dung đơn
Cục SHTT vẫn là cơ quan có trách nhiệm trong việc đánh giá khả năng đơn đăng ký nhãn hiệu được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Thời gian đánh giá của bước này là từ 09 tháng đến 12 tháng kể từ ngày công bố nhãn hiệu. Nếu đơn hợp lệ thì người nộp đơn hoàn thành các khoản phí liên quan đến cấp văn bằng bảo hộ.
Bước 6: Nhận giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu thường được cấp trong vòng 01 tháng kể từ ngày thanh toán đầy đủ lệ phí.
Các văn bản pháp luật được sử dụng:
– Luật Giao thông đường bộ năm 2008;
–
– Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông.