Bảo kê lâu nay thường được hiểu là muốn sinh sống làm ăn yên ổn ở tại một nơi nào đó thì sẽ phải trả tiền cho người được coi là nắm giữ địa bàn ở đó. Vậy hành vi thu phí bảo kê có vi phạm pháp luật không?
Mục lục bài viết
1. Thực trạng hành vi thu phí bảo kê hiện nay:
Bảo kê lâu nay thường được hiểu là muốn sinh sống làm ăn yên ổn ở tại một nơi nào đó thì sẽ phải trả tiền cho người được coi là nắm giữ địa bàn ở đó. Số tiền đó thường sẽ được gọi là “phí bảo kê”, nếu như không chịu trả khoản phí này thì sớm muộn cũng sẽ có người đến để gây khó dễ để ép phải bỏ tiền ra. Người có quyền thu tiền bảo kê chính là những kẻ có “máu mặt” ở địa bàn đó, nhiều đàn em, có thế lực mạnh và có thể có những mối quan hệ móc nối với những người có chức vụ quyền hạn. Vấn nạn bảo kê cũng đã xuất hiện từ lâu nhưng đến nay vẫn đang khó ngăn chặn được xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân từ người có hành vi bảo kê, nguyên nhân cũng từ chính bị hại và cả từ cơ quan nhà nước.
Về những đối tượng có hành vi bảo kê, những người mà có thể trở thành kẻ “cầm đầu” ở tại một địa bàn để có quyền thu tiền bảo kê chắc chắn sẽ không phải tầm thường ở trong giới tội phạm. Băng nhóm của chúng có tổ chức chặt chẽ với nhau, đông người, có luât lệ riêng, thế lực mạnh nên rất là khó trấn áp. Thậm chí chúng còn có cả một “bộ máy” hoàn chỉnh, được phân chia thứ bậc mà trong đó người này sẽ thu tiền bảo kê của người kia rồi lại có những người khác cao hơn thực hiện thu tiền bảo kê của người này. Chúng cấu kết chặt chẽ với nhau thành một mạng lưới đủ sức lũng đoạn cả một địa bàn rộng lớn. Những băng nhóm như vậy thường là có rất nhiều người, được trang bị các hung khí vũ khí nguy hiểm, ưa dùng vũ lực, rất là hung hăng và cũng rất trung thành nên cản trở rất nhiều đối với hoạt động trấn áp tội phạm.
Về phía những người là bị hại, những người này mặc dù là bị cưỡng ép phải đóng tiền bảo kê cho những đối tượng xấu nhưng có rất nhiều người lại không chịu hợp tác với cơ quan chức năng để tố cáo các hành vi phạm tội. Một phần là vì họ sợ hãi sẽ bị trả thù, họ cũng chỉ mong muốn sinh sống làm ăn yên ổn và chấp nhận mất đi một khoản tiền để đánh đổi sự “yên ổn” đó. Một phần họ cũng nghĩ rằng là nếu như dẹp bỏ đám bảo kê này sẽ có đám bảo kê khác nổi lên và họ vẫn sẽ bị thu tiền như trước. Và cũng có thể những người thực hiện việc thu tiền bảo kê đó cũng giúp “bảo vệ” cho bị hại trước những băng nhóm khác. Số tiền mà bị hại bị mất để trả tiền bảo kê theo họ nghĩ cũng chính là chi phí để họ được bảo vệ.
2. Thu phí bảo kê có phải là hành vi vi phạm pháp luật không?
Pháp luật chỉ quy định cá nhân, cơ quan, tổ chức phải có nghĩa vụ nộp những loại thuế và các loại phí, lệ phí mà pháp luật quy định, cụ thể bao gồm những loại thuế và các loại phí, lệ phí sau:
– Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).
– Thuế giá trị gia tăng (GTGT).
– Thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
– Thuế xuất nhập khẩu (XNK).
– Thuế tài nguyên.
– Thuế bảo vệ môi trường (BVMT).
– Thuế tiêu thụ đặc biệt.
– Phí thuộc lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản.
– Phí thuộc lĩnh vực công nghiệp, thương mại, đầu tư, xây dựng.
– Phí thuộc lĩnh vực ngoại giao.
– Phí thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng.
– Phí thuộc lĩnh vực giao thông vận tải.
– Phí thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông.
– Phí thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch.
– Phí thuộc lĩnh vực y tế.
– Phí thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
– Phí thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ.
– Phí thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.
– Phí thuộc lĩnh vực tư pháp.
– Phí trong lĩnh vực khác.
– Lệ phí quản lý nhà nước liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân.
– Lệ phí quản lý nhà nước liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản.
– Lệ phí quản lý nhà nước liên quan đến sản xuất, kinh doanh.
– Lệ phí quản lý nhà nước đặc biệt về chủ quyền quốc gia.
– Lệ phí quản lý nhà nước trong các lĩnh vực khác.
– Lệ phí môn bài.…
Theo đó, quy định của pháp luật hiện hành không có một loại thuế, phí, lệ phí nào được gọi là phí bảo kê. Bản chất, hành vi thu phí bảo kê chính việc bên bảo kê đảm bảo cho những bên được bảo kê có thể hoạt động mà không bị quậy phá, không bị cản trở đến việc kinh doanh, ngược lại thì bên được bảo kê phải đóng cho bên bảo kê một khoản tiền bất hợp pháp. Rất nhiều trường hợp, bên bảo kê còn có hành vi sử dụng vũ lực hoặc là lợi dụng vị thế, quyền lực để bảo trợ cho các hoạt động kinh doanh, làm ăn hoặc đảm bảo quyền lợi bất hợp pháp của một số người, một số nhóm người, với động cơ, mục đích vụ lợi.
Như vậy, qua các phân tích trên thì có thể khẳng định được rằng hành vi thu phí bảo kê chính là hành vi vi phạm pháp luật.
3. Những hình phạt mà người có hành vi thu phí bảo kê phải đối mặt:
Như đã phân tích ở trên, hành vi thu phí bảo kê chính là hành vi vi phạm pháp luật. Người có hành vi thu phí bảo kê có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản nếu như đủ các yếu tố cấu thành tội phạm của tội này. Căn cứ Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung 2017 thì người có hành vi thu phí bảo kê bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản có thể phải đối mặt với những hình phạt sau:
– Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: Nếu người có hành vi thu phí bảo kê đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác (người bị thu phí bảo kê, thông thường là những tiểu thương) nhằm chiếm đoạt tài sản (tiền bảo kê) thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
– Phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: Nếu người có hành vi thu phí bảo kê đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác (người bị thu phí bảo kê, thông thường là những tiểu thương) nhằm chiếm đoạt tài sản (tiền bảo kê) mà một trong các trường hợp sau đây sẽ bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
+ Có tổ chức;
+ Mang tính chất chuyên nghiệp;
+ Phạm tội đối với người đang dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
+ Chiếm đoạt tài sản mà trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, đến trật tự, an toàn xã hội;
+ Có tái phạm nguy hiểm.
– Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: Nếu người có hành vi thu phí bảo kê đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác (người bị thu phí bảo kê, thông thường là những tiểu thương) nhằm chiếm đoạt tài sản (tiền bảo kê) mà một trong các trường hợp sau đây sẽ bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
+ Chiếm đoạt tài sản mà trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
+ Lợi dụng về thiên tai, dịch bệnh.
– Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: Nếu người có hành vi thu phí bảo kê đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác (người bị thu phí bảo kê, thông thường là những tiểu thương) nhằm chiếm đoạt tài sản (tiền bảo kê) mà một trong các trường hợp sau đây sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
+ Chiếm đoạt tài sản mà trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
+ Lợi dụng về hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung 2017.