Tham nhũng là một thực trạng gây nhức nhối trong xã hội hiện nay. Vậy tham nhũng là gì? Hành vi tham nhũng nào sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự? Sau đây Luật Dương Gia xin được phép cung cấp cho quý độc giả về thông tin các hành vi tham nhũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mục lục bài viết
- 1 1. Các hành vi tham nhũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự:
- 1.1 1.1. Các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện, bao gồm các hành vi sau:
- 1.2 1.2. Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm các hành vi sau:
- 2 2. Khung hình phạt của các tội phạm tham nhũng được quy định trong Bộ luật Hình sự:
- 2.1 2.1. Tội tham ô tài sản:
- 2.2 2.2. Tội nhận hối lộ:
- 2.3 2.3. Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản:
- 2.4 2.4. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ:
- 2.5 2.5. Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ:
- 2.6 2.6. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi:
- 2.7 2.7. Tội giả mạo trong công tác:
- 3 3. Nguyên nhân gây ra tham nhũng là gì?
- 4 4. Biện pháp phòng ngừa các hành vi tham nhũng hiện nay:
1. Các hành vi tham nhũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự:
Căn cứ theo khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định như sau:
” Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”.
Trong quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 không có quy định về khái niệm các tội phạm tham nhũng. Nhưng lại chia ra thành hai nhóm tội phạm liên quan đến hành vi tham nhũng. Cụ thể là, nhóm hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện và nhóm hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện.
1.1. Các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện, bao gồm các hành vi sau:
– Hành vi tham ô tài sản;
– Hành vi nhận hối lộ;
– Hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;
– Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
– Hành vi lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
– Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi;
– Hành vi giả mạo trong công tác vì vụ lợi;
– Hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi;
– Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi;
– Hành vi nhũng nhiễu vì vụ lợi;
– Hành vi không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
– Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.
1.2. Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm các hành vi sau:
– Một là, hành vi tham ô tài sản;
– Hai là, hành vi nhận hối lộ;
– Ba là, hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.
2. Khung hình phạt của các tội phạm tham nhũng được quy định trong Bộ luật Hình sự:
Các tội phạm tham nhũng theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 bao gồm 07 Điều luật từ Điều 353 đến Điều 359. Trong đó, các hình phạt chính được áp dụng bao gồm: cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn, tù chung thân và cao nhất là hình phạt tử hình. Các hình phạt bổ sung gồm có: cấm đảm nhiệm chức vụ, hình phạt tiền, tịch thu tài sản (một phần hoặc toàn bộ). Cụ thể như sau:
2.1. Tội tham ô tài sản:
Căn cứ theo Điều 353 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định:
+ Đối với khung hình phạt ở Khoản 1: hình phạt tù từ 02 đến 07 năm tù giam;
+ Đối với khung hình phạt ở Khoản 2: hình phạt tù từ 07 đến 15 năm tù giam;
+ Đối với khung hình phạt ở Khoản 3: hình phạt tù từ 15 đến 20 năm tù giam;
+ Đối với khung hình phạt ở Khoản 4: hình phạt tù là 20 năm; tù chung thân hoặc tử hình.
Ngoài ra, người phạm tội này còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 đến 05 năm; có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng; tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
2.2. Tội nhận hối lộ:
Căn cứ theo Điều 354 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định:
+ Đối với khung hình phạt ở Khoản 1: Hình phạt tù từ 02 đến 07 năm;
+ Đối với khung hình phạt ở Khoản 2: Hình phạt tù từ 07 đến 15 năm;
+ Đối với khung hình phạt ở Khoản 3: Hình phạt tù từ 15 đến 20 năm;
+ Đối với khung hình phạt ở Khoản 4: Hình phạt tù là 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình;
Ngoài ra, người phạm tội này còn bị áp dụng hình phạt bổ sung như sau: cấm đảm nhiệm chức vụ từ 01 đến 05 năm; phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng; tịch thu tài sản (một phần hoặc toàn bộ).
2.3. Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản:
Căn cứ theo Điều 355 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định:
+ Đối với khung hình phạt ở Khoản 1: Hình phạt tù từ 01 đến 06 năm;
+ Đối với khung hình phạt ở Khoản 2: Hình phạt tù từ 06 đến 13 năm;
+ Đối với khung hình phạt ở Khoản 3: Hình phạt tù từ 13 đến 20 năm;
+ Đối với khung hình phạt ở Khoản 4: Hình phạt tù là 20 năm; tù chung thân hoặc tử hình.
Ngoài ra, người phạm tội này còn bị áp dụng hình phạt bổ sung như sau: cấm đảm nhiệm chức vụ từ 01 đến 05 năm; phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng; tịch thu tài sản (một phần hoặc toàn bộ).
2.4. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ:
Căn cứ theo Điều 356 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định:
+ Đối với khung hình phạt ở Khoản 1: người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 01 đến 05 năm;
+ Đối với khung hình phạt ở Khoản 2: người phạm tội bị phạt tù từ 05 đến 10 năm;
+ Đối với khung hình phạt ở Khoản 3: người phạm tội bị phạt tù từ 10 đến 15 năm.
Ngoài ra, người phạm tội này còn bị áp dụng hình phạt bổ sung như sau: cấm đảm nhiệm chức vụ từ 01 đến 05 năm; phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
2.5. Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ:
Căn cứ theo Điều 357 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định:
+ Đối với khung hình phạt ở Khoản 1: người phạm tội bị áp dụng hình phạt tù từ 01 đến 07 năm;
+ Đối với khung hình phạt ở Khoản 2: người phạm tội bị phạt tù từ 05 đến 10 năm;
+ Đối với khung hình phạt ở Khoản 3: người phạm tội bị phạt tù từ 10 đến 15 năm;
+ Đối với khung hình phạt ở Khoản 4: người phạm tội bị phạt tù từ 15 đến 20 năm.
Ngoài ra, người phạm tội này còn bị áp dụng hình phạt bổ sung như sau: cấm đảm nhiệm chức vụ từ 01 đến 05 năm; phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
2.6. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi:
Căn cứ theo Điều 358 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định:
+ Đối với khung hình phạt ở Khoản 1: Hình phạt tù từ 01 đến 06 năm;
+ Đối với khung hình phạt ở Khoản 2: Hình phạt tù từ 06 đến 13 năm;
+ Đối với khung hình phạt ở Khoản 3: Hình phạt tù từ 13 đến 20 năm;
+ Đối với khung hình phạt ở Khoản 4: Hình phạt tù là 20 năm; tù chung thân hoặc tử hình.
Ngoài ra, người phạm tội này còn bị áp dụng hình phạt bổ sung như sau: cấm đảm nhiệm chức vụ từ 01 đến 05 năm; phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
2.7. Tội giả mạo trong công tác:
Căn cứ theo Điều 359 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định:
+ Đối với khung hình phạt ở Khoản 1: Hình phạt tù từ 01 đến 05 năm;
+ Đối với khung hình phạt ở Khoản 2: Hình phạt tù từ 03 đến 10 năm;
+ Đối với khung hình phạt ở Khoản 3: Hình phạt tù từ 07 đến 15 năm;
+ Đối với khung hình phạt ở Khoản 4: Hình phạt tù là từ 12 đến 20 năm.
Ngoài ra, người phạm tội này còn bị áp dụng hình phạt bổ sung như sau: cấm đảm nhiệm chức vụ từ 01 đến 05 năm; phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
3. Nguyên nhân gây ra tham nhũng là gì?
Một là, do tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị nói chung còn nhiều khuyết điểm.
Hai là, do cơ chế, chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện. Công tác tuyên truyền mang tính phong trào. Chưa phân hóa rõ nhiệm vụ của hệ thống cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng.
Ba là, do mức sống thấp, trình độ quản lý nhà nước, pháp luật hạn chế, đang trải qua quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế.
Bốn là, do sự suy thoái về phẩm chất đạo đức của bộ phận không nhỏ cán bộ Đảng viên. Đây được xem là nguyên nhân cốt lõi, gây suy yếu công tác quản lý, giáo dục đào tạo cán bộ đảng viên của các tổ chức Nhà nước và Đảng. Nền kinh tế thị trường cần mở rộng giao lưu bên ngoài. Hơn nữa, tác động của yếu tố vật chất khiến nhiều cán bộ sa ngã, bị lợi ích cám dỗ, trượt vào tham nhũng, tội lỗi.
4. Biện pháp phòng ngừa các hành vi tham nhũng hiện nay:
Một là, đẩy mạnh phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong chính lực lượng chức năng và đội ngũ cán bộ, công chức thực thi pháp luật.
Hai là, thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, quy trình chuyên môn nghiệp vụ. Cần ban hành quy chế làm việc rõ ràng, minh bạch, cụ thể và có cơ chế kiểm soát hiệu quả đối với cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, điều tra, thi hành án, thuế,… bảo đảm ngăn chặn cho được tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, “vòi vĩnh”, “chung chi”, phục vụ động cơ cá nhân, vụ lợi trong thực thi công vụ.
Ba là, tăng cường phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các đoàn thể chính trị xã hội, các cơ quan báo chí và nhân dân tham gia giám sát trong việc phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017;
– Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.