Thiên tai có thể gây thiệt hại vô cùng nghiêm trọng về người, tài sản, môi trường, động kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, nhằm chủ động phòng, chống để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, pháp luật đã ghi nhận một số hành vi bị cấm trong hoạt động phòng, chống thiên tai.
Mục lục bài viết
1. Hành vi nào bị cấm trong hoạt động phòng, chống thiên tai?
1.1. Khái quát chung về hoạt động phòng, chống thiên tai:
Hiện nay pháp luật đã quy định cụ thể về hoạt động phòng chống thiên tai. Bởi tại Việt Nam, thì thiên tai là một hiện tượng diễn ra vô cùng phức tạp, vì thế phòng chống thiên tai được đặt lên hàng đầu, cố gắng khắc phục mọi hậu quả do thiên tai gây ra, giảm thiểu một cách tối đa đối với người dân. Từ trước đến nay, thiên tai được xem là một hiện tượng tự nhiên bất thường có thể xảy đến với con người bất cứ lúc nào, thiên tai xảy ra ngoài suy nghĩ và dự đoán của các chủ thể, có thể gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, gây thiệt hại về môi trường và điều kiện sống, cũng như thiệt hại về các hoạt động kinh tế xã hội đối với con người. Thiên tai bao gồm nhiều loại, có thể là bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc do dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng bất ngờ, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại rét đậm, mưa đá, sương muối, thậm chí là động đất sóng thần … cùng với một số loại thiên tai khác.
Thiên tai gây ra những hậu quả khó lường, thậm chí là vô cùng nghiêm trọng đối với đời sống con người. Vì thế có thể hiểu, phòng chống thiên tai là khái niệm để chỉ quá trình mang tính hệ thống, bao gồm nhiều hoạt động khác nhau với mục đích phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
1.2. Những hành vi bị cấm trong hoạt động phòng, chống thiên tai:
Theo quy định của pháp luật hiện nay, cụ thể là căn cứ tại Điều 12 của Luật phòng chống thiên tai năm 2020 hiện nay, có quy định về một số hành vi bị cấm trong hoạt động phòng chống thiên tai, cụ thể như sau:
– Nghiêm cấm đối với các hành vi lợi dụng thiên tai và lợi dụng các hoạt động trong quá trình phòng chống thiên tai để gây thiệt hại đến nền độc lập và chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gây thiệt hại đến quốc phòng an ninh và lợi ích của toàn quốc gia dân tộc, gây mất trật tự đối với xã hội và xâm hại đến tài sản của nhà nước, xâm hại đến tài sản hợp pháp của nhân dân, quyền lợi của các chủ thể khác, và thực hiện các hành vi trái quy định của pháp luật;
– Nghiêm cấm các hành vi phá hoại và làm hư hại, các hành vi cảm cho sự vận hành của các công trình phòng chống thiên tai trái với quy định của pháp luật;
– Nghiêm cấm các hành vi vận hành hồ chứa thuỷ điện, hoặc vận hành hồ chứa thủy điện và các trạm bơm không đúng với quy trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, trừ các trường hợp đặc biệt theo sự chỉ đạo của các chủ thể có thẩm quyền;
– Nghiêm cấm thực hiện hoạt động làm tăng rủi ro thiên tai mà không có biện pháp xử lý và không có các biện pháp khắc phục kịp thời theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là đối với hoạt động chặt phá rừng phòng hộ hoặc lấn chiếm sông bãi, lấn chiếm lòng sông và tạo ra các vật cản, cản trở dòng chảy của sông nước và khai thác trái phép các loại khoáng sản gây ra hiện tượng sạt lở bờ sông và sạt lở bờ biển;
– Nghiêm cấm các hành vi chống đối hoặc cản trở, các hành vi nhầm mục đích cố tình trì hoãn và không chấp hành sự chỉ đạo của các chủ thể có thẩm quyền trong việc phòng chống thiên tai;
– Nghiêm cấm các hành vi chống đối hoặc cản trở, không chấp hành hiệu lệnh và quyết định huy động lực lượng, quy định các nguồn nhân lực và vật tư, phương tiện và các trang thiết bị cùng với các loại nhu yếu phẩm phục vụ cho quá trình ứng phó khẩn cấp thiên tai của các chủ thể có thẩm quyền;
– Lợi dụng thiên tai để nhằm mục đích đầu cơ trái quy định của pháp luật nâng cao giá thành các loại hàng hóa sản phẩm, đầu cơ vật tư và phương tiện, các trang thiết bị và nhu yếu phẩm với mục đích trục lợi cá nhân, gây thiệt hại tới đời sống dân sinh;
– Sử dụng sai mục đích làm thích thoát tiền và hàng cứu trợ, chiếm dụng tiền và hàng cứu trợ, cứu trợ không kịp thời và không đúng đối tượng theo quy định;
– Nghiêm cấm các hành vi cố Ý đưa tin sai sự thật về quá trình phòng chống thiên tai và hoạt động phòng chống thiên tai nói chung;
– Cố ý báo tin sai sự thật về thiệt hại do thiên tai gây ra, gây ra những hoang mang trong dư luận, và một số hành vi khác theo quy định của pháp luật.
2. Một số nguyên tắc cơ bản trong quá trình phòng, chống thiên tai:
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Luật phòng chống thiên tai năm 2020 hiện nay, có ghi nhận về một số nguyên tắc cơ bản trong hoạt động phòng chống thiên tai, cụ thể như sau:
– Phòng ngừa một cách chủ động và ứng phó kịp thời nhằm mục đích khắc phục hậu quả khẩn trương do thiên tai gây ra;
– Phòng chống thiên tai là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cũng là trách nhiệm của các tổ chức cá nhân trong xã hội, trong đó thì nhà nước giữ vai trò chủ đạo còn các chủ thể trong xã hội giữ vai trò chủ động, cùng giúp đỡ nhau trong quá trình phòng chống thiên tai;
– Phòng chống thiên tai được thực hiện theo phương châm bốn tại chỗ: Vật tư tại chỗ, hậu cần tại, chỗ lực lượng tại chỗ và chỉ huy tại chỗ;
– Phòng chống thiên tai phải đảm bảo tính công bằng và nhân văn, quá trình phòng chống thiên tai phải đảm bảo tính minh bạch và bình đẳng giới;
– Phải tiến hành hoạt động lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai trong các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung và của địa phương nói riêng;
– Phòng chống thiên tai phải dựa trên cơ sở khoa học, kết hợp với các kinh nghiệm truyền thống cùng với sự tiến bộ của công nghệ; kết hợp hài hòa giữa giải pháp công trình và phi công trình, đan xen với đó là hoạt động bảo vệ môi trường và bảo vệ hệ sinh thái, thích ứng với các hiện tượng biến đổi khí hậu.
3. Nội dung cơ bản của hoạt động phòng, chống thiên tai:
Theo quy định tại Điều 5 của Thông tư 22/2023/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 03/2019/TT-BGTVT ngày 11/01/2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ, các nội dung cơ bản của hoạt động phòng ngừa thiên tai được ghi nhận như sau:
– Xây dựng các kế hoạch phòng, chống thiên tai sao cho phù hợp với thực tế và phù hợp với pháp luật, nhằm hạn chế ảnh hưởng của thiên tai đối với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; ngăn chặn các nguy cơ gây hư hại hoặc hủy hoại công trình khi thiên tai xảy ra;
– Trong phạm vi quản lý của đơn vị, phải thường xuyên kiểm tra; đánh giá mức độ an toàn của các công trình cần được bảo vệ hoặc các công trình có liên quan đến phòng, chống, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Nếu phát hiện hư hỏng hoặc xuống cấp, phải kịp thời có biện pháp xử lý; trong trường hợp vượt quá khả năng của đơn vị, phải báo cáo ngay với cơ quan cấp trên trực tiếp để xử lý, khắc phục trước mùa mưa, bão;
– Chỉ đạo xây dựng phương án phòng ngừa thiên tai sao cho hợp lý. Phương án phải dự kiến sự cố thiên tai có thể xảy ra, dự kiến mức độ ảnh hưởng đối với công trình đường bộ, thiết bị, tài sản, nhà xưởng, phương tiện vận tải đường bộ; lập phương án và biện pháp xử lý phù hợp theo các nội dung như sau: Các biện pháp gia cố, phương án sơ tán các phương tiện, thiết bị, hàng hóa; phương án cứu hộ, cứu nạn, chuyển tải hành khách, hàng hóa; Dự trữ vật tư để phòng thiên tai gây hậu quả sạt lở đường, cắt đứt giao thông đường bộ kéo dài, thường xuyên theo dõi diễn biến của thiên tai …;
– Thiết lập một số chế độ và một số thông tin tình thế trong thời gian sự cố xảy ra, dự kiến trước những tình huống có thể xảy ra như mất điện, gián đoạn thông tin để chủ động phòng ngừa, khắc phục nhanh và hiệu quả khi có tình huống xảy ra;
– Tăng cường kiểm tra công tác phòng ngừa lụt, bão, sự cố, thiên tai của các đơn vị trực thuộc, đặc biệt là tại các công trình trọng điểm, xung yếu;
– Tổ chức và tham gia tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ về kỹ năng xử lý thông tin trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và cứu nạn;
– Chỉ huy hoạt động của lực lượng xung kích phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và cứu nạn của đơn vị;
– Tổ chức thường trực, cập nhật thông tin diễn biến của thiên tai.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật phòng, chống thiên tai năm 2020;
– Thông tư 22/2023/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 03/2019/TT-BGTVT ngày 11/01/2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ.